Ký ức về làng quê là những kỷ niệm đẹp với những lời hát ru ầu ơ của mẹ của bà, những luỹ tre làng luôn rì rào trong gió, những buổi trưa hè oi bức, những con đom đóm lập loè, những tiếng ếch ộp kêu trong đêm…
Ký ức ấy còn có mùi thơm của lúa non, mùi rơm rạ cháy, có vị chua, chát của những quả sấu chưa kịp chín, vị ngọt của những quả ô rô đỏ mọng, vị ngậy giòn của những con châu chấu rang… Ký ức đó còn có những trò nghịch ngợm với cây xấu hổ, với chong chóng tre, đồng hồ lá, nhẫn cỏ; cả những nỗi sợ hãi mang tên con sâu róm và đặc biệt là những trò chơi dân gian như ô ăn quan, chuyền chuyền, nhảy dây…
Làng quê thường gắn với những kỷ niệm, những hình ảnh thân thuộc cùng đời sống cộng đồng quây quần. Hầu như người xa quê đều nhớ về làng quê, nơi chôn rau cắt rốn, với những ký ức đẹp. Những câu hát ru từ trong nôi, những trò chơi dân gian, những câu hát đồng dao… đã ăn sâu vào tiềm thức của con người từng sinh sống nơi đây.
Khi nhắc đến làng quê Việt, ta thường liên tưởng đến những hình ảnh đặc trưng như cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng, con đường quanh co, ngõ xóm xen kẽ. Quanh làng thì trồng những hàng tre chạy dọc bên bờ đê hoặc dọc theo làng, tạo thành những lũy tre làng ngân nga trong gió. Đầu làng trên cuối làng dưới đều có cổng làng là nơi giao lưu giữa người làng này với làng khác, là nơi hẹn hò của những đôi trai gái. Cổng làng cũng là ranh giới phân cách văn hóa đặc trưng và những nét thuần phong mỹ tục của từng làng.
Trong làng có sự giao lưu của những nhà xung quanh. Làng xóm có mối quan hệ khăng khít “tối lửa tắt đèn có nhau”. Đó là một nét văn hóa đặc trưng tạo nên sự liên hệ qua lại, giao lưu gắn kết. Quần thể sinh hoạt trong làng gói gọn lại như một đại gia đình, tạo nên sự đồng cảm, thương yêu, giúp đỡ, sẻ chia.
Khi đời sống xã hội phát triển, các làng quê cũng đổi mới. Nhưng sự đổi mới ấy lại phá vỡ một phần cấu trúc sinh hoạt của làng quê. Những cổng làng cũ mờ rêu phong được đập đi xây bằng những chiếc cổng làng cao đẹp hiện đại. Giếng làng cũng bị bỏ đi, tất cả không gian sinh hoạt cũng thay đổi. Các gia đình đua nhau xây nhà khang trang hơn. Những hàng rào đơn sơ xây gạch thô, những hàng rào dâm bụt, ô rô… được thay thế bằng những hàng rào cao được cắm những vật nhọn sắt hoặc thủy tinh để chống trộm. Nhà gần kề kín cổng cao tường, ai biết nhà nấy. Thay vì giao lưu chòm xóm, người ta ngồi xem tivi, chơi điện thoại.
Làng quê xưa. (Ảnh qua youtube.com)
Người thôn quê đang gồng mình lên để phát triển theo kịp cái hiện đại, nếu không thì sẽ bị coi là lạc hậu. Chính điều đó đã vô tình chiếm hết chỗ trong tâm trí họ, khiến họ bị mắc vào cái vòng quay quá nhanh của lối sống mới. Cấu trúc làng quê ngày càng lỏng lẻo ấy đang phá dần không gian sinh hoạt, văn hóa xưa. Phải chăng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đã đến lúc người dân quê phải nghĩ đến việc lưu lại những giá trị văn hoá xưa? Để không phải hoài vọng về hình ảnh làng quê xưa trong sự tiếc nuối khôn nguôi. Tất nhiên việc ấy thật khó, chẳng thế mà câu nói “Người nông dân biết phải làm sao” đã có lúc là trào lưu của giới trẻ khi đặt các câu hỏi cảm thán về một vấn đề khó khăn của bản thân hoặc bày tỏ nỗi niềm về một vấn đề bế tắc nào đó của xã hội.
Ở nhiều làng quê, đất nông nghiệp được thay thế bằng những sân gôn, những khu nghỉ dưỡng… Người thôn quê có được chút tiền đền bù nhưng lại mất việc, không có đất canh tác, tiền thì tiêu vài năm là hết, vài người biết cách tính toán cũng chỉ có thể xây, sửa được cái nhà. Nam nữ đều muốn thoát ly làng quê, đại đa số đi làm thuê làm mướn, một số nữa đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, một số ít ra thành phố học tập, tìm cách ở lại lập nghiệp tại thành phố để thoát nghèo. Một số làng quê chỉ còn các ông bà già và trẻ nhỏ. Những làng quê vẫn giữ được các cổng làng cổ, các sinh hoạt văn hoá dân gian cũng khá hiếm.
Đôi lúc ta lại cảm thấy chạnh lòng khi chợt bắt gặp một người quê trên phố, tất bật ngược xuôi với những gánh hàng trên vai, lo sợ khi xe công an phường đi dẹp vỉa hè. Rồi ta lại thở dài khi nhìn thấy trên khuôn mặt của họ những nét toan tính, dù gánh hàng rong bán cả ngày cũng chẳng đáng được bao nhiêu… Người quê trên phố ta vẫn có thể gặp hàng ngày. Người quê ở làng ta có thể gặp trong những chuyến đi xa. Nhưng liệu có khi nào ta chợt thấy hình ảnh đã xưa của họ hàng, làng xóm của ta ở đó, có khi nào ta tiếc nuối và mong rằng giá như cái ngày xưa trở lại, giá như làng quê ta là nơi chốn yên bình mà ta muốn trở về…
Ôi quê tôi vẫn còn mái nhà
Liêu xiêu liêu xiêu, thơm mùi khói chiều
Trong giấc mơ của tôi cánh diều no gió
Đi bên em bên em bắt chim sâu
Ôi quê tôi, vẫn còn cánh đồng
Xanh bao la lưng còng dáng mẹ
Xa xa nương dâu nong tằm ăn rỗi
Gió đông quang gánh rách áo em tôi
Tìm bài hát quê mình là câu ca mẹ
Tìm điệu múa song tình cánh cò lả lơi
Thình thình thình thình trống hội ngoài đình
Tình tình tình tình ánh mắt em đưa…
(Ôi Quê Tôi – Ns.Lê Minh Sơn)
Lê Nguyên