Sách học phần nhiều là sách của Trung quốc, còn sách do người Nam soạn thường chỉ là loại vỡ lòng, Nam sử, hay chú giải kinh điển của thánh hiền.

I – SÁCH TRUNG QUỐC

A – SÁCH VỠ LÒNG

Những cuốn chính yếu là :

1 – Tam Tự Kinh

Tương truyền của Vương Ứng Lân đời Khánh-nguyên nhà Tống (1105-1201) soạn, song gần đây lại có thuyết cho là của Khu Thích Tử, cuối đời Tống.

Tam Tự Kinh là sách gồm những câu ba chữ, có vần, thí dụ :

Dưỡng bất giáo, phụ chi quá, (= nuôi con mà không dậy là lỗi người cha)

Giáo bất nghiêm, sư chi nọa. (= dậy mà không nghiêm là do sự lười biếng của ông thầy)

Tử bất học, phi sở nghi, (= người con không học là lỗi đạo làm con)

Ấu bất học, lão hà vi ? (= bé không học, già làm gì ?)

Sách đề cập đủ mọi vấn đề : luân lý (hiếu đễ, lễ nghi), triết học (tính Thiện Ác), Bắc sử, những điều thường thức và cả học đếm :

Số 1 tượng trưng cho Ðạo ;

Số 2 tượng trưng cho âm dương ;

Số 3 tượng trưng cho tam tài (Trời, Ðất, Người) hay tam cương (đạo vua tôi, cha con, vợ chồng) ;

Số 4, cho bốn phương ;

Số 5, cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) ;

Số 6, cho lục súc (6 loài gia súc : bò, ngựa, dê, gà, lợn, chó) ;

Số 7, cho thất tình (7 loại tình cảm : mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn) ;

Số 8, cho bát âm (8 thứ tiếng của các nhạc khí : kèn, trống, mõ, khánh, chuông, đàn, sáo, còi) ;

Số 9, cho cửu tộc (9 họ) ;

Số 10, cho thập nghĩa (mười điều nghĩa như cha từ, con hiếu, vua nhân, tôi trung, lớn có ân, nhỏ phải thuận tòng vv.) (1).

2 – Minh Tâm Bảo Giám (= Tấm gương báu soi sáng cõi lòng)

Sách gồm 20 thiên, sưu tầm những câu cách ngôn của thánh hiền, chép trong kinh truyện, dậy người sửa rèn tâm tính. Trích thiên “Kế thiện” :

Tử viết :”Vi thiện giả, thiện báo chi dĩ phúc ; vi bất thiện giả, thiện báo chi dĩ họa” = Khổng Tử nói :”Người làm điều lành thì Trời lấy phúc mà báo cho ; người làm điều chẳng lành thì Trời lấy vạ mà báo cho” (2).

3 – Minh Ðạo Gia Huấn (= Sách dậy trong nhà)

của Trình Minh Ðạo (1032-85). Sách gồm 500 câu thơ 4 chữ, chỉ bảo cách tu thân, xử thế, nhiều câu đã trở thành cách ngôn như :

Chí giả cánh thành (có chí thì nên)

Giáo phụ sơ lai, giáo tử anh hài (dậy vợ từ lúc mới về nhà chồng, dậy con từ thuở còn thơ)

Nhân tham tài, tử ; điểu tham thực, vong (= người tham của thì chết ; chim tham ăn tất chết)

Tự tiên trách kỷ, nhi hậu trách nhân (= trước hãy tự trách mình, sau mới trách đến người) (3)

B – TỨ THƯ (Ðại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử )

1 – Ðại Học

là một thiên trong Lễ Ký, do Khổng Tử (551-479 tr. TL) sưu tầm. Ðời Tống, Trình Hạo, Trình Di sắp đặt, chú giải, rồi Chu Hy bổ cứu. Sách dậy người từ 15 tuổi trở lên, dậy đạo Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ (gọi tắt là Tu Tề Bình Trị), dậy cách sửa mình để thành người tốt, học đạo làm cho sáng tỏ đức sáng của mình, dậy người sửa tâm tính, đổi phong tục, giữ vững ở mức “chí thiện”. Ðạo của Ðại Học công hiệu rất lớn.

Sách gồm hai phần : phần Kinh chỉ có một thiên, do Tăng Tử, học trò Khổng Tử ghi lại lời Thầy dậy ; phần Truyện gồm 10 chương chép lời chú giải của Tăng Tử, rồi đệ tử của Tăng Tử chép lại.

Ðường lối đến được Ðại Học “tại” ở ba điều :

a – Tại minh minh đức : cố làm sáng cái đức sáng sẵn có nơi mình do Trời phú cho, không nên để tư dục che mờ nó thì nhìn sự vật mới nhận định được phải trái. Cái “minh đức” ấy lại “minh” thêm, phát triển ra đến cả thiên hạ đều thấy tia sáng của “minh đức”, thế là “minh minh đức “.

b – Tại thân dân : khi minh đức đã sáng, tỏa ra khắp thiên hạ, cảm hóa mọi người, khíến người thân yêu người, mới thực hiện được cái Ðạo của Ðại Học.

Hán nho chú là thân dân vì có thân được với dân mới “minh” được hết “minh đức” của cả mọi người, loài người ai cũng thương yêu nhau mới thực hiện được “thân dân”, song Tống nho lại chú là tân dân = giáo hóa người khiến họ bỏ điều dở, cũ, theo điều mới, hay.

c – Tại chí thiện : học phương pháp của các thánh đời trước (Nghiêu, Thuấn), tu tập tới tột mực tốt lành mà ở yên nơi ấy.

Ba cương lĩnh trên lại chia ra 8 điều mục, theo thứ tự mà thực hành để thành người quân tử :

(1 và 2) Trí tri tại cách vật là điều trọng yếu nhất. Muốn phân biệt chân giả, trước hết phải lo “trí tri” (hiểu biết sáng suốt, chu đáo mọi sự, nghiên cứu cặn kẽ sự vật, vì vạn vật đều có cái lý do của nó, quan sát lâu ngày sẽ đi đến chỗ minh bạch mọi sự).”Trí tri” là ở nơi “cách vật”.

(3) Thành ý : Ý là cơ quan chuyển vận cái tâm. “Ý” tốt thì “tâm” phát động đúng, “Ý” không “thành” thì “tâm” không “chính”. “Thành ý” là không tự lừa dối mình, phải thấu triệt sự hiểu biết của mình nhờ nghiên cứu tận cùng cái lý của sự vật, có thấu triệt rồi ý mới thành thực, lòng mới ngay thẳng, mới tu sửa được mình.

(4) Chính tâm : “Tâm” là cơ quan của tư tưởng. “Chính tâm” là giữ lòng cho ngay thẳng, không thiên lệch để cái “minh đức” không bị che mờ thì sẽ phân biệt được phải trái, nhìn rõ sự thật.

(5) Tu thân : “tu” để “chính cái tâm”, cho cái “tâm” sáng suốt, để lòng đừng thiên lệch. Tu bằng học vấn, tri thức, đạo đức.

(6) Tề gia : thi hành chính trị bắt đầu từ nhà mình, cách cư xử của mình ở trong gia đình đủ làm gương mẫu. Nếu nhà mình mà không dậy nổi thì toan dậy thiên hạ sao được ?

(7) Trị quốc : “gia” đã “tề”, tỏa cái đức sáng ra khắp thiên hạ thì không cần ra khỏi nhà cũng cảm hóa được thiên hạ, trị được nước.

(8) Bình thiên hạ là công hiệu cuối cùng của Ðại Học : người trong thiên hạ thân với nhau là thiên hạ “bình”.

2 – Luận Ngữ (= những lời bàn luận)

Sách do môn đồ Khổng Tử chép lại những câu đàm thoại, giảng dậy giữa Khổng Tử với môn sinh hoặc với người đương thời, bao quát mọi vấn đề : chính, giáo, triết, luân lý, học thuật vv. Ðại để Khổng Tử dậy đạo người quân tử, cách cư xử, suy nghĩ và điểm hóa những sai lầm của học trò. Tùy tư chất, trình độ mà dậy cho nên tuy cùng một câu hỏi mà Khổng Tử trả lời khác nhau. Sách còn mô tả tính tình, cử chỉ, phẩm cách, đức độ của Khổng Tử.

3 – Trung Dung ,

cũng trong bộ Lễ Ký, do Tử Tư (tức Khổng Cấp, đích tôn của Khổng Tử, và là học trò của Tăng Tử) chép lại. Trung = ở giữa, tránh hai cực đoan thì cái tâm khỏi chênh lệch, “trung”là con đường mọi người nên noi theo ; Dung = thường có, không thay đổi, là vĩnh hằng. Giữ chặt lấy đức “trung” không bao giờ thay đổi thì gọi là đức “dung”.

Sách gồm hai phần :

– Phần đầu chép lời Khổng Tử dậy đạo Trung Dung, tu tâm, dưỡng tính để giữ cái tâm ở mức trung, hòa với vạn vật, hợp đạo Trời, trở nên người quân tử.

– Phần chú giải của Tử Tư : những mối tình (vui, buồn, giận vv.) chưa phát sinh nơi tâm thì gọi là “trung”, lúc ấy “tâm” ở chính giữa, không thiên lệch, như “tâm” của đứa trẻ sơ sinh chưa bị tư dục khuynh đảo ; khi đối cảnh, tình mới phát sinh, phát sinh một cách phải thì gọi là “hòa”.

4 – Mạnh Tử (372-289 tr.TL)

là môn đệ của đệ tử của Tử Tư, được tôn làm Á Thánh của đạo Nho. Mạnh Tử cùng môn đệ viết sách Mạnh Tử, truyền dậy đạo Nho, gồm 7 thiên, chép những lời đối thoại giữa Mạnh Tử với mọi giới trong xã hội, nhất là bọn cầm quyền. Những đặc điểm của Mạnh Tử :

– Tính vốn thiện. Ðây là điểm trọng yếu nhất trong học thuyết của Mạnh Tử. Mạnh Tử cho rằng tính “thiện” là bản tính tự nhiên của con người mới sinh ra đã sẵn có, như bản tính của nước là chẩy xuống chỗ thấp : nếu chận nước, nước sẽ chẩy ngược lên để vượt chỗ bị ngăn bít, rồi lại tìm đường chẩy xuống. Ðứa trẻ mới sinh ra tính vốn thiện,vì được trời phú cho một phần thiên lý (Thiên lý chí thiện), chưa có tư dục, chỉ vì lợi danh, hoàn cảnh, tập quán…, đánh mất tính thiện mới trở nên ác.

Lập luận của Mạnh Tử hơi khiên cưỡng : nếu cho rằng con người tínhvốnthiện vì đánh mất tính thiện mới trở thành ác thì tính ác ở đâu mà ra ? Có phải vì tính ác đã tiềm tàng sẵn có trong mỗi người ? Nếu là vì tập quán, vì xã hội thì tập quán, xã hội cũng là của người tạo ra, tính ác không phải tự trên trời rơi xuống. Nói rằng Mạnh Tử đưa ra thuyết này để khuyến khích người đời làm điều thiện thì có lý hơn.

– Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (dân là quý, thứ mới đến xã tắc, vua đứng sau tất cả) : dân mới là đại biểu của Trời, muốn biết ý Trời thì xem ở lòng dân, dân muốn là Trời muốn, quyền thiên tử còn thua xa. Khổng Tử chưa cho dân cái quyền lật đổ vua nếu vua không làm đầy đủ bổn phận, Mạnh Tử cho dân có quyền phế bỏ bạo chúa, còn vua thì không có quyền coi thiên hạ là của riêng, không được tự tiện nhường ngôi như Nghiêu, Thuấn.

C – NGŨ KINH (Dịch, Lễ, Thi, Thư, Xuân Thu).

Cũng như Tứ Thư đều nhằm mục đích dậy dỗ.

Trước kia có 6 Kinh, vì Tần Thủy Hoàng muốn thống nhất thiên hạ, diệt tinh thần địa phương, đốt sách (213 tr.TL) khiến Kinh Nhạc mất đi, sót lại có một thiên, sau đem đặt vào Lễ Ký, nên nay chỉ còn 5 Kinh.

1 – Kinh Dịch

Dịch là thay đổi, biến hóa (Chu Dịch không có nghĩa là viết đời Chu, mà là “chu lưu”, tức là chẩy khắp nơi).

Kinh Dịch vừa là sách bói toán (loại không bị Tần Thủy Hoàng đốt) vừa là sách lý học (phần chính), giải thích lẽ biến hóa không ngừng của trời đất và sự hành động của muôn loài. Ðạo của Dịch là biến hóa từ từ theo lẽ tự nhiên, có “biến” mới đổi mới. Dịch là nói về lẽ sống có biến hóa không ngừng, nếu sự biến chuyển hoàn thành thì trở thành “họa”, chết là “họa”, tuy nhiên không có cái chết vĩnh viễn, có “tử” rồi lại có “sinh”. Kinh Dịch gồm hai phần :

– Thượng kinh nói về nguyên lý của vũ trụ : vạn vật đều biến hóa theo một trật tự nhất định như trời cao, đất thấp, và theo một luật tuần hoàn bất di bất dịch như bốn mùa thay đổi, luân lưu.

– Hạ kinhnói về đạo người : thuận với trời đất, âm dương, thì sống, trái với thiên nhiên thì chết.

Tương truyền vua Phục Hi (4480-4265) đã dùng hào, tức là cái vạch liền (-) hay vạch đứt quãng giữa (- -), để biểu thị hai lẽ âm dương, gọi là Lưỡng nghi, do Thái cực sinh ra. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tượng trưng bằng 4 hào : thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm. Tứ tượng sinh Bát quái (8 quẻ đơn), tượng trưng cho 8 hiện tượng cơ bản trong vũ trụ : càn / kiền = trời ; khôn = đất ; tốn = gió ; ly = lửa ; cấn = núi ; đoài = chằm ; chấn = sấm ; khảm = nước.

Khổng Tử mượn thuyết âm dương, ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và sự phân hóa của 8 quẻ để phát huy giáo lý cốt yếu trong Kinh Dịch Việc Trời với lẽ người là một. Khổng Tử tìm hiểu lẽ biến dịch của thiên nhiên để học cách xử thế.

2 – Kinh Lễ

Bộ Kinh do Khổng Tử san định đã mất với Tần Thủy Hoàng. Kinh Lễ ngày nay do một Hán nho sưu tập, chép những nghi lễ trong gia đình, hương đảng, triều đình, quy định phương thức sinh hoạt, giữ trật tự cho phân minh, xã hội có quy củ.

Lễ thoạt đầu chỉ có nghĩa “cúng tế”. Chu Công Ðán chế ra lễ mục đích để tề nhất, duy trì trật tự giai cấp, nên mang thêm ý nghĩa chính trị, không còn thuần tôn giáo nữa. Từ Khổng Tử lại thêm ý nghĩa luân lý : gốc của lễ là “nhân”. Thánh nhân dùng “lễ” để tiết chế tính ác của thất tình (hỉ,nộ, ái, ố vv.) là tính tự nhiên của con người và phát huy cái tính xã hội (thập nghĩa).

Lễ gần như pháp luật, nhưng dễ thi hành mà không mất lòng dân. Có lễ là biết hành động theo lẽ phải, không sa ngã theo vật dục.Pháp luật cấm đoán, hễ làm là trị tội, Lễ dậy ta nên làm điều gì, tránh điều gì, khác pháp luật ở chỗ ngăn ngừa việc ác từ khi chưa xẩy ra, khiến người ta gần điều thiện, tránh điều ác mà tự mình không biết.

Song lễ trọng tôn ti trật tự, con người thành cách biệt, xa nhau, nên phải có nhạc để hòa đồng cho trên dưới gần nhau lại, Kinh Nhạc khơi dậy niềm vui khiến người sống hòa hài, đoàn kết với nhau. Lễ Ký chép : Lễ Nhạc cùng chung một gốc là Nhân, dựa lẫn nhau, không thể thiếu một, có lễ mà không có nhạc thì mộc mạc, có nhạc không có lễ thì lệch lạc.

3 – Kinh Thi

Thi là thơ, do tâm xúc động phát ra lời. Thiên tử nhà Chu sai các quan đi khắp các nước chư hầu thu thập những ca dao ở thôn quê và nhạc chương nơi triều miếu để tìm hiểu dân ý, phong tục, chính trị. Nguyên có 3 000 thiên, lời lẽ chất phác, trữ tình, Khổng Tử chọn lấy 305 thiên dùng vào việc giáo hóa, hứng khởi lòng lành. Khổng Tử sắp Kinh Thi theo ý nghĩa, chia thành 4 phần :

a – Quốc phong : Phong là được thấm nhuần sự hóa cảm của người trên thành ra lời, lời ấy cảm động được lòng người như vật nhờ gió lay mà rung động. Phong thuộc loại ca dao về dân tục các nước chư hầu, Thiên tử nhà Chu sưu tầm để khảo xét thói tục tốt hay xấu, chính trị hay hay dở của chư hầu để thưởng, phạt.

b – Tiểu nhã = bài hát dùng trong những trường hợp như khi có yến tiệc ở triều đình. Thơ “thanh đăng” (= “con nhặng xanh vo ve”, tượng trưng đứa tiểu nhân hay gièm pha) là bài thơ răn vua U vương nhà Chu đừng nên nghe lời gièm.

c – Ðại nhã = nhạc ca dùng trong những trường hợp quan trọng như Thiên tử họp các vua chư hầu, hoặc tế lễ ở miếu đường. Thí dụ : Chính trị nhà Chu thịnh suy ra sao ?

d – Tụng là nhạc ca khi tế tông miếu nhà vua, khen các vua đời trước.

Kinh Thi dậy đạo sửa mình, ảnh hưởng rất nhiều đến giáo dục và văn học Trung quốc.

4 – Kinh Thư

là bộ sử cổ nhất của Trung quốc, do Khổng Tử sưu tầm, san định, chép các điển (= phép tắc), mô (= mưu kế), huấn (= lời dậy dỗ), cáo (= lời truyền bảo), thệ (= lời răn bảo tướng sĩ), mệnh (= lệnh của vua), tức là chép những cách trị dân và giáo hóa của các đế vương từ Nghiêu, Thuấn đến đời Ðông Chu. Phép cai trị thời Thượng cổ lấy nhân đức làm trọng.

Kinh Thư gần như một cuốn đạo lý về chính trị : làm chính trị phải có lòng nhân đức.

5 – Kinh Xuân Thu

Ðời xưa chỉ có hai mùa Xuân và Thu, nên hai chữ “Xuân Thu” tượng trưng cho một năm, lúc đầu ghi những việc xẩy ramỗi mùa, sau trỏ chung các bộ sử chép việc từng năm.

Trong Kinh Xuân Thu, Khổng Tử chép sử nước Lỗ (quê của Khổng Tử) từ năm 722 đến năm 481 tr.TL và những việc dựng nghiệp của ngũ bá (Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công).

Vì thấy thế đạo suy vi, Khổng Tử chép sử để răn đời, đưa người về đường chính :”Ta trộm lấy chuyện tích để sửa chính”. “Chính danh định phận” là lấy chính nghĩa làm mực thước để phê phán điều phải trái, phải xứng với cái danh của mình mới gọi là chính danh, người nào xứng với danh thì Khổng Tử chép đủ tên họ và chức tước, người nào không làm tròn phận sự thì “danh” không “chính”, dù có chức tước Khổng Tử cũng chỉ chép tên, không chép chức tước bởi không xứng đáng với chức.

Trong Kinh Xuân Thu Khổng Tử không chỉ chép sử mà muốn bầy tỏ cái đạo lý về đường chính trị, trỏ cái uy của dư luận : bị chê một tiếng còn khổ hơn bị búa rìu.

D – NGÔI THỨ VÀ DÂM THƯ

Vì chú trọng vào đạo đức nên có những tác phẩm rất hay về phương diện văn chương thuần túy như Tình Sử, Hồng Lâu Mộng, Liêu Trai vv. không được đem giảng dậy ở học đường, bị coi là Dâm Thư.

Ngoại Thư là những sách ngoài các kinh điển của đạo Nho (Tứ Thư  Ngũ Kinh, gọi chung là Cửu Kinh). Sĩ tử cần phải học thêm những sách khác để rèn tập cho việc thi cử như : Bắc sử (sử Trung quốc), Nam sử (sử Việt-Nam), Ðường thi, Ðường Tống Bát Ðại Gia (Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên đời Ðường ; Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng đời Tống) vv.

Bách gia chư tử là gọi chung các học giả, triết gia có liên hệ đến đời sống chính trị và văn hóa của Trung quốc. Những nhân vật thường được nêu danh là :

1 – Mặc Tử tức Mặc Ðịch (480-379 tr.TL).

Mặc học có hai điểm chính yếu :

– Kiêm ái và Thượng đồng : Mặc Tử cho rằng thiên hạ loạn bởi người ta không thương yêu nhau. Kiêm ái tức là thuận ý Trời, yêu khắp mọi người. Theo đạo Kiêm ái thì không còn ai tranh cướp, thiên hạ sẽ bình trị. Mặc tử thường nói việc gì có lợi cho dân thì dù mình có phải sói đầu, mòn chân cũng làm cho bằng được.

Thượng đồng là để thống nhất tư tưởng. Nếu người trên cho là phải thì người dưới cũng nhận là phải. Có thượng đồng thì kiêm ái mới không sinh loạn, có kiêm ái thì thượng đồng mới không đưa đến chỗ độc tài. Một quốc gia lý tưởng thì quyền hành nên tập trung vào một người có tài đức, do dân cử (khác với học thuyết của Khổng Tử cho làm vua là do mệnh Trời, không phải do dân lựa chọn).

– Tiết dụng :Mặc Tử cho lễ nhạc là xa xỉ, tốn tiền của dân mà không ích lợi gì. Việc giáo hóa là trọng nhưng phải cần kiệm.

Mặc học có ảnh hưởng lớn đời Tần, đến đời Hán thì suy vì Nho giáo trở nên thịnh.

2 – Tuân Tử tức Tuân Huống (312/330-227 tr.TL).

Tác phẩm Tuân Tử còn 33 thiên nhưng chỉ có 7 thiên là chắc chắn của Tuân Tử. Mấy điểm căn bản trong học thuyết của Tuân Tử là :

– Tính thiện ác : Khổng Tử chủ trương tính người khi mới sinh ra tựa như nhau (tính tương cận), do phong tục, tập quán mà thành kẻ thiện người ác, Mạnh Tử cho tính con người sinh ra vốn thiện, đánh mất tính thiện mới thành ác.

Tuân Tử cãi rằng Tính là cái Trời sinh ra vốn thế, chẳng cần học mà biết, Ngụy là bản năng bị khắc chế lâu ngày thành thói quen tới cảnh giới “hóa tính”, song không mất hẳn. Tính ác mới là tính tự nhiên, còn thiện là do người uốn nắn, sửa tính mới thành “thiện”. Nếu thiện là tính vốn sẵn có thì khi thiện mất, tính cũng mất, còn đâu nữa mà thành cái gì ? Con người tính vốn ác, sinh ra đã ham lợi, hay đố kỵ, tranh giành lẫn nhau sinh ra loạn, sau mấy trăm năm giáo hóa của Khổng Tử mà loạn thần tặc tử vẫn nhiều, sao gọi là vốn thiện được ?

Tuân lấy “bình trị” làm tiêu chuẩn để phân biệt : đưa tới bình trị là thiện, đưa tới loạn là ác.

– Thiên nhân bất tương quan/dữ : Thiên đạo không phải là nhân đạo. Những hiện tượng quái dị (sao sa, nhật thực vv.) không liên quan gì đến người. Việc trời diễn biến có quy luật thường là sự vận hành tự nhiên. Trời của vua Vũ, vua Kiệt giống nhau thế mà thời vua Vũ thì trị mà thời vua Kiệt thì loạn, vậy trị hay loạn không phải tại Trời. Chính trị mà phải lẽ thì dù tất cả những cái quái lạ cùng xuất hiện một lúc cũng không việc gì. Dữ hay lành tùy thuộc nơi ta, không tùy thuộc nơi trời đất. Ðạo Trời không liên quan đến đạo người.

– Ðạo của người là “Chế thiên, dụng thiên” lấy sức người mà chỉnh lý việc Trời. Tôn trọng Trời, mến Trời sao bằng đùng tài trí mình mà biến hóa vật cho nhiều, súc tích, tài chế vật mà dùng ?

Trong bốn thế kỷ, đến thời Hán, ảnh hưởng của Mạnh Tử và Tuân Tử ngang nhau. Qua đời Ðường, ảnh hưởng của Tuân bị giảm sút nhưng chưa bị công kích nặng, đến đời Tống mới bị Trình Tử, Chu Tử mạt sát rằng thuyết tính ác di hại không kém nạn hồng thủy. Phải đến cuối đời Thanh, do ảnh hưởng tư tưởng Tây phương, địa vị của Tuân mới được phục hồi.

Tuân Tử có hai cao đồ là Hàn Phi và Lý Tư.

3 – Hàn Phi (khoảng 280-233 tr.TL)

là công tử tức con trai thứ của vua nước Hàn. Khi Tần đánh Hàn, vua Hàn sai Hàn Phi đi sứ Tần. Tần Thủy Hoàng có ý muốn dùng Hàn Phi nhưng Hàn bị Lý Tư ghen ghét, gièm pha rồi đem giết đi.

Tác phẩm còn để lại là Hàn Phi Tử gồm 55 thiên, tổng kết các học thuyết, tư tưởng chính trị từ thời Tiên Tần. Hàn chủ trương pháp trị và quân chủ chuyên chế. Một quốc gia lý tưởng phải phú cường và bình trị. Hàn đả kích Nho mạnh nhất :

– Mệnh Trời : Vua chỉ cần nắm vững uy quyền tuyệt đối, thưởng phạt công minh là nước trị, không cần xét xem quyền của vua có chính đáng hay không, có do mệnh Trời hay không. Vua chẳng cần có đức, thi ân hay dậy dân, cũng không do dân cử, chỉ cần biết thuật trị nước, sai các quan làm việc, tự mình kiểm soát các quan không cho ỷ tài năng, vượt quyền hạn (bởi mối loạn do đó mà ra),

áp dụng luật pháp một cách công bằng và nghiêm minh, là nước sẽ yên ổn.

– Ðức trị và pháp trị : Tuân Tử chủ trương con người tính vốn ác nhưng có thể sửa được bằng giáo hóa, Hàn Phi cho rất hiếm người trọng nhân nghĩa, phần đông chỉ sợ sức mạnh và uy quyền, dân đã bạc ác lại ngu muội, giáo hóa sao được ? Ðứa con hư, cha mẹ và thầy tha hồ dậy dỗ nó cứ trơ trơ, quan đến dùng quyền thế nó mới sợ mà chịu nghe.

“Vương đạo”, tức trị người bằng đức, không hiệu nghiệm : Trong 2 000 năm giảng nhân nghĩa mà dân Trung quốc không cải thiện được chính thể, rõ ràng thuyết trị dân bằng nhân nghĩa chỉ là ảo tưởng. Ở đời, người thiện thì ít, bất thiện thì nhiều, trị nước là trị cái số đông. Khổng Tử là bậc thánh mà dậy trong 100 người may ra có 10 người theo đạo, còn nếu dùng hình pháp mà trị chỉ độ 10 kẻ dám gian ác, còn 90 người kia dù không phải hiền cũng có cái vẻ hiền lương. Cứ hình pháp cho nghiêm là nước khắc được trị.

Vua Thuấn sửa khuyết điểm của dân, cùng sống lao khổ để cảm hóa, một năm mới sửa được một tật. Nếu ra lệnh hễ làm việc đúng phép sẽ trọng thưởng, làm trái sẽ trừng phạt thì sáng ban lệnh, chiều sự tình đã thay đổi ; nội trong mười ngày là cả nước đâu vào đấy, cần gì phải đợi đến một năm ?

Dùng pháp luật mà trị thì dân khổ trước nhưng lợi lâu bền về sau, theo đạo nhân nghĩa thì lúc đầu dân vui nhưng sau sẽ khốn cùng. (Sự thật người đời cho rằng nhà Tần suy sụp mau chính vì quá trọng hình pháp, bạo ngược với dân).

– Trọng hiền : Nho trọng hiền nhưng đợi vua hiền thì 1 000 đời loạn mới có một đời trị. Kẻ sĩ hiền cả nước có độ mười người mà số quan lại trên một trăm, nếu cứ đợi kẻ sĩ có khí tiết mới dùng khác nào sắp chết đói còn đòi có thịt ngon mới ăn ?

– Thống nhất tư tưởng : Nho chủ trương “hữu vi”, Lão chủ trương “vô vi”, Nho phá sản vì tang lễ, Mặc lại đề cao tiết kiệm, các học thuyết mâu thuẫn nhau, lấy gì làm tiêu chuẩn mà hành động ?

Nho sĩ cố tìm những điều sâu xa, lập thuyết, phỉ báng pháp luật, ngăn trở việc trị nước nên Hàn Phi đề cao hình pháp và chính thể chuyên chế. Nước có minh chủ không dùng sách dậy dân, lấy pháp luật dậy, dân đàm luận chỉ căn cứ vào pháp luật.

– Tự do kinh tế thì nước mau phú cường. Khổng Tử, Mặc Tử muốn làm cho nước giầu là để dưỡng dân, vì dân, Pháp gia mưu cho nước giầu là vì nước, không phải vì muốn cho dân khỏi khổ.

4 – Lý Tư

không đặt ra học thuyết gì mới, sau khi giết Hàn Phi, giúp nhà Tần chỉ áp dụng học thuyết của Hàn Phi. Sớ của Lý Tư dâng Tần Thủy Hoàng :”Nho sĩ động nói gì là nêu thời cổ để chê thời nay (…) Mỗi khi Vua ra hiệu lệnh thì họ túm năm tụm ba bàn tán, khoe cái sở kiến của mình, đặt lời hủy báng. Phải đốt hết Thi, Thư cùng Bách gia ngữ, ai dám thì thầm về Thi, Thư thì chém bỏ xác ngoài chợ, lấy đời xưa chê đời nay thì chém cả họ” (4). Lý Tư thành công trong việc thống nhất Trung Hoa nhờ pháp lệnh, giúp Tần Thủy Hoàng lập chế độ quân chủ chuyên chế. Ðời sau gọi Hàn Phi và Lý Tư là dòng Pháp gia.

5 – Dương Tử

tức Dương Chu (440-380 tr.TL), cũng bác thuyết nhân nghĩa :”Chư hầu dùng võ lực, ta theo nhân nghĩa là theo con đường diệt vong (…), đề cao đức hợp quần, lòng hi sinh là nguồn gốc của loạn, cá nhân mất tự do, bị đoàn thể chi phối, đoàn thể này can thiệp vào đoàn thể kia gây ra chiến tranh. Cái quý nhất của con người là sinh mệnh hóa ra bị rẻ rúng nhất”.

Dương Tử đề cao thuyết cá nhân vị kỷ : “trung” với vua không đủ làm vua được yên mà nguy cho bản thân mình, giữ “nghĩa” không đủ làm lợi cho người mà đã hại cho đời sống riêng mình, bỏ đi thì người và ta đều yên ổn, đều có lợi. Vậy không nên chịu thiệt cho thân mình để làm lợi cho người, “dù chỉ nhổ một sợi lông” cũng không làm. Nếu tất cả mọi người đều không muốn làm lợi cho thiên hạ thì thiên hạ sẽ bình trị.

6 – Lão Tử,

còn gọi là Lão Ðam, Lý Nhĩ. Có nhiều thuyết khác nhau về thời điểm năm sinh và năm mất : 430-340, 570-490, 604-523 tr.TL. Lão tử viết Ðạo Ðức Kinh :

– Ðạo là bản thể của vũ trụ, vạn vật bởi Ðạo mà ra :”Ðạo sinh nhất, nhất sinh nhị (âm dương), nhị sinh tam (Trời, Ðất, Khí), tam sinh vạn vật” rồi lại trở về ÐạoCứ đi đi về về mãi là cuộc tuần hoàn tự nhiên. Khi chưa thành hình thì Ðạo là vô (= không có gì), hiện dưới hình thức thấy được thì Ðạo là hữu (có hình).

– Chính trị : Khổng Tử chủ trương hữu vi , lấy đức và nhân nghĩa trị dân, Pháp gia thì trọng luật pháp, Lão Tử chủ trương trị nước tốt nhất làvô vi, nhà cầm quyền càng can thiệp vào đời sống nhân dân càng gây rối loạn, phiền nhiễu,càng hữu vi càng tai hại, pháp lệnh càng rõ thì trộm cướp càng nhiều. Văn minh là bắt đầu thoái hóa. Quốc gia lý tưởng là một nước nhỏ như thời thượng cổ, dân chất phác, đủ ăn mặc, chính phủ giảm thiểu để dân tự lo lắng thì ai nấy thỏa chí, yên ổn. Con chim còn tự biết bay cao để tránh tên, tránh lưới huống chi người ?

Vô vi không có nghĩa là “không làm gì cả” mà là làm một cách tự nhiên, không biết là mình làm, giống như không làm gì, như mặt trời chiếu sáng, như bông hoa đến kỳ thì nở. Sửa mình, trị nước nên theo đạo vô vi, phó mặc tự nhiên, không dùng trí lực, đừng ra tay tạo thời thế, cứ theo luật tự nhiên mà hành động sao cho dân no ấm là hơn. Lão giáo chủ trương trở về với đời sống tự nhiên, không tin ở giáo dục, lễ nghi, khinh nhân nghĩa : “Mất Ðạo mới có Ðức, mất Ðức mới nói tới nhân nghĩa“.

Từ đời Hán, Lão giáo không còn là một triết học thuần túy, biến thành Ðạo giáo mở rộng phạm vi bao quát cả thuyết âm dương ngũ hành, y dược học, sinh lý học, phòng trung thuật, lập ra phép dưỡng sinh mà phương pháp chủ yếu là hô hấp, lại thêm bùa phép, thần chú, thuật tu tiên, luyện đan, lập ra một bảng đẳng cấp đầy đủ cho các thiên thần vv. Nơi thờ phụng gọi là quán. Tần Thủy Hoàng tin Ðạo giáo, sai một bọn phương sĩ thống suất 500 trai gái tân, cưỡi thuyền ra biển tìm thuốc trường sinh bất lão. Ðời Ðường, Ðạo giáo thành quốc giáo, đời Ngụy, Tấn, Ðạo giáo át Khổng giáo.

7 – Trang Tử,

tức Trang Châu (360-280 tr.TL), là người kế thừa xuất sắc của Lão Tử, là tác giả Nam Hoa Kinh, đề cao tiêu diêu, bình đẳng tuyệt đối, đả đảo cái hữu vi vô ích, cái giả dối của Khổng giáo.

– Tiêu diêu : Trang Tử, như Lão Tử, phản đối thuyết nhân vi, đề cao tự do cá nhân, trở về tự nhiên, thuận theo lẽ tự nhiên thì sẽ tự do tự tại. Hạnh phúc của vạn vật là thuận theo bản tính của mình mà hòa hợp với vũ trụ, cái hại của xã hội là bắt mọi người vào một khuôn, không cho theo bản tính tự nhiên.

– Vạn vật đều bình đẳng, vật nào cũng hữu dụng, không có khinh, trọng.

8 – Phật

tên là Sĩ-đạt-ta, họ Cồ-đàm, sinh khoảng thế kỷ thứ VI tr.TL, ở miền Bắc Ấn-độ. Phật nhận định sống là khổ tại vì mình cứ luẩn quẩn mãi trong vòng “sinh, tử, luân hồi“. Muốn diệt khổ, thoát khỏi vòng luân hồi, thì phải cắt đứt những cái nhân duyên nó trói buộc mình ở trần gian.

– Tứ diệu đế là “bốn chân lý huyền diệu”, nền tảng của Phật giáo : Khổ đế : khổ là bệnh chung của loài người ; Tập đế : nguồn gốc của khổ là do ước muốn không bao giờ hết ; Ðạo đế là dùng Phật pháp, con đường Trung đạo, để trị khổ ; Diệt đế là giải thoát, ra khỏi vòng luân hồi, hết khổ.

– Lý nhân quả luân hồi : Vạn vật do Chân như mà ra, không phải thực mà chỉ là giả tướng, sắc (có hình tướng) với không (không có hình tướng) là một. Vạn vật không có cái gì vĩnh cửu, sự biến thể của vạn vật theo thời gian Phật gọi là vô thường, đã vô thường là có biến hoại, thế là khổ. Nhân quả là hiện tượng sinh hóa, luôn luôn biến đổi của nhân gian, là hiện thân của vô thường.

Luân hồi là đảo lên đảo xuống mãi trong khuôn khổ cố định : chúng sinh chưa giác ngộ luẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi, phải trải qua những kiếp sống vô kể, những đau khổ dai dẳng vô cùng tận. Ðộng cơ thúc đẩy, dẫn dắt con người trong vòng luân hồi là nghiệp, tức là hành động theo thói quen, thói quen càng lâu thì sức nghiệp dẫn càng mạnh. Nghiệp do ta tự tạo ví như người tập uống rượu, khi thành thói quen, thành nghiệp, nghiệp quay ra chi phối ta cứ phải tiếp tục uống mãi. Cơ quan tạo nghiệp là thân (có thể giết người), miệng (có thể dối trá), ý (si mê, tham, sân). Tất cả những hành động cố ý đều tạo nghiệp, bất cứ một nghiệp nào cản trở sự giác ngộ của ta đều là nghiệp ác.

Khi còn sống Phật chỉ thuyết pháp chứ không chép giáo lý vào kinh sách. Phật giáo dần dần bị Ấn-độ giáo và Hồi giáo lấn át, trở nên suy vi trên đất Ấn, nên vượt biên giới truyền qua phương Nam (Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan vv.) gọi là Nam tông, được coi là “Phật giáo nguyên thủy”, và truyền qua phương Bắc (Trung quốc) gọi là Bắc tông. Ðạo Phật truyền sang Trung quốc từ đời Hán Vũ Ðế (140-86 tr.TL) song mãi đến thời Tam quốc mới có tăng sĩ người Hoa. Từ đời Ðường, Phật giáo ngày một thịnh, dần dần ngang hàng với đạo Nho và Ðạo Lão gọi chung là Tam giáo.

Ðạo Phật truyền sang nước ta trước do đường biển, sau từ Trung quốc.

II – SÁCH VIỆT-NAM

So với sách của Trung quốc thì sách do ngưới Việt biên soạn rất ít, đến nỗi có những sử gia cho là không có sách của Việt nho và sĩ tử chỉ học Bắc sử, phải đợi người Pháp sang cải cách và viết sách ta mới đem Nam sử vào chương trình đi thi.

Xét rằng ngay từ thời nhà Lý mới khai quốc đã có người Nam viết sách, viết sử : thời Lý Thái Tông có Hình Thư (1042) ; thời Lý Anh Tông có Nam Bắc Phiên Giới Ðịa Ðồ. Sau đời Lý, đến các đời Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn, càng ngày càng nhiều sách sử do Việt nho viết song một số chỉ để dùng trong gia đình hay trường học rồi bị thất truyền, ngay cả cuốn sách Tiết Yếu nổi tiếng để luyện thi của Bùi Huy Bích thời Lê Trung Hưng mà nay muốn tìm cũng không phải dễ. Sở dĩ ta có cảm tưởng sách Việt có ít là vì :

a – Bảo quản kém. Sách thất truyền vì chép tay, không nhiều như sách in, lại bảo quản kém. Lê Quý Ðôn viết : “Nước ta được gọi là nước văn hiến (có văn hóa, sách vở), trên từ vua chúa, dưới đến các quan cùng nhân dân đều có biên soạn sách vở (…) thế mà hợp chung lại chỉ còn ngoài 100 pho sách. Lượng sách đã ít, tổ chức chứa sách lại sơ sài, không có quy chế, không có cục riêng coi sách vở, giấy tờ, không có cơ quan chuyên trách việc thư tàng coi giữ” (5).

Ðầu thời Hậu Lê, Nguyễn Trãi đã phải đi tìm sách của Hồ Quý Ly, rồi đến Lê Thánh Tông sai người sưu tầm sách của Nguyễn Trãi, Minh-Mệnh lại tìm mua sách cũ hoặc sao lại sách của Lê Thánh Tông vv. (6).

b – Chiến tranh cũng khiến cho sách trở nên hiếm hoi. Năm 1370, Chiêm thành sang đốt phá, cướp bóc, sách vở mất hầu hết, sau phải thu thập lại. Năm 1406, Trương Phụ, thực hành lệnh Minh Thành Tổ :”Một mẩu giấy, một chữ cũng phải đốt kỳ hết, bia do An-Nam dựng, một chữ cũng không để”. Năm 1418, nhà Minh phát 9 Kinh, Tính Lý Ðại Toàn (viết theo Tống nho) cho các phủ huyện, lại vét những sách vở còn lại của ta, gửi đường sông đem về Kim-lăng. Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, nhặt nhạnh mười phần chỉ được bốn, năm. Năm 1516, Trịnh Duy Sản đảo chính, Trần Cao đánh Thăng-long, dân vào cung cấm lấy vàng bạc, sách vở rắc bỏ đầy đường, sau nhà Mạc phải sao chép lại. Khi Lê Trịnh chiếm lại kinh thành, một mớ nữa bị đốt, chỉ còn sót rất ít.

c – Khiêm tốn hay tự ti ? Người xưa tin rằng chỉ bậc thánh mới nên viết sách, và tất cả những gì đáng nói đều đã có trong Kinh sách cho nên chỉ viết loại chú giải Kinh Truyện. Thánh Thán tuyên bố :”Không phải là thánh nhân mà làm sách thì sách phá đạo, không phải thiên tử mà làm sách thì sách phá trị. Phá đạo, phá trị là sách bàn ngang, lẽ nào không đốt ? Ðốt sách mà thánh kinh vẫn còn thấy ở đời thì cái tội của Tần Thủy Hoàng vẫn còn là nhẹ (Tần Thủy Hoàng tuy ra lệnh đốt sách nhưng vẫn giữ lại mỗi cuốn Kinh một pho để ở Gác Thạch Cư, Thư viện của triều đình), đến như vì tìm sách để cho sách ngày một ùa ra, lan man tai hại không thể tưởng được thì cái tội của nhà Hán còn nặng gấp mấy” (7).

Xét cho kỹ, không phải chỉ người Việt mới không dám viết sách dậy đạo lý mà cả người Hoa cũng thế : ngoài Tư Thư, Ngũ Kinh và Bách gia chư tử, trong mấy nghìn năm họ cũng có viết thêm cuốn kinh sách nào khác cho chương trình học thi đâu ? Sách của Chu, Trình cũng chỉ thích nghĩa những kinh điển cũ mà thôi.

A – SÁCH TIỂU HỌC

Những quyển chính yếu là :

– Nhất Thiên Tự (sách 1 000 chữ) dậy chữ nho, kèm nghĩa, viết theo thể lục bát cho đễ học. Trích hai câu đầu :

Thiên = trời, địa = đất, vân = mây,
 = mưa, phong = gió, trú = ngày, dạ = đêm.

– Tam Thiên Tự (sách 3 000 chữ) gồm những câu 4 chữ, chỉ cốt có vần cho dễ học, không xếp ý nghĩa theo mạch lạc. Thí dụ :

Thiên = trời, địa = đất
Cử = cất, tồn = còn
Tử = con, tôn = cháu
Lục = sáu, tam = ba
Gia = nhà, quốc = nước
Tiền = trước, hậu = sau
Ngưu = trâu,  = ngựa…

– Ngũ Thiên Tự (sách 5 000 chữ) viết theo thể lục bát, sắp thành từng mục : thiên văn, địa lý, luân thường vv. Trích mấy câu đầu :

Thừa = nhân, nhàn = vắng, hạ = rồi
Càn = trời, khôn = đất, tài bồi = trồng vun vv.

– Sơ Học Vấn Tân (= bắt đầu học hỏi bến, tức là hỏi đường lối về việc học). Sách viết thời nhà Nguyễn nhưng không rõ đích xác năm nào và tên tác giả song, theo Bằng Giang, đã được Trương Vĩnh Ký phiên âm ra quốc ngữ, chú nghĩa và dịch ra tiếng Pháp, chính quyền lo việc in năm 1877, xuất bản năm 1884. Sách gồm 270 câu 4 chữ, không có vần, chia làm ba phần : 130 câu đầu tóm tắt lịch sử Trung quốc ; 64 câu về lịch sử nước Nam từ đời Hồng-Bàng đến nhà Nguyễn ; 76 câu còn lại dậy cách xử thế, khuyến học vv. Trích :

Kỳ tại quốc bản,
Cổ hiệu Việt-Thường,
Ðường cải An-Nam,
Hán xưng Nam-Việt.

(= nước ta xưa gọi là Việt-Thường, nhà Ðường đổi là An-Nam, nhà Hán gọi là Nam-Việt) (8).

– Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, cũng gọi là Trạng-Nguyên Thi, gồm 278 câu 5 chữ, khuyến học, nói về lạc thú của sự học và mộng tưởng của người học trò mong thi đỗ Trạng-nguyên. Trích :

Di tử kim mãn doanh, (= để lại cho con đầy một hòm vàng)

Hà như giao nhất kinh ? (= sao bằng cho con một quyển kinh sách ?)

Tính danh thư quế tịch, (= họ tên chép vào sổ quế = sổ ghi tên những người thi đỗ)

Chu tử liệt triều khanh. (= mặc áo đỏ tía, tức áo đại trào, đứng ngang hàng với các bậc công khanh trong triều) (9).

B – SÁCH CHÚ GIẢI KINH TRUYỆN

Ðại lược có các sách :

Tứ Thư Thuyết Ước của Chu văn An (?-1370) gồm 10 quyển, mở đường cho khoa Lý học.

Minh Ðạo (1393) của Hồ Quý Ly, bằng Nôm, gồm 14 thiên, bàn về các nhân vật, kinh điển đạo Nho.

Bản dịch Nôm thiên “Vô dật” trong Kinh Thượng Thư (1395) của Hồ Quý Ly, để dậy vua Trần Thuận Tông.

Quốc Ngữ Thi Nghĩa (1396) cũng của Hồ Quý Ly chú thích Kinh Thi bằng quốc âm cho nữ quan dậy các hậu phi và cung tần. Bài Tựa phần nhiều theo ý riêng của mình chứ không theo chú thích của Chu Tử.

Chu Dịch Quốc Âm Giải Nghĩa gồm 2 quyển, của Ðặng Thái Phương, thời Lê.

Tứ Thư, Ngũ Kinh Toản Yếu, 15 quyển, của Thám-hoa Nguyễn Huy Oánh, thời Lê.

Thi Thuyết, Lễ Thuyết – Dịch Kinh Phu Thuyết – Thư Kinh Diễn Nghĩa đều của Lê Quý Ðôn.

Kinh Nghĩa Chú Văn Tập của Nguyễn Trực, thời Lê.

Tứ Thư, Ngũ Kinh Tiết Yếu của Bùi Huy Bích (1744-1818), học trò Lê Quý Ðôn vv.

C – NAM SỬ

Từ đời Hang-Bàng đến Hậu Lê. Tạm kể :

Ðại Việt Sử Ký (1272), 30 quyển, của Lê văn Hưu, chép từ Triệu Vũ Ðế đến Lý Chiêu Hoàng.

Trung Hưng Thực Lục (1279), 29 quyển, của Trần Nhân Tông viết về chuyện đánh quân Nguyên.

An-Nam Chí Lược của Lê Tắc.

Việt Sử Cương Mục, và Việt-Nam Thế Chí (thế phả đời Hồng-Bàng và họ Triệu), đều của Hồ Tông Thốc.

Lam Sơn Thực Lục của Lê Thái Tổ.

Ðại Việt Sử Ký Tục Biên (1427), 10 quyển, của Phan Phu Tiên, viết tiếp Lê văn Hưu, từ Trần Thái Tông đến khi quân Minh về nước.

Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, 15 quyển, của Ngô Sĩ Liên, tra cứu sách của Lê văn Hưu và Phan Phu Tiên.

Ðại Việt Thông Giám (1478), 26 quyển, của Vũ Quỳnh, thời Lê.

Việt Giám Thông Khảo , Lê Tung viết theo lệnh của Lê Tương Dực, tóm lược những điều cốt yếu của Vũ Quỳnh.

Thiên Nam Dư Ha Tập (1483) của Thân Nhân Trung và Ðỗ Nhuận viết về các chế độ, điển lệ, văn thư, cáo sắc vv. Sách bị tản mát, sau Trịnh Sâm cho thu thập được 20 quyển, lại bị mất, đến Lê Quý Ðôn chỉ còn thấy 4, 5 quyển ở tư gia.

Việt Sử Khảo Giám, 10 quyển của Nguyễn Dịch Tân, thời Lê.

Lê Triều Thông Sử của Lê Quý Ðôn.

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ .

Quốc Triều Chính Ðiển Lục, 7 quyển, của Bùi Huy Bích.

Ðại Nam Thực Lục, Khâm Ðịnh Việt sử Thông Giám Cương Mục đều của Quốc sử quán triều Nguyễn.

C – ĐỊA CHÍ

Nam Bắc Phiên Giới Ðịa Ðồ (1172) do Lý Anh Tông đi tuần các biên thùy Nam Bắc vẽ lại hình thế núi sông cùng phong vật.

Ô Châu Cận Lục của Dương văn An thời Mạc, viết về phong thổ, nhân vật Thuận-hóa.

Dư Ðịa Chícủa Nguyễn Trãi.

Thiên Hạ Bản Ðồ(1449) do Lê Thánh Tông sai các quan bộ Hộ làm.

Hải-dương Chí Lược của Ngô Thì Nhậm.

Cao-bằng Lục của Phan Lê Phiên, thời Lê.

Gia-định Thông Chí của Trịnh Hoài Ðức, thời Nguyễn.

Nhất Thống Chí Ðịa Dư của Lê văn Ðịnh, thời Nguyễn.

Dư Ðịa Chí của Phan Huy Chú vv.

E – TOÁN HỌC

Năm 1077, Lý Nhân Tông đã dùng phép thi tính, viết và hình luật để thi lại viên.

Năm 1404, nhà Hồ đặt lệ thi 5 trường, kỳ cuối thi viết và toán pháp.

Ðại Thành Toán Pháp của Vũ Quỳnh soạn. Theo Công Dư Tiệp Ký thì là sách của Vũ Hữu, đỗ Hoàng giáp năm 1463, dậy phép tính ruộng đất… Các cửa Hoàng thành xây từ đời Lý cần trùng tu, vua sai ông tính toán lập thành đồ bản dâng lên, lúc hoàn thành vật liệu không thừa không thiếu, vua khen là “Thần toán” (10).

Chu Xán, sứ nhà Thanh có ghi rằng Trạng Trình rất giỏi, nổi tiếng về Toán Lý học.

o O o

Tóm lại, sách của người Việt viết, đặc biệt về Nam sử, tương đối khá nhiều, thế mà có những sử gia cả quyết là phải đợi người Pháp sang cải cách Khoa cử (1909) ta mới biết đưa Nam sử vào chương trình học thi. Thiết nghĩ từ đời Lý thi cử đã có mục văn sách, hỏi phép trị nước thời cổ (ở Trung quốc) và kim (ở Việt-Nam), chẳng nhẽ cha ông ta đã biết hỏi về thời sự nước Nam ngay từ đầu mà trong non một ngàn năm tự trị lại không một ai nghĩ đến đưa Nam sử vào chương trình học thi ? Tôi đã tìm ra những bằng chứng đánh đổ thuyết nói trên :

a – Sách học:

– Bùi Gia Huấn Hài, của Bùi Dương Lịch, đỗ Hoàng giáp năm 1787, viết để dậy con em trong gia đình. Tuy sách đã thất truyền nhưng trong phần “Tựa” tác giả viết :”Tôi tóm tắt những điều cốt yếu trên từ việc sinh ra trời, đất, người, vật, tiếp đến thứ tự các đời đế vương, kể rõ sự tích nước Việt ta lúc chia lúc hợp rồi đến truyền thống về đạo học, sau cùng đến phương pháp học của trẻ con… đặt ra những câu văn dễ dàng mà có vần… Ðó là muốn thuận theo tính trẻ mà dạy dỗ…” (11).

– Sơ Học Vấn Tân, một phần ba dành cho Nam sử. Trương Vĩnh Ký đã dịch từ 1877, và xuất bản năm 1884, tức là năm ký hiệp ước Giáp Thân (Patenôtre) công nhận sự Bảo hộ của Pháp, rõ ràng sách được viết và dịch từ trước khi Pháp đô hộ ta và Nam sử đã nằm trong chương trình Ấu học từ trước khi người Pháp cải cách Khoa cử.

b – Ðề thi :

– Thời Lê Trung Hưng : Tờ khải của Ngô Thì Sĩ, tức Ngọ Phong, gửi cho chủa Trịnh Sâm có câu :”Học trò làm văn chỉ vụ vừa ý quan trường (…) về quốc sử và thời vụ chỉ biết qua loa, trả lời cẩu thả” (12) chứng minh là các đề mục đã hỏi về Nam sử ít nhất là từ thời Lê Trung Hưng, vì đã nói tới “học trò” và “quan trường” tức là nói về thi cử, huống chi còn chua rõ là “về quốc sử…” .

– Sử nhà Nguyễn chép : “Năm Minh-Mệnh thứ 18 (1838), Ngự sử đạo Bắc-ninh và Thái-nguyên là Nguyễn văn Ðạt dâng sớ xin cho các đề thi lấy ở Kinh Truyện và Nam sử (…) làm phần chính, Bắc sử làm phụ ngõ hầu các lời nói việc làm của tiền nhân ta không mất mát đi mà sĩ tử đều có thực dụng”. Vua truyền cho bộ Lễ bàn xét. Bộ Lễ tâu rằng Việt sử đời trước chép phần nhiều giản lược, từ Lê Trung Hưng về sau họ Trịnh tiếm thiết, sử không dám chép thẳng, sự nhầm lỗi còn nhiều, nên sai quan đính chính, sửa lại những bộ sử cũ thành bộ Lịch Ðại Nam Việt Sử Ký để dùng trong việc thi cử. Vua chuẩn” (13). Rành rành là từ trước năm 1838, đề mục thi đã hỏi về quốc sử.

c – Luật lệ :

Từ 1850, định phép thi Hương, thi Hội. Kỳ 2 nếu có hỏi về quốc sử, thời sự, thì phải làm đúng theo sự thực trong sách vở, không được chỉ dùng lối sáo ngữ, trả lời qua loa. Người ra đề không được theo ý riêng để soi mói (14).

Bấy nhiêu bằng chứng cho thấy chắc chắn Nam sử đã có trong chương trình học thi từ lâu trước khi người Pháp sang đô hộ nước Nam.

CHÚ THÍCH

1 – Dương Quảng Hàm, Văn Học, tr. 29-31.

2 – Văn Học, tr. 27.

3 – Văn Học, tr. 28-9.

Minh Ðạo, tức Trình Minh Ðạo (1032-85) hay Trình Hiệu, anh Trình Di, danh nho đời Tống.

4 – Hàn Phi Tử, tr. 239.

5 – Lê Quý Ðôn, Ðại Việt Thông Sử, tr. 99-100.

6 – Minh-Mệnh Chính Yếu, III, tr. 78-9.

7 – Thủy Hử, I, tr. 9.

8 – Dương Quảng Hàm,Văn Học, tr. 25-6.

9 – Văn Học, tr. 26.

10 – Trần Tiến, tr. 11, lại nói Ðại Toàn Toán Pháp là của Lương Thế Vinh.

Phan Huy Chú,Văn Tịch Chí, tr. 127 – Công Dư Tiệp Ký, I, tr. 9.

11 – Văn Tịch Chí, tr. 127 – Trần văn Giáp, Tìm hiểu kho Hán Nôm, tập I, tr. 251.

12 – Khoa Mục Chí, tr. 21.

13 – Minh-Mệnh Chính Yếu, III, tr. 94-5 – Thực Lục

14 – Hương Khoa Lục, tr. 294.