Chuột sa chĩnh gạo, cứ tưởng là may mắn, sung sướng, nhưng sa vào chĩnh gạo rồi làm sao ra được. Ăn đẫy tễ vào rồi chỉ còn nước chịu chết trong đấy.

Quà tặng cuộc sống — Bài học ý nghĩa từ câu chuyện Chuột sa hũ gạo

Trong bếp có con chuột lọt vào. Trông nó bé tí tẹo, lúc đầu chả ai quan tâm, kệ cho nó tồn tại, coi cũng như con thạch sùng vậy. Nhưng mà nó rất láo, dám cắn gói mì tôm rồi tha lung tung, lại còn gặm cửa tủ bếp, chui vào ngăn kéo, đái ỉa trong đấy. Đã mấy lần tôi để cửa mở cho nó ra mà nó chẳng chịu ra. Có lần lấy gậy chọc thì nó chui ngay vào cái điều hòa, chẳng dám làm gì nữa vì sợ nó cắn dây điện.

Đến lúc đấy thì không thể nào chịu đựng nổi, đành phải mua cái bẫy dính. Thế là cu cậu dính bẫy liền. Gớm thật, có gần 2 tuần mà đã to hơn hẳn. Đúng là sống trong bếp, đầy đồ ăn, mưa chẳng tới mặt nắng chẳng tới đầu, sung sướng thế nên nó không tìm cách chui ra và mới mất cảnh giác, dính bẫy nhanh thế.

Ta vẫn nói chuột sa chĩnh gạo để chỉ những ai may mắn có số phận sung sướng, ngồi mát ăn bát vàng. Mà không nghĩ tới một khía cạnh khác của hoàn cảnh này. Đó là chuột vào chĩnh gạo rồi thì ra làm sao được. Ăn đẫy tễ vào rồi chỉ còn nước chịu chết trong đấy mà thôi. Bị cầm tù dù là trong một nơi đầy đủ vật chất như  hũ gạo thì cũng chả có gì là sung sướng cả.

Con người cũng vậy, được ngồi vào chỗ thơm tho, béo bở, lương cao, bổng lộc nhiều… ai chẳng ước ao, chẳng nghĩ khác nào chuột sa chĩnh gạo. Mà không biết rằng đó thực sự là một cái bẫy, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Bản chất con người ta là lười. Khi còn thiếu thốn về vật chất thì còn phải cố gắng lao động, phấn đấu để có một cuộc sống khấm khá. Nếu tài sản bố mẹ để lại nhiều, vừa lấy vợ đã có nhà to, xe đẹp, đường công danh sự nghiệp đã được lót tiền, rải hoa hồng cả rồi… thì chả việc gì phải phấn đấu, phải làm gì cho mệt người.

Thứ nữa, khi đã vào vị trí lắm bổng lộc đó, sẽ lắm người vây quanh xu nịnh khiến ta khó mà có đánh giá đúng đắn về bản thân mình. Giá có làm việc sai trái, người ta vẫn hoan hô, vẫn ca ngợi, thì làm sao đủ tỉnh táo mà nhận ra mình sai từ chỗ nào. Để đến lúc sai phạm quá đáng phải xử lý bằng pháp luật thì đã muộn. Khác nào con chuột, quen sống trong sự đầy đủ, không nhận ra sự hiểm nguy, rồi phải chịu chết trong chĩnh gạo.

Vì vậy, nếu ai bảo ta chuột sa chĩnh gạo, hãy biết sợ, biết cảnh giác với hoàn cảnh của mình.