Lăng Lê Văn Duyệt (dân gian gọi là lăng Ông) là khu đền và mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) ở số 1 Vũ Tùng, P.1, Q.Bình Thạnh, Sàigon. Do vị trí lăng Ông nằm ở khu vực Bà Chiểu nên người dân quen gọi chung là lăng Ông – Bà Chiểu.

Lịch sử lăng Ông Bà Chiểu

Lăng Ông Bà Chiểu là quần thể khu đền và ngôi mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Tả quân Duyệt là một trong những vị tướng quân, quân sư tài ba có công rất lớn đối với triều đình nhà Nguyễn. Ông phục vụ dưới 2 triều vua là vua Gia Long và vua Minh Mạng.

Tuy nhiên, dưới thời vua Minh Mạng năm 1835 đã xảy ra vụ biến loạn thành Phiên An. Kết cục, Lê Văn Duyệt bị buộc tội “che chở quân phỉ đảng, để gây nên bọn loạn”. Khi này ông đã mất, vua Minh Mạng ra lệnh san bằng mộ, dựng bia đá khắc 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội). Mãi đến đời vua Thiệu Trị (năm 1841), ông mới được giải oan, trụ đá được dẹp bỏ, mộ ông được đắp lại cao và rộng hơn.

Lịch sử lăng mộ Ông Bà Chiểu bắt đầu từ 1848, khi khu lăng mộ về cơ bản được xây dựng xong. Năm 1914, Hội Thượng Công Quý Tế được thành lập. Việc cúng tế miếu lăng Ông Bà Chiểu được tổ chức hằng năm và công tác trùng tu cũng được thực hiện nhiều lần.