Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình có kiến trúc hoàn hảo, quy mô bậc nhất, góp phần định hình kiến trúc, diện mạo của Thủ đô Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ XX. Nơi đây vẫn lưu giữ những câu chuyện bí ẩn như: Tác giả thực sự của công trình này, nhà hát không hề có tiếng khi thử âm lần đầu tiên… Cuối tháng 6, Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức mở cửa phục vụ du khách trong và ngoài nước tham quan, khám phá…
Tại sao công trình lại quá đồ sộ ?
Theo tư liệu chính thức từ website của Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà hát vốn nằm trên một vùng đầm lầy thuộc đất của hai làng Thạch Tần và Tây Luông thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Vào năm 1899, Hội đồng thành phố nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Richard, Công sứ Pháp tại Hà Nội đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây nhà hát. Tác giả đồ án thiết kế là hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Bản thiết kế này phải sửa đổi nhiều lần do nhận được sự góp ý của nhiều kiến trúc sư. Công trình được khởi công vào ngày 7-6-1901, dưới sự giám sát kỹ thuật của thanh tra đô thị, kiến trúc sư Harlay, một trong hai tác giả thiết kế. Người phụ trách thi công là hai ông: Travary và Savelon.
Việc san lấp mặt bằng diễn ra rất vất vả. Hằng ngày có 300 công nhân làm việc, 35.000 cọc tre được đóng với khối bê tông làm nền dày 90cm. Công trình đã sử dụng hơn 12.000m3 vật liệu, gần 600 tấn gang thép; chiếm diện tích 2.600m2, chiều dài là 87m, chiều rộng là 30m, điểm cao nhất so với mặt đường là 34m. Mặt trước của công trình rất bề thế, những bậc thềm chạy dài trước nhà hát để đón thẳng xe của các quan chức thuộc địa đến xem.
Những người thiết kế công trình đã tìm tòi, tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylơry và Nhà hát Opéra Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt.
Bên trong nhà hát trước đây có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính diện tích 24x24m, chứa 870 chỗ ngồi, ghế bọc da, một số chỗ bọc nhung. Tầng giữa có nhiều phòng nhỏ dành cho khán giả có vé riêng. Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Phía sau nhà hát là một phòng quản trị, có 18 buồng cho diễn viên hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và phòng họp. Nhà hát là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như Opéra, nhạc thính phòng, kịch nói… phục vụ cho tầng lớp quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có.
Lịch biểu diễn một tuần 4 lần vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Kinh phí xây dựng nhà hát được duyệt là 2.000.000 franc Pháp – một khoản tiền rất lớn vào thời đó. Không chỉ báo chí, nhiều quan chức trong Chính phủ Pháp đã đặt câu hỏi: Tại sao lại bỏ khoản tiền lớn như vậy để xây một nhà hát bề thế trong khi dân số ở thành phố thuộc địa này ít hơn rất nhiều so với Paris; phải chăng có sự cấu kết ngầm giữa quan chức có quyền duyệt chi với các công ty thầu? Hay cho tương lai của Hà Nội? Đó vẫn là những câu hỏi còn tồn tại cho đến hôm nay.
Ai là “cha đẻ” của Nhà hát Lớn ?
Có nhiều người cho rằng, Nhà hát Lớn Hà Nội giống Nhà hát Opéra Garnier của Pháp xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên KTS Hoàng Đạo Kính lại không đồng tình quan điểm này, ông chia sẻ: “Tôi đã từng nhiều lần đến thăm Nhà hát đó ở Paris và thấy rằng Nhà hát Lớn Hà Nội không phải là phiên bản của Nhà hát Garnier. Bởi vì Nhà hát Opéra Garnier rất đồ sộ, nguy nga và rất cầu kỳ với 2.600 chỗ, trong khi Nhà hát Lớn Hà Nội chưa đầy 1.000 chỗ. Nếu có giống nhau thì có chăng là về chức năng, cấu trúc, không gian mặt bằng mà thôi.
Còn về mặt kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội là một sự phát triển đặc trưng của lối kiến trúc Pháp ở một nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong đó có sự biểu hiện, tiếp nối của kiến trúc tân cổ điển và kiến trúc tân Ba rốc. Thậm chí có những nhân tố bản địa hóa rất đặc biệt, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ tự thân chứ không bắt chước một cái nào của Opéra Garnier cả. Nếu đặt Nhà hát Lớn Hà Nội bên cạnh các nhà hát tiêu biểu trên thế giới thì nó rất độc lập, không giống nhà hát nào về mặt kiến trúc”.
Cũng theo một tài liệu mà người viết có được thì GS.KTS Hoàng Đạo Kính, người chủ trì công cuộc trùng tu Nhà hát Lớn vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng từng băn khoăn rằng tác giả của công trình này cho đến nay vẫn là một ẩn số. Nhiều kiến trúc sư đã tìm trong không ít hồ sơ cả ở Việt Nam và ở Pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa biết được ai là tác giả của công trình này. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi không chỉ các kiến trúc sư mà ngay cả chúng ta đều có mong muốn được tìm hiểu, làm rõ ai là tác giả thực sự của một công trình độc đáo ở xứ Đông Dương thuộc địa xa vời với nước Pháp mà lại chín muồi đến thế…(còn nữa)
KTS Hồ Thiệu Trị, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc HTT Group, đồng thời cũng là người tham gia vào việc trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội trong giai đoạn 1995-1997 cho biết: “Năm 1994, lần đầu tiên từ Pháp về Việt Nam, tôi đến thăm nhà hát. Nhìn thoáng qua, tôi thấy công trình giống như những nhà hát ở Pháp và Châu Âu, nhưng khi quan sát kỹ, lại thấy phảng phất đường nét, chi tiết rất Việt Nam.
Nhà hát Lớn được thiết kế rất đúng với tinh thần của kiến trúc thuộc địa, ở thời điểm đó, tại Việt Nam chưa có mô hình nhà hát lớn nào làm hình mẫu. Sự tồn tại của Nhà hát Lớn Hà Nội đến giờ được coi là duy nhất ở Đông Nam Á”.