Tôi cảm thấy có những bậc phụ huynh khi dạy con thường đưa ra những lý do không đúng.

Ví dụ như lần trước khi tôi đi tàu điện, có một đứa trẻ 6 tuổi dùng chân liên tục đá mạnh vào ghế của tôi nhiều lần. Tôi quay lại nói với mẹ của bé: “Phiền chị có thể bảo cháu đừng đá vào ghế của tôi nữa được không?” Người mẹ nói: “Đừng đá nữa, dì nổi giận rồi kìa”.

Đầu tiên, tôi thật sự không tức giận. Thứ hai, dù cho tôi có tức giận thì thật ra cũng không quan trọng, mà quan trọng là người mẹ cần nói với con lý do là cháu làm sai.

Trong trường hợp này, người mẹ nên nói rằng: “Con đừng đá vào ghế của người khác, như vậy là không lịch sự.”

Lý do mà người mẹ này dùng để dạy con đã sai rồi, như vậy sẽ khiến cháu hiểu lầm “Chỉ cần mọi người xung quanh không tức giận thì mình làm gì cũng được.”

Não bộ của trẻ là bộ máy suy luận thống kê. Các cháu chỉ có thể ghi nhớ những kết luận trực tiếp mà bạn đưa ra khi dạy dỗ trẻ.

Từ lời nói của bạn, nếu trực tiếp đưa ra kết luận “Người khác không tức giận là được”, vậy thì trẻ có thể sẽ tiếp tục làm bất cứ việc gì, chỉ cần không có ai phàn nàn là được, ngay cả khi việc đó là sai trái.

dạy con
Cha mẹ thường đưa ra những lý do không đúng khi dạy con, khiến con không hiểu được hành vi của mình là sai trái. (Ảnh minh họa/Internet)

***

Ngày hôm nay tôi có gặp một người mẹ khi đi xe lửa, lần này cũng xảy ra một vấn đề: 3 cháu bé khoảng độ 7-9 tuổi rượt đuổi nhau trong toa tàu và la hét rất lớn.

Mẹ của một cháu chỉ tay vào em bé đi cùng và nói với các cháu rằng: “Em bé đang ngủ kìa”.

Người mẹ này cũng xem là đã dạy con, nhưng cách dạy cũng không đúng. Không phải bởi vì có em bé đang ngủ nên không được la hét trong toa tàu, mà là ở những nơi công cộng thì không được la hét. Dù không có ai đang ngủ cũng không được la hét như vậy.

Đặc điểm của cách “dùng sai lý do” để dạy con này là đổ lỗi cho tất cả mọi vấn đề lên người khác, chứ không phải là bản thân có lỗi phải sửa.

Bởi vì người khác phàn nàn hoặc có thể sẽ phàn nàn nên cha mẹ mới dạy con “bớt lại” một chút, chứ không phải nói với con từ ban đầu rằng vốn dĩ con không nên làm thế, hành động đó là không đúng, dù không có ai chỉ ra lỗi của con.

Cách dạy dỗ không đúng này kết hợp với đặc trưng phát triển não bộ của trẻ, các cháu sẽ rất dễ hình thành những hành vi như sau:

1. Không ngừng thử thách giới hạn của bạn: Bởi vì mỗi lần dạy con, bạn đều nói với con nguyên nhân là ai đó tức giận, ai đó đang ngủ, chứ không phải là bản thân cháu nên im lặng, vì vậy cháu sẽ rất dễ muốn thách thức giới bạn của bạn. Trẻ chỉ cần chạm vào giới hạn khiến bạn nổi giận là được. Lòng hiếu kỳ của trẻ rất mạnh, nên sẽ tự nhiên liên tục thử thách giới hạn của bạn.

2. Khi lớn hơn một chút, trẻ cũng sẽ tự hình thành cách đổ lỗi sai như thế này: Khi xung đột với người khác, trẻ đều sẽ đổ lỗi cho người kia, bao gồm đối với bố mẹ cũng vậy: “Vì bạn thế nào đó nên tôi mới như vậy, bạn lại còn không hài lòng?”

Khi trẻ ở độ tuổi bướng bỉnh “nổi loạn”, có rất nhiều sự mâu thuẫn với phụ huynh đều đến từ đây. Trẻ thì luôn nghĩ rằng mình đã làm bố mẹ vui, nhưng bố mẹ vẫn không hài lòng. Phụ huynh thì luôn chê trách rằng con không nghe lời, làm gì cũng không nên.

Thật ra cốt lõi nằm ở chỗ khi trẻ còn nhỏ, bạn đã không nói với con rằng làm gì là đúng, làm gì là sai, thế nào là nền tảng và chuẩn mực khách quan.

Bạn đã dạy trẻ nhân sinh quan là: xem ánh mắt của người khác là tiêu chuẩn đúng hay sai cho mọi thứ; hoặc làm người khác vui lòng, hoặc thử mức giới hạn của họ.

Dưới sự giáo dục này, trẻ không có cơ hội để hình thành quan điểm đúng sai của bản thân, lại thêm bố mẹ luôn dạy đổ lỗi cho người khác, trẻ tự nhiên sẽ học được rằng những gì đổ cho người khác được thì cứ đổ, bao gồm cả bố mẹ đã dạy trẻ làm điều này.

Theo Aboluowang.com
Ngọc Trúc biên dịch