Suốt hàng trăm năm, ngai vàng trong điện Thái Hòa đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn của nhà Nguyễn và cả dân tộc. Điều kỳ lạ là sau những biến cố đó, vị trí ngai vàng vẫn không bị lay chuyển.

Là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế, điện Thái Hòa là nơi đăng quang và trị vì đất nước của các vị vua nhà Nguyễn trong hơn 100 năm.

Ngày nay, cung điện đặc biệt này vẫn còn lưu giữ ngai vàng, biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua Nguyễn.

Ngai vàng của các vua nhà Nguyễn được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm khắc rất tinh xảo. Ngai cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm.

Phía trên ngai vàng có bửu tán gồm ba lớp, lằm bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.

Bên dưới ngai là ba tầng bệ cũng làm bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Cả ngai, bửu tán và bệ đều được chạm khắc hình tượng rồng, biểu trưng cho quyền lực của hoàng đế.

Người làm ngai là những những nghệ nhân xuất sắc nhất của đội thợ chuyên chế tác đồ dùng cho hoàng gia và triều đình.

Ngai vàng nhà Nguyễn đã có một sự thay đổi vào thời vua Khải Định. Khi trùng tu lại điện Thái Hòa, vua cho làm lại bửu tán, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ.

Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, vào những dịp lễ đăng quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần hay các buổi đại triều, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng đặt giữa điện Thái Hòa.

Chỉ có các quan tứ trụ và những hoàng thân quốc thích mới được diện kiến nhà vua bên trong điện. Các quan khác đứng sắp hàng ngang theo thứ tự ghi trên các phẩm sơn bằng đá nhỏ ở sân trước điện, theo nguyên tắc quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải.

Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, ngai vàng trong điện Thái Hòa đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn của nhà Nguyễn và cả dân tộc.

Có giai đoạn, ngai vàng đẫm máu trong những cuộc tranh giành ngôi vua, đó là bốn tháng thay ba vua (từ 19/7 đến 2/12/1883, ngai đã được chuyển qua các đời vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa Kiến Phúc).

Ngày năm 5/7/1885, khi Kinh đô Huế thất thủ, quân Pháp đã tràn vào Hoàng thành và đốt phá nhiều cung điện. Trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, Hoàng thành Huế cũng chịu nhiều tổn hại trong chiến sự Mậu Thân 1968.

Điều kỳ lạ là sau những biến cố lịch sử đó, vị trí của ngai vàng vẫn không bị lay chuyển.

Điều này có thể là do ngai không khảm vàng ngọc quý, nhưng cũng có thể sự tôn nghiêm, thiêng liêng của ngai khiến cho không ai dám đụng vào.

Với những giá trị to lớn về lịch sử cũng như mỹ thuật, ngai vàng của các vua nhà Nguyễn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2016.