Chơi chữ là một phép tu từ từ vựng, lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ đẻ tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… làm câu văn hấp dẫn, thú vị. Chơi chữ hay còn gọi là lộng ngữ chính là cách tạo ra sự bất ngờ về cách kết hợp, biến đổi từ ngữ. Từ đó mà tạo ra sự bất ngờ trong nhận thức của người tiếp nhận. nhờ bất ngờ mà người đọc, người nghe chú ý đến điều định nói ra hơn khi nó được diễn đạt theo cách thông thường. Chơi chữ là nghệ thuật ngôn ngữ của mọi dân tộc từ Đông sang Tây. Nhưng riêng người Việt rất sính và thiện nghệ trong phép chơi chữ do biết vận dụng triệt để, tài tình đặc điểm tiếng nói cân tộc. Ngôn ngữ là cái vốn sẵn có ở mỗi người nhưng làm sao sử dụng ngôn ngữ đó đạt hiệu quả cao nhất thì phải gia công và dụng công rất nhiều để thành một lối chơi nghệ thuật.

So với các quy tắc diễn đạt khác, quy tắc chơi chữ gắn bó và bị quy định chặt chẽ bởi đặc điểm cấu trúc của từng ngôn ngữ. Các hình thức chơi chữ là sự biểu hiện tiềm năng và tính đặc thù của từng cấu trúc ngôn ngữ (cấu trúc ngữ âm, cấu trúc từ vựng – ngữ nghĩa, cấu trúc ngữ pháp). Vì thế, ngôn ngữ mỗi dân tộc có những phương tiện và cách chơi chữ riêng.

I. Các cách chơi chữ:

Trong tiếng Việt và đặc biệt trong dân gian có nhiều lối chơi chữ bất ngờ, thú vị đạt được những hiệu quả lớn mà ta có thể liệt kê:

Dùng từ đồng âm:

Là cách tạo ra những câu có nhiều từ đồng âm (lớp vỏ âm thanh giống nhau nhưng nghĩa khác xa nhau) cùng xuất hiện gây nên sự tương phản giữa âm và nghĩa hoặc dẫn đến sự lẫn lộn, hiểu nhầm, hiểu ngầm. Ví dụ:

Bà già đi chợ cầu Đông
xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ phán rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn (Ca dao)

Chỉ khi nhận ra ý nghĩa của từ đồng âm “lợi” người nghe mới bật cười lối đùa hơi ác ý một chút nhưng hóm hỉnh, vui tếu nên không nỡ giận. Tương tự ta gặp lối chơi chữ này rất nhiều:

Cóc chết bỏ nhái mồ côi
Chẫu ngồi chẫu khóc, chàng ơi là chàng !
Chị hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò
Vợ cả, vợ hai; cả hai đều là vợ cả
Thầy tu, thầy chùa; chùa Thầy cứ việc thầy tu…

Dùng lối nói trại âm (gần âm):

Là cách chơi chữ dựa vào đặc điểm âm thanh của ngôn ngữ để tạo ra hàm ý cho lời nói. Ví dụ:

Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ở đây, Nguyễn Du đã khéo léo lợi dụng đặc sắc của hai từ gần âm là lài và tai để tổng kết số mệnh cuộc đời Thúy Kiều. Hoặc:

Dở dang dang dở vì sông
Ngày làm công nhật, đêm trong dạ chàng (Ca dao)

Ở đây nhân dân đã dùng từ gần âm “dang” và “giang” (sông) và từ đồng nghĩa thuần Việt, Hán Việt để tạo cho câu ca dao một ý nghĩa sâu sắc.

Dùng lối điệp âm:

Đây là lối chơi chữ mà người ta lợi dụng những đặc sắc của phụ âm hoặc nguyên âm của tiếng Việt để tạo ra những cách nói hài hước, dí dỏm, giàu nhạc tính:

Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ
Mộng mị mỏi mòn mai một một
Mĩ miều may mắn mấy mà mơ (Tú Mỡ)

Hoặc:

Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt
Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương

Dùng lối nói lái:

Là hình thức chơi chữ thể hiện bằng cách đánh tráo và giao hoán các thành phần trong âm tiết (âm đầu, thanh điệu và phần vần) giữa các âm tiết với nhau tạo ra các từ ngữ khác dưới dạng tiềm năng. Cũng cần lưu ý ở dạng chơi chữ này thường được dùng nhiều ở phương ngữ Trung và Nam, trong các lời đối đáp. Người dùng với dụng ý nào đó mà có thể là đối tục – đáp thanh hoặc đối thanh – đáp tục.

Tuy nhiên để lời ăn tiếng nói hằng ngày trở thành câu đố, câu đối, dù tục hay thanh phải là một nghệ thuật công phu nâng lên thành thẩm mĩ về ngôn ngữ. Ví dụ:

Con trai Củ Chi ra đường gặp trẻ chỉ cu hỏi củ chi ?
Con gái Gò Me ra kênh mò ghe gặp khách hỏi Gò Me

Ở đây chúng ta thấy cả lời đối đáp đều sâu sắc, dí dỏm. Củ Chi và Gò Me là hai địa danh ở Nam bộ. Khi nói Củ Chi (địa danh) với củ chi (củ gì ?) đã khiến gây cười vì sự tài tình. Đến khi đọc “chỉ cu” thì cách nói lái đã trở nên hài hước… Chúng ta bắt gặp lối nói lái này rất nhiều trong đời sống:

– Con gái Hải Dương hưởng giai ngoài Hải Dương
Con trai Hàng Chuối chuồi háng bảo hàng chuối
– Thầy giáo tháo giầy, vất đấy vấy đất
Thầy tu thù Tây, cạo đầu cầu đạo
– Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng thủng cả áo, lấy giáo án dán áo
Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa nhòa cả hương, dùng lương hưu lưu hương

Dùng từ trái nghĩa:

Là lối chơi chữ mà trong một ngữ cảnh xuất hiện nhiều từ trái nghĩa nhau. Chnhs nhờ sự phân hóa một nét nghĩa nào đó của hai cực đối lập mà lời nói có hình ảnh hơn, gây ấn tượng mạnh hơn. Ví dụ:

– Tối ba mươi khép cánh Càn khôn, đóng chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một lỏng then Tạo hóa, mở toang cho thiếu nữ rước xuân vào
(Hồ Xuân Hương)

– Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non (Ca dao)

Dùng từ đồng nghĩa:

Là lối chơi chữ mà trong một ngữ cảnh xuất hiện nhiều từ có nét nghĩa giống nhau. Đây là lối chơi chữ phổ biến được các nhà văn, nhà thơ hay dùng. Nó thể hiện sự thông minh trong giao tiếp của con người. lối chơi chữ dùng từ đồng nghĩa thường rất hóc hiểm, thú vị và thường gặp là ghép từ đồng nghĩa thuần Việt và Hán Việt. Ví dụ về một vế đối tương truyền của một vị quan nổi tiếng triều Nguyễn (Huế) mà chưa có vế đối lại là “Không vô trong nội nhớ hoài”. Cái khó ở đây là tâm trạng người ra đối được thể hiện trong 3 cặp từ đồng nghĩa: không – vô, trong – nội, nhớ – hoài.

Và thêm vào đó từ nội còn được hiểu là Đại Nội (Kinh thành). Hoặc câu “Da trắng vỗ bì bạch” tương truyền là của Đoàn Thị Điểm đố Trạng Quỳnh trong một lần đang tắm. Cái hay và hóc hiểm ở đây là dùng từ da, trắng (thuần Việt) đồng nghĩa với bì, bạch (Hán Việt). Ngoài ra, bì bạch cũng là một từ láy tượng thanh chỉ động tác khi đang tắm. Chính sự lắt léo do trùng hợp ngẫu nhiên giữa ngữ nghĩa và ngữ âm ấy mà cho đến nay vẫn chưa có vế đối lại nào cho tương xứng. còn rất nhiều cặp đối chơi chữ dạng này như:

– Bắt ốc sau nhà/ Trồng môn trước cửa
– Mẹ thương con ra cầu Ái Tử/ Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu
– Thủ thỉ chén đầu lợn/ Hung hổ vỗ bụng hùm
– Rắn hổ đất leo cây thục địa/ Ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
– con rể xem ra nết tử tế/ Ông chồng cay đắng kể công phu
– Ô, quạ bắt gà/ Xà! Rắn tha ngóe…

Dùng từ gần nghĩa (Cùng trường nghĩa):

Là lối chơi chữ mà người nói dùng những từ ngữ có nghĩa gần gữi nhau hoặc trong cùng một trường nghĩa để tạo nên sự liên tưởng bất ngờ thú vị. Ví dụ:

– Bà đồ Nứa đi võng đòn tre, qua khóm trúc thở hi ha hi hóp
Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường
– Chợ Đồng Xuân bán bánh trung thu, đông thì đông nhưng không bán hạ
Người miền Đông làm nhà đất Bắc, tây thì tây vẫn dựng kiểu nam
– Gái tơ chỉ kén ngài quân tử
Hoặc bài thơ “”Rắn đầu biếng học” của Lê Quý Đôn đã rất nổi tiếng trong văn chương…

Dùng từ nhiều nghĩa:

Là lối chơi chữ mà trong một ngữ cảnh xuất hiện từ nhiều nghĩa. Sự liên tưởng này có thể liên kết hai đơn vị hiển hiện, cùng có mặt trên văn bản (nghĩa phô ra). Nhưng cũng có lúc sự đánh tráo lại tiến hành kín đáo hơn khi vận dụng những từ ngữ trên văn bản chỉ là một (nghĩa hiểu ngầm). Dù sự liên kết nào cũng tạo nên sự bất ngờ, thú vị. Cho nên người đọc người nghe phải thật tinh ý mới phát hiện được, và khi phát hiện được thì thực sự là một khám phá, một sự sáng tạo đưa đến những rung động mĩ học nhất định. Ví dụ:

– Còn trời, còn nước, còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa (Ca dao)

Ở bài ca dao này, nhân dân đã khéo léo dùng từ “say sưa” với hai nét nghĩa: Có thể là say rượu hoặc là say cô bán rượu. Đây quả là một cách tỏ tình kín đáo, hóm hỉnh. Ví dụ khác:

– Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo (Đèo Ba Dội – Hồ Xuân Hương)
– Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không (Đánh đu – Hồ Xuân Hương)

Tách các yếu tố trong từ:

Là lối chơi chữ mà người dùng tách cách yếu tố trong một từ nhằm vận dụng sự phong phú về ngữ âm, ngữ nghĩa trong các yếu tố đó gây ra những cách hiểu khác đầy sâu sắc, dí dỏm. Ví dụ:

– Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây (Ca dao)

Chàng trai trong bài ca dao đã khéo léo dùng lối chơi chữ tách từ “nhãn lồng” để tỏ tình hết sức dí dỏm với cô gái. Hoặc:

– Thúy Kiều đi qua cầu, nhác thấy chàng Kim lòng đã Trọng
Trọng Thủy dòm xuống nước, thoáng nhìn nàng Mỵ mắt rơi Châu

Ở đôi câu đối này, người viết đã kết hợp hai thủ pháp chơi chữ là dùng từ đồng nghĩa (Kiều: vừa tên riêng vừa là cầu; Thủy: vừa tên riêng vừa là nước) và tách yếu tố: Kim Trọng, Mỵ Châu

Không chỉ tách mà có khi người ta vừa tách vừa ghép các yếu tố trong câu theo những quan hệ ngữ pháp khác nhau:

– Có tôn có tổ, có tổ có tôn, tôn tổ tổ tôn, tôn tổ cũ
Còn nước còn non, còn non còn nước, nước non non nước, nước non nhà (Tản Đà)
– Trọng tài trọng tài vận động viên/ Vận động viên động viên trọng tài…

Chơi chữ văn tự:

Là lối chơi chữ bác học sử dụng hình thức chữ viết, thay đổi, chiết từ… để tạo ra những chữ khác mang ý nghĩa mới. Ví dụ:

– Duyên thiên chưa dễ nhô đầu trọc
Phận liễu sao đà gãy nét ngang (Hồ Xuân Hương)

Ở đây nhà thơ đã dùng chữ Hán để diễ giải cái tình cảnh éo le “không chồng mà chửa” – một tội lớn trong xã hội phong kiến. Chữ “thiên” (天) thêm dấu phía trên là thành chữ “phu” (夫); chữ “liễu” (了) thêm nét ngang thành chữ “tử” (子). Hoặc:

– Chữ đại (大) là cả, bỏ một nét ngang, chữ nhân (人) là người, chớ thấy người sang bắt quàng làm họ
Chữ bì (皮) là da, thêm ba chấm thủy, chữ ba (波) là sóng, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo
– Rút ruột ông vua (王) tam (三) phân thiên hạ
Chặt đầu thằng Tây (西) tứ (四) hải giai huynh…

Chơi chữ bằng nhiều phép tu từ:

Là thủ pháp chơi chữ mà người ta sử dụng trong văn cảnh cùng lúc nhiều phép tu từ khác nhau nhằm tạo ra hàm ý sâu sắc cho câu nói. Nó được sử dụng nhiều trong các câu đối đáp thử tài nhau. Ví dụ:

– Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc/ Ngư là cá, cá lội ngắc ngư
– Cuốc xuống ao uống nước/ Gà vào vườn ăn kê
– Chuồng gà kê áp chuồng vịt/ Cá diếc tức phường cá mè
– Huyện Tam Dương có ba con dê, đứng núi đá trông về Lập Thạch
Quan Tứ Kỳ đi xe bốn ngựa, vâng mệnh trời vâng mệnh Thừa Thiên
– Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long
Quả dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử…

II. Ý nghĩa của chơi chữ:

Trong tiếng Việt, hiệ tượng chơi chữ vô cùng phong phú, độc đáo không chỉ về cách thức mà còn cả ý nghĩa của nó. Tìm hiểu những biểu hiện sinh động của phép chơi chữ, chúng ta yêu hơn tiếng nói của dân tộc và khâm phục trước tài năng, trí tuệ của ông cha. Từ người lao động bình dân đến các bậc trí thức, có lẽ ai cũng đã từng thử “chơi” những trò chơi ngôn ngữ trí tuệ độc đáo. Điều quan trọng là trong nhiều trường hợp, chơi chữ chính là cách để người Việt bày tỏ tình cảm, tư tưởng, thái độ, thậm chí cũng là biện pháp để đả kích, phê phán… Ý nghĩa của phép chơi chữ tùy thuộc vào từng ngữ cảnh nhất định nhưng nhìn chung đều hướng tới:

Chơi chữ để biểu cảm, bộc lộ tư tưởng, tình cảm của người nói

Ví dụ: Thiếp kể từ khi lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ
Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh (Nguyễn Khuyến)

Đây là đôi câu đối mà Nguyễn Khuyến viết cho người vợ thợ nhuộm khóc chồng chết trẻ. Điều đặc biệt là ở đây tác giả dùng lối chơi chữ cùng trường nghĩa (chỉ màu sắc) vừa nói lên nỗi đau khổ, tiếc thương của người vợ góa đồng thời chỉ ra đặc trưng nghề nghiệp của người quá cố.
Hoặc:

Chàng Cóc ơi ! Chàng Cóc ơi !
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi (Hồ Xuân Hương)

Tác giả đã sử dụng một loạt các từ ngữ cùng trường nghĩa chỉ các con vật cùng họ như: cóc, (nhái) bén, (chẫu) chàng, (chẫu) chuộc để khóc thương người chồng có tên Tổng Cóc của mình…

Chơi chữ để đả kích, châm biếm

Ở phương diện ý nghĩa này, người ta dùng lối chơi chữ để đả kích châm biếm những thói hư, tật xấu; những hiện tượng nhố nhăng của xã hội; cũng có khi là những con người cụ thể. Đến đây chúng ta mới thấy được sức mạnh tinh thần to lớn của vũ khí văn chương.
Ví dụ: Có vị quan huyện đi ngang qua gặp đứa học trò đang chơi mà không chào hỏi, liền bắt lại ra vế đối thử thách, câu lời đối đáp của đứa trẻ khiến quan lớn tím mặt:

Học trò là học trò con, tóc bỏ lon xon là con học trò
Quan huyện là quan huyện thằng, xử kiện lắng nhằng là thằng quan huyện.

Hoặc như giai thoại về vị “Lưỡng quốc trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi đối đáp với vua tôi nhà Nguyên khi đi sứ sang Trung Quốc. Lời đối đáp vừa mềm dẻo vừa cứng rắn của ông đã tỏ rõ bản lĩnh, khí phách của nước Đại Việt:

Khi đến Đại Đô (nay là Bắc Kinh, Trung Quốc), thấy Mạc Đĩnh Chi người thấp bé, nên người Nguyên tỏ ý khinh khi. Trong buổi tiếp kiến đầu tiên người triều Nguyên đã ra câu đối:

Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố
Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vừng trăng. Hàm ý là đại quốc đủ sức đốt cháy nước nhỏ.

Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:

Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô

Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, buổi chiều tối bắn rụng mặt trời. Hàm ý là nước nhỏ cũng có thể chống lại nước lớn trong hoàn cảnh thích hợp.
Vế đối này của Mạc Đĩnh Chi còn lấy điển tích Hậu Nghệ xạ nhật, hay Hậu Nghệ bắn rụng chín mặt trời làm gốc. Kim Ô, hay Quạ Mặt Trời, ban ngày bay lên tai hoạ nhân gian. Hậu Nghệ bèn lấy cung bắn rụng chín con, chỉ chừa lại một con duy nhất để chiếu sáng nhân gian.

Hoặc một câu đối khác của ông khi vua nhà Nguyên ra vế đối:

Quých tập chi đầu đàm lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri
(Chim chích tụ tập đầu cành bàn sách Luận ngữ: Biết thì nói là biết, không biết nói là không biết, ấy mới là biết)

Lời đối vừa dùng ý nghĩa trong sách Luận ngữ vừa dựa vào đặc điểm ngữ âm để chế giễu giọng nói của người Việt như chim chích. Ông đã đối lại:

Oa lâm trì thượng độc Châu thư: Lạc dữ độc lạc nhạc, lạc dữ chung lạc nhạc, thục lạc ?
(Con ếch ngồi bờ ao đọc sách nhà Chu: Nghe nhạc một mình vui, nghe nhạc cùng nhiều người vui, đàng nào vui hơn ?)

Ông cũng dùng từ trong sách luận ngữ để đối lại, đồng thời dựa vào đặc điểm ngữ âm để ngụ ý chê vua nhà Nguyên như ếch ngồi đáy giếng.
Hoặc lời đối đáp giữa Trạng Quỳnh và Tú Cát:

Trời sinh ông Tú Cát/ Đất nứt con bọ hung…

Chơi chư để tạo sắc thái hài hước, dí dỏm:

Có thể nói, ý nghĩa phổ biến nhất của phép chơi chữ là hài hước, dí dỏm trong lời ăn tiếng nói kể cả trong văn chương. Bởi vì chơi chữ là cách đánh tráo chữ nghĩa tài tình nên người thưởng thức cũng phải có một trình độ hiểu biết về ngôn ngữ nhất định nào đó mới phát hiện được sự đánh tráo ấy và hiểu được sắc thái ý nghĩa và bật lên tiếng cười sảng khoái, có khi thâm thúy sâu cay…
Ví dụ:

– Trùng trục như con chó thui
Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu
– Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được thịt cầy thì không
– Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc/ Gái Gò Công đã gồng lại co…

Chơi chữ để thử tài trí tuệ, để giao duyên:

Kho tàng văn học Việt Nam đã để lại một hệ thống phong phú những câu đố, câu đối có sử dụng phép chơi chữ. Vì ở những thể loại này phải có sự đánh đố nên chơi chữ tìm được nơi đắc địa. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam giỏi chơi chữ. Chúng ta có những giai thoại đẹp về câu chuyện đi sứ của các sứ thần nước ta như Mạc Đĩnh Chi, Giang Văn Minh… sang Trung Quốc; giai thoại giữa Đoàn Thị Điểm với Trạng Quỳnh, Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ… Qua các lời đối đáp chúng ta thấy sự tài hoa, trí tuệ trong cách vận dụng từ ngữ của người nói. Ví dụ câu chuyện về anh học trò vì phải dùi mài kinh sử nên vợ đành thay chồng đi phu. Có vị quan đã ra vế đối:

Phụ là vợ, phu là chồng, vì chồng vợ phải đi phu

Câu đối của vị quan đã dùng từ đồng nghĩa Hán Việt – thuần Việt: Phụ – vợ, phu -chồng, va từ đồng âm “phu” . Vế đối phù hợp với hoàn cảnh, và anh học trò cũng đối lại rất chính xác:

Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã

Lời đối có phần khí phách ngang tàng và rất chuẩn ấy đã khiến vị quan hài lòng mà tha cho vợ chồng họ. Hoặc tương tự là vế đối của một nhà sư với Hoàng Phan Thái:

Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu

Hoặc vế đối của Phan Bội Châu khi mới hơn mười tuổi với người chị họ của mình:

Cha áo thâm, con áo thâm, phụ tử tình thâm chi nghĩa
Chị trằm bạc, em trằm bạc, tỷ muội phô phận bạc chi duyên
Ví dụ khác về câu đối của Phân Châu Trinh với một vế đối cổ:
Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử

Vế đối cổ đã sưt dụng phép chơi chữ dùng từ đồng nghĩa Hán Việt, thuần Việt: cha con – phụ tử, về quê – hồi hương; đồng thời dùng từ đồng âm: phụ tử, hồi hương cũng là tên hai vị thuốc. Và Phan Châu Trinh đã đối lại khá chuẩn là:

Vàng bạc nhà nông chuộc đất, trồng đôi hàng thục địa, kim ngân

Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đã để lại nhiều câu đối hay có sử dụng phép chơi chữ dù những câu đối đó đều là đăn đặt hàng nhưng cũng thấy được trí tuệ sắc sảo, sự hóm hỉnh trong nghệ thuật chơi chữ của vị Tam Nguyên Yên Đổ. Hai câu:

Tưởng cơ đồ thiếp phải lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp
Thôi công việc chàng đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi
là viết cho người vợ thợ rèn khóc chồng
Từ thời, bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu, đôi bồ dục điểm trang
là viết cho cửa hàng anh bán thịt lợn…

Không chỉ giới hạn ở những người theo học chữ nghĩa mà người bình dâncungx rất sính và thiện nghệ với phép chơi chữ, đặc biệt là trong việc giao lưu tình cảm, những câu hát giao duyên.

Ví dụ:

Nữ: Bánh cả thúng răng gọi là bánh ít
Trầu cả khay, răng gọi trầu không
Muốn cho cầm sắt hợp đồng
Trai nam nhơn đối đặng, mới thỏa lòng nữ nhi
Nam: Chuối không đi tây, răng gọi là chuối sứ
Cây không biết chữ, răng gọi cây thông
Trai nam nhơn đối đặng, mau theo chồng về ngay. (Hò Nam bộ)

Hoặc:

Nữ: Một trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp
Một trăm thứ bắp, bắp chi không ai rang
Một trăm thứ than, than chi không ai quạt
Một trăm thứ bạc, bạc chi không ai mua
Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa xin theo
Nam: Một trăm thứ dầu, dãi dầu không ai thắp
Một trăm thứ bắp, lắp bắp không ai rang
Một trăm thứ than, than thân không ai quạt
Một trăm thứ bạc, bạc tình bán không ai mua
Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa tính sao ? (Dân ca Nghệ Tĩnh)

Hoặc:

Thầy Bá Bưởi đi xuống cầu Chanh, đồ đề chi mà bưng bồng kín mít
Cô Tư Hồng ở làng cầu Cậy, nhân duyên gì mà quấn quýt cho cam…

Như vậy, nghệ thuật chơi chữ có ý nghĩa thật phong phú. Một trò chơi trí tuệ thông minh, nhiều khi đạt được hiệu quả bất ngờ. Tuy nhiên chơi chữ cũng như mọi thủ phá nghệ thuật khác, phải đúng mực nếu không sẽ trở thành con dao hai lưỡi Chơi chữ phải phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng giao tiếp để tránh sự thô tục hoặc với dụng ý xấu, đùa giỡn một cách vô ý thức, thiếu văn hóa .