Mục đích của giáo dục là đào tạo ra các công dân tốt và hữu ích cho quốc gia dân tộc. Theo triết gia Pháp Régis Debray, tại Pháp mỗi đơn vị hành chính đều có hai trung tâm đầu não: thứ nhất là tòa thị chính, thứ hai là trường học. Người Pháp coi mục đích của giáo dục là đào tạo ra các công dân tốt và hữu ích cho quốc gia dân tộc nhưng cũng rất bình đẳng và tự chủ, phi tôn giáo và chính trị. “Lý tưởng” này được người Pháp thực thi bằng các giải pháp, chính sách giáo dục cụ thể, thiết thực.
Mỗi học viên ứng với một vị trí trong xã hội
Đây là một trong những điểm sáng nhất của nền giáo dục Pháp. Giống như nhiều nước, trẻ em pháp từ sáu tuổi đến 16 tuổi phải đến trường theo học chương trình phổ thông (miễn phí và bắt buộc theo luật cưỡng bức giáo dục – phụ huynh hay chính quyền đều phải trả lời trước tòa nếu vi phạm). Nhiều nước xác định giáo dục phổ thông là giáo dục căn bản, còn để làm việc thì phải chờ hậu đại học, cao đẳng hoặc trường nghề. Còn tại Pháp, ngay từ thời phổ thông người học đã biết mình có thể làm việc gì sau khi tốt nghiệp. Thế nên tại đây, việc dạy bao quát (rộng) diễn ra từ sớm (cấp I, cấp II). Khi bắt đầu lên cấp III, Pháp có nhiều loại bằng tốt nghiệp THPT Baccalauréat (BAC) hơn so với nhiều nước khác – vốn chỉ có chung một bằng tốt nghiệp phổ thông.
Cụ thể, Pháp có đến ba loại bằng tốt nghiệp phổ thông khác nhau với những “địa chỉ ứng dụng” khác nhau:
Đầu tiên là BAC Général. Hệ này dành cho những học sinh có học lực khá giỏi hoặc những em thực sự muốn theo đuổi chương trình đại học hay cao học trong tương lai. Theo đó, các em có thể chọn học khối ngành tự nhiên (BAC Science), khối ngành kinh tế xã hội (BAC Economie Social) hoặc khối ngành văn học (BAC Littérature).
Chính vì phân ngành nên học sinh chỉ học những môn chuyên ngành là chính ở cấp III (trừ một số môn bắt buộc trong đào tạo kỹ năng cơ bản, nhân cách, đạo đức… được dạy từ cấp I, cấp II). Thế nên chương trình học được giảm thiểu tối đa để các em không phải bị nhồi nhét kiến thức không cần thiết. Tất nhiên, đề thi tốt nghiệp tương ứng cho từng khối ngành cũng khác nhau.
Các em học lực yếu hơn nhưng vẫn mong muốn theo đuổi việc học thì có thể chọn hệ BAC Tech. Chương trình đào tạo hệ này tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học các trường cao đẳng, trở thành những kỹ thuật viên, chuyên viên cao cấp.
Cuối cùng, những học sinh không hứng thú với chữ nghĩa hoặc hoàn cảnh gia đình, sở thích hoặc nguyện vọng… muốn vừa tốt nghiệp phổ thông là có thể đi làm những công việc chân tay, làm thợ chứ chưa phải làm thầy thì theo đuổi hệ BAC Pro. Hệ này cung cấp các nghề cụ thể và các em học sinh được định hướng, chọn lựa và trong suốt hai năm cuối phổ thông có thể rèn luyện để đi làm ngay khi vừa ra trường với tay nghề vững.
Giáo dục Pháp định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ rất sớm.
Hệ thống giáo dục chặt chẽ và thực tế
Dù sự phân cấp tốt nhưng điều quan trọng là hệ thống hành chính – giám sát giáo dục tại Pháp cũng rất khắt khe để đảm bảo chất lượng.
Sống ở quê hương của phong trào Khai sáng và cuộc Cách mạng năm 1789, người Pháp vô cùng trân trọng tính tự chủ, bình đẳng của dân tộc mình. Hiến pháp năm 1958 khẳng định Pháp là “nước cộng hòa thống nhất, phi tôn giáo, dân chủ và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nguồn gốc xuất thân, sắc tộc, tôn giáo”. Những tính từ trong tuyên bố trên cũng có thể được dùng để mô tả phương châm giáo dục của Pháp.
Mọi người học, từ trẻ nhỏ đến người già đều bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng. Để bảo đảm nguyên tắc trên, người Pháp xây dựng một hệ thống tập trung và thống nhất. Trường công lập chiếm số lượng lớn nhằm tạo môi trường bình quyền cho học sinh. Các trường tư thục được tự do hoạt động nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của nhà nước nhằm hạn chế tình trạng trường chèn ép, tạo thiệt thòi cho học sinh so với trường công.
Các giám đốc sở giáo dục đều do tổng thống bổ nhiệm và giáo viên cũng do nhà nước tuyển dụng thông qua các hình thức kiểm tra, thi cử minh bạch và khắt khe. Kết quả của cách cấu trúc trên là một hệ thống trường học có độ đồng nhất cao, triệt để giữ gìn các giá trị tốt đẹp của quốc gia, dân tộc. Chương trình học gần như giống hệt nhau ở mọi trường học nhằm đảm bảo sự đồng nhất trong chuẩn đầu ra.
Giáo dục trên bậc phổ thông bao gồm hai hệ thống song song nhau là các đại học và các Grandes Ecoles (trường lớn). Nếu như đại học tập trung vào các môn lý thuyết thì Grandes Ecoles nhắm thẳng vào đào tạo nguồn nhân lực cạnh tranh. Nếu muốn vào Grandes Ecoles, học sinh phải có thành tích xuất sắc ở bậc trung học và thường mất từ một đến hai năm ôn luyện cho kỳ thi đầu vào. Một khi đã vào trường, áp lực học tập cũng rất lớn: Sinh viên thường bị gọi đùa là “chuột chũi” vì học đến đầu tắt mặt tối. Tuy nhiên, chính từ môi trường gắt gao này, nước Pháp đào tạo ra được những chuyên viên quản lý, kinh doanh và khoa học tinh túy. Sinh viên tốt nghiệp từ Grandes Ecoles thường không gặp khó khăn khi kiếm việc làm ở những cơ quan, tổ chức lớn.
Hệ thống Grandes Ecoles tinh hoa bắt nguồn từ hạn chế của hệ thống đại học đã có từ mấy thế kỷ trước. Giới lãnh đạo Pháp bấy giờ không hài lòng với việc học để biết mà đòi hỏi một hình thức đào tạo chuyên môn, thực dụng hơn. Năm 1747, Ecole des Ponts et Chaussees (trường về cầu và xa lộ) được mở dưới triều Louis XV; tiếp theo đó là Ecole du Genie Militaire (Trường Kỹ sư quân đội) và Ecole des Constructeurs de Vaisseaux (Trường Đóng tàu Hoàng gia). Sang đến thế kỷ 19, Grandes Ecoles đầu tiên về quản lý được thành lập.
Việc tốt nghiệp đại học tại Pháp sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu học viên chưa trải nghiệm qua hiệp hội nhà nghề. Tùy vào mỗi ngành nghề mà có những hiệp hội riêng được nhà nước vận động thành lập nhằm liên kết với trường đại học để “hậu kiểm” công tác giáo dục. Người tốt nghiệp được đến hội nhà nghề – nơi tập trung những người đã và đang đi làm với chuyên môn, kỹ năng cao – để thực tập, trải nghiệm và được đánh giá. Nhờ vậy trường có thể nắm rõ chất lượng đầu ra, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo dựa trên góp ý từ phía học viên và hội nhà nghề.
Người Pháp dần hướng theo xu thế rất thực tiễn: “Đào tạo người để đi làm”.
Kích thích tư duy phản biện và khả năng sáng tạo
Giáo dục Pháp cũng chú trọng việc rèn giũa tư duy cho các công dân tương lai theo hướng tự do và tự chủ. Pháp là một trong rất ít nước áp dụng môn triết học cho học sinh cuối bậc phổ thông. Triết học ở đây không chỉ là lịch sử các lý thuyết mà là cách suy nghĩ, cách đặt vấn đề.
Học sinh cần nghiền ngẫm các quan điểm kinh điển của các nhân vật lỗi lạc như Plato, Kant để có nguồn cảm hứng về giá trị của việc học. Việc thảo luận các vấn đề như vật chất và ý thức, luật pháp, xã hội, hạnh phúc… thông qua những câu chuyện thường nhật trong gia đình, giữa bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… không phải là chuyện lạ với các em.
Thanh tra giáo dục quốc gia Mark Sherringham cho biết môn học trên nhằm phát triển năng lực tư duy phản biện và tìm tòi cái mới của học sinh. Theo ông, kết quả của việc dạy triết rất đáng ghi nhận: Nhiều người Pháp có được sự đam mê đối với trí tuệ để theo đuổi học tập suốt đời.
Đại Thắng & Hữu Duyệt