Bản sắc không phải là điều gì quá to tát lớn lao như những mỹ từ trước nay người ta từng ca ngợi: “hiền lành, giản dị, thuần nông, yêu hòa bình, 4000 năm lịch sử…”, mà nó đơn giản bắt nguồn từ những chi tiết văn hóa nhỏ nhất, từ những thói quen thường nhật nhất. Nhưng những thói quen, lệ tục tưởng như nhỏ nhặt, rất đỗi bình thường đó tồn tại qua các thời đại – bất kể là nét văn hóa đó học từ Tàu hay do ta sáng tạo ra – thế nên chúng luôn nhất quán qua các thời kỳ triều đại trong lịch sử, thống nhất cho đại bộ phận dân chúng, đặc trưng khi so sánh tổng quan với các quốc gia khác, và chính chúng đã tạo nên nền tảng cho văn hóa Việt.

Những thói tục đó hiện hữu tản mác ở bất cứ nghi lễ, nghi thức cho đến nếp sinh hoạt thường ngày của người Việt, có thể kể đến các tục: ăn trầu, nhuộm răng đen, ngồi sập, đi (ngồi) võng… Đấy là thói quen của toàn quốc dân, ai cũng có thể sử dụng. Còn riêng với giới võ sĩ (tướng lĩnh, binh lính, người học võ…)  thì không thể không nhắc đến một thói quen lề lối: cách mang kiếm (đao). Cách mang kiếm của người Việt cũng rất nhất quán và đặc trưng – một tay cầm kiếm, vác lên vai.

Có thể nói rằng, trong quá khứ, nếu bạn bắt gặp một toán võ sĩ đều nhất loạt có cách mang kiếm như vậy, thì có thể khẳng định họ là người Việt Nam.

So sánh cách cầm kiếm của người Việt (Đàng Trong) với người Nhật trong bộ tranh Shuin-sen Kochi toko zukan.

So sánh cách cầm kiếm đặc trưng của võ sĩ các nước phương Đông: vác kiếm (Việt), đeo một bên hông – số lượng kiếm mang theo thường từ một đến ba thanh (Nhật), đeo bên nách (Hàn), cầm theo tay (Trung).

Tất nhiên, đó chỉ là cách cầm vũ khí phổ biến và mang tính đặc trưng, tạo nên hình ảnh riêng biệt cho giới võ sĩ Việt, các cách thức mang kiếm khác như đeo hông, đeo sau lưng cũng không phải không có. Nhưng thường chỉ trong trường hợp họ mang theo nhiều đồ cụ hơn một thanh kiếm hay đao.

Khi mang theo nhiều hơn một thanh kiếm, người Việt có thể dắt kiếm sau lưng hoặc bên hông.

Nhắc đến cách cầm đao kiếm kiếm, còn phải nói đến cách cầm binh khí đứng hầu, cũng rất đặc trưng riêng biệt: một tay cầm binh khí dọc theo thân (tựa như bồng súng), một tay khum lại để trước ngực hoặc lên thân binh khí.

Cách cầm kiếm hầu.