Đối với các con không vâng lời, sự nhẫn nại của bố mẹ dường như cũng có hạn, thường sẽ không nhịn được mà lớn tiếng với trẻ, việc này sẽ cứ thế lặp đi lặp lại. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi bố mẹ thường xuyên la mắng con?
Thật ra đừng cho rằng nổi giận nghĩa là yêu thương con, càng đừng cảm thấy rằng nổi giận là tính khí thật của bạn. Người thật sự biết kiểm soát cảm xúc của bản thân mới là người có bản lĩnh, mới có thể thực sự trở thành cha mẹ tốt.
Trước khi bắt đầu chủ đề này, chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện sau đây:
Trước đây có một cậu bé rất thích nổi nóng. Một ngày nọ, bố đưa cho cậu bé một túi đinh để mỗi lần nổi giận, cậu bé đều sẽ phải đóng một cái đinh lên hàng rào sau vườn.
Một tuần sau, cậu bé cùng bố đếm số đinh trên hàng rào, tổng cộng có 50 cái.
Sau một tháng, cậu bé đã dần học được cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, không còn nổi giận nữa, tốc độ tăng của số đinh trên hàng rào cũng giảm đi rất nhiều.
Sau này người bố nói với con trai: “Nếu con có thể không nổi giận trong suốt một ngày, vậy thì con sẽ được nhổ đinh trên hàng rào ra”. Với sự kiên trì của cậu bé, cuối cùng tất cả đinh trên hàng rào đều đã được nhổ ra.
Người bố dắt tay con trai đến bên hàng rào và nói: “Con trai, con làm tốt lắm. Nhưng con xem này, dù cho con đã nhổ đinh ra, nhưng những vết đinh bị con đóng lên thì không thể nào trở về như cũ được, hàng rào không còn đẹp như ban đầu được nữa.
Khi con nổi nóng với người khác, những lời con nói giống như những cái đinh, một khi đóng vào hàng rào trái tim họ rồi, dù cho con có xin lỗi, nhổ đinh ra, nhưng vẫn để lại vết thương trong lòng họ.”
Câu chuyện này không chỉ áp dụng cho trẻ nhỏ, mà còn rất phù hợp với các bậc phụ huynh.
Có những bậc cha mẹ tính khí không tốt, hễ không bảo được con là liền lớn tiếng quát nạt, điều này sẽ tạo nên tác động tiêu cực gì cho trẻ?
Từ khi trở thành bố mẹ, khi con trẻ không nghe lời, cảm xúc giống như nước lũ cuộn trào mất kiểm soát; khi con trẻ có hành vi thách thức, việc đầu tiên là lớn tiếng với con, ngay cả bản thân chúng ta cũng không biết vì sao mình lại phản ứng với con như vậy, cứ thế tự động nổi nóng.
Thế nhưng nếu bố mẹ cứ nổi nóng với con, trẻ cũng sẽ dần tập thói quen nổi nóng không tốt, bởi vì trẻ là “tấm gương phản chiếu” của bố mẹ, các con sẽ tự động học theo từng việc làm, lời nói của bố mẹ.
Vì vậy, mong rằng các bậc phụ huynh hãy cố gắng hết sức để kiểm soát bản thân, đừng cứ la mắng con trẻ.
Nếu con bạn gặp những vấn đề này, hãy xem thử những cách giải quyết được tổng kết dưới đây để tham khảo, mong rằng các bậc phụ huynh đều sẽ nuôi dạy được các bé thông minh, kiên cường, biết quan tâm và thành công trong sự nghiệp.
Hỏi: Con thích cố ý làm phiền bố mẹ?
Đáp: Đó là vì giữa con và bố mẹ thiếu sự tương tác thân thiết, trẻ khao khát bạn có thể quan tâm đến mình hơn.
Hỏi: Con thiếu tự tin?
Đáp: Bởi vì bạn cho con quá nhiều lời khuyên và trách mắng, quá thiếu những sự cổ vũ và ủng hộ.
Hỏi: Vì sao con lại học cách nói dối?
Đáp: Bởi vì bạn từng phản ứng quá mức trước lỗi lầm của trẻ khiến trẻ sợ hãi nên mới không thể không nói dối.
Hỏi: Vì sao con lại cứ thích lấy đồ của người khác?
Đáp: Đó là bởi vì khi mua đồ cho con, bạn không cho con cơ hội chọn thứ mà mình thật sự muốn.
Hỏi: Vì sao con lại trở nên nhút nhát, nhu nhược?
Đáp: Bởi vì bạn giúp đỡ con quá nhiều, đừng giúp trẻ giải quyết mọi trở ngại trên con đường trưởng thành, hãy để trẻ tự mình nghĩ cách giải quyết.
Hỏi: Vì sao con không biết tôn trọng bố mẹ và người khác?
Đáp: Có lẽ là vì bạn luôn ra lệnh cho con, không xem trọng cảm nhận của trẻ.
Mỗi lần muốn la mắng con đều là một cơ hội để cùng con đối diện với vấn đề. Hãy học cách ấn nút “dừng” cho bản thân, dừng lại để bình tĩnh, dành vài phút để suy nghĩ xem việc này có nhất định phải nổi nóng không?
Sau đó bạn sẽ nhận ra không nổi nóng mới càng có lợi cho việc giải quyết vấn đề. Tiếp theo hãy tích cực tìm cách giải quyết vấn đề và để con học hỏi từ bạn.
“Khi bạn xem sai lầm là cơ hội để học tập, con của bạn tiếp thu thái độ quý báu này. Hãy dùng hành động của bậc phụ huynh để dạy cho con biết rằng trẻ được yêu thương và tôn trọng, biết rằng gia đình là nơi an toàn và tốt đẹp.”
Hãy thử nghĩ lại xem vì sao mình lại lớn tiếng quát mắng con, có nhiều khi bạn sẽ nhận ra có rất nhiều lần là do bản thân bạn, có lẽ vì áp lực, mệt mỏi và lo lắng khiến bạn tỏ ra nóng nảy, mà lúc này con của bạn lại gây thêm phiền phức khiến cảm xúc của bạn bộc phát. Đôi khi trẻ chẳng sai gì cả mà lại bị bố mẹ la mắng.
Đối diện với áp lực và lo lắng của bản thân, trước tiên hãy nghĩ cách để chăm sóc tốt cho mình, làm dịu cảm xúc của mình, khi chúng ta tìm lại được sự tích cực của mình, cái mà chúng ta thể hiện với con cũng sẽ là một khuôn mặt đáng yêu, hình ảnh của con trong mắt chúng ta cũng sẽ đáng mến.
Hãy làm gương tốt cho con, hãy chiến thắng sự tức giận và những lời la mắng con trẻ.