Xem hình bưu thiếp xưa, thấy có những kiểu bán hàng rong nhiều thập kỷ trước ở Sài Gòn nay đã vắng bóng.


Tranh về hàng rong ở Gia Định trong bộ tranh ký họa của học sinh Trường Mỹ thuật Gia Định xuất bản năm 1935 có tên Monographie dessinée de l’Indochine: Cochinchine.

Không còn ai lang thang bán da thú rừng như da cọp, da beo. Không ai bán con dơi huyết, cắt tiết tại chỗ để lấy máu ngâm rượu. Không còn người đi nhổ răng dạo, chụp ảnh dạo trong các khu xóm. Thầy bói dạo coi chỉ tay đã rất lâu không thấy. Hàng phở gánh cũng không. Xe lông mặt cũng không.

“Bán bánh ca cổ bản” và “Phở tíu”

Có một nghề tên gọi là “Bán bánh ca cổ bản” ở những năm 1930(*), vừa hát một vài bản ca cổ vừa bán bánh, cũng không còn từ rất lâu. Hành nghề này là một nhóm trai trẻ “bận áo cụt vải trắng, quần vải đen, đầu đội nón lá Huế, tay bưng một cái hộp bằng giấy cứng”.

Họ lang thang trên đường phố hay vào các con hẻm, đi đến mỗi nhà, dạn dĩ bước thẳng vào trong. Một người mở miệng hát một bài ca cổ, phía sau lưng có một người đứng khảy đờn đoản đệm theo bài ca.

Cùng lúc, một hoặc hai người đi theo giở hộp lấy ra hai phong bánh in hột sen đặt trên bàn và mời chủ nhà mua. Giá hai phong bánh là một cắc. Phần lớn chủ nhà nghe tiếng đờn ca xôm tụ cũng vui lòng mua giùm một vài phong bánh. Nếu ai mua hai phong, nhóm bán rong này sẽ ca trọn bài cho nghe chứ không chỉ là vài câu nữa.

Làm cách này, họ kiếm tiền dễ dàng lại có vẻ tao nhã, khác hẳn những người đờn ca ngoài đường xin xu lẻ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ gặp nhân viên nhà nước đi thu “tiền chỗ”, phải trả ít xu. Họ tìm cách tránh những nhân viên đó, nhưng khổ nỗi đi đến đâu con nít theo đến đó.

May là dân chúng dọc đường thường giúp đỡ, hễ thấy người góp tiền chỗ từ xa thì báo ngay cho họ biết để kịp lủi vô nhà người dân gần đó trốn.

Lúc đó, hàng bán phở hay hủ tíu, gọi chung là “phở tíu”, bán rong trên đường phố vẫn còn thịnh hành. Trước kia, nghề này của người Hoa nhưng đến giữa thập niên 1930 đã có nhiều người Bắc và người Nam bắt chước theo.

Họ lập gánh mì hoặc gánh phở tíu thịt bò tái, hủ tíu thịt gà và cháo vịt đi bán dạo ngoài đường. Muốn có một cái xe bán “phở tíu”, ít nhất phải có vốn từ ba chục đến năm chục đồng tiền thời đó mới đủ, vì cái xe và thùng nấu nước lèo giá trị vài chục đồng rồi. Còn phải đóng ba-tăng ba tháng là sáu đồng bạc và mua sắm vật liệu…

Mỗi ngày người bán phở lại phải đóng tiền chỗ hết hai cắc. Mỗi ngày họ lời được từ năm cắc tới một đồng bạc, được xem là khá.

Người Việt lúc đó cũng mang thùng thiếc đựng đậu phộng rang đi bán dạo khắp nẻo đường. Có người đi bán bánh mì thịt nguội buổi sáng cho dân thợ ăn đi làm việc. Có người mang thùng thiếc bán kim chỉ, móc tai, dương giấy, nút bóp, nhíp… cho phụ nữ dùng.


Tranh về hàng rong ở Gia Định trong bộ tranh ký họa của học sinh Trường Mỹ thuật Gia Định xuất bản năm 1935 có tên Monographie dessinée de l’Indochine: Cochinchine.


“Ai chồng dăng, nhổ dăng, bịt dăng!”

Chuyện bán rong trên đường phố trước khi khủng hoảng kinh tế (từ năm 1929 đến giữa thập niên 1930) đa số nằm trong tay người Hoa, nhưng sau đó người Việt thức tỉnh, tham gia vào để kiếm thêm chút cháo. Báo Phụ Nữ Tân Văn tháng 4-1933 có bài viết về sự thay đổi này ở Sài Gòn.

Theo tác giả Nguyễn Văn Mym, tuy khó khăn ở đâu không biết “chớ ở Sài Gòn mình lúc này là lúc vui hơn hết. Vui vì cái cạnh tranh phấn chấn cái kích thích trong sự sanh hoạt khó khăn, đâu đâu cũng có cái vẻ hoạt động hăng hái”.

Đó là: “Anh bán bánh mì ngày nào cũng rao: “Bánh mì Annam! Mới ra lò! Bánh mì Annam của Annam làm! Xu nhỏ một ổ”. Anh bán kẹo: “Kẹo kéo dẻo, kéo hoài càng dẻo!”… Anh bán bánh nữ công thì hát. Anh bán dầu (hiệu chi không biết) thì ca Hành vân vọng cổ, bản Tiều…”.

Dù thế nào, những người Hoa ngụ cư vẫn siêng năng lo việc của mình. Họ rao bằng tiếng Việt những món hàng đặc sản của họ: “Nào là chú chệc bán trái cà na: “Lại coi, lại coi! Trái cà na của Lâm Minh Ký ở đường Cây Mai…”; nào là chú chệc bán cánh chỉ (một loại kẹo trái cây, đọc theo tiếng Quảng là cá-dính chỉ nhưng nuốt âm là kính chỉ hay cánh chỉ), ngồi xe máy mà hí hửng hát giòn giã; nào là chú bán “lẻng kẻng” (trái cây ngâm cam thảo) kéo đờn cò, chú bán bánh tay đập thùng bánh, miệng thổi kèn theo điệu diễn binh”.

Những giọng rao nghe thật lạ: “Có chú chệc bán thùng cây, bữa nào cũng hai vai gánh nặng, đi thật nhanh, la inh ỏi: “Thùng cây! Ai mua thùng cây!”… Có chú bán lạp xưởng, cất tiếng rao như ai chửi thề, một dọc: “Lạp xưởng, lạp xưởng, lạp xưởng! Xu nhỏ một cái, xu nhỏ hai cái!”.

Chú chệc trồng răng thì nói đả nói đớt: “Ai chồng dăng, nhổ dăng, bịt dăng!”. Có một chị kia bán bánh tiêu mà rao la quá, nghe như: Hủ ve chìm! Hủ ve chìm!”.

Tác giả cho rằng nếu chịu khó đem dĩa hát ra ngoài đường, “lấy hết” (ý là thu âm, tác giả không hiểu cách thu âm thanh của máy hát dĩa) mấy tiếng lạ đó vô dĩa, bán cho những người bệnh nằm lâu năm đang buồn chán, người không thích hoạt động, người chán đời… thì ai buồn có thể cười được, người thẹn mà bớt lười, người chán đời biết cố gắng hơn.

(*): Theo điều tra của Lê Trung Nghĩa, bài “Cách sinh hoạt của hạng bình dân” đăng trên báo Tân Văn 82, 28-3-1936.

Tiếng ta và tiếng Hoa

Một ký giả báo Hà Thành Ngọ Báo (số 1610, 12-1-1933) ở Hà Nội phát hiện về nghề hàng rong ở Sài Gòn: Nam Kỳ lúc ấy có nhiều tiệm buôn bán của người Hoa, với nhân viên người Hoa nhưng những người bán hàng rong, dù Hoa hay Việt, đều đồng thanh rao bằng tiếng Việt.

Trong khi đó, tác giả phàn nàn ở ngoài Bắc (thời đó) người Việt buôn bán nhiều hơn, tiệm Hoa kiều cũng phải thuê người Việt phụ bán, nhưng người bán hàng rong lại đồng thanh rao hàng bằng tiếng… Hoa. Tác giả tự hỏi tại sao?

Đi hỏi vài bác lâu năm trong nghề bán hàng rong thì bác ấy nói: Thật ra khi có phong trào ủng hộ hàng nội hóa, những người bán hàng rong đã sửa đổi lại, rao bằng tiếng ta thì bị dân chúng cho là hàng không ăn ngon nên không mua, còn nếu rao bằng tiếng Tàu như cũ thì không sao.

Đó là tâm lý in sẵn trong óc cái gì của Hoa kiều là ngon! Qua đó còn thấy sức tiêu xài của người Việt miền Nam là rộng lớn, nên người bán đương nhiên phải chiều chuộng theo để có khách.