Sài Gòn – thành phố không bao giờ ngủ, hòn ngọc của Viễn Đông – với lịch sử 300 năm, những công cuộc di dân, khai hoang mở đất, phát triển kinh tế vùng đất mới phía Nam, Sài Gòn từ buổi ban đầu đã giữ vị trí trung tâm kinh tế. Những cơ sở kinh tế quan trọng đầu tiên đều được xây dựng trên đất Sài Gòn. Những con đường “Thiên Lý” đầu tiên

Xưa kia vùng đất Sài Gòn – Gia Định còn hoang vu, rừng rậm, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Muốn đi lại, dân chúng phải dùng xuồng ghe. Đường bộ rất không thuận lợi. Từ sau khi chúa Nguyễn chính thức đặt bộ máy cai trị ở vùng đất mới, hệ thống đường bộ mới bắt đầu được chú ý xây dựng mà quan trọng nhất là các đường bộ từ Sài Gòn đi các hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây gọi là đường Thiên Lý.

Thoạt đầu, vào năm 1748 vị quan Điều Khiển Nguyễn Hữu Doãn cho xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường Thiên Lý từ Gia Định ra phía Bắc: bắt đầu từ Cầu Sơn (thuộc quận Bình Thạnh nay) đến núi Châu Thới (Biên Hòa) rồi đổ về Mô Xoài (Bà Rịa). Con đường khi qua mương ngòi thì bắc cầu, gặp chỗ bùn lầy thì lót cây, đắp đất, gặp sông lớn thì đặt đò qua sông, người chèo đò được miễn thuế. Con đường Thiên Lý ra Bắc được hình thành từ đó.

Sau khi xây dựng Thành Qui (Thành Bát Quái) để làm kinh đô triều Nguyễn, vua Gia Long cho đắp các đường Thiên Lý để mở rộng giao thông đường bộ từ vùng đất Sài Gòn đi các hướng chính. Năm 1815 các con đường Thiên Lý đi về phía Tây và phía Nam được xây dựng.

Đường Thiên Lý đi về phía Tây được đắp từ cửa Đoài Duyệt – Thành Qui đến A Ba (Cao Miên) dài 439 dặm, nay là đường Cách Mạng Tháng 8 đi từ Bà Quẹo, Hốc Môn qua Tây Ninh sang Campuchia.

Đường Thiên Lý đi về phía Nam khởi đầu từ cửa Thốn Thuận – Thành Qui, đến Thủ Đoàn (nay là Thủ Thừa), Trấn Định (nay thuộc Tiền Giang). Đường này nay là đường Nguyễn Trãi vào Chợ Lớn đi Phú Lâm xuống Mỹ Tho và đi với các tỉnh miền Tây.

Các chợ đầu tiên

Từ những thập niên đầu thế kỷ 18 trên vùng đất Sải Gòn, phủ Gia Định xưa đã hình thành các khu chợ buôn bán như: Chợ Điều Khiển, chợ Tân Kiểng, chợ Nguyễn Thực… Đặc biệt khu Chợ Lớn của người Hoa được hình thành trong khoảng 1679 đến 1731 là một khu vực buôn bán sầm uất thời bấy giờ. Kế đến là chợ Bến Thành nằm trên vàm Bến Nghé – sông Sài Gòn gần Gia Định thành. Chợ Lớn và chợ Bến Thành trở thành hai trung tâm buôn bán lớn nhất của Sài Gòn cho đến ngày nay.

Thương cảng đầu tiên

Cảng Sài Gòn là một cơ sở kinh tế mà lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thành phố Sài Gòn. Từ thế kỷ 18, thời chúa Nguyễn đặt nền móng cai trị trên vùng đất phía Nam, vùng vàm Bến Nghé của sông Sài Gòn đã hình thành một thương cảng: tàu buôn miền Trung Bắc Việt Nam và tàu buôn Trung Quốc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mã Lai… đã đi vào buôn bán tấp nập, Sài Gòn sớm giữ vai trò trung tâm thương mại vùng đất phía Nam. Hàng trăm tàu ngoại quốc đã ra vào cảng.

Ảnh đẹp Cảng Sài Gòn xưa

Chiếm Sài Gòn chưa đầy ba năm, ngày 22/2/1860, Pháp đã quyết định thành lập thương cảng Sài Gòn. Cảng Sài Gòn từ ngày đầu dài 4km, bên phải sông Sài Gòn.

Năm 1860, cảng Sài Gòn đã tiếp nhận 246 tàu, trong đó có 111 tàu từ Châu Âu. Năm 1866 khối lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn 600.000 tấn.

Cùng với sự phát triển của đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, cảng Sài Gòn cũng không ngừng được mở rộng, giữ vị trí quan trọng về kinh tế quân sự của cả miền Nam.

Cơ xưởng đầu tiên

Xưởng Ba Son nguyên là thủy xưởng của Nguyễn Ánh lập ra để đóng chiến thuyền. Xưởng Ba Son nằm trên ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè, có diện tích 26 hecta, có đường ven sông 2000m, trong đó có 6 cầu cảng tổng cộng 750m. Nguyên xưa đây là vùng sình lầy nước đọng nên thường được dùng làm nơi đậu tàu và sửa chữa tàu. Sau khi chiếm được Sài Gòn – Gia Định, năm 1861 Pháp cho làm ụ tàu trên thủy xưởng đã có, tức là mảnh đất Ba Son bây giờ.

Từ xưởng thủy đến Ba Son - Tuổi Trẻ Online

Ngày 28/4/1863, Pháp chính thức thông qua dự án xây dựng thủy xưởng Ba Son tại Sài Gòn trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Năm 1884, Pháp cho đào và xây ụ lớn bằng đá, chi phí gần 8 vạn quan. Nhiều công nhân người Việt, trong đó có người thợ máy Tôn Đức Thắng đã làm việc ở đây.

Bưu điện đầu tiên

Sau khi phá hủy thành Gia Định chiếm được vùng đất Sài Gòn, Pháp đã nghĩ ngay đến việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Ngày 11/11/1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (Bưu điện Sài Gòn) được thành lập. Ông Phạm Văn Trung là người Việt Nam đầu tiên làm giám đốc Bưu điện An Nam tại Sài Gòn.

Ngày 13/1/1863, Sở dây thép Sài Gòn được chính thức khánh thành và phát hành con “tem” (xưa hay gọi là “con cò”) đầu tiên. Năm 1864, dân chúng Sài Gòn bắt đầu gởi thư qua hệ thống bưu điện (nhà “dây thép”).

Bưu điện trung tâm Sài Gòn bước qua 3 thế kỷ | Mytour.vn

Năm 1886, Bưu điện Sài Gòn được xây cất lại với qui mô hiện đại thay thế cho trụ sở và khu nhà ở cũ. Đến năm 1891, trụ sở mới của Bưu điện Sài Gòn được chính thức khánh thành. Trước đó, đường dây thép Sài Gòn – Qui Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội dài 2000 km đã được chính thức hoàn thành (vào ngày 22/3/1888). Năm 1889 mở thêm đường liên lạc điện báo Sài Gòn – Băng Cốc để phục vụ cho giới kinh doanh thương mại. Từ ngày 1/7/1894 Sài Gòn bắt đầu sử dụng hệ thống điện thoại.

Ngày nay hệ thống bưu chính viễn thông trở nên quen thuộc với mọi người dân nhưng từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước hệ thống bưu điện vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân Sài Gòn.

Ngân hàng đầu tiên

Ngày 21/1/1875, tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Ngân hàng đầu tiên gọi là Ngân hàng Đông Dương và giao độc quyền phát hành giấy bạc Đông Dương. Trụ sở Ngân hàng Đông Dương xây dựng ở cuối đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) nay là “Kho Bạc thành phố Hồ Chí Minh”.

Nhà máy điện đầu tiên

Nhà máy điện (dân lúc đó gọi “nhà đèn”) đầu tiên ở Sài Gòn là nhà máy điện Chợ Quán, xây dựng năm 1896. Khởi đầu cung cấp điện với công suất chưa tới 120MW. Sản xuất điện bằng hơi nuớc và những phương tiện cơ khí như:

– Máy phát điện chạy bằng 5 lò hơi (chaudière) với 150m3 chứa nước luân lưu.

– Hai nhà máy động cơ chạy hơi nước hiệu Corlisse, 350 sức ngựa chuyển động mỗi máy bởi 2 dynamo 425 ampères dưới 300 volt.

– Ba trụ turbine hiệu Laval với 150 sức ngựa chuyển động mỗi turbine bởi 3 dynamo 360 ampères dưới 160 volt.

– Một máy phát điện chính công suất 1000 KW/giờ chuyển động vòng quay để phân phối điện, bảo vệ an toàn và kiểm soát dòng điện.

Những chuyến bay đầu tiên

Ngày 12 tháng 10 năm 1910, viên phi công Van Den Borg lái chiếc máy bay kiểu Farman của Pháp đã hạ cánh xuống Sài Gòn. Đây là chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Việt Nam và đáp xuống Sài Gòn mở đầu cho công việc phát triển đường hàng không trong những thập niên sau và cũng để biểu dương sức mạnh của Pháp.

Năm 1918, hãng hàng không dân dụng Đông Dương được thành lập. Năm 1919, sở hàng không Đông Dương có hai phi đoàn. Phi đoàn I ở Bắc kỳ, phi đoàn II ở Nam kỳ gồm sân bay Phú Thọ và căn cứ thủy phi cơ Nhà Bè. Ngày 2/12/1938, tuyến hàng không dân dụng Sài Gòn – Hà Nội được khai thông. Ngày 9/8/1940, Nhật đã thiết lập tuyến hàng không với Sài Gòn.

Đường xe lửa đầu tiên

Hai mươi năm sau khi chiếm được Sài Gòn, năm 1881, nhà cầm quyền Pháp đã cho khởi công làm đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho dài 71 km. Toàn bộ tuyến đường với hệ thống các ga được hoàn thành vào cuối năm 1882. Nhưng mãi đến ngày 20 tháng 7 năm 1885, tuyến đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho mới chính thức đưa vào khai thác vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi Mỹ Tho và ngược lại.

Đến năm 1897, tại cuộc họp khóa đầu tiên vào ngày 6 tháng 12, Hội đồng tối cao Đông Dương đã đề ra chương trình xây dựng đường xe lửa Đông Dương dài 3.200km trong đó có đường xe lửa Sài Gòn – Hà Nội và Sài Gòn – Phnôm Pênh. Năm 1902, cầu Bình Lợi qua sông Sài Gòn được xây dựng, trên cầu có đường xe lửa nối Sài Gòn – Biên Hòa. Cầu có 6 nhịp, có một nhịp quay do hãng Lavelois Perret đấu thầu.

Những tuyến đường sắt đầu tiên nối Sài Gòn với những vùng đông dân cư

Năm 1910, tuyến đường xe lửa Sài Gòn – Nha Trang được khởi công. Đến ngày 16/7/1913, tuyến xe lửa này được hoàn thành và đưa vào khai thác. Cũng trong năm 1913, tuyến xe lửa Gò Vấp – Hốc Môn (qua Hạnh Thông Tây – Chợ Mới – Quán Tre) và tuyến phụ Gò Vấp – Sài Gòn (qua cầu Bông) cũng được thiết lập. Cuối cùng, phải đến ngày 01/10/1936, toàn bộ tuyến đường xe lửa xuyên Đông Dương mới được hoàn thành.

Những tuyến xe điện đầu tiên

Từ nửa cuối thế kỷ 19, trong tiến hành đô thị hóa, Sài Gòn đã sớm hình thành hệ thống giao thông nội thành và vùng phụ cận bằng các đường tàu điện.

Bắt đầu từ năm 1879, con đường tàu điện Sài Gòn – Gò Vấp – Hốc Môn được qui hoạch xây dựng. Ngày 27/1/1881, tuyến tàu điện Sài Gòn – Chợ Lớn dài 5km, rộng 1m được khánh thành. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên ở Nam kỳ và được chính thức đưa vào khai thác ngày 1/7/1882. Ngày 20/7/1889, toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho thiết lập tuyến xe điện Sài Gòn – Gò Vấp, sau đó kéo dài tới tận Hốc Môn. Sau một thời gian dài thi công lắp đặt đường ray, ngày 7/9/1897 tuyến đường mới được đưa vào khai thác.

Xe điện Sài Gòn Xưa - dansaigon

Ngay từ năm 1890, công ty tàu điện của Pháp đã được thành lập ở Sài Gòn để khai thác các tuyến tàu điện đã được xây dựng xong. Những năm đầu công ty phải sử dụng đầu máy kéo bằng hơi nước để kéo các toa khách. Dần dần về sau (từ 1913 về sau) được cải tạo thành hệ thống đường xe điện bao gồm nhiều tuyến:

* Bình Tây (Chợ Lớn) – Sài Gòn – Gò Vấp

* Gò Vấp – Hóc Môn

* Gò Vấp – Lái Thiêu – Thủ Dầu Một

* Sài Gòn qua đại lộ Galíneni – Bonguard

* Chợ Bình Tây – Chợ Mới – Chợ Phú Nhuận – Đa Kao – Tân Định

Từ sau năm 1957, toàn bộ hệ thống đường xe điện Sài Gòn không còn sử dụng.

Vườn cao su đầu tiên

Bốn mươi năm sau khi Pháp đặt chân lên đất Sài Gòn, trên vùng đất đang dần dần được đô thị hóa này lại mọc lên một loại cây mới có giá trị kinh tế cao: Cây cao su.

Vào năm 1898, viên cảnh sát trưởng Sài Gòn tên là Belland đã khẩn đất ở vùng Phú Nhuận để trồng thí điểm giống cây cao su và ông ta đã thành công. Đây là vườn cao su đầu tiên của nước ta và của cả Đông Dương lúc bấy giờ. Từ vườn cao su thí nghiệm đầu tiên đã thành công này, cây cao su đã được đầu tư phát triển thành những đồn điền cao su lớn ở các tỉnh Đông Nam Bộ và được tiếp tục phát triển, mở rộng cho đến ngày nay.

Đến năm 1927, các công ty đầu tiên chuyên trồng và khai thác mủ cao su ở toàn Đông Dương ra đời và đặt trụ sở tại Sài Gòn như: Công ty cao su Mekong, Công ty cao su Phước Hòa, Công ty Đông Dương liên hiệp các đồn điền Mirnot, Công ty đồn điền Mariani…

Khách sạn đầu tiên

Khách sạn Continetal, được mệnh danh là khách sạn cổ nhất Việt Nam. Là khách sạn đầu tiên của Sài Gòn – ngày nay nằm ở góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, mặt chính hướng vào quảng trường Lam Sơn – Continental do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng vào năm 1880, gồm 83 phòng được xây dựng và trang trí theo mô-típ kiến trúc lâu đài xưa. Với bề dày lịch sử và kiểu dáng sang trọng, đây luôn là điểm thu thập thông tin và bàn luận chính trị của giới báo chí.

Ngày xưa ,ai là chủ Khách sạn Continental ? - dansaigon
Khách sạn Continental chụp năm 1962