Trên khắp thế giới hiện đang liên tục xảy ra tình trạng thiếu hụt loại thuốc này hay loại thuốc khác. Hiệp hội dược sĩ Mỹ (ASHP) đã liệt kê 157 dược chất đang đối mặt với tình trạng khan hiếm chỉ tính riêng ở nước này. Danh sách bao gồm mọi thứ, từ các thuốc kháng sinh tới vắc xin và thuốc điều trị ung thư.
Theo các chuyên gia, thực tế đáng buồn trên có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân nghe có vẻ phi lý: giá bán của một số loại dược phẩm quá thấp.
Điều dường như đôi khi xảy ra là, một số loại thuốc phiên bản (generic drug – thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược độc quyền hết hạn và do đó thường được bán với giá rẻ), qua một đêm được bán với giá cao gần gấp 14 lần giá bán một ngày trước đó. Tuy nhiên, điều trái ngược lại đang xảy ra phổ biến hơn: hàng chục loại thuốc phiên bản không còn lưu hành trên thị trường nữa vì giá thành quá thấp.
Giá thuốc sẽ tự tăng khi có sự minh bạch hơn về chất lượng cũng như cách thức sản xuất thuốc.
Điều đó có thể xảy ra khi các hãng dược sản xuất ra nhiều phiên bản thuốc tương đương, nhưng giá rẻ hơn nhiều so với một biệt dược gốc (branded drug), chẳng hạn như thuốc kháng sinh clindamycin. Khi những công ty này sản xuất đủ lượng thuốc phiên bản thỏa mãn nhu cầu của thị trường, giá bán sẽ tiếp tục giảm cho đến khi việc sản xuất thuốc không còn mang lại lợi nhuận nữa. Vào thời điểm này, các hãng bắt đầu cho ngưng sản xuất những loại thuốc đó, dẫn tới sự khan hiếm nếu những công ty sản xuất thuốc còn lại gặp bất kỳ vấn đề gì.
“Thuốc có thể rất rẻ. Để có một mô hình thị trường tồn tại ổn định, bạn cần ít nhất 3 và lí tưởng nhất là 5 hãng sản xuất dược khác nhau”, Hans Hogerzeil, giáo sư chuyên ngành sức khỏe toàn cầu đến từ Đại học Groningen (Hà Lan), từng làm giám đốc phụ trách mảng các dược phẩm thiết yếu tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết.
Việc có nhiều hãng sản xuất tạo ra một mạng lưới an toàn. Nếu bất kỳ hãng nào trong số đó gặp vấn đề, buộc họ phải ngưng sản xuất, các hãng khác có thể tăng sản xuất để bù đắp. Nếu giá thành quá thấp và các hãng sản xuất quyết định bỏ cuộc, hệ thống an toàn không còn phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, việc đặt ra giá tối thiểu để giữ các hãng dược tiếp tục sản xuất là giải pháp đúng đắn cho các vấn đề khan hiếm thuốc, vì chúng ta luôn ở trong tình trạng “giá thuốc quá cao hoặc quá thấp, không có gì dường như là hợp lý”.
Erin Fox, giám đốc Cơ quan thông tin dược phẩm tại Đại học Y Utah (Mỹ), kỳ vọng giá thuốc sẽ tự tăng khi có sự minh bạch hơn về chất lượng cũng như cách thức sản xuất thuốc. WHO đã lên kế hoạch thảo luận về sự khan hiếm thuốc lần đầu tiên tại phiên họp Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5 tới.