Người xưa thường nói: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt. Không chỉ ngữ pháp mà ngôn ngữ tiếng Việt cũng rất phong phú. Vì thế để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một điều cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài trong trường học và cả ngoài xã hội.

ẩn dụ và hoán dụ là tên gọi của 2 biện pháp tu từ từ vựng và cũng là tên gọi của hai biện pháp chuyển nghĩa trong sự phát triển của từ vựng tiếng Việt mà mọi người rất dễ nhầm lẫn. Để phân biệt, chúng ta có thể so sánh, đối chiếu:

1. Phân biệt ẩn dụ tu từ và Hoán dụ tu từ:

– Ẩn dụ tu từ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên gọi sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Ẩn dụ tu từ gắn với cách thức sử dụng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Để hiểu được ý nghĩa ẩn dụ ta phải đặt nó vào trong ngữ cảnh sử dụng

+ Nghĩa ẩn dụ tu từ gọi là nghĩa lâm thời

+ Ẩn dụ tu từ có mối liên hệ chặt chẽ với so sánh (còn gọi là so sánh ngầm) vì trong đó ẩn đi sự vật, sự việc được so sánh; phương diện và từ so sánh chỉ còn lại sự vật, sự việc so sánh.

+ Giá trị chủ yếu của ẩn dụ tu từ là biểu cảm cao, tạo tinh hàm súc và hình tượng nên được sử dụng nhiều trong thơ văn

+ Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp là ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

+ Ví dụ:  Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền  (Ca dao)

Ở đây hình ảnh thuyền (so sánh ngầm) là người con trai đi xa khắp mọi góc bể chân trời. Bến là đển chỉ người con gái thủy chung, sắt son chờ đợi nơi quê nhà.

– Hoán dụ tu từ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Cũng giống như ẩn dụ, cách thức sử dụng hoán dụ mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Nghĩa của hoán dụ cũng là nghĩa lâm thời trong ngữ cảnh được nói đến.

+ Hoán dụ làm cho lời văn thêm sinh động, gợi cảm. Nó giúp nhấn mạnh được đặc điểm nổi bật của sự vật.

+ Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp là: lấy một bộ phận để gọi cái toàn thể, lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng, lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật, lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

+ Ví dụ:  Đầu xanh nào có tội gì

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi (Truyện Kiều – Nguyễn Du) 

Đầu xanh, má hồng là các hoán dụ được xây dựng từ mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể. Đầu xanh chỉ tuổi trẻ, má hồng chỉ người con gái. Nghĩa của nó chỉ có thể xem là nghĩa ngư cảnh hay là cách dùng từ có tính chất cá nhân mà thôi. Cách dùng hoán dụ giúp tác giả nhấn mạnh được đặc điểm nổi bật của đối tượng. Đó là nỗi đau khổ của Thúy Kiều trước tai họa khôn lường của gia đình. 

– Như vậy từ sự phân tích trên ta có sự so sánh:

Ẩn dụ Hoán dụ
Giống
  • Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác
  • Nghĩa chỉ lâm thời trong ngữ cảnh được nói đến 
Khác Dựa vào quan hệ tương đồng (giống nhau) về:

  • Hình thức
  • Cách thức
  • Phẩm chất
  • Cảm giác
Dựa vào quan hệ tương cận (gần gũi nhau) về:

  • Bộ phận – toàn thể 
  • Vật chứa đựng – vật bị chứa đựng
  • Dấu hiệu sự vật – sự vật
  • Cụ thể – trừu tượng

2. Phân biệt ẩn dụ/hoán dụ tu từ và tượng trưng ước lệ

– Như chúng ta đã biết, ẩn dụ/hoán dụ tu từ và tượng trưng ước lệ vốn có mối quan hệ rất gần nhau. Chính vì thế có không ít người nhầm lẫn khi nhận diện. Ví dụ khi ta nói trong ca dao con cò là tượng trưng cho người nông dân nhưng cũng có thể nói con cò là ẩn dụ về người nông dân. Hoặc trong hai câu thơ:

                – Hoa cười ngọc thốt đoan trang

                – Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng

Thì hoa là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng cũng có thể nói hoa là hình ảnh tượng trưng ước lệ lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để tả vẻ đẹp của con người. Ở hai trường hợp trên, chúng ta thấy các cách nói đều chấp nhận được nhưng ẩn/hoán dụ và tượng trưng ước lệ không phải là một. Từ đó cần nắm vững khái niệm và cách hình thành tượng trưng ước lệ để phân biệt với ẩn dụ/hoán dụ tu từ:

Tượng trưng là phương thức chuyển nghĩa dựa trên ẩn dụ/hoán dụ tu từ đã được định hình, đã trở thành quen thuộc, mang tính ước lệ (công thức) phổ biến đến mức hễ nói đến sự vật này người ta liền liên tưởng nhanh sang sự vật khác mà nó muốn hàm chỉ không cần viện đến văn cảnh.

Tượng trưng chính là cách thức biểu thị đối tượng miêu tả bằng ước lệ. Người ta ngầm quy ước với nhau là cái đó biểu thị cho sự vật đó. Sự nhận thức ở đây mang tính chất xã hội quy định. Ví dụ trong văn thơ trung đại, các ẩn dụ: tùng, trúc, cúc, mai đã thành các tượng trưng chỉ người quân tử hoặc phẩm chất trung kiên của con người. Hình ảnh hoán dụ: cây đa, bến nước, sân đình trong ca dao cũng đã thành tượng trưng để chỉ làng quê Việt Nam. Như vậy, có thể nói tượng trưng là hệ quả của ẩn dụ/hoán dụ tu từ nhưng ẩn dụ/hoán dụ có chuyển hóa thành tượng trưng hay không thì phải cần đến những dấu hiệu:

  • Có sự cô đúc cao của khái quát nghệ thuật
  • Dụng ý của tác giả muốn nêu rõ ý nghĩa tượng trưng của hình tượng mình miêu tả vượt ra ngoài văn cảnh.

Mối quan hệ giữa cái được nói ra và cái muốn nói ra ở các tượng trưng gốc ẩn dụ xác lập trên sự giống nhau (do liên tưởng của trí óc). Ví dụ: Bồ liễu (người phụ nữ yếu đuối), hoa (vẻ đẹp người phụ nữ), hội rồng mây (gặp vận hội may mắn)… Các tượng trưng gốc hoán dụ dựa trên cơ sở gần nhau, có tính vật chất. Ví dụ: cung kiếm (việc chiến trận), trái tim (tình cảm), bàn tay (lao động), khối óc (trí tuệ)… Ngoài ra, một số tên riêng được dùng theo nghĩa chuyển lâu ngày cũng thành tượng trưng. Ví dụ như: Tiêu Tương (nơi tiễn biệt), cung Hằng (mặt trăng), ngựa Hồ chim Việt (nỗi nhớ nhà nhớ nước)… 

Từ đó, chúng ta nhận thấy ẩn dụ/hoán dụ tu từ khác với tượng trưng ước lệ ở chỗ:

  • Ẩn dụ/hoán dụ là sản phẩm sáng tạo của cá nhân mang tính chủ quan, mang dấu ấn cá nhân. Ví dụ cùng nói về tình yêu đôi lứa ; ca dao là thuyền – bến, Xuân Diệu là biển xanh – bờ cát trắng, Xuân Quỳnh là thuyền – biển…
  • Tượng trưng ước lệ là sản phẩm của cộng đồng, mang tính quy ước xã hội (được mọi người chấp nhận) và có khi còn mang bản sắc dân tộc. Ví dụ như cây đa, cổng làng, mái đình… là hình ảnh của làng quê Việt Nam; bánh mỳ và muối là biểu trưng cho tình hữu nghị bè bạn mang đậm bản sắc của dân tộc Nga; Samurai là tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản…
  • Một số tượng trưng ước lệ phổ quát rộng đã mang tính quốc tế như bồ câu trắng (hòa bình); đầu lâu, xương chéo (sự chết chóc)…
  • Đa số các ẩn dụ/hoán dụ chỉ có giá trị lâm thời không phổ biến thì các tượng trưng ước lệ có giá trị tương đối ổn định hơn. Tuy nhiên cũng không phải là bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh xã hội. Ví dụ xưa dùng “cung kiếm” (chỉ trận mạc, chiến tranh) nay dùng bom đạn xưa nói “nhà ngói cây mít” (chỉ sự giàu có) nay dùng nhà lầu xe hơi…  

3. Phân biệt ẩn dụ từ vựng và hóan dụ từ vựng

Ngôn ngữ có quy luật tiết kiệm vô cùng kỳ diệu: dùng cái hữu hạn để biểu hiện cái vô hạn. Quy luật này thể hiện ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Trong đó, từ vựng thể hiện rõ nhất, nhiều nhất quy luật tiết kiệm này. Việc tiết kiệm ở từ vựng thể hiện ở chỗ dùng từ nhiều nghĩa và hiện tượng phát triển nghĩa của từ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng. Quy luật tiết kiệm này đảm bảo sự hài hòa giữa sự phát triển của xã hội, của nhận thức con người với sự phát triển của từ vựng.

Ẩn dụ và hoán dụ là hai phương thức chuyển nghĩa phổ quát trong tất cả các ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, chúng có vai trò to lớn trong cấu tạo từ, tạo nghĩa mới. Ẩn dụ và hoán dụ có chỗ gần nhau, thường đi đôi với nhau vì cả hai đều dựa trên quan hệ liên tưởng về sự tương đồng hay tương cận nào đó giữa các sự vật, đối tượng; do vậy người ta thường lẫn lộn giữa hai phương thức này. Thực ra, về mặt cơ chế tạo nghĩa, ẩn dụ và hoán dụ được cấu tạo không giống nhau.

– Ẩn dụ từ vựng: Được coi là sự định danh thứ hai, tức là cung cấp cho sự vật một tên gọi mới bằng những từ ngữ có sẵn, quen thuộc. Ví dụ: đầu làng, chân bàn, tay ghế, cổ chai, má phanh, mũi tàu, miệng giếng… (gọi tên các sự vật làng, bàn, ghế, chai, phanh, tàu, giếng bằng cách so sánh ngầm chúng với các bộ phận của con người). Căn cứ vào tính chất của sự giống nhau mà có thể chia các kiểu ẩn dụ từ vựng như sau:

+ Giống nhau về hình thức (loại phổ biến nhất). Ví dụ: Mũi – mũi dao, mũi kéo, mũi kim, mũi thuyền…

+ Giống nhau về màu sắc (nhờ sự phát triển kiểu ẩn dụ từ vựng này mà hệ thống từ màu sắc tiếng Việt rất phong phú). Ví dụ: màu rêu, màu cỏ úa, màu trứng sáo..

+ Giống về chức năng. Ví dụ:  Đèn vốn là từ chỉ loại đèn đĩa thắp bằng dầu lạc ngày xưa, nay tất cả các sự vật có chức năng thắp sáng đều gọi là đèn như đèn Hoa Kỳ, đèn điện, đèn pin…

+ Giống nhau về một thuộc tính, tính chất nào đó. Ví dụ: Tính từ “khô” nghĩa là ít hoặc không có nước, nhưng lại có thể kết hợp: tình cảm khô, lời nói khô, da khô…

+ Giống nhau về đặc điểm, vẻ ngoài nào đó. Ví dụ: Đẹp như Kiều, xấu như Thị Nở, lừa như Sở Khanh, buôn người là Tú Bà…

+ Những ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng: Ví dụ: Từ “nắm” vốn biểu thị một động tác cầm chặt của bàn tay, nhưng người ta có thể nói: nắm kiến thức, nắm tình hình… 

– Hoán dụ từ vựng: Là sự chuyển đổi tên gọi từ sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng khác dựa trên mối quan hệ gần gũi hoặc gắn bó trong thực tế. Nó có tính chất hiện thực và khách quan. Cơ chế tâm lí của hoán dụ dựa trên quy luật liên tưởng tương cận (chứ không phải tương đồng như ẩn dụ). Căn cứ tính chất của các quan hệ có thể chia các loại hoán dụ sau:

+ Quan hệ giữa toàn thể và bộ phận. Kiểu này có thể chia làm hai loại:

  • Lấy bộ phận thay toàn thể. Ví dụ: Hai tay đua, ba miệng ăn, một chân sút…
  • Lấy toàn thể thay bộ phận. Ví dụ: cả thế giới đồng tình, cả nước ôm Huế vào lòng 

+ Lấy không gian, địa điểm thay thế người sống ở đó. Ví dụ: người Hà Nội, người Sài Gòn, dân Tây Nguyên…

+ Lấy cái chứa đựng thay thế cái được chứa đựng. Ví dụ: cho hai chai (bia), hai ly (cà phê)..

+ Lấy trang phục nói thay người. Ví dụ: Áo xanh tình nguyện, áo bluse…

+ Lấy bộ phận người thay cho bộ phận quần áo. Ví dụ: vai áo, cổ áo, tay áo, lưng quần…

+ Lấy địa điểm, nơi sản xuất, thương hiệu, tên người thay cho sản phẩm. Ví dụ: đọc Nam Cao, uống Halida, hút ba số…

+ Lấy địa điểm thay cho sự kiện. Ví dụ: trận Điện Biên Phủ, Hội nghị Paris…

+ Lấy dấu hiệu của người, vật thay cho đối tượng. Ví dụ: má đào, bóng hồng, ngòi bút, giọng ca…

Mối quan hệ giữa các sự vật, khách thể rất đa dạng cho nên nhiều khi cùng một từ nhưng lúc chuyển nghĩa theo ẩn dụ lúc theo lối hoán dụ. Ví dụ: tuổi xuân (ẩn dụ: chỉ sự non tơ, trẻ trung), ba mươi xuân (hoán dụ: lấy màu thay năm)

– Như vậy từ sự phân tích trên ta có sự so sánh:

Ẩn dụ từ vựng Hoán dụ từ vựng
Giống
  • Cùng là hai phương thức chuyển nghĩa phổ quát, cùng có vai trò quan trọng trong việc tạo nghĩa mới và cấu tạo từ tiếng Việt
  • Hình thành đều dựa trên quan hệ liên tưởng. Chúng vừa là kết quả của cách tiếp cận thực tế của dân tộc vừa là kết quả của những quy luật tạo nghĩa mới cho từ 
Khác
  • Cơ chế liên tưởng dựa trên mối quan hệ tương đồng (giống nhau) 
  • Mang tính nhận thức chủ quan, nhiều khi có vẻ bất ngờ
  • Cơ chế liên tưởng dựa vào quan hệ tương cận (gần nhau, gắn bó nhau) 
  • Dựa trên mối liên hệ khách quan và hiện thực giữa các đối tượng, các khách thể trong thực tế

4, Phân biệt ẩn dụ/hoán dụ tu từ và ẩn dụ/ hoán dụ từ vựng

Ẩn dụ/hoán dụ tu từ  Ẩn dụ/hoán dụ từ vựng
Giống
  • Giống nhau về tên gọi
  • Giống nhau về cơ chế tạo nghĩa. Ẩn dụ tu từ hay ẩn dụ từ vựng đều dựa trên mối quan hệ tương đồng. Hoán dụ tu từ hay hoán dụ từ vựng đều trên mối quan hệ liên tưởng tương cận 
  • Đều có vai trò to lớn. Ẩn dụ/hoán dụ tu từ (trong ngôn ngữ nghệ thuật), ẩn dụ/hoán dụ từ vựng (trong cấu tạo từ, tạo nghĩa mới của từ vựng)
Khác
  • Được nghiên cứu trong tu từ học 
  • Nghĩa chỉ có tính chất tạm thời phụ thuộc vào ngữ cảnh
  • Có giá trị về mặt thẩm mĩ
  • Được nghiên cứu trong từ vựng học 
  • Tạo nên những nghĩa mới của từ không cần đến ngữ cảnh
  • Đã mòn về hiệu quả thẩm mĩ

Cùng với sự phát triển của xã hội, kết cấu ý nghĩa của từ không nhất thành, bất biến mà luôn vận động phát triển. Cùng với sự phát triển của nhận thức con người và quy luật đào thải tự nhiên của hệ thống ngôn ngữ, mỗi chúng ta phải tự vũ trang cho mình về mặt ngôn ngữ để nó trở thành phương tiện hữu hiệu trong giao tiếp nói chung và trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng.