Trung úy phi công Heather Penney chưa rõ chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới là vô tình hay cố ý. Nhưng khi chiếc thứ hai đâm trúng, biết chắc rằng nước Mỹ đang bị tấn công. Không còn đủ thời gian để gắn vũ khí lên máy bay. Heather Penney và một phi công khác, ông Marc Sasseville nhận nhiệm vụ cảm tử – một phi vụ tự sát.

Lúc 9 giờ 30 sáng 11/9/2001, 46 phút sau khi chuyến bay 93 của hãng hàng không Mỹ United Airlines cất cánh từ Newark (bang New Jersey) tới San Francisco, bốn kẻ cướp máy bay đã giành quyền kiểm soát chiếc Boeing 757-222. Cũng sáng đó, hai máy bay bị cướp đã gây sốc toàn thế giới khi lao vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Chưa đầy 10 phút sau, một máy bay nữa lao vào Lầu Năm Góc ở Washington DC.

Khi nhận được tin chiếc Boeing số hiệu 93 bị bọn không tặc chiếm quyền điều khiển, Đại tá Marc Sasseville và nữ trung úy phi công Heather Penney lập tức lên 2 chiếc tiêm kích F-16 với mục tiêu sẽ đâm vào chiếc 93 cho nổ tung giữa trời nhằm ngăn nó lao xuống Nhà Trắng, là nơi làm việc của Tổng thống Mỹ hoặc điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ…

US National Archives & DVIDS – GetArchive

“Chúng tôi không có tên lửa. Chúng tôi không còn đủ thời gian để gắn vũ khí lên máy bay. Chúng tôi phải tham gia một phi vụ tự sát. Và để tiêu diệt được một máy bay chở khách thì anh Sasseville phải đâm vào buồng lái nơi có bọn khủng bố, để phá hủy mọi bộ phận điều khiển. Còn tôi thì phải đâm máy bay của mình vào đuôi máy bay của chúng để làm mất cân bằng khí động học. Tấn công hai đầu như vậy thì máy bay khủng bố sẽ rơi thẳng xuống đất. Đó là kế hoạch của chúng tôi để ngăn chặn không cho phép bất kỳ thương vong nào nữa xảy ra”, nữ phi công nói.

Ngày 11/9/2001 dự kiến là một ngày bình thường của Trung úy Heather Penney thuộc Vệ binh Quốc gia Không quân Washington DC.

8 giờ 45 phút, khi Đại tá Marc Sasseville, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Andrews đang nói về kế hoạch huấn luyện thì bất ngờ có ai đó đẩy cánh cửa phòng rồi hét lớn: “Một chiếc máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới WTC”.

Nhớ lại khoảnh khắc ấy, Heather kể: “Thoạt tiên, tôi cùng rất nhiều những phi công khác có mặt trong phòng đều nghĩ rằng đó là máy bay nhỏ của tư nhân vì như bạn biết đấy, nó thường hay mất kiểm soát mỗi khi gặp gió xoáy hoặc không khí loãng…”; nhưng chỉ vài phút sau, một người khác lại mở tung cánh cửa phòng họp hét lên: “Một chiếc nữa đã lao vào WTC”.

Lập tức, chiếc tivi đặt ở góc phòng được mở lên. Trước mắt mọi người, hai tòa tháp đôi đang cháy ngùn ngụt còn trên đường phố là một cảnh tượng hỗn loạn, chẳng khác gì ngày tận thế. Heather nói “Tôi nghe tiếng Đại tá Marc Sasseville kêu lớn: “Khủng bố rồi!”.

Rõ ràng là nước Mỹ đã bị tấn công chứ không phải tai nạn máy bay tình cờ. Và đó là khi tôi nhận ra rằng thế giới xung quanh tôi đã thay đổi.

Trong giây lát, không khí hốt hoảng bao trùm cả phòng họp. Sau vài phút liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ qua hệ thống điện thoại bảo mật, Đại tá Marc Sasseville, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Andrews quay sang hối Heather: “Trung úy! đi với tôi. Chúng ta phải hành động”.

Sứ mệnh của họ là gì? Họ sẽ đi đâu? Tìm cái gì? Không có mệnh lệnh rõ ràng. Khi hai người vội ra máy bay, Lầu Năm Góc bị chuyến bay 77 lao vào. Thông tin cho rằng chiếc máy bay thứ tư là chuyến bay 93 đang ở trên trời. Bộ tư lệnh Không quân cho rằng nó đang tới thủ đô.

Thông thường, tất cả các máy bay trước khi cất cánh đều phải có một thời gian chuẩn bị. Nó bao gồm các việc như kiểm tra bên ngoài máy bay, hệ thống bánh đáp, các cánh tà, cửa lên xuống, cửa khoang chứa hàng… trong lúc các phương tiện ngoại biên như xe tiếp nhiên liệu, xe tiếp điện làm nhiệm vụ của mình.

Sau đó phi công sẽ tiến hành kiểm tra các thiết bị bên trong máy bay như các bảng đồng hồ điều khiển, radio liên lạc, radar dẫn đường… rồi mới được phép nổ máy. Riêng với máy bay chiến đấu, phi công còn phải kiểm tra dù, áo phao cứu sinh, đèn hiệu cấp cứu, thuốc chống cá mập, máy truyền tin cá nhân, hệ thống tác chiến điện tử, tình trạng hoạt động của các loại vũ khí…

Tất cả những việc này mất khoảng 30 phút nếu không kể đến việc lắp bom, tên lửa, đạn cho súng máy…

Tuy nhiên, cả 2 chiếc F-16 đều không có bất kỳ một quả tên lửa nào, còn khẩu pháo Vulcan 20mm đặt trước buồng lái thì chưa nạp đạn. Heather kể tiếp: “Để hạ chiếc Boeing 93, tôi và Đại tá Sasseville phải lao máy bay của mình vào máy bay của bọn chúng”.

Điều ấy nghĩa là Sasseville cùng Heather sẽ đâm trực diện 2 chiếc F-16 vào chiếc Boeing có kích thước gấp 7 lần máy bay họ, và chắc chắn là họ sẽ chết cùng với tất cả mọi người trên chiếc Boeing.

Và nếu phi công có ý định rằng: khi chiếc F-16 của họ gần chạm vào chiếc Boeing, phi công sẽ bấm nút ghế phóng để thoát ra. Tuy nhiên dù có thoát được đi chăng nữa thì sóng xung kích và khối cầu lửa từ vụ nổ của 3 chiếc máy bay khi va chạm cũng đủ để giết chết họ trước khi ghế phóng lên đến độ cao cần thiết để có thể kích hoạt bộ phận làm bung dù. Và họ biết rõ điều đó.

“Chúng tôi đã biết mình cần làm gì. Không lo sợ khóc lóc gì cả. Tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là “Lạy Chúa, đừng để con làm hỏng chuyện”.

Và họ cất cánh sẵn sàng cho sự hy sinh…

Nhưng, hành khách chuyến bay 93 đã cố gắng giành lại kiểm soát và trong cuộc vật lộn với bọn không tặc, máy bay đã rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Tất cả mọi người trên máy bay đều đã thiệt mạng. Đó là chiếc máy bay duy nhất trong số 4 chiếc bị cướp không đến được mục tiêu đã định của bọn khủng bố.

Heather nói: “Ngay những giây phút ấy, tôi đã quyết định hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ những người vô tội dưới mặt đất. Tôi và Đại tá Sasseville không phải là anh hùng, chúng tôi chỉ là một trong rất nhiều những nhân chứng, chứng minh cho lòng yêu nước mà thôi…”.

Trong 90 phút sau đó, Penney và Sasseville bay hết tốc lực trên không phận thủ đô để tìm chiếc máy bay thứ tư. Nhưng họ không bao giờ thấy nó. Nửa tiếng sau, họ hay tin máy bay đã lao xuống cánh đồng ở Pennsylvania. Những hành khách anh hùng trên máy bay đã ngăn khủng bố thực hiện vụ tấn công.

Giờ sứ mệnh của họ chuyển từ tấn công cảm tử sang bảo vệ không phận. Giới chức hàng không Mỹ đã lệnh cấm toàn quốc máy bay dân sự cất cánh, bất kể điểm đến. Khi hỗ trợ kiểm soát không lưu dân sự, Penney và Sasseville bắt đầu điều hướng các máy bay tránh xa khu vực thủ đô và lệnh cho họ hạ cánh nhanh nhất có thể.

Penney và các phi công khác được lệnh bảo vệ Tổng thống Mỹ George W. Bush khi ông bay về từ Florida. Khi nghe tin vụ tấn công, ông được hộ tống lên Không lực Một và đưa tới nơi an toàn nhất lúc bấy giờ: bầu trời.

Máy bay của Penney và những người khác tuần tra quanh thủ đô, trang bị đạn thật. Họ có quyền bắn tự do nếu xác định máy bay dân sự nào là mối đe dọa mà không cần chờ lệnh. Vài giờ sau vụ tấn công ban đầu, người ta vẫn không rõ còn vụ nào sắp xảy ra không.