Tôi về nhà, thấy bố nằm trên võng, mắt lim dim. Trên kệ, chiếc ti vi vẫn đang mở và trên bàn chiếc radio cũng đang nói. Tôi không còn ngạc nhiên vì đã có lần bố bảo mở cả tivi và đài cho có tiếng người. Tôi bước vào, bố không ngủ nhưng phải một lúc lâu sau khi nghe tiếng tôi gọi thì ông mới trả lời “Con về đấy à”.

Sau khi uống nước, tôi hỏi bố: “Hình như lâu rồi, bố không đến thăm người yêu cũ à?”.  Bố vẫn đang nằm trên võng, nghe tôi hỏi, ông cười cười rồi từ từ lấy hơi nhả từng chữ “Giờ đi một đoạn là mệt rồi”. Da bố vẫn nhợt nhạt vì sức đã kiệt nhưng tôi cảm thấy ánh mắt ông long lanh hơn sau khi trả lời tôi. Có lẽ câu hỏi của tôi đã đánh thức một miền ký ức tươi trẻ trong ông, chắc là hình ảnh người đàn bà đó đang hiện trước mắt.

Nhưng nhanh chóng, ông lại thở dài:
– Mệt quá, nằm cả ngày cũng mệt, không làm gì mà cũng mệt. Giờ, mẹ mày cứ về đón đi là tốt nhất!

– Hứ, mẹ đi lâu rồi, chắc có anh chàng trẻ nào ở đó rồi, bố tốt nhất nên ở đây với tụi con, xuống đó, mẹ lại khó xử.

– Ờ, có khi đợi lâu quá, mẹ mày có ông khác rồi cũng nên.

– Há, há… Bố thấy chưa, có phải phiền không, nên cứ ở đây với con thôi…

Mẹ tôi mất đã hơn ba mươi năm, kể từ khi tôi còn chưa kịp biết gì về mẹ. Lúc mẹ đi, tôi còn bé tí xíu, hình như còn cười nhăn nhở trong đám tang mẹ, đơn giản vì tự dưng thấy nhà đông người lắm, lại còn nhiều hoa cúc được mang tới. Tôi thích hoa từ bé, mọi loại hoa, không quan tâm ý nghĩa của chúng, khi yêu thì cứ là yêu thôi. Bố tôi cứ lẻ bầy như thế từ lúc mẹ đi. Ngày bé, chúng tôi bám chân bố như thể buông ra lúc nào là mất ngay chỗ dựa lúc ấy. Lớn dần chúng tôi đi hết, còn lại bố một mình, chỉ có bố là không bao giờ níu giữ con cái, chỉ mong chúng được tự do đến những chân trời vui vẻ.

Không biết ngày đi, mẹ có từng hẹn hò với bố rằng sẽ xây dựng lại một gia đình ở kiếp sau không? Có lẽ không. Hoặc có thể mẹ hẹn, nhưng bố chưa trả lời. Bởi tôi tin bố tôi không hẹn thế…

***

Người yêu cũ của bố tôi ở cách nhà chúng tôi chừng 200 mét đường chim bay, 500 mét đường đi vòng từ cổng nhà này tới cổng nhà kia. Cô ấy dáng gầy mảnh khảnh, yếu ớt, nước da trắng xanh. Tôi không rõ mặt mẹ mình, không nhớ dáng hình bà nên không thể so sánh, hai người thì ai đẹp hơn ai, tình cũ của bố hay mẹ tôi. Mà nếu mẹ tôi còn đó, hẳn là tôi cũng không so sánh, bởi mọi sự so sánh đều không có ý nghĩa gì cả, so sánh để xem ai đáng được yêu hơn càng không có nghĩa. Tôi chỉ biết rằng bố tôi từng rất yêu người đàn bà đó. Nhưng cô ấy lại ngã lòng vì một người khác.

Mẹ tôi kém tuổi bố và kém cả tuổi cô ấy. Tôi chẳng có gì để mô tả về mẹ. Những gì tôi tả về bà, sẽ chỉ là tưởng tượng, mà tưởng tượng thì thành thật là không nên dùng để nói về người thân của mình. Bà ra đi, trong cái nghèo xơ xác của làng quê đến nỗi một tấm ảnh chân dung để lại cũng không có. Duy nhất còn cái ảnh từ chứng minh thư ra nhưng ố mờ lỗ chỗ, và bố tôi nhờ người ta vẽ lại, cố chắp nối vết ố mờ để làm ảnh thờ. Thế nên ảnh mẹ trên ban thờ, tuyệt không thể gợi cho tôi hình dung rõ ràng về bà, hình ảnh ấy không hoàn hảo nên tôi chưa khi nào mơ được về mẹ. Thế nên có lẽ cả đời tôi dùng để cảm về bố mình, yêu thương và bênh vực ông cụ, như thể mọi người đều bênh vực người duy nhất ở bên cạnh mình. Còn về mẹ, có lẽ chỉ để khao khát, một khao khát mãi mãi không thành thiện thực, chứ không cảm được về mẹ. Có lẽ thế nên theo một cách nào đó, những hành xử của tôi có thể sẽ thiên vị bố hơn và lạnh lùng với mẹ hơn. Thế nên trong khi anh chị em tôi không hề muốn nhắc về người yêu cũ của bố, thì tôi lại vẫn thường xuyên nói với ông về cô ấy.

TÌNH XƯA 4 – Đỗ Thành | VĂN TUYỂN

***

Sau đôi ba câu hỏi thăm, tôi vào bếp nấu cơm, bên ngoài phòng khách, bố vẫn nằm trên võng, và chiếc radio đang phát chương trình Cửa sổ tình yêu. Chả hiểu sao họ lại đặt tên chương trình là Cửa sổ tình yêu? Sao không phải cửa chính mà chỉ là cửa sổ nhỉ? Bây giờ bố vẫn đang im lặng. Bố đang lắng nghe, thích nghe, hay chỉ đơn giản mở đài cho có tiếng người, còn đài nói gì không quan tâm?!

Tôi ngó ra hỏi bố:

– Bố ơi, sao ngày xưa bố lại yêu cô Minh nhỉ? Con vẫn không hình dung ra…

Cô Minh tức là người yêu cũ của bố tôi mà tôi nhắc ở trên. Nghe tôi hỏi, ông lấy sức bật dậy khỏi cái võng. Ông đặt chiếc đài lên bàn và tắt máy. Cứ như thể, ông sắp nói với tôi chuyện rất quan trọng nên không để thứ âm thanh hỗn tạp nào lẫn vào.

– À, thì… Mà, tình yêu thì làm sao trả lời được vì sao, yêu là yêu ấy…

– Nhưng mà con thấy dường như mọi người cũng không có gì ngợi khen cô ấy như với mẹ con nhỉ?

– Hì hì. Thì yêu là yêu mà!

– Hay nhỉ, đúng là thần tình yêu bị mù…

– Hả??

Thời của bố tôi, người ta không học thần thoại Hy Lạp, người ta thuộc về những gì ở phương Đông, chứ không quen với những vị thần tình yêu, thần ánh sáng…nên câu nói trên của tôi khiến bố ngạc nhiên. Nhưng sau câu nói ấy, tôi thấy đôi mắt bố long lanh hơn. Rồi ông lại từ từ nằm xuống võng.

Bàn thờ mẹ tôi ở ngay trong phòng khách, đối diện với chiếc võng mà bố đang nằm. Không biết mẹ có đang nghe chuyện của tôi và bố không. Và không biết mẹ nghĩ gì? Có khi nào mẹ nghĩ tôi đã lãng quên bà trong các câu chuyện?! Có khi nào mẹ nghĩ rằng tôi đã không biết ghen thay mẹ?!

Câu chuyện của tôi và bố cứ đứt quãng vì tôi lại phải quay vào bếp. Thấy tôi lại chăm chú băm băm chặt chặt nên bố lại vặn volume chiếc đài to lên. Nhà đài đã chuyển sang một chương trình gì đó như là chương trình sức khỏe.

***

Nấu xong, tôi mời bố vào ăn cơm. Lúc đó thì chiếc đài đã được nghỉ ngơi, và tivi đang mở chương trình phim Hàn Quốc. Tôi lướt qua màn hình, nhìn thấy diễn viên Hàn Quốc quen thuộc nhưng không rõ phim gì. Tôi cất lời hỏi:

– Bố ơi ăn trong nhà hay con bưng ra ngoài, để bố vừa ăn vừa xem phim nhé.

– Thôi, ăn ở trong đấy, phim này không hay, ối giời cả bộ phim toàn người xấu thôi, rồi lằng nhằng lắm, ngoại tình lung tung, sao giờ xã hội lại thế nhỉ?

– Á, biên kịch đôi khi cũng cứ tự cho mình cái quyền phỉnh khán giả đấy mà bố…

– Ờ. Thôi ăn cơm đã.

Thế là bố tắt tivi rồi vào nhà ăn. Ở tuổi ngoài bảy mươi, với chút sức mòn của một người chỉ còn chưa đầy bốn chục ký lô thì hàng ngày bố tôi phải dùng nhiều bữa thuốc hơn bữa cơm. Riêng buổi sáng, bố đã phải uống hai lần thuốc, một lần trước ăn dùng thuốc tiểu đường, một lần sau ăn là thuốc huyết áp và tim mạch, giữa chiều uống liều thuốc Bắc, tối thì uống thuốc an thần bổ não. Nhưng bố vẫn giữ được thói quen ăn nhanh và rất cẩn trọng với những thức ăn dễ bị hóc. Bố ăn xong hai lưng cơm, khi tôi vẫn đang nhặt những hạt cơm ở bát đầu tiên. Ăn xong rồi bố bảo về phòng ngủ trưa. Chợt nhớ ra cái gì, ông quay lại:

– À, còn quả ổi, bố để trong tủ lạnh đấy, lấy ra mà ăn.

– Ổi ở đâu thế bố?

– Của cô Minh đưa từ hôm trước. Nhưng giờ bố ăn ổi được gì nữa, rắn lắm…

– Cô Minh ư, cô ấy tới đây à?

– Không, gặp ở đám ma.
Thế rồi, ông chưa về phòng ngay mà ngồi lại để kể về chuyện gặp cô Minh hôm trước. Hôm đó là đám tang bà cụ Nhài. Bố tôi là cháu họ của cụ Nhài. Cô Minh thuộc đoàn tế lễ của làng, cứ khi ai qua đời thì đoàn tế tới để cúng giải nghĩa trước khi đưa tang, để linh hồn người khuất sớm siêu thoát. Đó là lý họ bố và cô gặp nhau hôm trước.

Tôi cầm con dao bổ đôi quả ổi, khi bố hồi hộp kể:

– À, lạ, lần này cô Minh lại gọi bố là anh, “Anh cũng ở đây à”, “Anh cũng…

– Ơ, thế trước đây cô ấy gọi bố thế nào?

– Thì gọi là bác, xưng em, gọi thay con cái thôi.

Người quê, ít ai gọi nhau là anh – em khi họ đã tới tuổi trung niên, nói gì bố tôi và cô ấy đã tới tuổi thất thập cổ lai hy. Cặp từ anh – em khiến họ cảm thấy mềm mại, sến súa quá. Thế nên khi có tuổi, họ thường chuyển sang gọi nhau là bác – em, cô – tôi cho nền nã. Tôi cũng từng thấy cô Minh gọi bối tôi là bác xưng em. Thế mà sao bữa trước, cô lại gọi bố tôi như thế nhỉ? Bố tôi nghĩ ngợi là phải thôi. Tôi im lặng, vì không biết chia sẻ thế nào với bố về cảm giác này. Và cũng không biết cách xưng hô đó tạo ra sự khác biệt thế nào trong mối quan hệ của hai người. Tôi cố gắng liên tưởng tới những câu chuyện của mình để xem khi người ta chuyển cách xưng hô thì sẽ thế nào. Rồi tôi tìm một lý do nhưng bố tôi đã nói trước:

– À, chắc hôm đó cô ấy gọi bố bằng anh là vì hôm đó có cả bác mày đứng cùng nên cô ấy gọi luôn là “anh, chị”.

– Thế bố xưng lại thế nào…

– Thì vẫn xưng tôi với cô, còn thế nào…

– Thế lẽ ra lúc đấy bố cũng xưng lại là anh, với em… như ngày xưa, ngày còn trẻ ấy chứ.

– Ngượng miệng chết đi được!

Bố nói thế nhưng rõ ràng tôi cảm được cảm giác chộn rộn của kẻ bị mũi tên tình yêu bắn xuyên qua, cảm giác ấy đang lây sang người đứng cạnh. Chỉ một cách xưng hô thôi cũng tạo sự rung động mạnh mẽ. Tôi chỉ tủm tỉm cười.

Bố cũng không nói gì nữa mà đi về phòng riêng. Những thoáng long lanh trên đôi mắt không che giấu được sự mệt mỏi kiệt sức của bố. Rửa bát xong tôi mang bộ thử đường huyết vào phòng để thử cho bố. Đường huyết tăng lên cao hơn hẳn mọi tuần. Tôi liền kiểm tra thuốc. Thừa ra hai viên.

– Bố, sáng nay bố có uống thuốc không đấy?
– Có, bố uống đều mà?

– Bố nhớ lại, sáng nay bố đã uống chưa, con chia ra kia 7 ngày, sao giờ đang con dư ra 2 viên?

– Hình như, mà bố không nhớ rõ…

Chắc chắn bố lại quên không uống rồi. Có từ sáng đến trưa mà việc uống thuốc bố không nhớ. Vậy mà mỗi tiếng “Anh” của người yêu cũ trong đám tang hôm nào thì bố vẫn nhớ, nhớ trong hồi hộp, thao thức.Tôi không muốn truy xuất thêm về việc uống thuốc vì có thể sẽ khiến bố mệt. Bố tôi sợ phải dùng thuốc như trẻ nít vậy. Thế là tôi lại tiếp tục câu chuyện về mẹ tôi và cô Minh:

– Bố, thế sao bố lại lấy mẹ nhỉ?

– Ờ, thì… duyên số

– ….

– Nhưng mà, bố lấy mẹ mày là đúng tốt nhất rồi, là may mắn rồi. Mẹ mày nhẹ nhàng, không nóng nảy như mấy đứa con. Mà mẹ mày chiều chồng, chiều con lắm. Ngày đó ông nội mày còn bảo sao thằng chồng chả chịu làm gì, mà nó, tức mẹ mày ấy cứ làm tối ngày, về chẳng bao giờ kêu ca, lại còn chăm chồng, chiều chồng nữa.

– ….

– Nói thật, bố lấy mẹ mày đúng là tuyệt, chỉ tội là mẹ mày bỏ đi sớm quá.

Lần nào nhắc đến mẹ tôi, và người cũ, bố cũng phải nói “ừ bố lấy mẹ mày là tốt rồi, phù hợp là đúng rồi, mẹ mày chiều chồng, chiều con”. Cứ như thể ông phải nói thế để lấy lòng tôi, để tôi không hiểu lầm, không giận, không ghen thay bà.

Nói tới đó, bố bảo tôi ra ngoài, khép cửa lại cho tối để bố ngủ trưa. Nhưng trước lúc tôi ra ngoài, bố còn kịp trách:

– Ờ… à mà, chúng mày không nghe lời, giờ người ta xây mộ sát cạnh mộ mẹ mày rồi, chả còn khoảng trống nào cho bố nằm đâu.

Lại chuyện xây mộ. Mộ mẹ tôi nằm bên cạnh dãy mộ nhà ngoại. Giữa mộ mẹ và dãy mộ kia có khoảng trống, đủ để xây lên một ngôi mộ khác. Hơn chục năm trước, bố đã bảo chúng tôi mua gạch về xây lên cái mộ giả bên cạnh mộ mẹ, ý là nhận chỗ. Ở quê tôi, họ cứ xây một hàng gạch được xem như đã nhận. Không ai dám tranh phần với mộ đã được nhận. Bố cũng muốn chúng tôi nhận như thế để chắc chắn khi bố qua đời, sẽ được nằm cạnh mẹ.

Nhưng có nhiều người nói nhận mộ trước sẽ bị Diêm Vương quở trách nên người thân của mình có thể sẽ phải đi sớm. Thế là chúng tôi nhất quyết không mang gạch ra nhận mộ. Đất ở nghĩa địa thì cứ ngày một chật hơn. Thế là người ta xây mộ người quen nằm sát mộ mẹ tôi. Đông Bắc Tây Nam đều đã chật chỗ, không thể đặt thêm một ngôi mộ nào hết. Chắc hôm vừa rồi nhân đám tang cụ Nhài, bố ra thăm mộ mẹ nên lại trách chúng tôi việc này.

– Thôi được rồi, lúc bố nằm xuống, chúng con sẽ tìm cách để hai người nằm cạnh nhau.

– Thì lúc đó làm cũng được, nhưng mà như vậy lại phải cải mộ mẹ mày lên đấy, lại…

– Thôi, được rồi, thế cứ phải nằm cạnh nhau ạ?

– Ừ, con này nói hay…

– Không, con biết rồi. Thế nghĩa là bố cứ nhất quyết kiếp sau vẫn nằm bên cạnh mẹ à?

– Thế còn bên cạnh ai? Chúng mày về già, chết đi, cũng nằm bên cạnh ông bà và bố mẹ…

– Vâng, kiếp sau con vẫn là con của bố, nhưng mà…

– Nhưng mà cái gì?

– Thế bố không muốn kiếp sau về với người yêu cũ à?

– Cũ cái gì mà cũ, thiên hạ cười cho đấy….

Tôi kéo cửa lại cho bố ngủ. Nhưng tôi ngồi mãi dưới di ảnh mẹ. Tại sao nhất định vợ chồng phải nằm bên nhau trong ngôi nhà cuối cùng của kiếp người. Phải chăng vì đã 30 năm kiếp đời, phải sống lẻ bóng, xa vợ nên Bố ám ảnh rằng đến khi chết vẫn cô đơn, không có vợ bên cạnh?

Tại sao kiếp sau, bố không nghĩ sẽ đồng hành cùng một người khác, người mà bố đã bị lỡ một đời? Nếu thật lòng được thoát ra khỏi những quan niệm truyền thống, thì bố đã bao giờ từng ước kiếp sau sẽ được nên duyên với cô Minh?

***

Đã nhiều lần tôi hỏi vì sao ngày trẻ bố và cô Minh lại không đến được với nhau. Có lần bố im lặng. Có lần ông lại bảo “Tình yêu mà, ai chắc được kết quả”. Cho tới sau này tôi được biết cô Minh đã chọn người khác, không phải bố tôi. Nhưng cô cũng không may mắn trong lựa chọn của mình. Người đàn ông ấy đã có vợ rồi. Ông ấy ở thành phố về quê tôi làm ăn nên nảy sinh tình cảm với cô. Rồi hai người có ở chung và có hai người con. Nhưng sau đó người vợ cả biết chuyện nên mối quan hệ ấy phải chấm dứt. Cô ấy cũng cứ lẻ bóng từ đó cho tới già.

Sau khi mẹ tôi mất, người ta nghĩ bố tôi sẽ tái hôn bởi lúc đó bố cũng mới ngoài bốn mươi tuổi. Họ đinh ninh khẳng định thế nên khi bố tôi lặng lẽ đi qua bao nhiêu năm lẻ bầy thì họ hoang mang, nghi ngờ, ngỡ ngàng. Họ chưa gặp người đàn ông nào ở vậy như thế. Bố tôi là người đàn ông duy nhất ở làng không tái hôn sau khi vợ mất ở tuổi trung niên. Bố tôi là người đàn ông duy nhất không vướng vào những tin đồn có quan hệ không trong sáng với những người phụ nữ khác sau khi bố mất.

Tôi cũng ngạc nhiên, vì sao ngày đó bố không tái hôn? Và ngạc nhiên hơn, vì bố và cô Minh cả hai đã cùng lẻ bầy, sao không đoàn tụ với nhau.

Tôi đã từng nghe người lớn kể lại rằng sau khi mẹ tôi mất vài năm, người ta nghĩ bố tôi và cô Minh sẽ nối lại duyên xưa. Họ đã từng thấy bố tôi ở nhà cô ấy. Họ đã từng thấy cô ấy đưa gói gì đó qua cửa nhà tôi. Nhưng chưa ai từng nói ra vì sao họ không tái hợp.

Có lần bố bảo người ta đã bỏ mình rồi, quay lại cũng chỉ là gương vỡ lại lành, sao tránh được vết rạn nứt. Tôi cảm thấy trong lời nói ấy vẫn là một nỗi hờn giận kéo dài từ thời trai trẻ tới mãi sau này. Giận thì giận, thương thì thương. Rất kỳ lạ, nỗi giận không làm cho niềm thương nhạt đi và yêu thương cũng lại không đủ làm cho cơn giận mất đi. Lòng người thật lạ, giận thương cứ như hai màu nước chảy cùng trên một dòng sông mà không thể quyện lại với nhau. Đôi lúc tôi nghĩ nếu thời gian làm cơn giận nhạt đi được thì có lẽ tình yêu cũng đã phai lạt đi rồi.

Đã nhiều lần tôi và bố nói chuyện về người yêu cũ của ông nhưng thực ra chưa lần nào tôi nghiêm túc bàn chuyện hai người. Lần này tôi quyết định hỏi:

– Bố ơi, thế hồi trẻ cô ấy bạc với bố, rồi lúc lỡ làng bị đời vùi dập, cô ấy muốn quay lại thì bố lại quay đi. Coi như hai người đã huề nhau nhé. Bây giờ đều già rồi, để con đến thưa chuyện đón cô ấy về, để bố và cô ấy bầu bạn lúc già nhé, chứ cả hai đều một mình thì buồn lắm…

– Hứ, thiên hạ cười chết, cười chết, già rồi…

– Là lo thiên hạ cười thôi phải không bố? Nếu thế thì kệ họ, họ sống đời họ chứ có sống hộ mình đâu, mình sống đời mình chứ có nhờ họ sống thay được đâu. Thế nhé, để con gọi các anh chị về, rồi cùng đến thăm cô ấy nhé.

– Không, thiên hạ cười chết, cười chết, già rồi…

Lại là thiên hạ. Bố vẫn như bao nhiêu người cùng thời, sống ở mái làng lâu, rất ít khi hỏi mình muốn gì mà cứ hỏi thiên hạ nghĩ gì khi mình làm thế.

Rồi bố bảo rằng bố muốn ngủ trưa, chuyện bố và cô Minh không cần nói nữa. Thế rồi bố chìm vào giấc ngủ. Giấc ngủ say hiếm hoi và nhanh đến bất ngờ. Ngay từ hồi trẻ, bố tôi được biết là bị mất ngủ, khó ngủ kinh niên. Nhiều năm tuổi trẻ của tôi đã trôi qua những đêm chứng kiến bố bị đau đầu vì chứng mất ngủ dày vò. Chỉ riêng trưa nay, tôi nghe thấy bố ngáy. Vậy là tôi cũng về phòng mình và lên giường. Nhưng tôi không ngủ được. Chuyện tôi nói đón cô Minh về không phải là đùa cho vui. Đã nhiều năm phiêu bạt xứ người, nghĩ cảnh bố một mình quạnh quẽ, lòng tôi lại tái tê và thấy ân hận. Có lẽ vì chúng tôi nên bố đã nhiều năm sống lẻ bóng như thế. Đã nhiều lúc tôi thầm ước giá như mỗi lần trở về, tôi thấy một người đàn bà khác, những đứa em khác bên cạnh bố tôi. Tất cả đã muộn rồi. Đã nhiều lần tôi nhắc tới cô Minh và mối tình xưa cũ của bố nhưng mọi người đều gạt đi cho rằng già rồi còn nói chuyện tình cảm là không hợp đạo lý truyền thống, đã nhiều lần bố cũng gạt đi xem đó là chuyện nói cho vui. Đã có những lần tôi chứng kiến những người già tái hôn với nhau được thiên hạ và con cháu ném cho cái nhìn khinh khi, bực tức và coi thường. Nhưng có ai từng thấu hiểu nỗi cô đơn của kiếp người, càng già càng cô đơn mà thiên hạ chỉ tới bên cạnh khi chúng ta có chuyện lùm xùm, chứ khi ta mệt nhoài thì có mấy ai tới. Tình yêu sao chỉ là chuyện của người trẻ?!

Tôi muốn một mối tình bình dị chỉ có hai người biết

Mẹ có giận không khi tôi nói về tình cũ của bố, ngay dưới di ảnh của bà. Mẹ có buồn không khi bố luôn khẳng định mẹ là người vợ tốt nhất mà bố may mắn có được nhưng bố lại chưa bao giờ quên cuộc tình với cô Minh. Bố luôn thúc ép chúng tôi phải chuẩn bị để sau này khi nằm xuống, chắc chắn bố được nằm bên mẹ nhưng chưa bao giờ bố phủ nhận rằng người đàn bà sống trong cảm xúc tình yêu cả cuộc đời bố là cô Minh.

Tôi đang lang thang theo từng suy nghĩ thì tiếng động đột ngột từ phòng bố làm tôi bật dậy:

– Bố, có chuyện gì thế, bố sao thế?

– Mấy giờ rồi? – bố hỏi dồn.

– Gần hai giờ chiều.

– Thế à, lấy cái ghế để tao thắp hương mẹ mày.

– Có chuyện gì, có chuyện gì thế bố?

– Bố vừa thấy mẹ mày đi về qua đây, hình như mẹ mày vừa về.

– Bố ngủ mơ rồi.

– Không, mơ gì mà mơ, mẹ mày về thật đấy, mau kê ghế, thắp hương lên, kẻo mẹ mày đi luôn bây giờ.

– Được rồi, để con thắp, để con gọi mẹ, bố cẩn thận, leo lên ghế lại ngã thì khổ.

Thắp xong ba nén hương bên di ảnh mẹ, tôi bước xuống ghế, bố đã kéo chiếc rèm cửa để nắng chiếu vào.Trước cửa nhà, cây hoa hồng và cây lựu nở hoa rực đỏ. Bố tôi bước ra thềm, ngồi sát bên gốc lựu.

– Bố, bố không sao chứ?

– Không, chắc mẹ mày về chuẩn bị đưa bố đi đấy. Giờ cứ ra cho mẹ mày chăm là tốt nhất.

– Ối giời ơi, mẹ đợi lâu quá, đã đi với người khác rồi, bố cứ ở đây với tụi con thôi… Mà bố có nhớ lúc nãy con và bố nói chuyện gì không?

– Chuyện gì?

– Chuyện con đến thưa chuyện với cô Minh, để bố và cô về làm bạn già với nhau ấy. Chuyện ngày xưa bỏ qua đi, dù gì hai người cũng đi tới cuối con đường rồi, làm hòa đi thôi.

– Thiên hạ cười chết, cười chết. Mà hương cháy hết chưa. Chắc mẹ mày lại đi rồi đấy. Ra mộ mẹ mày không?

– Ra bây giờ ạ, còn nắng lắm, để chiều nhé.

– Nắng mùa đông mà, chiều hết nắng đi lạnh lắm.

Thế là tôi khóa cửa và lấy chiếc mũ đội lên đầu bố để cùng ra thăm mộ mẹ. Nghĩa địa cuối đông nắng nhẹ, mờ mờ lẫn trong những làn khói đốt đồng càng trở nên huyền ảo, hiu hắt. Hình như bố bước nhanh hơn mọi lần.

Từ phía ngược chiều có bóng một người đàn bà lênh khênh đi tới. Nắng chiều xiên ngang vào mắt, khiến tôi chói mắt nên không nhận ra người đó là ai. Chắc bố cũng thế. Có lẽ đó là một người làng ra nghĩa địa chuẩn bị cải táng một người thân nào đó. Cuối đông thường có rất nhiều nhà cải táng người thân.

Bố vẫn bước nhanh hơn bình thường. Chắc bố thấy mẹ về thật. Giá kể bố nhường giấc mơ đó cho tôi có phải tôi sẽ được gặp mẹ mình không. Chỉ cần thấy bà trong mơ thôi, tôi cũng mừng lắm rồi. Vậy mà suốt bao năm qua, tôi cố mọi cách, như cố nhìn thật kỹ ảnh mẹ trên bàn thờ, nhớ thật nhiều những gì mà người lớn đã kể về mẹ, chỉ để đêm ngủ sẽ thấy mẹ về trong mơ, rồi tóm lấy hình ảnh ấy làm tài sản về mẹ. Thế mà chẳng bao giờ mẹ về. Tôi níu chân bố chậm lại bằng việc hỏi chuyện:

– Bố, ra giờ này, có phải ở dưới đó mẹ cũng đang ngủ chiều không?

– Con này, lúc nào cũng hỏi toàn chuyện khó trả lời.

– Hiiii!

Bỗng tôi nhận ra người đàn bà đi ngược chiều kia chính là cô Minh. Tôi quay sang nói nhỏ với bố “Cô Minh kìa bố”. Không biết bố có nhận ra không, có nghe thấy tôi thì thầm không nhưng bố vẫn bước nhanh.

– Chào anh, à, chào bác… Mà hai bố con đi thắp hương bác gái à – Cô Minh lên tiếng trước.

– Cháu chào cô. Cô ra đây làm gì giữa chiều thế ạ?

– À, ngày mai là đổi mộ cho bố của cô.

– Cô đấy à, thế ông cụ cũng đi được sáu năm rồi nhỉ… – bố tôi đáp lời.

– Vâng, đời người thật nhanh…

Tôi một mình rảo bước nhanh hơn về phía cổng nghĩa địa, để lại khoảng không gian đó mà tôi không biết rằng những người đứng lại sẽ nghĩ gì. Liệu họ có còn cảm xúc như tôi khi gặp lại anh chàng người yêu cũ, trong một hoàn cảnh không chuẩn bị trước không. Thời gian có làm những cảm xúc đó mài mòn đi không.

Khi tôi lau xong những vệt bụi trên di ảnh mẹ, và nhổ đám cỏ vươn quá cao trên mộ mẹ, thì bố tới. Ngay khi tới nơi, bố lại càm ràm bài cũ “Đấy, nếu ngày đó mấy đứa nghe lời bố, nhận chỗ này, thì sau này bố nằm đây bên cạnh mẹ mày, có phải tốt không, giờ thì họ tranh mất rồi, bảo không chịu nghe, đấy, đã bảo rồi…”.

Tôi mặc kệ bố càm ràm bởi trong tôi vẫn chưa thể nào cắt nghĩa được hai chữ tình yêu, mà tôi đã biết viết nó từ khi mới bốn tuổi. Ngày xưa tôi cứ nghĩ chữ yêu mang nặng ý nghĩa hơn, nhưng có lẽ chữ tình mới thực sự làm người ta day dứt… Một đời người, ta đã sống vì điều gì, vì tình hay vì yêu? Nắng mùa đông hanh hao xao xác. Nghĩa địa tĩnh lặng như nỗi cô đơn của một kiếp người. Tôi nhìn ra ngoài cổng, vẫn thấp thoáng thấy bóng cô Minh ở xa xa. Tôi quay sang nhìn bố đang thầm khấn gì đó bên mộ mẹ. Ba người cô đơn trong ba cõi riêng xa cách vời vợi… Là tại người hay tại trời?!