Hầu hết tài liệu về thời Tây Sơn đã bị hủy hoại sau khi nhà Nguyễn giành chính quyền, nhưng những ghi chép về vua Quang Trung vẫn còn nằm rải rác trong sử sách.

Ngay trong bộ chính sử của triều đình nhà Nguyễn là Đại Nam chính biên liệt truyện, ở phần viết về kẻ thù cũ mang tên “Ngụy Tây” có một đoạn tả về Nguyễn Văn Huệ (tức Quang Trung).

Sách viết: “Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ”.

Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả Quang Trung là anh hùng lão luyện.

Trong bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, được hoàn thành những năm đầu triều vua Gia Long, cũng có những dòng miêu tả về vua Quang Trung rất hào hùng.

Đoạn văn ghi lời kể của một bà cung nhân nhà Lê với Thái hậu (mẹ vua Lê Chiêu Thống) như sau: “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra bắc vào nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết”.

“Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hắn hơn sợ sấm sét”, sách khẳng định.

Trong một bộ sách chữ Hán khuyết danh, kể vắn tắt những sự việc xảy ra dưới triều Tây Sơn có tên Tây Sơn lược thuật, ra đời trong những năm đầu triều Nguyễn, tuy mô tả về dung mạo vua Quang Trung không được đẹp” “Tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụn”.

Nhưng sách lại có câu mang màu sắc thần thoại: “Huệ có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…”.

Trong bộ Việt Nam sử lược, tuy là công chức của chính quyền bảo hộ dưới thời nhà Nguyễn, nhà giáo Trần Trọng Kim vẫn dành những câu văn đẹp để nói về vua Quang Trung: “Ông Nguyễn Huệ (sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình) là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu trí quyền biến, mẹo mực như thần”.

Trần Trọng Kim nhận định: “Đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng sĩ nhà Thanh thất đảm, tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy”.

Năm 1958, ở Sài Gòn, cuốn Quang Trung – Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc 1788 -1792 được xuất bản. Tác giả cuốn khảo cứu là nhà văn, nhà báo quê ở làng Hạ Yên Quyết (làng Cót), Hà Nội, Hoa Bằng – Hoàng Thúc Trâm.

Trong sách, tác giả Hoa Bằng đánh giá: “Ôi, là người đồng thời và ngang hàng với Nã Phá Luân (Napoleon), Quang Trung cũng có thiên tài về quân sự, cũng có thủ đoạn thần tốc trong việc hành binh, cũng có chí hăng, hoài bão lớn… Vậy mà Nã được gửi nắm xương trong đền Invalides để cho người sau viếng thăm ca tụng! Còn Quang Trung? Sự nghiệp oanh liệt phải vùi sâu trong vực thẳm thời gian!”

Trong khi đó, nhà văn gắn bó với mảnh đất Bình Định là Quách Tấn đã dành rất nhiều thời gian để sưu tầm tài liệu về thời Tây Sơn, rồi cùng người con trai là Quách Giao viết nên cuốn sách Nhà Tây Sơn xuất bản lần đầu năm 1988 và được tái bản rất nhiều lần.

Nhà Tây Sơn kể lại một câu chuyện mang tính huyền thoại nhưng thể hiện hình ảnh, phẩm chất của Nguyễn Huệ. Đó là khi anh em Tây Sơn mới dấy binh khởi nghĩa, một lần Nguyễn Huệ cùng quân lính mới tuyển đi đến đèo An Khê thì thấy hai con rắn mun cực kỳ to lớn, không ai dám đi tới.

Nguyễn Huệ liền chắp tay khấn: “Nếu quỷ thần có phù hộ để tôi dựng nên nghiệp lớn thì xin tránh đường cho tôi đi. Bằng không thì cắn chết tôi chớ đừng làm hại những người theo tôi”.

Khấn xong thì đi tới. Hai rắn cúi đầu xuống, miệng ngậm một thanh đao, cán đen như mun, lưỡi sáng như nước, kính cẩn dâng cho Nguyễn Huệ rồi bò vào bụi biến mất.

Các tân binh liền quỳ xuống tung hô Nguyễn Huệ là “Tướng nhà Trời”. Thanh đao đó Nguyễn Huệ gọi là Ô Long Đao, và thường dùng lúc ra trận.

Sách của Tạ Chí Đại Trường nêu công lao to lớn của Nguyễn Huệ với phong trào Tây Sơn.

Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, trong cuốn biên khảo Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1711 đến 1802 đã viết: “Có thể nói Nguyễn Huệ đã dùng hào quang của mình mà che chở cho chế độ khi phong trào Tây Sơn đưa ông lên đài danh vọng. Bởi chế độ Tây Sơn quả đã phải đứng bấp bênh vì xây dựng nên từ một mâu thuẫn”.

“Chúng ta đã nói rằng phong trào Tây Sơn xuất hiện vì sự giao thoa của hai nguồn năng lực lấy từ hai biến chuyến: Một, bên trong là kết quả của tiến trình Nam tiến phối hợp với văn hóa phương Nam mấy trăm năm, và bên ngoài là sự kích động của văn minh kỹ thuật Âu Tây trên đất Đại Việt”.

Đi sâu vào việc trình bày và phân tích những vấn đề quân sự của nghĩa quân Tây Sơn và của Nguyễn Huệ, cuốn sách Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ của các tác giả Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng đã trình bày tương đối tỉ mỉ diễn biến của cuộc chiến tranh và của từng trận đánh trong cuộc đời Nguyễn Huệ.

Hai tác giả kết luận: “Trung, trí, dũng, những phẩm cách cao quý đó ở con người Nguyễn Huệ tự nó đã đem lại cho ông một lòng tin tưởng mãnh liệt của tướng sĩ và quần chúng”.

“Thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ thật là kỳ diệu, nhưng không vượt ra ngoài khả năng của con người. Bản thân Nguyễn Huệ chỉ là con đẻ của phong trào nông dân Tây Sơn thì thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ cũng là từ thực tế chiến đấu mà nảy sinh ra”, họ đánh giá.

Trong lời giới thiệu sách, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nhận định: “Ông là một người tướng bách chiến bách thắng. Trải qua hơn 20 năm chiến đấu liên tục, Nguyễn Huệ đã đánh hàng trăm trận và đánh đâu thắng đấy. Càng đánh càng thắng lớn. Càng về cuối đời chiến đấu của ông, thắng lợi càng huy hoàng, chiến công càng hiển hách. Thật cũng là một người tướng hiếm có trong lịch sử”.