Trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt, việc tôn thờ nữ thần là một hiện tượng khá phổ biến. Tuy nhiên, nghi thức, niềm tin tâm linh và đối tượng thờ cúng có nhiều điểm khác nhau, ví như thờ bà Âu cơ, thờ Liễu Hạnh công chúa, thờ hoàng hậu Ỷ Lan, thờ Bà Chúa Kho, v.v.. Sau này trong thời cận đại và nhất là hiện đại, những tín ngưỡng đó dần được gộp chung lại và gọi là đạo Mẫu. Khác với một số tôn giáo lớn khác như Thích giáo vốn bắt nguồn từ Phật Thích Ca Mâu Ni hay Lão giáo vốn bắt nguồn từ Lão Tử, đạo Mẫu thực chất là một tôn giáo hỗn hợp bắt nguồn từ nhiều niềm tin tín ngưỡng vào các nữ thần khác nhau của các dân tộc và vùng miền khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

lễ chùa, Suy ngẫm về một vài tục thờ cúng hiện đại của người Việt
(Ảnh minh họa qua Vnphoto.net)

Nếu lần lại quan niệm về tín ngưỡng thờ nữ thần từ xa xưa, chúng ta có thể thấy việc thờ cúng này cũng bắt đầu với những điều rất gần gũi với văn hóa truyền thống, thể hiện sự tôn kính Trời đất, kính ngưỡng Thần linh. Ví như lúc đầu người dân thờ ba vị nữ Thần có liên quan tới nguồn gốc con người, sự thuận hòa của thời tiết và sự hưng vượng của mùa màng, sau này thì gọi là thờ Mẫu Tam phủ.

Đi kèm với việc trộn lẫn của tín ngưỡng, nhiều tục lệ và hình thức đã xuất hiện bên trong việc thờ cúng này, đặc biệt là việc lên đồng. Nguồn gốc của tục lên đồng bắt nguồn từ vu giáo, vốn là một số loại thuật phù thủy xuất hiện từ khoảng 700 năm trước Công Nguyên tại vùng châu Á. Trong tiếng Hán, chữ “vu” (巫) gồm chữ “công” (工) (hàm ý là chú trọng kỹ thuật nhảy múa hát hò) và hai chữ “nhân” (人) (ám chỉ đến ông đồng bà cốt), tượng trưng cho hai người đang nhảy múa hát hò cầu khấn để lên đồng.

Sự khác biệt lớn nhất giữa vu giáo và các chính giáo là ở chỗ vu giáo tập trung vào việc mời gọi các sinh mệnh khác, hoặc yêu cầu các sinh mệnh khác trợ giúp, bằng cách nhập hồn vào thân xác các ông đồng bà đồng, với mục đích để giao tiếp, phán truyền, trừ tà, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho những người chứng kiến nghi thức này. Trong khi đó, các chính giáo khác thì nhấn mạnh vào việc tu dưỡng đạo đức bản thân thông qua rất nhiều giáo lý và kinh sách, chứ không nhấn mạnh vào nghi thức hình thức tế lễ.

Phát triển quá hơn nữa, bắt đầu từ việc cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, thì người ta bắt đầu truy cầu nhiều thứ hơn, cuối cùng thành ra “sát sinh tế lễ”. Chẳng hạn vài năm trước có chuyện treo trâu “tế Mẫu” tại Yên Bái, trong tiếng hò hét, gào rú đầy bạo lực, người ta treo cổ ngay cả “người bạn” của chính nhà nông để “cầu an, cầu phúc”, để xin Mẫu… phù hộ?

Kỳ thực trong thời kỳ hiện nay, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở đạo Mẫu, mà xuất hiện ở rất nhiều loại tôn giáo khác nhau. Người ta không nói đến tu đạo, cũng không trọng đức, hành thiện. Người ta không đến trước các vị Thần để cầu xin có được sự thăng hoa về tinh thần, để cầu xin một nội tâm dũng cảm không sợ hãi trước khó khăn, để cầu xin sự cứu độ, giải thoát và trở về Thiên thượng. Mục đích khi thờ cúng của họ chủ yếu là vì mong muốn đạt được những thứ như công danh lợi lộc. Và đặc biệt điều này được thực hiện thông qua việc “hối lộ” thế giới tâm linh chứ không phải bằng sự chăm chỉ cố gắng nơi người thường.

Hơn nữa, “nhập hồn”, “nhập xác” là gì? Trong các chính giáo như Do Thái giáo, Kitô giáo, Phật giáo, Đạo giáo, v.v., hiện tượng nhập hồn nhập xác cũng đều được đề cập, nhưng là ở khía cạnh tiêu cực, đều là do các thứ tà ma hay vong linh chưa được siêu thoát.

Thiết nghĩ con người ta dù có tín Thần hay không, đều nên đặt việc tu dưỡng đạo đức bản thân ở vị trí số một, bởi vì trong văn hóa truyền thống của tất cả dân tộc đều nói rõ rằng đó là điều đáng quý nhất cho xã hội nhân loại, và dưới mắt thần linh thì là điều đáng quý nhất nơi con người. Chúng ta chỉ có thể từ nền tảng Phúc Đức đó mà tạ ơn Trời đất, Thần Phật đã phù hộ và bảo trợ cho con người. Nếu như cầu xin những thứ danh lợi mà được, thì chẳng há chính là con người đang sai bảo thần linh sao? Người hiện đại đã chuyển từ tín ngưỡng kính Thần sang “sai bảo thần” mất rồi. Kể cả trong các chính giáo hiện đại ngày nay, hiện tượng này cũng vô cùng phổ biến.

Bại hoại tiếp nữa, tín ngưỡng chắc chắn sẽ xuất hiện việc “sát sinh tế lễ”. Lúc này, nhìn từ bề ngoài người ta đều có thể phân biệt được sự buông thả và biến dị của tín ngưỡng tâm linh. Chẳng hạn tục chém lợn ở Bắc Ninh từng bị phản đối gay gắt năm 2015 là một ví dụ. Một cư dân mạng đã phải thốt lên rằng: “Những lễ tục man rợ này là ‘ma tuý’ của thú côn đồ.”

Từ góc độ văn hóa, có thể nói rằng những phong tục và tín ngưỡng hiện nay đã thể hiện cực kỳ rõ sự biến dị trong cách con người hiện đại nhìn nhận tiêu chuẩn đạo đức và tâm linh. Nhưng tinh hoa văn hóa của người Việt sẽ không nằm ở lớp vỏ lễ hội hay nghi thức thờ cúng mà một số người đang cố gắng làm cho ngày càng “hoành tráng” hơn, tinh hoa văn hóa của người Việt chính là truyền thống đạo đức, là sự tu dưỡng tâm tính, là đặt tầm mắt ở những điều vượt trên thế tục.