Hồi hơn mười tuổi, tôi thường đến chơi bóng bàn với đứa bạn con một bác hàng xóm mà cả xóm gọi là ông Thầu vì bác làm nghề thầu khoán. Ở đó, tôi xem được bức ảnh ông chụp bên cạnh tháp Eiffel bên Pháp. Đó là lần đầu tôi gặp một người có hình chụp bên một thắng cảnh nổi tiếng chỉ thấy trong báo và trên phim. Bác kể: “Tôi chụp khi đi du lịch bên Paris”.

Ngày nay, du lịch là một chuyện bình thường. Nhưng cách nay hơn bốn mươi năm, chuyện đó nghe thật lạ tai với một thằng nhóc. Về kể cho má tôi nghe, bà bảo: “Thời buổi này ai mà đi du lịch cho nổi trừ nhà giàu có như ông Thầu. Ba của con có đi du lịch ở Đà Nẵng, nhưng từ chục năm trước rồi, bây giờ đi đâu cũng sợ súng bom!”. Rồi bà chỉ một cái bình nhựa có dây đeo, cho biết cái bình đó dùng đựng nước uống mang theo để ba tôi đeo trên vai khi lên đường. Má tôi kể một bà bác là nhà giáo về hưu có đi được vài nơi, du lịch hẳn hoi với hướng dẫn viên, ra tới Huế và sang Hồng Kông, Nhật Bốn và đó là niềm tự hào cả dòng họ. Nhưng đó là chuyện đầu những năm 1960.

Hai người trong ban điều hành Công ty du lịch Saigon Servise Center (S.S.C), Ông Kha Thùy Châu (trái) và ông Đoàn Châu Mậu.

Chuyện đi du lịch của người Sài Gòn hầu như tôi chỉ biết có vậy. Bạn bè tụ họp trong các chuyến đi chơi, bảo nhau hồi trước 1975 nhà nào ham đi chơi cũng quanh quấn ra Vũng Tàu, sáng đi chiều về. Sang lắm thì lên Đà Lạt, ra Nha Trang là hết. Sài Gòn thời chiến tranh, dân chúng sống càng lúc càng khó khăn, vùng nào cũng có đánh nhau nên ít ai dám đi đâu. Do đó, ngành du lịch ở Sài Gòn không mạnh, thoi thóp tồn tại. Đã có những cô gắng của những người muốn phát triển ngành này từ nhà nước đến tư nhân. Có những người học chuyên ngành du lịch từ nước ngoài về tham gia vạch kế hoạch phát triển trong thời chiến và cả hậu chiến.

Có lẽ nền du lịch ở miền Nam trước 1975 vẫn còn phôi thai, non trẻ cho dù đã có những cuộc tổ chức đi chơi xa cho dân chúng, có chương trình hẳn hoi. Đọc cuốn Hơn nửa đời hư, đầu thập niên 1960 ông Vương Hồng Sến đón cha từ Sốc Trăng lên Sài Gòn đi thăm đền Angkor và người tổ chức chỉ là một người quen, thuê xe, đưa đón, thuê nhà trọ và ăn một chút tiền dôi ra từ các cá nhân đóng góp. Rải rác có các công ty du lịch hình thành đưa khách đi chơi nhưng danh sách điểm đến thật nghèo nàn: du lịch trong nước chỉ tổ chức đi Đà Lạt, Bảo Lộc, Vũng Tàu, Nha Trang… Ra nước ngoài có Angkor, Nhật Bổn, Hongkong…

Xưa kia, người Sài Gòn gọi Vũng Tàu là Cấp, dựa vào cái tên Cap Saint Jacques thời thuộc Pháp. Ngoài thú vui tắm biển, khách đến Vũng Tàu thích mua mắm ruốc, ăn trứng con vích. Trứng vích có lòng đỏ rất bùi, lòng trăng không động cho dù luộc chín. Hiện nay, trứng vích bị cấm mua bán để bảo vệ động vật quý hiếm.

Trước thời gian đó một chút, năm 1959, có một công ty du lịch hình thành và có thể coi là công ty đầu tiên chuyên làm du lịch của người Việt. Ông chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Liêm, chủ hãng phim Hoàn Kiếm chuyên nhập phim Nhật và cũng là chủ nhân hai điểm lui tới nổi tiếng của giới văn nghệ sĩ là quán La Pagode, thường gọi là quán Cái Chùa và nhà hàng Tự Do ở trung tâm Sài Gòn. Sau khi hình thành ông mời ông Nguyễn Danh Xương làm Giám đốc, đạo diễn Kha Thùy Châu làm phụ tá và diễn viên điện ảnh Đoàn Châu Mậu phụ trách về giao tế. Công ty lấy tên là Saigon Service Center (S.S.C) chuyên về du lịch, đặt trụ sở tại đường Ngô Đức Kế, quận 1. Lúc đó đô thành Sài Gòn sau khi ký Hiệp định Genève vài năm đang còn ổn định, chiến tranh chưa lan rộng, ông Nguyễn Văn Liêm có tầm nhìn xa, nghĩ là tình hình sẽ thay đổi, người Mỹ và người nước ngoài sẽ vào miền Nam nhiều hơn để làm ăn nên muốn đi đầu trong việc cung ứng các dịch vụ du lịch cho người nước ngoài và cả người Việt Nam khá giả. Còn thực tại thì khách đi du lịch không nhiều, đa số người có máu mặt, người Việt gốc Hoa và phụ nữ là những đối tượng dễ xin phép ra nước ngoài lúc đó.

Ngay sau khi thành lập, Ban điều hành vạch ra một kế hoạch phát triển khá hấp dẫn. Trước hết, công ty tổ chức các cuộc du ngoạn mỗi ngày đi vòng quanh thành phố Sài Gòn Chợ Lớn – Gia Định, thăm các thắng cảnh, di tích, Viện bảo tàng dành cho khách đến Sài Gòn du lịch. Phương tiện là đội xe mười chiếc sơn trắng của Ý hiệu TRI-LAMBRETTA do hãng Lambretta tại Sài Gòn nhập cảng về. Đây là loại xe chạy máy hai thì, ba bánh, mái vải, có lối đi lên ở giữa, thông thoáng để có thể sát cảnh vật. Hình dáng xe này khá giống loại xe điện dùng để chạy trong các công viên, nhưng chỉ có ba bánh. Bên hông xe có kẻ dòng chữ “SAI GON SIGHT SEEING”. Giá xe mỗi chiếc lúc đó chỉ khoảng 35 đến 45 ngàn đồng, dễ đầu tư vì vốn nhẹ.

Đã có dịch vụ đưa khách đi chơi quanh thành phố rồi, ban Giám đốc tính chuyện xa hơn với các kế hoạch lớn hơn. Trước hết, công ty liên kết với dịch vụ Club Nautique tại khu Thanh Đa. Đây là loại hình giải trí Câu lạc bộ dưới nước có từ thời Pháp thuộc, thường xuyên tố chức chơi trượt nước, dạo chơi trên sông bằng canoe. Câu lạc bộ này còn có ba nhà hàng phục vụ khách. Công ty đưa khách đến, thuê canoe đi trên sông Sài Gòn ngắm cảnh, lướt sóng ra tới Nhà Bè ăn cá, đến Lái Thiếu ăn trái cây, xem làm đồ gốm…

Do mới mở nên khách mua dịch vụ Ô lai rai, không ồ ạt. Lúc đó, công ty còn nghĩ đến một kế hoạch táo bạo hơn. Số là sau khi suy tính, cố vấn phụ trách giao tế là ông Đoàn Châu Mậu gửi một lá thư bằng tiếng Anh cho ông Hugh Hefner, chủ tạp chí Playboy chuyên dành cho đàn ông nổi tiếng của Mỹ. Thư đề nghị công ty ông Hefner liên doanh với S.S.C vào dự án xây dựng một Sandy club, khu du lịch có bãi tắm riêng dành cho người nước ngoài tại đảo Thổ Chu, Tây Nam nước Việt. Khu du lịch trên hòn đảo hẻo lánh này, ắt sẽ thỏa mãn những điều kiện du lịch phóng khoáng nhất mà người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ ưa thích, như bãi tắm “tiên”, theo cách gọi bây giờ.

Sản phẩm công ty Thành Lễ trưng bày tại cửa hàng đường Tự do

Bức thư gửi đi Mỹ, không biết mất mấy tuần và cũng không chắc được phản hồi. Ai ngờ, một thời gian sau, có một người Mỹ tên là Clinton, đại diện ông Hugh Hefner bay qua Sài Gòn và tìm đến Văn phòng Chánh phủ VNCH tìm hiểu điều kiện đầu tư việc mở khu du lịch liên doanh với Công ty S.S.C tại đảo Thổ Chu. Tin đến tại Tổng thống Ngô Đình Diệm, vốn là một người công giáo gốc phong kiến. Ông nổi trận lôi đình, đòi bắt bỏ tù ai dám thảo thư mời chủ báo Playboy mở loại công ty du lịch như vậy. Ông Kha Thùy Châu nhớ lại: May là bức thư chỉ đứng tên công ty, không có chữ ký cụ thể của ai, nên thoát nạn!

Đến năm 1963, trước khi ông Diệm bị lật đổ, tình hình làm ăn càng lúc càng khó khăn đối với ngành phim ảnh. Ông Nguyễn Văn Liêm, lâu nay chuyên nhập cảng phim Nhật, gặp sự cạnh tranh của các hãng nhập về phim Mỹ đang được ưa chuộng. Đã vậy, khi ông nhập cuộn phim Đức Phật Thích Ca về, chính quyền họ Ngô không cho chiếu. Chi phí bỏ ra cao lại không thu hồi vốn được, ông Liêm đóng cửa công ty Hoàn Kiếm và dẹp tiệm luôn công ty S.S.C.

Dù đi du lịch bằng xe đò ra Huế, các cô giáo tại Gia Định vẫn mang áo dài nghiêm chỉnh. Cảnh dừng lại mua sắm đợi xe qua phà.

Đến giữa thập niên 1960, chiến tranh lan rộng, việc đi du lịch đối với dân miền Nam càng trở nên khó khăn, chỉ từ Sài Gòn đi Vũng Tàu cũng bị dừng xe xét giấy tờ thường xuyên hoặc có khi phải quay về vì đường bị “đắp mô” tức bị đặt mìn. Đến năm 1968 sau Tết Mậu Thân, số khách du lịch giải trí nghỉ hè sụt giảm hẳn, kể cả với giới có tiền. Về du lịch quốc tế, khách đến từ nước ngoài khá đông nhưng chủ yếu là làm ăn, ngoại giao, việc quân sự, thăm gia đình. Số người Việt ra nước ngoài sau thời điểm đó tăng hơn nhưng chủ yếu là xuất ngoại mua bán hàng hóa khan hiếm và quý kim (do lúc đó có sự hạn chế, cấm chỉ hay đánh thuế nặng của Bộ Kinh tế với hàng xa xỉ). Đến năm 1970, tuy vẫn khó khăn vì chiến tranh, ngành du lịch vẫn được nhìn nhận là có mãi lực phát triển dần. Theo ông Lê Thái Khương trong cuốn Du lịch, kỹ nghệ đệ tam đẳng tại Việt Nam, năm 1966 số chi tiêu của người nước ngoài ở Việt Nam là 29 tỉ đồng thời đó. Đến 1967 là 47 tỉ và ước tính năm 1968 là 50 tỉ. Đến 1970, đường bay đã có các máy bay phản lực Boeing 727 nối Sài Gòn với Nam Vang (Phnom Penh), Vọng Các (Bangkok), Đài Bắc, Tân Gia Ba (Singapore), Ma Ní (Manilla), Osaka và Tokyo. Hệ thống khách sạn lúc đó nổi bật là President với 700 phòng, Caravelle với 78 phòng, Victoria với 200 phòng, Majestic với 125 phòng… Nha Trang có khách sạn Giảng, Nha Trang, Hoàng Yến… Vũng Tàu có khách sạn Tam Thắng, Thanh Cảnh, Hoàng Yến, Viễn Đông Ăn uống thì có các nhà hàng ngon là Đồng Quê, Trung Thành, Calypso, bò bảy món Au Pagolac, Duyên Mai, Ánh Hồng. Cơm Việt tại Nam Đô. Món ăn Ý ở La Dolce Vita, Pizzeria. Món Tây Ban Nha ở Paprika. Món Pháp ở Arc-en-ciel, d’ Admiral, de Bodega, Caruso, Le Cave.

Món Hàn có Arirang House, New Seoul. Món Nhật có Fuji Nikko. Món Tàu có Đồng Khánh, Văn Cảnh, Bát Đạt, Quốc Tế, Bồng Lai. Đặc biệt đến nhà hàng Maxim’s với các món Tây, Tàu có ca vũ nhạc đặc sắc. Còn quán cà phê thì có nhiều quán rải rác ở các đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi như La Pagode, Givral, Brodard, Pôle Nord… Ngoài ra còn có các tiện nghi khác đối với du khách như sau khi đi tham quan các nơi có thể may lay ngay các bộ âu phục với đường may thanh nhã không kém ở châu  u và lúc đó thợ may người Việt đã có tiếng may khéo. Trước khi người Mỹ đến năm 1965, công may lại rất rẻ. Các tiệm may nổi tiếng là Đô Hội, Văn Quân, Tân Tiến… Đi mua sắm thì có sản phẩm da, giày và thắt lưng, đặc biệt là giày bằng da voi rất được ưa chuộng. Các sản phẩm bằng đồi mồi, búp bê Việt Nam bận áo dài, guốc Đa Kao, sơn mài của hãng Thành Lễ, Trần Hà hay Mê Linh. Buổi tối đi chơi thì đến xem phim các rạp Rex, Đại Nam, Eden, Palace, Oscar… Muốn nhảy đầm có Tự Do, Văn Cảnh, Queen Bee, Baccara. Muốn say sưa thì đến các snack bar ở trung tâm Sài Gòn. Xem sân khấu cải lương, thoại kịch về đêm thì đến Quốc Thanh, Nguyễn Văn Hảo, Olympic…

Tuy có một số lợi thế nhất định, ngành du lịch miền Nam đầy dẫy khó khăn. Cuộc chiến tranh đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng, đường xá và một số lăng tẩm. Ngân sách nhà nước lúc đó cho du lịch rất ít, kinh phí hằng năm được cấp phát quá ít, vào khoảng 400.000 đồng tiền VNCH, chỉ đủ mua được 1/3 chiếc xe hơi du lịch Toyota. Ngành du lịch lúc đó mơ tới một ngân sách khoảng 80 ngàn USD (ngang với Đài Loan), thay vì chỉ 7 ngàn USD như lúc đó, để đủ tiền làm một cuốn phim màu về du lịch mỗi năm, in 500 ngàn cuốn sách chỉ dẫn, 5 tấm bích chương mới về thắng cảnh và bản tin tức hằng tháng. Giới du lịch ganh tỵ với câu chuyện là ở Campuchia, ông hoàng Sihanouk cùng nhân viên trong hoàng cung đi đóng phim màu, ngoại cảnh là các cảnh đẹp trên đất nước họ, nhất là ở khu đền Angkor. Sau đó, người bên đó tổ chức Đại hội điện ảnh các nước trong vùng, tự chấm phim mình giải Nhất để lấy uy tín hầu đem phim đi chiếu ở các nước, nhất là Mỹ và Tây  u để mở rộng thị trường du lịch của họ.

Đã vậy, khi người Mỹ đến Việt Nam họ chi tiêu quá nhiều dẫn đến lạm phát càng khổ cho dân nghèo. Do đó, chính quyền Sài Gòn bàn với người Mỹ giải tỏa áp lực này bằng cách hạn chế lính Mỹ ra khỏi trại, trong ba ngày mới có một ngày ra phố, nếu gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng Mỹ được lãi suất cao 10% mỗi năm và khuyến khích họ đi nghỉ ở nước ngoài như sang Nhật, Hongkong, Singapore, Phi hay Úc. Sự hạn chế chi tiêu này là hợp lý cho xã hội nhưng bất lợi cho ngành du lịch Việt Nam và giúp du lịch các nước kia cơ hội phát triển. Do đó, có chuyện Nha du lịch Sài Gòn định lập một trung tâm giải trí Đà Lạt rất quy mô không thua khu giải trí Đồi Walker ở Seoul, Hàn Quốc nhưng cuối cùng bị xếp lại. Còn về nơi trú ngụ cho du khách, cho đến 1970 đa phần khách sạn ở miền Nam vẫn là do người Pháp xây dựng trước kia với kích thước nhỏ bé, thiếu tiện nghi. Cho đến tháng 10 năm 1969, cả miền Nam chỉ có 432 khách sạn với hơn 9.000 phòng, riêng Sài Gòn đã là 125 khách sạn với hơn 4.000 phòng, chiếm 47% cả nước. Giá phòng ở khách sạn các nước là: phòng đơn 7 USD, phòng đôi 12 USD. Ở Sài Gòn, ví dụ như khách sạn Caravelle, phòng đơn 17 USD, phòng đôi 21 USD. Giá tính ra gấp đôi ở nước ngoài dù tiện nghi không bằng. Còn các loại hình cư ngụ khác như Motel là loại khách sạn có chỗ đậu xe hơi, có nhiều nhà khép kín với các phòng ăn, ngủ, bếp, nhà tắm… thì chưa có. Dạng Lữ quán thanh niên giúp giới trẻ đi du lịch giá rẻ, có thể kết thân với nhau thì chỉ Đà Lạt có một Lữ quán với sức chứa 220 người. Sân cắm trại dành riêng cho du khách sạch sẽ, an ninh và tiện nghi như ở nước ngoài thì hoàn toàn không có.

Ngoài cuốn sách của ông Lê Thái Khương mong muốn nhìn sâu vào những khó khăn hiện tại, triển vọng phát triển của một ngành kỹ nghệ mới mẻ cần được xây dựng, một số báo và tạp chí miền Nam đã viết về du lịch với không ít bài vở nhưng hầu như là kế hoạch hậu chiến đầy triển vọng. Cũng có những trí thức tâm huyết với ngành du lịch, như ông Phan Lương Hoan, phó Giám đốc Air Việt Nam (hãng hàng không của chính quyền Sài Gòn) rời chức vụ chuyển sang làm Giám đốc Nha du lịch quốc gia. Vốn có bằng Master bên Úc, ông hoạch định nhiều kế hoạch du lịch cho tương lai. Trước hết, ông mở một quán cà phê trong nhà hàng thuộc khách sạn Majestic ở đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay), lấy tên là Cyclo House. Khách đến đó uống cà phê hay nước giải khát thay vì ngồi trên ghế sẽ được chễm chệ uống nước trên ghế xe xích lô. Đây là quán cà phê nổi tiếng, gây ấn tượng mạnh với khách đến Sài Gòn. Ông còn có những kế hoạch khác để phát triển du lịch khá quy mô. Tuy nhiên, các kế hoạch đề ra sát năm 1975 nên đã không thành hiện thực.

Ca sĩ Kim Vui bên chiếc đèn ngà chạm

Năm 1959, một bộ lịch màu năm Canh Tý 1960 mang tên “Công nghệ Việt Nam” được thực hiện để quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ của miền Nam, hỗ trợ cho việc thu hút khách du lịch đến Sài Gòn. Bộ lịch có 12 tấm, mỗi tấm in hình một sản phẩm bên cạnh các nghệ sĩ, thiếu nữ đẹp. Bộ lịch được in tại nước ngoài. Ảnh: báo T.G.T.D, tập IX, số 3