Thật xấu hổ! Tôi là dân xứ biển mà chưa hề viết được bài nào ca ngợi đặc sản biển. Có lẽ bây giờ nỗi sợ “hải sản ô nhiễm” làm mình…run tay chăng? Nhưng ký ức ngày xưa vẫn thôi thúc, thôi liều đi, coi như “trả nợ tuổi thơ” một lần.

Quán nghêu sò ốc hến Phú Quốc vì sao hot

Đời tôi đã ăn nhiều loại sò nhưng có ký ức sâu sắc nhất về con sò huyết. Nhà tôi ngày xưa quay mặt ra biển, chỉ cách biển một bãi cát trắng và một con đường. Khi nào má tôi đi chợ về, thấy trong giỏ có một bịch sò to, tôi biết chắc tối đó được ăn sò huyết. Các chị tôi bận tíu tít ngâm sò vô nước vo gạo cho nhả bớt bùn, rồi mấy chị em tìm vài bàn chải đánh răng cũ, kỳ cạch chà cho vỏ sò thiệt trắng. Những con sò trắng muốt nằm trong thau nước, xinh xắn như những trái tim nhỏ. Cơm tối dĩ nhiên tôi len lén ăn ít đi, để dành bụng ăn sò. Kết qủa lần nào cũng bị bắt quả tang kèm câu rầy: “Ăn cho no, tối mới được ăn sò nghe Út!”.

Ăn sò nướng tái lúc bụng đói có khả năng bị Tào Tháo rượt chạy có cờ, tôi biết vậy mà vẫn không chừa được tật…tham ăn. Tối khuya một chút, cỡ 9 giờ, lúc gió biển đã thổi vô lành lạnh và sao đêm nhấp nháy sáng ngời, hai lò than đỏ rực được bưng ra sân thượng. Hai rổ lớn đầy sò để bên cạnh, một chồng dĩa sứ cũ nằm ngoan ngoãn chờ sò được nướng. Hai cái vỉ bình thường nướng thịt giờ phơi mình trên lò, từng con sò được gắp cẩn thận để lên vỉ. Chỉ khoảng vài phút, mấy con sò từ từ há miệng, nước bên trong sôi xèo xèo, kèm theo mùi thơm lừng có vị mặn của biển và ngọt của…sò. Chị tôi lanh tay gắp sò vô dĩa cho từng người. Một tay giữ vỏ và hít hà vì nóng, tay kia tôi dùng nĩa nhôm nhỏ dứt thịt sò đỏ tươi ra chấm vô chén nhỏ đựng muối tiêu chanh. Sò vừa vô miệng là phải đưa vỏ sò lên hút cái rột, xong mới bắt đầu nhai thịt sò. Nói sao ta, cái vị ngọt, mặn, cay, chua xen lẫn đó (nghe giống hương vị cuộc đời quá ha), đặc biệt ở chỗ nó nồng nàn mùi biển mà lại không tanh, và nó ngọt thanh hơn tiết canh nhiều. Tôi vừa ăn, vừa lắng tai nghe sóng vỗ, cảm thấy biển tốt vô bờ, chớ không chỉ có…sóng thần.

Lạc đề một chút, hồi đó ba tôi hay coi báo “Sóng Thần” (một tờ báo trước 1975). Mỗi lần ba coi báo là tôi loay hoay chơi bên cạnh, không hiểu sao biết tên báo xong là cứ ám ảnh một ngày nào đó Nha Trang sẽ gặp…sóng thần. May quá, tôi mới chỉ gặp sóng thần trong…mơ.

Ba tôi có trồng mấy chậu hoa quỳnh trên sân thượng. Hôm nào đúng lúc ăn sò, mà gặp hoa quỳnh nở thì hương quỳnh cùng hương… sò ngan ngát không trung. Kỳ lạ là hai mùi hương này không đối chọi mà còn hỗ trợ cho nhau (theo tôi thấy lúc đó). Tôi khoái để mấy cái vỏ sò dưới chân gốc quỳnh để so coi quỳnh trắng hơn hay sò trắng hơn, làm bà chị tôi (chỉ cùng tên với hoa) tức mình cốc đầu tôi hoài.

Nếu sò trong ký ức tôi là món ăn của đêm khuya thì ghẹ hấp ăn vào buổi trưa, kéo rài rài tới 2 giờ chiều, do thịt ghẹ ráy ra lâu lắm. Tôi nhớ má tôi hay mua ghẹ xanh, con nào con nấy có cái càng bự tổ sư, buộc dây cói rồi mà cứ ngo ngoe muốn kẹp người. Tôi thích lấy cành cây nhỏ chọc cho tụi nó bò lổm ngổm coi chơi, khi tụi nó leo ra khỏi cái thau lớn thì tôi sẽ hét lên và… chạy mất. Má tôi hay chị tôi sẽ túm dây cói quăng tụi nó ngược trở về thau, và dứ dứ ngón tay la tôi cái tội không giúp gì được, chỉ biết nghịch. Chị tôi sẽ khéo léo nắm dây cói và đâm mũi dao nhọn vào phần hõm ở yếm ghẹ, làm nó “ngủm”. Rồi chị cắt dây buộc và dùng bàn chải đánh răng chà sạch yếm, chân, càng và mai. Lúc ghẹ đã sạch, chị lót lớp sả tươi đập dập dưới đáy nồi, xếp ghẹ lên, rồi đến một lớp sả cuối. Nồi nước sôi sùng sục một lúc thì mùi thơm của ghẹ và sả đã bay khắp nhà. Những con ghẹ đỏ au, lốm đốm trắng nằm ngoan ngoãn trên cái mâm to. Cả nhà quây quần bên bàn, chén mắm chanh sả ớt và chén muối tiêu chanh đều có mặt. Tôi nhớ thường được cho cái càng đã được kẹp bể vỏ, tôi chỉ cần kiên nhẫn gỡ từng miếng lớp vỏ ngoài để lộ ra nguyên cái càng thịt ngoài đỏ trong trắng, vừa dai vừa ngọt. Với tôi, cua ngon mấy cũng không bằng ghẹ, nhứt là những cái càng ghẹ đầu đời đó.

Tôi ăn ốc nhiều, nhưng thương nhớ nhứt ốc hương. Thời trước 1975, ốc hương được bắt từ biển, chớ không phải đa số ốc nuôi như bây giờ. Theo chị tôi, vùng Long Hương Phan Thiết nổi tiếng về ốc hương. Mỗi lần xe đò Sài Gòn về qua đó, sẽ có nhiều người bán ốc hương luộc sẵn đựng trong bịch, mỗi bịch nửa ký. Mỗi mùa hè, khi có khách hay anh chị tôi từ Sài Gòn về, quà sẽ là ốc hương Phan Thiết. Ốc hấp lại trong cái xửng to cho nóng, mùi ốc bay ra kích thích cả khứa giác và vị giác, bên chén nước mắm gừng thơm nồng, mấy chị em xúm lại, thận trọng nắm từng mày ốc kéo nhẹ ra. Thịt ốc màu trắng pha vàng, giòn sần sật, hơi mằn mặn vị biển, hòa lẫn trong vị mặn-chua-ngọt, rồi chợt bừng lên vị cay ấm áp của gừng thành một bản hòa tấu ẩm thực không lời, ăn xong nhớ mãi. Sau này dù ăn ốc hương nhiều lần, tôi vẫn không tìm lại được cảm giác đó. Có lẽ, chỉ lần đi ăn chem chép nướng mỡ hành ở Sài Gòn, cùng cô bạn thân thời Đại học sau ngày tốt nghiệp, là cảm thấy có vị đáng nhớ, nhưng chem chép vị khác với ốc hương nhiều, khó mà so sánh được.

Tôi đã đọc đâu đó câu nói, rằng muốn ăn một món ngon không chỉ do món đó ngon mà còn phải đúng người, đúng cảnh, tôi mạn phép thêm hai chữ “đúng lúc”. Sai người cùng ăn, không đúng quang cảnh, và không đúng thời điểm, thì món ngon cách mấy cũng chỉ mang vị ơ hờ nhạt nhẽo. Vậy mà có những món chẳng phải kỳ trân gì, đúng người – đúng cảnh – đúng lúc, lại thành ra những món cả đời không quên, như sò – ghẹ – ốc của tôi.