Con người sống nơi thế gian, hầu như ai ai cũng có tâm tham, muốn được cho nhiều hơn là xả bỏ. Nhưng nếu một người không biết khắc chế lòng tham của mình mà lại còn phóng đại nó lên thì chính lòng tham sẽ khiến cho người ấy rơi vào vũng bùn mà không có cách nào thoát ra được. Phúc đức của người ấy cũng liền mất và tai họa cũng liền giáng xuống.

lòng tham
(Hình minh họa: Qua kknews.cc )

Để cảnh tỉnh con người về hậu quả của lòng tham, cổ nhân để lại rất nhiều lời răn dạy và bài học thực tế. Lão Tử nói: “Họa mạc đại ư bất tri túc, Cữu mạc đại ư dục đắc”. Không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ, không có cái hại nào lớn bằng lòng tham muốn có được.

Trong quyển thứ 41 của sách “Hoài Nam Tử” – một cuốn sách cổ từ triều đại nhà Hán cũng có ghi chép: “Thánh nhân thủ kỳ sở dĩ hữu, bất cầu kỳ sở vị đắc. Cầu kỳ sở vị đắc, tắc sở hữu giả vong hỹ; tu kỳ sở hữu, tắc sở dục giả chí hỹ”. Ý tứ của câu này chính là bậc thánh nhân bảo trì đức của mình, họ hài lòng với những thứ mình có, không tham lam và truy cầu những thứ mình không có. Người nào tham lam và truy cầu những thứ mình không có, thì những thứ mà mình đang có sẽ bị mất đi. Ngược lại, người nào tu dưỡng đạo đức thì sẽ tự nhiên đạt được những gì mình muốn, bởi vì đạo đức vốn có vô lượng trí huệ và có thể chuyển hóa thành phúc báo.

Trong sử sách cũng ghi chép lại rất nhiều điển cố có nội dung cổ nhân bởi vì nhận thức được việc từ bỏ lòng tham, tu dưỡng đạo đức mà đắc phúc báo, người tham lam vô độ cuối cùng không tránh được tai họa diệt thân.

“Quần Thư Trị Yếu”, là cuốn sách được viết vào triều đại nhà Đường có ghi chép lại một câu chuyện xảy ra vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Câu chuyện kể về nhà tiên tri Đấu Thả đã nhìn nhận về việc từ bỏ tâm tham lam như thế nào.

Đấu Thả là một vị quan của nước Sở. Một lần, ông gặp Lệnh doãn Tử Thường ở trên triều, ông và Tử Thường đã nói chuyện với nhau. Lệnh doãn là chức quan cao nhất vào thời đó, tương đương với chức thủ tướng ngày nay.

Lệnh doãn Tử Thường đã hỏi ông về các việc như tích lũy tài vật và sưu tập ngựa quý. Khi trở về nhà, Đấu Thả nói với em trai của mình rằng: “Nước Sở sắp diệt vong rồi, nếu không thì Lệnh doãn sẽ không thể tránh khỏi tai họa. Khi ta bái kiến Lệnh doãn, ông ta đã hỏi ta về việc gom góp tài vật, thần sắc của ông trông giống hệt như loài lang sói đang đói bụng. Ta e rằng nước Sở nhất định sẽ diệt vong.”

Đấu Thả lại nói về Tử Văn, là tiền nhân của Tử Thường: “Trước đây Tử Văn đã ba lần từ bỏ chức lệnh doãn, ông không bao giờ tích góp tài vật bởi vì ông luôn lo lắng cho bách tính. Mỗi lần Sở Thành vương định cấp thêm bổng lộc cho Tử Văn, ông đều một mực cự tuyệt. Tử Văn sẽ không trở về cho đến khi nào Sở Thành vương không còn đề cập đến việc đó nữa.

Khi có người hỏi Tử Văn: ‘Người ta truy cầu tài vật, nhưng ông lại khước từ nó. Vì sao vậy?’  Tử Văn trả lời: ‘Làm quan là phải bảo hộ bách tính. Ngày nay, đa số dân chúng đang lầm than cơ cực. Nếu ta truy cầu và đắc được lợi lộc, thế chẳng phải là ta đã lấy những thứ của dân chúng về cho mình? Nếu ta làm như vậy, ta sẽ phải chết. Là ta tránh cái chết, chứ không phải tránh tài vật.’

Đó là vì sao dưới thời Sở Trang vương, gia tộc Nhược Ngao đã bị tru di. Chỉ có hậu duệ của Tử Văn là vẫn còn, và cho đến ngày nay họ vẫn là những lương thần của nước Sở. Chẳng phải đó là bởi vì ông ta đã chăm lo cho dân chúng trước, rồi sau đó mới xét đến lợi lộc của mình?”

Tuy nhiên, tình huống hiện giờ đã thay đổi rồi. Đấu Thả nhớ lại: “Ngày nay, Tử Thường là hậu duệ của Tử Văn, là phụ tá của Sở quân, nhưng tai tiếng của ông ta lưu truyền khắp nước Sở. Bốn bề biên duyên đều là thành lũy. Đâu đâu cũng thấy cảnh người đói đến chết ở trên đường. Tử Thường không hề chăm lo cho họ, mà ông ta chỉ lo tích trữ của cải cho chính mình. Bách tính vô cùng oán hận. Của cải gom góp được từ sưu cao thuế nặng càng nhiều, thì oán hận tích lũy lại càng thâm sâu. Chẳng phải nước Sở đang sắp diệt vong hay sao?”

Một năm sau, xảy ra chiến tranh giữa nước Ngô và nước Sở. Nước Sở bị đánh bại. Tử Thường chạy trốn lưu lạc sang nước Trịnh. Sở Chiêu vương chạy trốn sang nước Tùy.

Kỳ thực, việc khắc chế và trừ bỏ tâm tham, khắc chế dục vọng của một người cũng đồng nghĩa với đạo lý “Vô sở cầu nhi tự đắc” (không cầu mà được). Đây thực sự là đại trí huệ. Điều này cũng phản ánh một câu nói từ ngày xưa: “Người sống thiện, họa sẽ rời xa, cho dù phúc chưa tới. Người sống ác, phúc sẽ rời xa, cho dù họa chưa tới”.

An Hòa