Thủa còn đi học tôi đã đặc biệt chú ý đến câu chuyện thần thoại về An Dương Vương-Thục Phán và chiếc nỏ thần, “một phát sát vạn người”. Chuyện lại lồng thêm mối tình vương giả giữa chàng thái tử hào hoa Trọng Thủy và nàng công chúa khả ái Mỵ Châu. Nhưng đoạn kết bi thảm của chuyện đã để lại thương tiếc cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh thủa ấy.

Trong khi đó Việt sử lược lại chép rằng: Thục Phán cướp ngôi Hùng Vương thứ 18, đặt tên nước là Âu Lạc. Vua cho xây thành Cổ Loa hình con ốc, được thần Kim Quy cho một chiếc móng để làm nỏ thần. Sau mắc mưu Triệu Đà, vua thua trận phải chạy ra biển. Truyền thuyết cũng như sử nói về gốc tích An Dương Vương khá mờ nhạt, tựu trung xa gần đều gắn với dòng dõi nhà Thục. Tuy nhiên cụ thể An Dương Vương từ đâu đến, trận chiến diễn ra với vua Hùng như thế nào đều khá khó đoán định chính xác. Khi Thục Phán xuất hiện, vua Hùng vốn đang chăn dắt con dân nước Văn Lang, đột nhiên biến mất như luồng khói mỏng. Có thể nào như vậy chăng?

Vào những năm tháng đầu thế kỷ 21 tôi sưu tập được 4 cây kiếm khác hẳn với 2 cây kiếm Đông Sơn hay những cây kiếm Hán tôi có từ trước. Như một linh cảm tôi nghĩ ngay đến Thục Phán vì hoa văn trên kiếm phảng phất những họa tiết trên hiện vật của vương quốc Điền ở tỉnh Vân Nam ngày nay. Nước Điền xuất hiện vào cuối thời Chiến quốc với nguyên nhân gần giống như sự ra đời của các quốc gia Âu Lạc và Nam Việt.

Không kể các sách sử của Việt Nam thời xưa, sách Quảng Châu ký Giao Châu ngoại vực ký của Trung Hoa, Việt điện u linh tập Lĩnh Nam trích quái của Việt Nam đều nói Thục Phán là “Thục Vương tử” – tức con cháu vua Thục. Dựa vào bằng chứng nào mà cả một thế kỷ sau khi nhà Thục ở Tứ Xuyên mất, con cháu vua Thục lại có mặt ở Cổ Loa, cách nước Thục hàng ngàn cây số để lập ra vương quốc Âu Lạc, thu phục các Lạc hầu Lạc tướng, cai trị người Đông Sơn Lạc Việt? Theo công trình nghiên cứu của Viện Sử học,(1) dựa trên suy luận của học giả hàng đầu Việt Nam là GS Đào Duy Anh, đã cho rằng sau khi vua Thục bị nhà Tần diệt năm 316 TCN, con cháu chạy xuống vùng Điền Trì, rồi theo sông Hồng vào đất Lạc Việt. Người ta tìm thấy hàng trăm di chỉ dọc theo sông Hồng từ Việt Trì lên đến Lào Cai, tỉnh biên giới với Vân Nam. Trong hàng nghìn hiện vật thuộc loại hình sông Hồng, có nhiều hiện vật mang phong cách đan xen Đông Sơn – Điền, nổi bật nhất là những loại qua đồng lưỡi thẳng có nguồn gốc Ba Thục mà phần đốc thường đúc hình những vị thần có kiểu đầu như kiểu ngòi bút mực học sinh hay còn gọi là hình củ tỏi. Vị thần ở chính giữa luôn có trên đầu một hình cong chữ C hướng lên trời như một cặp sừng. Ngoài ra còn có thể kể đến lưỡi dao găm chuôi hình chữ T phần cán và lưỡi khắc chìm những đồ án hoa mảnh, mịn rất tinh tế với tâm điểm là hình thằn lằn (cá sấu ), các vũ khí hình quả tim cán lắp như kiểu rìu chặt bổ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là lưỡi cày… Đây có thể là những bằng chứng vật chất chỉ dẫn con đường đi của Thục Phán. Cũng từ những chứng cớ nêu trên mà Viện Sử học đã bác bỏ thuyết Thục Phán xuất thân từ miền Cao Bằng.(2)

Ngược lại, hai tác giả Phạm Như Hồ và Đỗ Đình Truất thuật lại lời một cụ già dân tộc Tày ở Cao Bằng tên Lê Đình Sử sinh năm 1916 kể chuyện “cẩu chủa cheng vùa” – chín chúa tranh vua. Truyện này gần đây tiếp tục được một số nhà nghiên cứu về Cao Bằng khẳng định.(3) Truyền thuyết nói rằng: Vua nước Nam Cương (vùng Cao Bằng và nam Quảng Tây) tên là Thục Chế qua đời, con là Thục Phán tuổi còn nhỏ, tám Mường chủ khác đem quân đòi chia đất. Thục Phán thông minh lanh lợi đã thuyết phục được họ, nối nghiệp cha. Gia đình họ Thục một phần nằm trong tỉnh Cao Bằng phía bắc nước Văn Lang, sau nhiều thế hệ đã trở nên hùng mạnh, khi có dịp bèn cướp ngôi vua Hùng. Thuyết này được hỗ trợ bằng chuyện kể trong Lĩnh Nam trích quái Việt điện u linh tập. Chuyện kể rằng tổ tiên của Thục Phán đòi vua Hùng gả công chúa. Các Lạc hầu khuyên ngăn, cho rằng họ chỉ muốn do thám. Cũng có nơi còn nói rõ hơn, chính Thục Chế muốn giao hảo với vua Hùng mà bị cự tuyệt nên trước khi chết dặn con phải báo thù để rửa nhục. Thục Phán vâng lời, chiếm Văn Lang để trả thù.

Thêm một lý do góp phần củng cố giả thuyết Thục Phán gốc từ Cao Bằng, đó là xét về địa lý. Nam Cương gồm Cao Bằng – một tỉnh cực bắc của Văn Lang và vùng biên giới tỉnh Quảng Tây: “Trong thời quân Tần đánh chiếm Bách Việt, thủ lãnh Âu Việt là Dịch Hu Tống bị giết. Khi quân Tần tiến sâu hơn, dân quân Âu Việt lánh xuống Nam Cương ẩn náu, hòa nhập với con cháu nhà Thục để cùng chống lại quân Tần. Họ bầu lên người kiệt tuấn để đánh nhau, gây rất nhiều tổn thất và giết được tư lệnh quân Tần là Đồ Thư” (Theo sách Hoài Nam tử của Lưu An). Từ đây có thể suy luận rằng người kiệt tuấn đó có lẽ không ai khác ngoài Thục Phán. Một khi đã tham gia vào chiến tranh cùng với Âu Việt với tư cách lãnh đạo, uy tín Nam Cương tăng thêm. Khi Tần Nhị Thế bãi quân năm 208 TCN, Thục Phán sáp nhập Âu Việt và Lạc Việt để dựng nên Âu Lạc một cách êm thắm như một sự chuyển giao quyền hành. Có thể đây còn là nhu cầu chính trị vì không thấy nơi nào nhắc đến việc xung đột của Thục Phán với bất cứ bộ phận nào của Lạc Việt. Các bộ tộc Việt cảm thấy có nhu cầu một nhà nước tập quyền vững mạnh gồm hai khối Việt để chống lại sức ép từ phương Bắc. Khi tiến hành khảo sát về sự tích Hùng Vương, An Dương Vương, các nhà khoa học đã nhận thấy nhiều thần tích, thần phả, truyền thuyết dân gian trong các di tích đền miếu ở ngay cả đền Hùng, Lâm Thao, Phú Thọ đều coi Thục Vương là “Hùng gia chi phái”. Vì thế có thể coi cuộc đụng độ Hùng-Thục chỉ là việc xảy ra trong nội bộ của một khối tộc Việt thống nhất.(4)

Lưu bản nháp tự động
Bản đồ chỉ hướng đi của con cháu nhà Thục sau khi bị nhà Tần tiêu diệt và đường đi của Thục Phán sau khi mất Âu Lạc.

Mối quan hệ về nguồn gốc Thục Phán với dư âm hoàng tộc nhà Thục còn mới được hé mở thêm nhờ những bằng chứng khảo cổ học. Từ năm 1978 người ta tìm thấy nhiều hiện vật đào được ở Khả Lạc (Kele), một vùng đồi núi trên cao nguyên phía bắc thuộc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Khả Lạc có thể nằm trong phạm vi phía bắc của nước Dạ Lang tồn tại từ thời Chiến quốc đến thời Tần Hán. Cuộc khai quật lớn vào năm 2000 đã làm xuất lộ hàng trăm ngôi mộ.(5) Trong các cổ mộ bên dòng sông Khả Lạc người ta tìm thấy rất nhiều đồ dùng, trang sức và vũ khí có hình dáng và hoa văn tương tự như những hiện vật tìm thấy ở các di chỉ Đông Sơn. Đặc biệt nhất là những cây kiếm chuôi đồng lưỡi sắt tương tự như những thanh kiếm đào thấy cũng vào những năm 2000 ở Thanh Hóa và Nghệ An. Đi cùng với những thanh kiếm đó thường là những chiếc qua mang phong cách nguồn gốc Ba Thục đã phát triển thành dạng Đông Sơn – Điền mà ta cũng đã thấy xuất hiện khá nhiều ở các di chỉ sông Hồng đã nói trên.

Lưu bản nháp tự động
Kiếm “Thục Phán” phát hiện ở Việt Nam trong bst của Kiều Quang Chẩn
Lưu bản nháp tự động
Kiếm khai quật được trong khu mộ ở Khả Lạc

Tôi muốn dừng ở đây để nói nhiều hơn một chút về sự xuất hiện của những thanh kiếm kiểu Khả Lạc. Đây là một loại kiếm rất độc đáo, hoàn toàn khác biệt với các loại kiếm đương thời, như kiếm Sở, kiếm Ngô-Việt hay kiếm Tần-Hán. Kiếm Khả Lạc dạng sớm có lưỡi sắt hay đồng làm theo kiểu lưỡi kiếm Ba Thục. Chuôi dạng tông cắm vào cán đúc bằng đồng, chốt bởi các lỗ thủng khoan trên phần tông của lưỡi. Phần cán đồng được trang trí rất công phu bởi những đường kỷ hà đúc chìm và đặc biệt là hình trang trí cong dáng thuyền với biểu tượng người trên thuyền khiến loại kiếm này không thể lẫn lộn với các loại kiếm khác cùng thời.

Về phương diện nào đó, loại kiếm Khả Lạc nói trên còn có thể gọi là kiếm Làng Vạc(*). Bởi lẽ, theo thống kê thì hiện số lượng kiếm cùng loại phát hiện ở Làng Vạc và phụ cận nhiều gấp 4-5 lần so với số phát hiện được ở Trung Quốc. Chỉ có điều đáng tiếc là công tác điều tra khai quật của khảo cổ học Việt Nam chưa thể trực tiếp phát hiện và khai quật được một ngôi mộ nào khả dĩ làm tư liệu khoa học. Hầu hết các trường hợp phát hiện kiếm loại này ở Việt Nam cho đến nay là do người dân tìm được ngẫu nhiên trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Bằng chứng về qua, kiếm Khả Lạc nêu trên cho phép chúng ta đưa ra kết luận: Khi bị nhà Tần diệt, con cháu nhà Thục cùng giới quý tộc một phần chạy xuống miền nam là Vân Nam, phần khác chạy về phía đông sang cư ngụ nơi nước Sở rồi từ từ chuyển dần xuống miền nam là Quý Châu (nước Dạ Lang) và Quảng Tây (nước Nam Cương). Thục Phán có thể là thành phần đi xa nhất về phía nam là vùng đất Nam Cương thuộc địa vực tỉnh Cao Bằng hiện nay.

Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, đã được Bộ Van hóa-Thông tin cấp bằng và xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm BBT.

Lưu bản nháp tự động
Loại hình qua đồng phổ biến nhất khai quật được ở khu mộ Khả Lạc.
Lưu bản nháp tự động
Qua đồng phát hiện ở Việt Nam  trong sưu tập CQK.

Cũng nên nhắc lại, vào năm 279 TCN, tướng nước Sở là Trang Kiểu (Zhang Qiao) được lệnh đem một đạo quân 20.000 người đi chiếm Vân Nam. Trên đường về do bị quân Tần cắt đứt liên lạc, Trang Kiểu bèn trở lại Điền Trì gần Côn Minh lập nên nước Điền, xưng là Điền Vương. Một số con cháu nhà Thục lại theo sông Hồng xuôi nam.

Theo suy đoán của chúng tôi thì khi áp lực quân Tần xuống Bách Việt không còn nữa, con cháu nhà Thục ở Vân Nam, Quảng Tây đã gom lại Tây Âu và Nam Cương cùng với Văn Lang mà lập nên Âu Lạc để liên minh chống lại áp lực mới là Triệu Đà. Những bộ kiếm Ba Thục tìm thấy ở Việt Nam là bằng chứng hùng hồn về các thủ lãnh Âu Lạc có nguồn gốc xuất thân xa xưa từ vùng văn hóa Dạ Lang vốn chịu ảnh hưởng văn minh Ba Thục. Có thể nói, do áp lực của quân Tần mà miền Bách Việt đã thay đổi từ những bộ tộc thành 3 quốc gia. Đầu tiên là nước Điền do tướng nước Sở là Trang Kiểu lập nên vào năm 279 TCN. Thứ hai là Nam Việt do Triệu Đà, tướng nhà Tần lập nên khi nhà Hán dẹp xong nhà Tần năm 206 TCN. Thứ ba là Âu Lạc, được thành lập năm 208 TCN. Từ khi có Âu Lạc, sử sách tuyệt nhiên không nhắc đến vua Hùng nữa. Trái lại, khi Thục Phán thua trận chúng ta còn rất nhiều chứng tích cho biết con đường vua di chuyển.

Sau đây chúng ta sẽ từng bước dõi theo dấu vết của các cuộc di chuyển này. Tôi muốn bắt đầu từ sự trở lại những bằng chứng khó chối cãi về sự giống nhau giữa những thanh kiếm chôn theo người chết ở khu mộ Khả Lạc với những thanh kiếm đào được ở vùng núi Thanh-Nghệ mà sưu tập CQK đang giữ bốn chiếc. Như đã nói ở trên, đây là loại kiếm lưỡi sắt, thảng hoặc cũng có lưỡi đồng. Điểm khác biệt lớn nhất với các loại kiếm khác là ở phần chuôi đúc bằng đồng có chốt hãm để giữ phần lưỡi sắt hay đồng tra vào sau. Dưới đốc của phần cán đồng này trang trí phổ biến một hình thuyền cong với những hình người thể hiện bằng cách đúc thủng lỗ. Các hình thuyền này khá mỏng và gắn với đốc kiếm bằng hai hay ba trụ đỡ. Phần tay cầm bằng đồng thường có những hình kỷ hà chìm sâu như gấm hoa.

Lưu bản nháp tự động
Một số chi tiết hoa văn trên kiếm “Thục Phán” và qua đồng tìm thấy ở Việt Nam trong sưu tập CQK.
Lưu bản nháp tự động
Mộ cổ ký hiệu số 341 khai quật tại Khả Lạc còn nguyên trạng phần sọ với khuyên tai đá và trâm cài búi tóc trên, hai tay đeo nhiều ống vòng, tay phải cầm cán qua, tay trái cầm phần bao kiếm ở phía mũi. Thắt lưng đeo một chiếc lục lạc.

Cho đến nay, trên đất Trung Hoa rộng lớn mới chỉ phát hiện được chưa đến 20 thanh, trong đó tập trung phần lớn từ các mộ táng ở Khả Lạc. Một vài thanh khác được thông báo tìm thấy rải rác ở Vân Nam và Quảng Tây. Những thanh kiếm loại này hiện cũng chưa từng thấy ở vùng Bắc Bộ Việt Nam nhưng lại thấy rất nhiều ở vùng miền núi Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Nghệ An. Vùng tập trung nhất là khu vực thượng lưu sông Hiếu, thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An). Theo thống kê sơ bộ, người ta đã phát hiện ở Việt Nam khoảng 80 thanh kiếm loại này. Vậy lý do gì đã dẫn đến sự phân bố kiểu kiếm như vậy ở hai vùng cách xa nhau hàng ngàn cây số?

Để trả lời câu hỏi này các nhà khoa học quốc tế đã có một hội thảo trao đổi học thuật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) vào ngày 2/11/2010. Theo đó, các báo cáo đã có xu hướng gắn hiện tượng phân bố loại kiếm này với con đường di chuyển của các thủ lĩnh Dạ Lang – Tây Âu trong nhà nước Âu Lạc của Thục Phán. Khi Âu Lạc không còn nữa, nhiều thủ lĩnh Âu Lạc đã không chấp nhận sống trong chính thể Nam Việt. Trong cuộc lui dần về phía nam, những thanh kiếm kiểu Dạ Lang – Tây Âu kể trên chính là bằng chứng để lại trên con đường rút chạy của tàn quân Âu Lạc về phía nam, tương ứng với dã sử nói về việc An Dương Vương cùng con gái là Mỵ Châu chạy về phía nam và tự vẫn ở cửa biển Càn Hải (nay còn đền thờ ở Diễn Châu, Nghệ An).

Giả thuyết này được nhiều tài liệu khảo cổ học và dã sử ủng hộ. Trước hết là việc phân bố trống đồng và vũ khí dọc con đường thượng đạo từ Cổ Loa vào khu vực thượng nguồn sông Hiếu (Nghệ An). Tại Chi Nê (Ninh Bình), trên con đường thượng đạo đó đã phát hiện ở vách hang Đồng Nội hệ thống tranh khắc trên đá mang biểu trưng vị thần có hai sừng của người Tây Âu ảnh hưởng từ văn hóa Sở và Ba Thục. Địa điểm này đánh dấu như một trạm dừng chân trên con đường chạy về phía nam của tàn quân Âu Lạc.(6) Đi sâu hơn, tại miền tây Thanh Hóa (Thọ Xuân và Vĩnh Lộc) và nhất là vùng thượng lưu sông Hiếu như Như Xuân (Thanh Hóa), Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An) xuất hiện nhiều trung tâm mộ táng chứa nhiều trống, thạp và đồ đồng Đông Sơn mang đậm phong cách Tây Âu, đặc biệt đã phát hiện loại kiếm và nồi kiểu Dạ Lang.(7)

Lưu bản nháp tự động
Nồi Đông Sơn trong bst KQC là loại nồi cũng thường thấy ở văn hóa Dạ Lang

Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Con Cuông (Nghệ An) tồn tại hai ngôi đền thờ An Dương Vương cũng như lưu truyền sự tích liên quan đến ông. Đây là điều khá bất thường, bởi vì đền thờ An Dương Vương vốn chỉ phân bố ở khu vực thành Cổ Loa và khá hiếm thấy ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cho đến tận Ninh Bình. Ở Thanh Hóa cũng mới chỉ thấy đền thờ ông ở Sầm Sơn kèm theo một am nhỏ thờ Mỵ Châu, tương truyền khi rút chạy ra biển, An Dương Vương có dừng chân tại đây. Ở Nghệ An cũng chỉ tập trung các dấu tích đền thờ và truyền thuyết liên quan đến sự tích của An Dương Vương, Mỵ Châu và Cao Lỗ ở vùng núi Con Cuông, tương truyền ông chém chết con gái rồi tự vẫn ở đây.

Lưu bản nháp tự động
Đền thờ An Dương Vương ở chân núi Cuông (Diễn Châu, Nghệ An)

Hơn thế nữa, theo ghi chép của Hậu Hán thư, Nhâm Diên truyện, vùng nam Cửu Chân có nhóm người Dạ Lang thường quấy rối được Thứ sử Nhâm Diên an ủy đã thuận theo nhà Hán. Nhâm Diên làm Thứ sử ở Cửu Chân từ năm 25 đến năm 29 sau Công nguyên.(8) Hiện tượng người Dạ Lang nổi dậy còn được Hậu Hán thư chép đến vào năm 107 (năm thứ 1, niên hiệu Vĩnh Sơ đời Hán An Đế): “Man di Dạ Lang ở bên ngoài Cửu Chân lấy đất làm nội thuộc của mình, mở rộng địa giới đến 1.840 dặm”. Đây là một thông tin rất quan trọng cho thấy có mối liên hệ giữa những người Dạ Lang với việc thành lập nước Lâm Ấp sau đó vài ba chục năm. Như vậy, theo ghi chép của Hậu Hán thư, trong khoảng thế kỷ thứ I trước sau Công nguyên vùng phía nam và vùng núi phía tây Cửu Chân (quận Cửu Chân đời Hán là vùng đất Thanh Hóa hiện nay) là địa bàn phân bố của người Dạ Lang. Vùng đất này trùng với khu vực tập trung đồ đồng Đông Sơn và đồ đồng mang phong cách Dạ Lang, Tây Âu như ở Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.

Lưu bản nháp tự động
Nguyên trạng mũi tên ba cạnh bằng đồng khai quật được ở Cầu Vực trong phạm vi thành Cổ Loa.
Lưu bản nháp tự động
Khuôn đúc mũi tên phát hiện được tại Đền Thượng-Cổ Loa (Nguồn: Tư liệu Viện Khảo cổ học, đợt khai quật năm 2004-2005)
Lưu bản nháp tự động
Vũ khí hình tim còn nguyên cả phần cán gỗ sơn then trong mộ Yangputou (Vân Nam, Trung Quốc) bên trái, trong sưu tập CQK, bên phải.
Lưu bản nháp tự động
Vũ khí bằng đồng hình trái tim phát hiện gần một trăm chiếc bên trong lòng trống đồng Cổ Loa.
Lưu bản nháp tự động
Trống đồng Đông Sơn phát hiện năm 1982 ở bên trong thành Cổ Loa. Khi phát hiện trống nằm ngửa, trong lòng chứa gần 100 vũ khí hình tim và nhiều mảnh đồ đồng Đông Sơn khác. Bên trong vành chân đế có 14 chữ Hán ghi nhận chủ nhân là người Tây Âu (Vu).

Chúng ta trở lại Cổ Loa với những tường thành hào lũy bao bọc, chứng tỏ là một nơi cư trú quan trọng, xứng đáng một kinh đô thời cổ. Hàng vạn mũi tên đồng nhiều chiếc chưa thành phẩm đào được ở Cầu Vực, những vũ khí hình tim ở Mả Tre, những khuôn đúc đồng chứng tỏ Cổ Loa có xưởng đúc vũ khí. Ngoài ra người ta còn đào được một trống Đông Sơn lớn và hoàn hảo có hoa văn được xếp loại chung với những chiếc trống Đông Sơn quan trọng nhất theo phân loại Heger I. Loại trống này có hoa văn trên vai y hệt như chiếc thạp trong mộ Triệu Muội ở Quảng Châu và chiếc thạp của Triệu Đà ở bảo tàng Babier Mueller tại Thụy Sĩ. Ta có thể dễ dàng định tuổi chiếc trống và bộ vũ khí chôn theo cùng thời với Triệu Đà và người cháu của ông, tức khoảng thời gian ra đời nước Nam Việt năm 206 TCN cho đến khi cháu ông mất năm 122 TCN.

Trong Sử ký của Tư Mã Thiên có nhắc đến tên thái tử Thủy. Đó có lẽ chính là Trọng Thủy trong truyền thuyết Việt Nam. Theo đó có thể thấy Trọng Thủy có thể là con trưởng của Triệu Đà với người vợ họ Trịnh gốc Việt (hiện còn đền thờ ở Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình). Do Triệu Đà sống rất lâu nên thái tử Thủy không có cơ hội lên làm vua. Khi Triệu Đà mất vào năm 137 TCN thì Triệu Muội, người con thứ của Trọng Thủy lên thay (Triệu Văn Đế), tuổi chừng 25. Trọng Thủy cũng đã ngoài lục tuần.(9) Trọng Thủy là một nhân vật rất quen thuộc với người Việt Nam bởi câu chuyện tình sử bi ai gắn với Mỵ Châu và chuyện nỏ thần. Theo truyền thuyết khi trở lại Loa Thành, nghe tin người vợ yêu quý của mình không còn nữa, chàng thái tử nước Nam Việt, đã nhảy xuống giếng theo Mỵ Châu về cõi tiên.

Truyền thuyết và dã sử còn kể nhiều đến câu chuyện nỏ thần liên quan đến An Dương Vương, nước Âu Lạc và thành Cổ Loa. Vốn là Thục Phán được thần Kim Quy (Rùa Vàng) cho chiếc móng để làm nỏ thần. Nỏ thần đâu chẳng thấy nhưng những bộ lẫy nỏ của những chiếc nỏ “công nghệ cao” lại tìm được khá nhiều trong phạm vi nước Âu Lạc cũ. Tuy nhiên, đa phần những lẫy nỏ hiện thấy đều thuộc thời Tây Hán muộn và thời Đông Hán. Chúng thường có đủ 6 bộ phận: Hộp ốp ngoài, ngoàm giữ dây nỏ gắn với vọng lâu, cần hãm, cò hãm và hai chốt hãm. Lẫy nỏ thời Chiến quốc và Tây Hán sớm, tức tương đương với thời Âu Lạc – Nam Việt đa phần chỉ gồm 5 bộ phận, tức thiếu đi chiếc hộp bên ngoài làm bằng đồng, thay vào đó là khung hộp được khoét từ phần báng nỏ. Riêng trong bộ sưu tập CQK đã có 6 chiếc còn nguyên vẹn, chúng đều thuộc loại lẫy nỏ gồm 6 bộ phận có thể tháo ráp nhanh chóng, được đúc hết sức dày dặn và chính xác, khác xa với những hiện vật trang trí hay gia dụng. Tuy cùng một hệ thống vận động nhưng kích thước xê dịch chút đỉnh chứng tỏ bộ lẫy nỏ được đúc bằng khuôn gốm riêng biệt. Các thước ngắm đôi khi có vạch khấc khảm bạc hay khảm vàng nói lên sự quý giá và quan trọng của chiếc nỏ.

Lưu bản nháp tự động
Lẫy nỏ thời Tần Hán chưa có hộp đồng ốp ở bên ngoài.

Với chiếc lẫy nỏ như vậy, khi bắn, người xưa giương dây làm căng cánh cung. Dây trương cung đạt đến vị trí ngoàm gắn với vọng lâu sẽ tự động hất cần và cò hãm vào vị trí khóa để giữ cho dây cung không bị bật trở lại. Ba bộ phận: ngoàm giữ dây cung, cần hãm và cò hãm chế tạo rất tinh vi, gắn khớp nhịp nhàng với nhau sao cho khi lực kéo dây cung tác động vào cần vọng lâu thì cần hãm đưa đầu hãm vào đúng vị trí khấc hãm ở phần trên của cò hãm. Nếu muốn bắn mũi tên đi, người ta gạt ngược thanh cò hãm về phía sau, cần hãm bật khỏi vị trí chốt hãm làm ngoàm hãm dây nỏ có vọng lâu sập xuống, dây nỏ thoát khỏi vị trí hãm bật theo sức căng của cánh nỏ đẩy mũi tên bay đi. Tùy theo số lượng mũi tên đặt trên bệ nỏ mà người ta có thể bắn đi một hay nhiều mũi tên.

Lưu bản nháp tự động
Năm bộ máy nỏ Giao Chỉ trong sưu tập CQK.

Sự tích về nỏ thần An Dương Vương càng tăng thêm sức thuyết phục khi các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện ở khu vực thành Cổ Loa một kho chứa hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh chưa được lắp cán. Đặc biệt là gần đây, cuộc khai quật từ năm 2005-2007 tại thành Nội Cổ Loa(10) đã làm xuất lộ hệ thống lò nấu đồng và nhiều chục mảnh khuôn ba mang bằng đá chuyên dùng để đúc mũi tên ba cạnh. Niên đại của các lò nấu đồng và mảnh khuôn mũi tên được xác định vào cuối thế kỷ thứ III đến nửa đầu thế kỷ thứ II TCN – rất phù hợp với thời kỳ tồn tại của nước Âu Lạc.

Nỏ là một vũ khí có tầm bắn xa rất lợi hại cho việc thủ thành. Nhiều thư tịch Trung Quốc cổ đại xác nhận nỏ phát xuất từ vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Đồng quan điểm đó, học giả Keith Taylor xác nhận thêm, cho rằng nỏ và tên của nó được du nhập vào Trung Hoa từ các bộ tộc Đông Nam Á (Austroasiatic) từ miền nam vào thế kỷ thứ III thứ IV TCN. Nỏ đã mau chóng được phổ biến và trở thành một vũ khí quan trọng trong quân đội các nước thời Chiến quốc vùng sông Dương Tử.(11) Nhiều nghiên cứu gần đây đã làm rõ việc sử dụng nỏ là một đặc trưng tiêu biểu của cư dân Bách Việt, vùng các quốc gia phi Hoa ở lưu vực sông Dương Tử thật ra đó chỉ là vùng cực bắc của Bách Việt mà thôi. Vào thời Âu Lạc và Nam Việt, nỏ đã thịnh hành khắp nơi nhưng theo truyền thuyết loại nỏ đặc biệt trở thành thần thoại của Thục Phán đã gây bất ngờ cho Triệu Đà trong đợt tấn công đầu tiên. Nam Việt Vương phải lui binh, lập kế, gởi Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu để tìm hiểu bí mật của chiếc “nỏ thần”.

Về truyền thuyết, có nhiều sách khác nhau kể về nỏ thần, Giao Châu ngoại vực ký viết: “Mỗi phát giết được ba trăm người.” Nam Việt chí nói:

“Bắn một phát giết quân (Nam) Việt hàng vạn người, bắn ba phát giết ba vạn người”. Việt kiệu thư viết: “Mỗi phát tên đồng xuyên qua hơn chục người”. Trong sách Đường hội yếu cũng như Nguyên Hòa quận huyện chí đều chép việc Trương Chu khi về nhậm chức cai quản Giao Châu ở thành Đại La vào thế kỷ thứ IX, để đối phó với quân Nam Chiếu, Chà Và (Java), đã cho đóng thuyền Mông Đồng, bên trên đặt “lưỡng cung nỗ” tức là loại máy nỏ tấn công có hai cánh cung, dùng để bắn những mũi tên lớn đi xa phá tường thành hoặc mạn thuyền quân địch. Những điều trên cho thấy cư dân sống trên vùng đất miền Bắc Việt Nam thời trước và sau Công nguyên đã có thể chế ra những cỗ máy nỏ có khả năng bắn xa, có sức xuyên thâu mãnh liệt, hoặc có thể bắn liên hoàn, hoặc cả hai. Cho đến nay sau 2.000 năm, chỉ còn những bộ lẫy nỏ bằng đồng, các bộ phận khác của nỏ bằng gỗ hay dây bật đã hoàn toàn bị phá hủy theo thời gian. Nghiên cứu cách chế tạo dày dặn và kỹ thuật cao của lẫy nỏ ta có thể suy đoán các ưu điểm của “nỏ thần”: nỏ có sức bật mạnh nhất do hoàn thiện của máy nỏ, lẫy nỏ, đầu mũi tên đồng 3 cạnh .v.v.., cũng có thể là nỏ có hai cánh cung và hai dây bật để tăng sức mạnh (một phát xuyên mười người). Có thể là nỏ liên châu, bắn nhiều mũi tên một lúc (nhất phát sát vạn nhân).

Một nghiên cứu thực nghiệm gần đây của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về nỏ thời Âu Lạc đã cho thấy điểm mấu chốt nhất của bí mật quân sự về máy nỏ thời An Dương Vương chính là ở nguyên lý tự động liên hoàn. Do nhu cầu chế nỏ thần của An Dương Vương là để phòng thủ từ trong thành chống kẻ địch tiến công từ bên ngoài, nên đó phải là những cỗ máy nỏ kích thước lớn có thể đặt được nhiều mũi tên trên bệ và cánh cung đủ lực bật để bắn đi một loạt nhiều mũi tên đồng như đã khai quật được. Thực nghiệm đó cũng chỉ ra chiều dài phần thân tre gỗ đã mất của mỗi mũi tên đạt chừng 80cm, đường kính khoảng 8-10mm. Với một cánh cung đúp làm bằng tre, dài chừng 2,5m, nỏ có thể bắn một lúc 5 mũi tên đồng có cán dài 80cm xuyên ngập những thân chuối ở khoảng cách 20m.(12) Loại máy nỏ bắn một mũi tên lớn chứa vật cháy nổ chủ yếu dùng trong việc công thành chứ không dùng trong phòng thủ. Để tạo được sức chống trả có hiệu lực đối với kẻ địch công thành, cần có một hệ kỹ thuật tự động liên hoàn sao cho các máy nỏ có thể giương lên được nhanh chóng và bắn đi đồng loạt. Những chiếc lẫy nỏ đồng là một trong những tiền đề kỹ thuật giúp có thể hãm và nhả cò đi một cách chủ động, chính xác và đồng loạt.

Không còn nghi ngờ gì nữa về ưu thế nỏ của người Việt. Theo Hậu Hán thư, Mã Viện truyện thì Phục Ba tướng quân đã nhiều lần tâu báo về hiện tượng sử dụng nỏ phổ biến và tài thiện xạ của các tay nỏ Lạc Việt. Thậm chí trong một bản tấu gởi về cho vua Hán, Mã Viện đề nghị lập một đạo quân hàng ngàn thiện xạ bắn nỏ người Lạc Việt để giúp triều đình dẹp loạn. Đọc Tam quốc chí ta còn nhớ Khổng Minh mưu chước như thần mà phải vất vả đến bảy lần mới dẹp được giặc Mạnh Hoạch, người Man Di ở phía nam. Ngoài những bộ áo giáp rất hữu hiệu làm bằng mây cuốn, người Việt cổ (Nam Man hay Man Di theo cách gọi của người Hán) vùng Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam còn biết chế nỏ liên châu. Sau này các sách Tam tài đô hội, Vũ bị chế Vũ kinh tổng yếu đã phỏng theo mô tả của Khổng Minh để vẽ lại loại nỏ này.

Kết luận

Sử sách Trung Hoa, Việt Nam gọi Thục Phán là Thục Vương tử, không nhất thiết ông phải là con vị vua Thục cuối cùng trước đấy một thế kỷ mà chỉ là một nhân vật quan trọng thuộc dòng vương thất nhà Thục. Những chiếc qua đồng tìm thấy nhiều nhất dọc theo hai bờ sông Hồng từ Việt Trì lên đến Lào Cai, tương tự như vũ khí của vương quốc Điền, Dạ Lang mang hình dạng và hoa văn phảng phất nét Ba Thục gợi ý cho ta con đường di chuyển dần về phía nam của con cháu nhà Thục trước sức ép của các thế lực Tần, Sở… Những thanh kiếm tìm được ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An tương tự như những thanh kiếm trong mộ Khả Lạc của vương quốc Dạ Lang thời cổ cho phép chúng ta suy ra một hướng đi khác của người Thục. Có thể một bộ phận quý tộc người Ba Thục thay vì xuôi nam họ đã chạy sang hướng đông, tỵ nạn tại nước Sở. Khi Sở bị Tần diệt vào năm 279 TCN họ lại chạy xuống Quý Châu, Quảng Tây. Một số tụ lại miền cực bắc của Văn Lang. Khi quân Tần mở chiến dịch xuống lãnh thổ Tây Âu của Bách Việt, con cháu nhà Thục ở hai nơi đã góp sức hỗ trợ với người Bách Việt chống lại nhà Tần, giết được tư lệnh quân Tần. Nhà Tần bị diệt, mối đe dọa mới lại manh nha xuất hiện. Đó là Nam Việt của Triệu Đà, một tướng cũ của nhà Tần từ Trung Nguyên xuống chưa được bao lâu. Nhu cầu chính trị và quân sự lúc đó đã dẫn đến việc thành lập một liên minh mới giữa quý tộc Tây Âu với bộ phận người Lạc Việt của Hùng Vương nước Văn Lang, từ đó nhà nước Âu Lạc ra đời.

Để trả lời câu hỏi từ đầu, vua Hùng biến đi đâu khi Thục Phán xuất hiện? Chúng tôi mượn đoạn viết sau đây của Viện Sử học trong cuốn Lịch sử Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 1991: “Văn Lang chỉ là một liên minh các bộ lạc, ràng buộc chặt chẽ với nhau trong mô hình một nhà nước sơ khai cùng chung một văn hóa. Hùng Vương chỉ là một “cun” uy tín đứng đầu một bộ lạc mạnh nhất được các bộ lạc khác nghe theo” (trang 125). Khi Thục Phán xuất hiện, Hùng Vương lui vào hậu trường, sử sách từ đây không còn nhắc đến nữa, nhưng công lao dựng nước, hình ảnh oai phong, thần thánh của các vua Hùng vẫn còn được ấp ủ thờ kính mãi mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.(*)


CHÚ THÍCH

  1. Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
  2. Viện Sử học, Sđd, 64.
  3. Hoàng Văn Viện, Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về Việt Nam học tại Hà Nội, tháng 12/2008. Thậm chí tác giả còn có ý kiến đề xuất thành Bản Phủ hiện còn dấu tích ở Cao Bằng có thể đã từng là kinh đô nước Nam Cương của Thục Phán.
  4. Viện Sử học, Sđd, 175.
  5. Sở Nghiên cứu Văn Vật và Khảo cổ Quý Châu, Sách chương Khả Lạc, Báo cáo khai quật năm 2000, Nxb Văn vật, Bắc Kinh,
  6. Nguyễn Việt, New Studies on Hoabinhian in Vietnam, tham luận tại Hội nghị Tiền sử Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPPA), Hà Nội,
  7. Loại nồi có quai dẹt trang trí cuốn thừng đúc ngoàm trên thành miệng, trên đó thường có hình chim nhỏ, đáy nồi thường có hình chữ thập chia làm bốn ô với bốn núm chân đáy. Loại này phân bố nhiều ở các di tích văn hóa Đông Sơn vùng Thuận Thành (Bắc Ninh), Như Quỳnh, Phố Nối (Hưng Yên) hay trong mộ thân cây khoét rỗng vùng Hà Tây cũ, Hà Nam. Hiện tại trong sưu tập CQK cũng lưu giữ được một chiếc phát hiện tại Ân Thi (Hưng Yên). Đây là loại nồi được cho là đặc trưng trong văn hóa khảo cổ vùng Vân Nam, Quý Châu (Trung Quốc) – địa bàn được coi như thuộc văn hóa Điền, Dạ Lang, Tây Âu. Nhưng cũng như kiếm cán đồng lưỡi sắt chuôi hình thuyền kể trên, nồi đồng loại này cũng phát hiện được nhiều hơn ở vùng xung quanh Cổ Loa và miền tây Thanh-Nghệ, nơi được coi là địa bàn phân bố của những người Dạ Lang, Tây Âu trong thời Âu Lạc và hậu Âu Lạc.
  8. Nguyễn Hữu Tâm, Vấn đề nước Dạ Lang và ghi chép về nước Dạ Lang trong một số thư tịch cổ Trung Quốc, tham luận tại International Seminar on “The Traces of Da Lang Culture in Vietnam”, Hà Nội, 2/11/2010.
  9. Có thể đoán định tuổi của Trọng Thủy dựa vào năm Âu Lạc mất (khoảng 179-180 TCN). Khi đó, Trọng Thủy đã là một trang thanh niên gởi rể An Dương Vương. Từ đó đến năm 137 TCN là trên 40 năm, thái tử Thủy phải trên 60 tuổi và có thể đã chết.
  10. Thành Cổ Loa có ba vòng thành đất cao 4-5 mét che chở. Bên ngoài là lớp thành Ngoại, ở giữa là vòng thành Trung và trong cùng là thành Nội. Trong thành Nội hiện còn đền thờ An Dương Vương và cuộc khai quật khảo cổ phát hiện xưởng đúc mũi tên đồng ba cạnh như đã đào được ở Cầu Vực nằm ngay chân đền thờ An Dương Vương.
  11. Norman và Tsu Lin Mei, The Austroasiatics in Ancient China: Some Lexical Evidence, pp. 293-294. Keith Taylor, The Birth of Vietnam, p.
  12. Nguyễn Việt, Hà Nội thời Tiền Thăng Long, Nxb Hà Nội,
  13. Tác giả chân thành cảm ơn TS Nguyễn Việt đã cung cấp tài liệu và BS Phạm Xuân Cầu giúp về hình và bản đồ cho bài viết.

TÓM TẮT

Từ những thanh kiếm cổ tìm được ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An tương tự như những thanh kiếm phát hiện được ở địa bàn của vương quốc Dạ Lang thời cổ, tác giả suy ra một hướng đi khác của người Thục và các bộ tộc Bách Việt trong con đường xuôi nam trước sức ép của quân Tần. Theo đó, có thể một bộ phận quý tộc người Ba Thục thay vì xuôi nam đã chạy sang hướng đông, tỵ nạn tại nước Sở. Khi Sở bị Tần diệt, họ lại chạy xuống Quý Châu (nước Dạ Lang) và Quảng Tây (nước Nam Cương). Một số tụ lại ở miền cực bắc của Văn Lang. Khi nhà Tần xâm chiếm lãnh thổ Tây Âu của Bách Việt, người Thục đã liên kết với người Bách Việt để đánh bại quân Tần. Đến khi nhà Tần bị diệt, mối đe dọa mới lại manh nha xuất hiện, đó là nước Nam Việt của Triệu Đà. Nhu cầu chính trị và quân sự lúc đó đã dẫn đến việc thành lập một liên minh mới giữa quý tộc Tây Âu với bộ phận người Lạc Việt của Hùng Vương nước Văn Lang, từ đó nhà nước Âu Lạc ra đời. Khi Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính, nhiều thủ lĩnh Âu Lạc rút chạy về phía nam, đến tận vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay.

ABSTRACT

AN DƯƠNG VƯƠNG – THỤC PHÁN,

FROM THE PERSPECTIVE OF AN ANTIQUE COLLECTOR

From the ancient swords found in the Thanh Hóa, Nghệ An and the similar swords discovered in the region of the ancient kingdom of Dạ Lang (Yelang), the author has inferred a different direction southwards of the Thục people and Bách Việt tribes under the pressure of the Qin dynasty. Hypothetically, part of the aristocrats of the Thục people might flee eastward, to, instead of southward. When the State of Chu was destroyed by the Qin dynasty, they ran down Guizhou (State of Yelang) and Guangxi (State of Nam Cương). Some gathered in the northernmost of the State of Văn Lang. When the Qin invaded Tây Âu territory of the Bách Việt, Thục people associated with the Bách Việt people to defeat the Qin army. When the Qin was destroyed, a new threat merged, that was the State of Nam Việt ruled by Triệu Đà. The political and military demand at that time led to the establishment of a new alliance between the aristocrats of Tây Âu with parts of the Hùng Kings of Lạc Việt, Văn Lang, from which the State of Âu Lạc was founded. When Âu Lạc was annexed by Triệu Đà, many Âu Lạc leaders had to retreat to the south, the region of present Thanh Hóa, Nghệ An.