Nhạc sĩ Anh Thy (có nơi ghi là Anh Thi) là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc Hoa Biển, Lính Mà Em, Đừng Gọi Anh Là Chú…

Anh Thy tên thật là Phạm Văn Khổn, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1944 tại Thái Bình. Từ nhỏ ông đã theo gia đình di cư vào Nam.

Năm 1964, Anh Thy vào lính và theo học tại Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về Hải đoàn Xung Phong 32 một thời gian trước khi về công tác tại Phòng Tâm lý chiến trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân cùng với một số nhạc sĩ khác như Mặc Thế Nhân, Nguyễn Vũ,… Từ đó, ông bắt đầu sáng tác nhạc về chủ đề Hải quân với bút danh Anh Thy.

Nhà văn Vũ Thất, nguyên là trưởng ban văn nghệ hải quân, nơi công tác của các nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Nguyễn Vũ, Anh Thy, mô tả lại hình dáng của nhạc sĩ Anh Thy như sau: “Anh Thy người cân đối, cao ráo, khuôn mặt điểm vài anh hoa phát tiết, miệng rộng môi dầy, cười hở hai hàm răng đều đặn…”

Ngày 21 tháng 7 năm 1973, Anh Thy bị tử trận trên đường đi công tác. Do mất từ rất sớm nên tên tuổi của Anh Thy không được nhắc đến nhiều sau này, dẫn đến một số nhầm lẫn ở sáng tác của ông. Thậm chí còn có nhiều người nhầm tưởng Anh Thy là một trong những bút hiệu của nhạc Trần Thiện Thanh.

Hoa Biển là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Anh Thy, thường được biết đến qua giọng hát Nhật Trường. Có nhiều nơi giới thiệu đây là một ca khúc do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác phần nhạc được Anh Thy viết lời. Trong DVD Asia số 50 chủ đề nhạc Trần Thiện Thanh, bài hát Hoa Biển cũng được giới thiệu là ca khúc viết chung của Trần Thiện Thanh và Anh Thy. Tuy nhiên theo những người bạn của cố nhạc sĩ Anh Thy, và theo những tài liệu còn lưu trữ lại, thì Hoa Biển được nhạc sĩ Anh Thy sáng tác năm 1965 một cách độc lập khi ông đang là một người lính biển với cấp bậc Hạ sĩ Nhất phục vụ Giang Đoàn 22 Xung Phong.

Ngày xưa em anh hay hờn dỗi
Giận anh khi anh chưa kịp tới
Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi
Em cúi mặt làm ngơ
Không nghe kể chuyện bao nhiêu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời

Tại em khi xưa yêu màu trắng
Tại em suy tư bên bờ vắng
Nên đêm vượt trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em
Cho anh thì thầm: Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương

Trùng khơi nổi gió lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa
Màu hoa thật trắng, ôi hoa nở thắm ngất ngây lòng thêm

Vượt bao hải lý chưa nghe vừa ý lắc lư con tàu đi
Chỉ thấy bọt nước tan theo ngọn sóng
dáng hoa kia mịt mùng

Biển khơi không mang hoa màu trắng
Tàu anh xa xôi chưa tìm bến
Nên em còn hờn, nên em còn buồn 
Sao chưa thấy anh sang

Em ơi giận hờn
Xin như hoa sóng tan trong đại dương.

Nhà văn Vũ Thất kể lại một câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác bài Hoa Biển của nhạc sĩ Anh Thy. Trong tập thơ Lướt Sóng của nhà văn này có một bài thơ mang tên là Hoa Biển, được Anh Thy mượn tên để đặt cho bài hát của mình. Vũ Thất kể lại như sau:

“Thời gian đó tàu tôi về Mỹ Tho phối hợp hành quân với các giang đoàn. Một bữa nghỉ bến, tôi đang ngồi viết một truyện ngắn thì Anh Thy bước đến trước bàn, chân chập lại, tay đưa lên chào. Anh xưng tên. Chúng tôi thăm hỏi thân mật. Được một lúc, Anh Thy tươi cười mở quyển Lướt Sóng, chỉ bài thơ:

– Thật là may được ông thầy đúng lúc! Em viết bản nhạc khá lâu mà không đặt ra lời. Nay gặp cái tựa bài thơ của ông thầy em chịu quá. Xin phép cho em “chôm” cái tựa Hoa Biển để làm tựa cho bản nhạc.

Tôi vồn vã:

– Khỏi cần chôm cái tựa, hân hạnh tặng Anh Thy nguyên bài thơ để phổ nhạc.

Anh Thy đọc một đoạn trong tám đoạn:

“Áo trắng em may hoa bọt biển.
Còn đêm nay nữa, sáng xong rồi.
Áo trắng anh mang cho trọn kiếp.
Còn em một buổi để rồi thôi”!

Rất tiếc ông thầy, nghe… thảm quá! Em chỉ thích những gì vui vui…”

Anh Thy nói bài thơ của Vũ Thất “thảm”, và đặt lời cho bài hát Hoa Biển tươi vui hơn. Vũ Thất nói:

“Nội dung bài thơ và nội dung bài ca hoàn toàn đối nghịch. Lời bài thơ thì toàn đắng cay phiền trách, lời bài ca thì đầy thương yêu, dỗi hờn. Hồi còn đi học, tôi chọn ban toán nhưng lại thích làm thơ học trò. Khi vào hải nghiệp, tôi làm thơ yêu biển. Khoảng 3, 4 chục bài thơ được chép thành một tập lấy tên Người Yêu Thủy Thủ và chỉ để những… người yêu thủy thủ đọc chơi thôi”

Nguyên tác bài thơ HOA BIỂN của Vũ Thất:

Em ơi! Sóng nước cuồng say mộng
Mang dáng em về ngập biển trăng
Chợt thấy đời anh là chiến hạm
Đêm buồn lặng lẽ với sao băng

Ngọn hải đăng nào lây lất xa,
Chìm cô đơn cuối dãy Ngân Hà
Hải trình ai vẻ đường thương nhớ
Em nhớ đâu mà anh thiết tha

Còn có gì nên nói nữa không?
Biển xanh, bọt trắng với mây hồng,
Hải âu, hoang đảo bao lần kể
Chả lẽ bây giờ nói… ước mong!

Áo trắng em may hoa bọt biển,
Còn đêm nay nữa, sáng xong rồi
Áo trắng anh mang cho trọn kiếp
Còn em một buổi để rồi thôi!

Rồi thôi hồ hải dài năm tháng
Chiến hạm về đâu, chẳng đổi đường
Ngọn hải đăng nào nay đã tắt
Trăng buồn như nhuốm chút tang thương!

Hoa biển vương đầy thân chiến hạm,
Người yêu thủy thủ đã xa rồi
Nghe như cay xót lời chung thủy
Ai chết đâu mà sao đổi ngôi!

Ngoài ra, một bài báo trước 1975 đã có đăng những dòng tâm sự của tác giả Anh Thy về Hoa Biển như sau:

Được hỏi lý do nào, trường hợp nào Anh Thy đã cho nở trong vườn tân nhạc một loài hoa mang tên là hoa biển. Lại tiếng cười héo hắt mở đầu, Anh Thy – giọng nửa thành thực, nửa như hờn trách một hình ảnh nào đó có lẽ xa xôi lắm nhưng rất gần trong tâm tưởng Anh Thy:

– Thì bạn cứ nghĩ với những ngày dài đi biển với những gì đòng khung quanh một con tàu lầm lì ở đại dương – Xa hết thảy, không một hình ảnh yêu thương quẩn quanh, chỉ có biển, có trời, có những đêm sóng gió, có những ngày mưa trút sàn tàu, thì làm gì mà không nhớ nhung, không thấy yêu thương chính kiếp sống của mình không thấy thương về một loài hoa nào đó mà thân phận không khác gì Hoa biển.

Một số tài liệu khác ghi nhận Hoa Biển là 1 sáng tác của Anh Thy:

– Bản nhạc Hoa Biển phát hành lần đầu vào năm 1965 do chính tác giả giữ bản quyền với giấy phép số 4382-BTLC/BC3/XB ngày 26/10/1965 tại nhà in của Tổng Phát Hành Minh Phát – góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực Sài Gòn – (hình 1)

– Bản nhạc Hoa Biển lần phát hành thứ 2 cùng năm do nhà phát hành Mỹ Hạnh – số 51 đường Lê Lợi Sài Gòn – Cả 2 bản in của 2 nhà phát hành đều ghi rõ tác giả duy nhứt của nhạc phẩm Hoa Biển là nhạc sĩ Anh Thy mà thôi.

– Trang cuối của bản nhạc Hoa Biển có thủ bút và chữ ký của tác giả Anh Thy gởi tặng người bạn thân tên Dũng (Nghiêm Hữu Dũng, hiện cư ngụ tại Sài Gòn Việt Nam) với nội dung là tác phẩn ưng ý nhứt của tác giả.

– Trong bảng danh sách các ấn phẩm đã xuất bản năm 1965 của Nhà Tổng phát hành Minh Phát vẫn ghi nhạc phẩm Hoa Biển là của Anh Thy.

– Nhiều tờ báo có những bài phóng sự về Anh Thy cũng nói về nhạc phẩm Hoa Biển là của Anh Thy.

Bài hát Đừng Gọi Anh Bằng Chú cũng là một sáng tác của nhạc sĩ Anh Thy, hồi năm 2017 đã bị liệt kê là 1 trong 5 bài hát trước 75 bị cấm lưu hành (cùng với Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi). Vụ việc này lùm xùm một thời gian dài, trở thành sự kiện nổi trội ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối với các ca khúc nhạc vàng của các nhà quản lý văn hóa.

Thời điểm đó, báo chí liệt kê bài hát Đừng Gọi Anh Bằng Chú là sáng tác của nhạc sĩ Diên An – Nguyễn Văn Để. Tuy nhiên chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Để phủ nhận ông là tác giả sáng tác. Ít người biết rằng đây là 1 tác phẩm của nhạc sĩ Anh Thy.

Xin ghi lại những bài giới thiệu của báo chí trước 1975 viết về nhạc sĩ Anh Thy:

NHẠC SĨ ANH THY – NGƯỜI LÍNH BIỂN

Một đêm – Saigon mưa bay tháng chạp 1964, tôi gặp người lính biển Anh Thy lần đầu trong hậu trường phòng trà Hòa Bình. Bộ đồ trắng bó chéo, chiếc mũ chóp màu khiến Anh Thy dễ thương lạ lùng. Thấy tôi nhìn hơi kỹ vào chữ V xanh bên tay áo, sau cái bắt tay làm quen Anh Thy cười héo hắt:

– Tôi nghèo cấp bậc lắm, xin bạn bỏ qua cho.

Bấy giờ tôi không chú ý đến lời nói của Anh Thy, tôi chỉ thấy lòng vui sướng khi nhận diện được chân dung trung thực của người làm nhạc trẻ tuổi – mà tôi nghe tên qua các chương trình tân nhạc phát thanh. Ít ra với vóc dáng ấy, ít ra với chân dung ấy, nhạc sĩ Anh Thy sẽ đến gần với chúng ta, đến bằng âm thanh chân thành nhất bằng giọng nhqạc gói gém nhiều dằn vặt của tuổi trẻ hôm nay – tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh.

Nghe Anh Thy tâm sự, mới hiểu được vì sao Anh Thy làm nhạc, làm nhạc từ ngày còn là một cậu học sinh Đệ nhị trường Nguyễn Thượng Hiền. Nghe Anh Thy lý luận về cuộc sống mới hiểu vì sao Anh Thy chọn biển cả làm môi trường hoạt động, mới hiểu vì sao Anh Thy thích bộ áo quần của người đi biến – dù làm người đi biển thì nghèo lắm, thì đi xa nhiều lắm, và tâm hồn sẽ nhiều quãng trống lắm.

Anh Thy và Hoa Biển

Cũng tại một đêm tháng chạp, một năm về sau, trong quán nước La Pagoda bất giờ còn mang hình hài của nhà hàng không mấy cao sang. Tôi lại gặp Anh Thy, bấy giờ Anh Thy đã nổi tiếng, chứ không là người làm nhạc đang lên như ngày tôi mới quen. Anh Thy nổi tiếng vì bài “Hoa Biển”. Một năm xa cách với nhiều đổi thay bên ngoài guồng máy Saigon. Anh Thy vẫn là Anh Thy của ngày chưa nổi tiếng. Vẫn bộ áo quần của người lính biển, vẫn màu da ngăm đen, có lẽ vì gió biển, vì nắng trùng dương.

Anh Thy khẽ hát cho tôi nghe bài Hoa Biển – Dù bài này tôi được nghe nhiều lần qua tiếng hát Minh Hiếu – Nhưng dù sao nghe chính tác giả trình bày vẫn là điều thích thú.

Tiếng hát Anh Thy ấm lạ, dù không điêu luyện như những ca sĩ nhà nghề, nhưng tiếng hát của người lính biển về một loài hoa biển vẫn là cái gì rờn rợn lôi cuốn, như muốn làm lạnh xương sống.

Được hỏi lý do nào, trường hợp nào Anh Thy đã cho nở trong vườn tân nhạc một loài hoa mang tên là hoa biển, lại tiếng cười héo hắt mở đầu, Anh Thy – giọng nửa thành thực, nửa như hờn trách một hình ảnh nào đó có lẽ xa xôi lắm nhưng rất gần trong tâm tưởng Anh Thy:

– Thì bạn cứ nghĩ với những ngày dài đi biển với những gì đòng khung quanh một con tàu lầm lì ở đại dương – Xa hết thảy, không một hình ảnh yêu thương quẩn quanh, chỉ có biển, có trời, có những đêm sóng gió, có những ngày mưa trút sàn tàu, thì làm gì mà không nhớ nhung, không thấy yêu thương chính kiếp sống của mình không thấy thương về một loài hoa nào đó mà thân phận không khác gì Hoa biển.

Gã con trai của biển rộng trời cao

Tuần trước, tôi lại nhà riêng kiếm Anh Thy thì mới hay Anh Thy đương đi biển ở một nơi rất xa với đất liền. Trên tay áo Anh Thy nghe đâu đã có 2 chữ V xanh – nguồn an ủi và tự hào của người lính biển yêu văn nghệ. Dù hai chữ V nó bé lắm nhưng đại chúng đương cần đến nhạc – những khao khát lời ca tiếng hát về hôm nay, về ngày mai, hôm nay và ngày mai với nhiều viễn tượng dằn vặt – (…) khiến chúng ra mến Anh Thy hơn, phục Anh Thy qua khả năng sáng tác của anh – một thứ khả năng tự tạo – bắt nguồn từ cuộc sống – từ dòng máy nghệ sĩ luân lưu trong người. Và Hoa Biển đã tìm gặp qua nhạc Anh Thy, thứ Hoa biển rất “dễ vỡ” đã chiếm khá nhiều giờ phút suy tư của gã con trai đa tình – nhưng lại thích biển rộng trời cao như Anh Thy.