Khi mà ngày càng có nhiều người muốn chuyển sang nước khác để tìm kiếm cơ hội và sự ổn định, thì các chính sách bài nhập cư và thắt chặt biên giới lại đang dẫn đến sự trỗi dậy của việc “rao bán quốc tịch”.
Trên một chuyến bay gần đây, tôi lơ đãng lật nhanh các trang của cuốn tạp chí chuyên dành cho hành khách, và thấy một đoạn quảng cáo khá khác thường, hứa hẹn “một chiến lược độc đáo, đảm bảo cho bạn có một tương lai thịnh vượng và an toàn.”
Những bãi biển cát trắng, với đòi hỏi đầu tư tối thiểu ở mức thấp và không yêu cầu đương sự phải sinh sống tại đó một thời gian, trong lúc thủ tục giải quyết nhanh chóng, là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư tới vùng Caribbe
Mẩu quảng cáo này gắn với cái mà nó gọi là “có quốc tịch thông qua hoạt động đầu tư”.
Tôi đã từng nghe các sáng kiến rao bán quốc tịch, và nay, được khơi gợi bởi đoạn quảng cáo, tôi băn khoăn tự hỏi liệu việc có thêm một quốc tịch nữa ngoài quốc tịch Mỹ đang có có phải là thứ tôi cần hay không. Liệu đó có phải là thứ mà mọi người, trừ những đối tượng siêu giàu đang nhắm tới không, và liệu có còn những lý do nào khác ngoài chuyện nhằm tối ưu hoá việc đóng thuế không? Và nếu quả vậy, thì tại sao?
“Sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng tâm lý dâng cao hơn bao giờ hết đối với việc tạo ra những xã hội thiển cận đã đều góp phần tạo nên tình trạng không thể lường trước về thế giới thay đổi nhanh chóng của chúng ta,” mẩu quảng cáo giải thích.
Khi mà ngày càng nhiều quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới và các ngả đường dẫn tới khả năng nhập cư, thì một ngành công nghiệp mới đang hoạt động sôi nổi nhằm lách qua các hạn chế đó, với một mức phí tổn rất cao.
Khao khát trở thành công dân toàn cầu
Các chương trình cấp quốc tịch thông qua hoạt động đầu tư không phải là điều gì mới mẻ. Chúng đã tồn tại từ hàng thập niên qua, chủ yếu nhằm giúp các nước tăng thu nhập. Canada và Đảo St Kitts and Nevis trên biển Caribbe đã bắt đầu các chương trình này từ hồi thập niên 1980, còn Mỹ và Anh, từ thập niên 1990.
Các yêu cầu trong mỗi chương trình cấp quốc tịch thông qua hoạt động đầu tư ở mỗi nước mỗi khác. Chúng cho phép người nước ngoài đầu tư vào các dự án bất động sản và các hoạt động kinh doanh, mua nhà, hoặc tài trợ tiền trực tiếp cho chính phủ nước họ muốn tới để đổi lấy việc được cấp visa hoặc hộ chiếu.
St Kitts and Nevis ra sáng kiến vào 1984, một năm sau khi đảo này tuyên bố độc lập khỏi Anh. Mục tiêu là nhằm thu hút dòng tiền từ các nhà kinh doanh, những người quan tâm tới trị giá của các bãi biển nhiệt đới và những mức thuế thấp của nơi này.
Hòn đảo vào lúc ban đầu chỉ hấp dẫn được vài trăm đơn. Thế nhưng tới 2009, được hậu thuẫn bởi chiến dịch quảng cáo, những người mang hộ chiếu của quốc đảo này đã được cho ra vào 26 quốc gia EU trong khối Schengen mà không cần visa, khiến nhu cầu kiếm quốc tịch tăng nhanh chóng.
Ngành này tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2014 trở thành năm đầu tiên Hoa Kỳ cấp hết sạch chỉ tiêu visa nhập cư theo dạng nhà đầu tư trước khi kết thúc năm tài chính.

CS Global Partners đóng tại London, hãng tư vấn sáng tạo ra nội dung quảng cáo mà tôi đọc được trên máy bay, đã ‘lùa’ các nhà đầu tư vào thông qua tiến trình mua hộ chiếu bằng hoạt động đầu tư. Hãng nói sự quan tâm tới dịch vụ của hãng đã tăng gấp bốn lần trong năm ngoái.
Bạn quan tâm tới quốc tịch một nước châu Âu? Có tới gần nửa các quốc gia thành viên EU nay đưa ra một số chương trình đầu tư để đổi lấy quy chế định cư dài hạn hoặc quốc tịch
“Chúng tôi chắc chắn đang chứng kiến sự dịch chuyển to lớn,” CEO của hãng là Micha Emmett nói. “Thị trường truyền thống vẫn tồn tại – nhưng chúng tôi thấy [người từ] các nước chưa từng quan tâm tới quốc tịch thứ hai bằng cách bỏ tiền đầu tư thì nay đang bắt đầu hỏi thăm thông tin qua dịch vụ trực tuyến của chúng tôi. Chẳng hạn như chúng tôi thấy tăng 400% trong các yêu cầu cung cấp thông tin từ khách hàng tiềm năng ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Ba vừa qua.”
Những sự kiện như Anh quyết định rời khỏi EU và kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ trong năm 2016 đang khiến sự quan tâm càng nhiều hơn. Công dân Anh nay đang nghiêm túc tính đến các lựa chọn cho mình, Emmett nói.
“Nói về những gì đã xảy ra tại Anh với chuyện Brexit, thì vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố, các đường dây điện thoại của chúng tôi đã reo liên tục, tôi bị mọi người chặn đường trên phố, rõ ràng là có tâm lý hoảng sợ,” bà nói thêm.
Sự thay đổi trong các đối tượng là khách hàng
Các nhà đầu tư tư nhân từ các nền kinh tế thị trường mới nổi đang tạo ra khuynh hướng này, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Số liệu từ chương trình gây tranh cãi, visa dạng EB-5 của Mỹ, là chương trình cho phép người nước ngoài đầu tư vào các dự án bất động sản sớm được xét đơn xin thẻ xanh hơn, cho thấy có sự dịch chuyển về nhân khẩu học, theo Peter Joseph, giám đốc điều hành của Invest In USA, một tổ chức thương mại chuyên về lĩnh vực này, nói.
“Chúng tôi thấy có một vài quốc gia đang giúp làm đa dạng hóa khuynh hướng này. Trung Quốc là một nguồn [các đối tượng muốn nộp đơn] vượt trội, chiếm tới 80%, nhưng đơn từ các nước khác như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil cũng tăng nhiều trong vài năm qua,” ông nói.
Paul Williams từ La Vida Golden Visas, hãng chuyên cung cấp dịch vụ xin quy chế thường trú nhân và quốc tịch thứ hai trong châu Âu, hiện đang làm việc với các khách hàng từ 50 quốc gia khác nhau. Kể từ khi Anh bỏ phiếu chọn Brexit, ông nói, ông lần đầu tiên bắt đầu thấy sự quan tâm của công dân Anh tới chuyện di cư.
Quốc tịch: món hàng đắt khách
Các chương trình được biết đến nhiều nhất là ở vùng Caribbe, nơi có những bãi biển cát trắng, với đòi hỏi đầu tư tối thiểu ở mức thấp và không yêu cầu đương sự phải sinh sống tại đó một thời gian, trong lúc thủ tục giải quyết nhanh chóng, là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.
Andrew Henderson, doanh nhân Mỹ, đã có bốn hộ chiếu và đang 'sưu tầm' cuốn thứ năm
Chẳng hạn như để trở thành công dân của Dominica tại Caribbe, là hòn đảo nằm giữa Guadeloupe và Martinique, bạn chỉ cần bỏ ra 100 ngàn đô la, không cần phải có bất kỳ thời gian nào sống tại hòn đảo này, và không phải chờ đợi mất thì giờ.
Các chương trình như vậy tạo lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế. Tại St. Kitt and Nevis, hộ chiếu là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, và lượng tiền thu được từ chương trình được cho là đã giúp đưa nước này thoát khỏi tình trạng nợ nần, và thổi bùng lên cơn sốt xây dựng.
Theo IMF, chương trình thu về lượng tiền tương đương 14% GDP của St Kitt trong năm 2014, còn một ước tính khác nói rằng tỷ lệ này là chiếm đến 30% trong năm 2015.
Khả năng dịch chuyển là điều then chốt
Chỉ cần từ 50 ngàn đô la trở lên là ổn (tại Latvia), hoặc phải cần có tới 10 triệu đô mới đủ (ở Pháp), người nước ngoài có thể mua được địa vị pháp lý để sống, làm việc, dùng dịch vụ ngân hàng ở một số quốc gia khác. Mà nói rộng ra thì có lẽ điều quan trọng hơn chính là việc họ có thể mua được quyền đi lại không cần visa tới các nước trên thế giới.
Và cũng có một hệ thống xếp hạng không chính thức đối với các loại passport được ưa chuộng nhất. “Một số người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xin visa, hộ chiếu xác định [giá trị] bằng số quốc gia mà người mang hộ chiếu có quyền đi lại không cần visa. Cho nên tôi nghĩ là vào lúc này thì dựa trên số liệu có sẵn, hộ chiếu Đức cho phép bạn đi tới nhiều quốc gia nhất so với hộ chiếu các nước khác trên thế giới,” Emmett nói.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, quyền tự do đi lại là một yếu tố hấp dẫn mà các chương trình đó đem lại.
Andrew Henderson, doanh nhân Mỹ đồng thời là sáng lập viên của Nomad Capitalist, một trang blog, chuyên phát podcast và là một công ty tư vấn, có bốn hộ chiếu và đang ‘sưu tầm’ cuốn thứ năm. Vị thế đa tịch cho phép ông có nhiều lựa chọn trong việc kinh doanh, ông nói.
Ông nói các chương trình đầu tư tại quần đảo Comoros ở châu Phi và đảo St. Lucia ở Caribbe cho ông nhiều cơ hội làm ăn hơn, với mức thuế thấp hơn.
“Với tôi, đó là chuyện làm thế nào để tôi có các cơ hội làm ăn tốt hơn, trả mức thuế dễ chịu hơn, được đối xử thoải mái hơn và đi lại tự do không cần xin visa,” ông nói, và nhận xét thêm rằng ông thấy xu hướng kiếm quốc tịch qua con đường đầu tư sẽ tăng nữa.
“Tôi cho rằng thế giới đang trở nên dịch chuyển nhiều hơn. Mọi người không muốn ở yên một chỗ. Họ muốn có một, hai hay ba cơ sở vì các lý do thói quen sống, vì vấn đề thuế, và đó là điều đang ngày càng trở nên dễ đạt được hơn trước.”
Tuy không phải ai có nhiều quốc tịch cũng sẽ cư trú ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng Williams nói rằng ngành công nghiệp dịch vụ về quốc tịch có thể được coi như phong vũ biểu về độ biến động, bất ổn của thế giới. Ông nói nhiều nhà đầu tư mà ông làm việc với coi những chương trình này là một dạng bảo đảm an toàn.
“Hầu hết các khách hàng của chúng tôi không chuyển sang sống ở các nước mà họ đầu tư,” ông nói. “Họ coi chuyện đó như một dạng bảo hiểm nhiều hơn. Họ biết là họ có cơ hội để chuyển tới sống ở nơi khác, cho nên nếu cần là họ có thể lên máy bay đi ngay được.”
Theo BBC