Tháp Champa! Kalan Champa! Huyền bí và kiêu hãnh! Trang trọng và im lặng nhân gian đoán tới đoán lui vẫn chưa biết hết về Champa! Bức tường gạch đỏ au kể chuyện Vương Quốc-1600 năm bằng ngôn ngữ không lời. Tháp Cổ Champa hoàn toàn đáng yêu nhưng cũng hoàn toàn đơn độc ngoài ngoại lệ được UNESCO công nhận và nghành khảo cổ ghé mắt. Còn thì những gì sót lại từ quá khứ vẫn là bí mật dù phơi mình dưới nắng chói chang miền duyên hải Champa, Việt Nam-bây giờ.
Thật bất ngờ, một ngày đẹp trời tháng Năm-tháng hoa Linh Lan, nhận được từ Teresa Phạm, trang Nghiên cứu Champa-Champa Studies, hình ảnh Tháp Lửa và Tháp Chính thuộc cụm Tháp Bạc thế kỷ 10, còn gọi là Tháp Bánh Ít, tiếng J’rai là Yang Mtian, thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Kalan Yang Mtian -Tháp Lửa -Tháp Chính 22m- Photo Teresa 5/2021

Teresa Phạm gởi theo câu hỏi rớt linh hồn “Hoạ tiết trên cụm hoa văn bốn-cánh mà em nhìn như đôi mắt khép tĩnh lặng. Hoa văn bốn cánh tượng trưng cho điều gì khi nó còn đặt dưới một dây hoa văn chạm khắc mặt Kala/Thần thời gian chạy vòng trên phần cao nhất của tháp, trước khi lên đỉnh tháp”.

Tháp Lửa, photo trái: “Đôi mắt khép tĩnh lặng” cách mặt đất ít nhất 5m.

Photo phải: mũi tên đỏ: nhìn gần “Đôi mắt” là họa tiết 4-cánh; tên xanh: hàng gạch đen đậm nhìn xa giống hàng mi.

Kalan Yang Mtian – Tháp Lửa – Photo Teresa 5/2021

“Đôi mắt khép tĩnh lặng”?

Tiếng Champa đền là kalan, bài viết tôn trọng đất cũ người xưa gọi là Kalan Yang Mtian, cũng gọi Hindu thay vì India/Ấn Độ là tên mới có từ 1947 khi tiểu lục địa Nam Á này lấy lại độc lập sau 250 năm bị thực dân Anh đô hộ, Hindu trong bài có thể là “người, vùng đất, triết lý, niềm tin…”

Theo Teresa cụm Yang Mtian có bốn kalan: Tháp Cổng, Tháp Chính, Tháp Lửa và Tháp Phụ. Cô trở lại Yang Mtian nhiều lần cùng chú gác đền tận tụy bắc thang chụp từng góc cạnh ghi rõ kích thước. Theo Teresa, tổng cộng 16 cặp “Ðôi mắt khép tĩnh lặng” đặt trong Vòm Sen trên tháp Lửa: sáu cặp mỗi bên thân Tháp, bốn cặp ở mặt trước mặt sau như hình dưới đây:

Kalan Yang Mtian -Tháp Lửa -Photo Teresa 5/2021

Trang trí trên đền tháp, nhà thờ, dinh thự…thế giới đều mang tính thẩm mỹ. Riêng Hindu thần thánh hóa hoa lá động vật đền đài nhưng đây là lần đầu tiên Teresa cho họa tiết mang hồn người với “Đôi mắt tĩnh lặng” khiến tôi nhớ đôi mắt sen tĩnh lặng khác.

Di sản UNESCO, quần thể 63 hang động Hindu trên vách núi cao 75m, tkỷ 2TCN, tượng và bích họa Ajanta và Ellora kể chuyện Hindu, Phật và Jain/Kỳ Na giáo.

Hang động số 1, bích họa Bodhisattva Padmapani/Bồ Tát Hoa Sen chính là vương tử Thích Đạt Ða/Siddhartha Gautama thuộc bộ lạc Shakya , được gọi là Shakyamuni/hiền nhân xứ Shakya -qua tiếng Việt là Thích Ca Mầu Ni. Mắt sen dịu dàng như nước mắt ni cô nhỏ xuống trang kinh khép hờ vẫn thấy hết hạnh phúc đạm bạc lẫn sân hận tràn trề cõi nhân gian khiến thế giới sững sờ mủi lòng nghiêng đổ bao xiết gánh sầu. Chắc hẳn nghệ sĩ vô danh lặng lẽ hóa thân trong trăm ngàn nỗi đau đớn hạnh phúc kiếp người mới vẽ được Phật ân cần dường ấy.

Bích họa Bodhisattva Padmapani/Bồ Tát Hoa Sen- Photo Benoy Behl, 1998 MET Museum.

Có lẽ sát na buổi sáng nắng vàng bên Kalan Yang Mtian ấy Teresa hạnh ngộ linh hồn nghệ sĩ dù thời gian không gian cách nhiều cõi tinh cầu nhưng gặp nhau nhờ tĩnh lặng mắt Sen vương tử.

Riêng tôi tò mò Yang Mtian hồi xưa là núi rừng thế nào cũng có rắn giờ này bạn ấy còn quanh quẩn quấn bước nhân gian?

Cũng tò mò trong ngàn ngàn viễn khách viếng Yang Mtian, có giai nhân tài tử ngưng chụp hình ngước chào “Đôi mắt khép tĩnh lặng”?

Kala ở đâu thần Shiva ở đó

“Hoa văn bốn cánh tượng trưng cho điều gì khi nó còn đặt dưới một dây hoa văn chạm khắc mặt Kala/Thần thời gian chạy vòng trên phần cao nhất của tháp, trước khi lên đỉnh tháp”

Kalan Yang Mtian – Tháp Lửa – Photo Teresa 5/2021

Hồi nhỏ coi ciné  rạp Thanh Vân đường Lê Văn Duyệt Saigon, chuyên chiếu phim Ấn Độ, Công Chúa Thủy Cung, Đất Rắn Nở Hoa Tình, Thượng Khách Của Hoàng Cung… hoá phép ly kỳ làm bộ sợ nhảy ra khỏi ghế chui dưới gầm nên tôi nhớ nhiều truyền thuyết về con mắt thứ ba trên trán thần Shiva .

Thần Shiva, Art Cham -Musée national des arts asiatiques – Guimetphoto Jean-Pierre Dalbéra 2014, wiki

Theo sử thi Mahāpurāṇa Hindu, thần Shiva hoá phép biến con mắt thứ ba thành quái thú đi tiêu diệt vua Daitya. Trước khi lên đường chàng ta đói đòi ăn, nhìn quanh chẳng có gì thần bảo ăn tạm cái đuôi, chàng y lời quất một hơi chỉ còn lại mặt khiến thần Shiva hài lòng ban cho tên Kirtimukha tiếng Sankrit là “Mặt Chiến Thắng” cho gác cửa đền. Kirtimukha cũng chính là thần Shiva.

Kala láng giềng Đông Nam Á

Kirtimukha  theo tu sĩ thương nhân thợ khéo Hindu qua Đông Nam Á được gọi là Kala, vẫn giữ nguyên mặt tròn, mũi tròn, răng to, phồng má phun nước hay ngoạm đuôi mình… Bù lại nghệ sĩ ban cho Kala đuôi công đuôi ngỗng Hamsa tuyệt đẹp. Kala mũi tròn vo giống bà nội nên tôi nhận ra ngay.

Cambodia tkỷ IX, Linteau- Musée Guimet, photo Vassil, wiki

Khmer lintel, tkỷXI, Musée Guimet, Paris, Photo Ddalbiez 2009, wiki

Kathmandu, Nepal -Photo Clemensmarabu, worldhistory.org

Hindu goi thợ chạm khắc đá là Taksaka. Taksaka tạc tượng Kala tuốt trên cao gác đền, đuôi quấn thành vòm cửa, có khi đầu một nơi đuôi một nẻo chạy quanh đền, chính là biểu tượng “thần thời gian Kala chạy vòng”, là vũ trụ mở ra theo mọi hướng, là vẻ đẹp và ý nghĩa của sự sống thiêng liêng.

Wat Phu, Lào, wideangleadventure.com

Kala Thánh Địa Mỹ Sơn

Tháp Mỹ Sơn- Quảng Nam- đuôi Kala cũng chạy quanh tường, đặc biệt ba phù điêu-hàng dọc có họa tiết rất khác với kalan Yang Mtian: chính là đuôi Kala nơi nghệ thuật Hindu cho trời-đất gặp nhau. Chúc mừng Mỹ Sơn có phù điêu lộng lẫy này.

Mong có bước chân điền dã “thứ thiệt” đi suốt dải Champa đếm/xếp loại tổng cộng bao nhiêu họa tiết đuôi-Kala như vậy để nếu ‘trùng tu” ít xa rời nguyên bản mới mong “bảo tồn”. Xin gìn giữ những nguyên bản phù điêu này cẩn thận, tuyệt đối không thêm bớt tô vẽ bằng xi măng thời nay.

Mỹ Sơn- tkỷ7-14, photo MT- zoomed-Nghiên cứu Champa- Champa Studies                                                                   

Kala Ðông Nam Á hải đảo

Indonesia, hai di sản UNESCO Borobudur và Prambanan, gộp kala-makara vào làm một và hãnh diện như biểu tượng kiến trúc Indonesia: kala-makara trên cổng hay đầu cầu thang bảo vệ đền, lưỡi phun châu báu, thân bằng vàng uốn cong tinh xảo thành lan can.

Đền Prambanan, Indonesia- tkỷ8, di sản UNESCO- Photo Dharma 2013,wiki

Taksaka không ngẫu hứng muốn làm sao cũng được mà làm việc có “phường nghề”, cha truyền con nối, dưới quyền Sthapati/kiến trúc sư và Sutragrahin/thợ cả. Đó là lý do đền đài Hindu khắp hải đảo và đất liền Đông Nam Á đều thống nhất họa tiết, hình dáng và tên gọi.

Bài học ngày xưa ngày nay 

Chưa kịp viết “hoa văn bốn-cánh tượng trưng cho điều gì” nhưng đèn dầu đã cạn xin hẹn bài sau.

Hồi tiểu học trường Chí Hòa đường Lê Văn Duyệt, Saigon, thầy hiệu trưởng Hà Mai Anh căn dặn “Các con nhớ nhé: ai hỏi mình chính là thầy mình”. Hơn nửa thế kỷ lời thầy vẫn vẳng bên tai. Câu hỏi Teresa mẫn cảm và tận tụy chú gác đền Tháp Bạc là bài học lớn. Phải chăng đó là ý nghĩa siêu việt triết học Hindu cho Kala chạy vòng vòng bất diệt!

Chúc mừng Teresa! Chúc mừng chú gác đền! Sát na ấy thuyền ngưng trôi sóng ngưng bạc thần hát đón người.