Ngày nay vàng không còn là trang sức thông thường mà còn được sử dụng trong ẩm thực. Đã có rất nhiều các nhà hàng, quán ăn ở các nước trên thế giới và thậm chí ở Việt Nam đã sử dụng vàng cho món ăn của mình. Vậy vàng có thực sự mang lại lợi ích cho sức khoẻ hay mọi người chỉ ăn để thể hiện đẳng cấp?

Vàng vốn được coi là một loại kim loại quý bởi tính quý, hiếm, màu đẹp. Ngoài ra vàng còn được coi như là biểu tượng cho sự quyền lực, giàu sang. Thế nhưng ngày này ngoài việc sử dụng làm trang sức, vàng cũng đã được sử dụng như một nguyên liệu tô điểm cho các món ăn thêm phần bắt mắt. Vậy vàng có thực sự có lợi cho sức khoẻ hay mọi người chỉ ăn để thể hiện sự giàu sang, đẳng cấp?

Tưởng chừng như việc dát vàng lên những vật dụng hàng ngày là đã hết mức xa xỉ nay giới thượng lưu lại có thú chơi ẩm thực dát vàng. Những món ăn rất đỗi quen thuộc với chúng ta như: pizza, vịt quay, bánh cupcake, donut hay hamburger,… nay đều có thể được phủ lên một lớp bụi vàng óng ánh hay những miếng vàng lá 24K và mức giá phải trả cho những món ăn như vậy dao động từ vài trăm cho đến vài nghìn USD.


Nếu như những món ăn thượng phẩm như: trứng cá caviar, gan ngỗng vỗ béo foie gras, cá ngừ đại dương,… đã dần trở nên quá quen thuộc và không còn đủ sức “chinh chiến” trong cuộc đua “khẳng định đẳng cấp” thì những món ăn dát vàng xuất hiện, chiếm một vị thế đặc biệt đối với giới thượng lưu thế giới.

Vào khoảng đầu năm nay, món kem dát vàng đã xuất hiện và làm khuynh đảo những người sành ăn ở Sài Gòn. Những cây kem ốc quế vị trà xanh hoặc vanilla rất đỗi bình thường, bỗng chốc khoác áo mới, được phủ một lá vàng mỏng 24k và đội giá lên mức 150 nghìn đồng khiến nhiều người tò mò cảm giác ăn vàng là như thế nào và họ muốn được thử. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu dát vàng có giúp món kem ngon hơn hay không?

Thực ra, ý tưởng cho vàng vào thực phẩm không phải mới mà đã xuất hiện từ xưa ở Ai Cập, sau đó giới quý tộc Anh, Mỹ và Trung Quốc cũng làm theo. Nhiều người cho rằng dát vàng lên món ăn sẽ giúp tăng khẩu vị nhờ vào tác động tâm lý. Điều này một phần cũng đúng sự thật, bởi theo một nghiên cứu từ ĐH Oxford, việc bày biện và trang trí món ăn có tác động đến vị giác và trải nghiệm trong bữa ăn.

Tuy nhiên hiệu ứng này cũng có thể xảy ra mà không cần phải sự dụng đến vàng nên ta có thể thấy vàng ở đây không thực sự chiếm một vai trò quan trọng. Lý do duy nhất ở đây vàng được đưa vào thực đơn là bởi vì đó là vàng – một biểu tượng cho sự xa xỉ.

Mọi người vẫn thường có lối suy nghĩ cái gì đắt thì sẽ ngon, quý và bổ nhưng với vàng thì không. Việc ăn vàng hầu như không mang lại bất kì một giá trị dinh dưỡng nào cho cơ thể mà thậm chí đôi lúc có thể khiến bạn gặp tai hoạ.


Dưới góc độ y khoa, trong cơ thể người, vàng là nguyên tố vi lượng chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ và cũng không có vai trò gì quan trọng. Cho tới nay y học thế giới chưa ghi nhận các bệnh lý do thiếu vàng và tính cần thiết của việc bổ sung vàng. Do đó bổ sung vàng không giúp ích gì mà có thể gây hại vì làm xáo trộn cân bằng các chất trong cơ thể. Vàng bột hoặc vàng lá 24K – thường được dùng để trang trí món ăn – rất ít được hấp thụ qua đường tiêu hóa, phần lớn vàng khi ăn vào đều bị đào thải khi bạn giải quyết “nỗi buồn” trong toilet.

Có thể nói việc dát vàng lên món ăn chỉ nhằm mục đích tăng tính bắt mắt, thể hiện đẳng cấp của người thưởng thức món ăn đó và trải nghiệm thử cảm giác ăn vàng ra sao. Nếu bạn muốn thử một lần thì được thôi nhưng hãy nhớ nó chẳng mang lại lợi ích gì cho sức khoẻ mà còn lại tốn hầu bao kha khá.