Tình trạng đó chung cho các nước kém phát triển. Trước 1975 tôi được đọc một cuốn của một bác sĩ Âu nghiên cứu các nước đó ở Phi châu. Ðại ý ông đề nghị phải đào tạo thật mau nhiều nhân viên y tế cho nông thôn. Cho họ học độ sáu tháng, biết ít điều căn bản về vệ sinh (chà răng, nấu nước trước khi uống, đề phòng một số bệnh như sốt rét, tháo dạ, kiết, nhất là các bệnh truyền nhiễm), biết băng bó, chích thuốc và biết dùng 5-6 chục thứ thuốc thông thường.
Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa lên tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận.
Chính sách đó rất hợp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Ðó là một điểm tấn bộ.
Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình đa số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột…, chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam.
Thêm cái nạn bác sĩ ở Nam, Trung vượt biên nhiều quá, nên có thể nói cứ mười người thì 5 người đã đi rồi, hai ba người cũng tính đi nữa; số bác sĩ đào tạo ở Sài Gòn không được bao nhiêu, thành thử thiếu rất nhiều; các bác sĩ làm tại các dưỡng đường thường phải khám bệnh cho cả trăm bệnh nhân một ngày. Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.
Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen. Có nơi có cả một tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới để ăn cắp thuốc như vậy và nhiều bác sĩ, y sĩ miền Nam đã bị nhốt khám. Ở Bắc, một số báo Nhân Dân đầu tháng 8-1981 cũng kêu ca về nạn đó.
Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khỏe của dân sa sút không biết tới đâu.
Vì không thể trông cậy ở khoa châm cứu được: đa số các thầy châm cứu chỉ mới được học 5-6 tháng, không có kinh nghiệm mà chính khoa đó hiệu quả cũng rất hạn chế. Người ta rêu rao rằng, châm cứu trị tuyệt được bệnh loét bao tử, bệnh trĩ, v.v…, kiên nhẫn theo người ta bốn năm tháng, rốt cuộc tiền mất, tật mang.
Thuốc bắc kiếm không ra vì không được nhập cảng, mà thuốc nam (gọi là thuốc dân tộc) cũng không có đủ. Nhà Võ Văn Vân không bào chế nhiều thứ thuốc nữa vì thiếu dược liệu hay vì không có lợi? Báo chí có hồi rầm rộ khen rau dấp cá trị được bệnh trĩ, mà đã có nhà nào nấu cao rau dấp cá cho dân chưa? Tôi đã uống thử, thứ rau đó không phải là thần dược như người ta khoe.
Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh. Ai cũng biết y tế phải lo vấn đề vệ sinh cho dân trước hết; nhưng vì thiếu tiền, thiếu nhân viên (mặc dầu nhiều cơ quan khác dư nhân viên), hoặc vì chính sách, đường lối, nên từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy. Sau ngày 30-4-75, khẩu hiệu “Nhà sạch, đường sạch” được dán ở khắp đường phố Sài Gòn, và ở các tỉnh, thị xã nào cũng sạch sẽ được dăm sáu tháng; rồi từ đó mỗi ngày mỗi dơ. Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ và từ trên lầu thượng họ trút nước dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu. Không có lao công lo việc vệ sinh, các y tá phải thay phiên nhau lau chùi hành lang, họ làm lấy lệ, lau xong vẫn như chưa lau; còn trong phòng thì gia đình bệnh nhân phải quét dọn lấy, ai nấy chỉ lo chỗ thân nhân mình nằm thôi. Ngay giữa thị xã Long Xuyên, bên hông tu viện cũ của Thiên Chúa giáo -nay là một cơ quan gì đó- người ta phóng uế đầy đường. Có chỗ dân bỏ kinh tế mới mà về, ăn ngủ ngay trên lề đường, phóng uế ngay chỗ đông người mà cảnh sát ngó lơ.
Gần cuối kế hoạch năm năm đầu tiên (1976-1980), người ta làm một “chiến dịch” vệ sinh để “dứt điểm” và người ta lựa ngay khu sạch sẽ nhất trong thị xã làm “thí điểm”, phái một nhóm đi xịt thuốc DDT cho từng nhà; thuốc đã pha loãng nhiều rồi mà lại chỉ xịt vài phòng tối, vài bụi cây thôi. Không cần xem xét chỗ chứa rác, cầu tiêu. Thế là xong chiến dịch, có thể báo cáo lên trung ương là đã dứt điểm.
Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê (Tập 3)
Đăng lại từ Diễn Đàn Thế Kỷ