Về địa danh này, PTS. Võ Xuân Trang có viết bài “Về một câu ca dao xưa ở Huế” đăng trên Thế giới mới số 13, trang 53 – 54. Trong bài này, ông Võ Xuân Trang đã khẳng định rành mạch như sau: “Trước hết phải khẳng định rằng ở Huế không hề có địa danh Thọ Xương (Chúng tôi nhấn mạnh – AC) như tờ báo nọ (tức Kiến thức ngày nay, số 152 – AC) đã viết. Trên một tờ báo khác, một tác giả cũng khẳng định rằng ở Huế không có địa danh Thọ Xương (…). Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điền dã trên bộ và dưới thuyền dọc cả hai bờ Nam – Bắc sông Hương từ Phường Đúc lên Nguyệt Biều, Lương Quán (bờ Nam) và từ Kim Long đến Thiên Mụ, Hương Hồ (bờ Bắc). Kết quả khảo sát cho thấy trong ký ức dân gian vùng này hầu như không mấy ai biết đến địa danh Thọ Xương (…) là ở đâu? (..) Thế nhưng nhiều người lại nhắc đến địa danh khác, đó là vạn Thọ Khương (…). Chính cái tên Thọ Khương này mới liên quan trực tiếp đến câu ca dao trên ở Huế”. (Bdd, tr. 53.)
Còn chúng tôi thì xin khẳng định rằng ở Huế cũng có địa danh Thọ Xương. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn do Phạm Trọng Điềm dịch và Đào Duy Anh hiệu đính, tập I (Huế, 1992), đã chép như sau:
Ở xã Nguyệt Biều thuộc huyện Hương Thuỷ, gò gối bờ phía nam sông Hương, đối diện với núi Thiên Mụ ở bên kia sông “Ở xã Nguyệt Biều thuộc huyện Hương Thuỷ, gò gối bờ phía trước gọi là Kho Thọ Khang thượng (chữ khang cũng đọc là “khương” – AC). Tương truyền trước kia trên gò có nhà, từng rước tử cung Anh Tông, Hiển Tông, Túc Tông và Thế Tông để tạm ở đấy. Sau trải qua loạn lạc, nhà bị bỏ, đầu niên hiệu Gia Long đổi tên là Thọ Xương (Chúng tôi nhấn mạnh – AC); năm vua Minh Mệnh thứ 5, đổi tên là Long Thọ Cương, dựng nhà bát giác ở trên gò, cho tên hiện nay, lại dựng bia ghi việc để lưu thắng tích”
Cứ như trên thì cái gò ở bên này sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ bên kia sông, trước có tên là Thọ Khang đến đầu niên hiệu Gia Long thì đổi thành Thọ Xương và đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) mới đổi thành Long Thọ. Vậy không thể dựa vào “ký ức dân gian” để phủ nhận sự tồn tại của địa danh Thọ Xương ở Huế như PTS. Võ Xuân Trang đã làm vì ký ức đó làm sao đáng tin cậy bằng giấy trắng mực đen của thư tịch. Đó là còn chưa nói rằng có nhiều khi chính “ký ức dân gian” lại rất chóng quên. Xin đơn cử một ví dụ cụ thể. Quê nội chúng tôi là một vùng thuộc ngoại ô Sài Gòn trước đây, có tên là Xóm Gà, thuộc Bình Hoà xã, Gia Định (Đây cũng chính là nơi mà thi sĩ Tản Đà từng đến ở khi ông Sài Gòn). Tại đó có một ngã tư gọi là ngã tư Xóm Gà, nay là ngã tư Nguyễn Văn Đậu – Lê Quang Định, thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước năm 1954 dân địa phương chẳng ai lại không biết ngã tư Xóm Gà. Nhưng nay (1995) hỏi rất nhiều người thường trú trên đường Lê Quang Định và Nguyễn Văn Đậu gần ngã tư Xóm Gà xem cái ngã tư có tên đó nằm ở đâu thì hầu như chẳng ai biết. Mới có bốn thập kỷ mà còn như thế, huống chi gò Long Thọ ngày nay đã mang tên Thọ Khương cách đây hơn 190 năm và mang tên Thọ Xương cách đây trên 170 năm.
Về địa danh và câu ca dao hữu quan, Ưng Luận cũng đã viết trong Ca dao xứ Huế, tập I (Sở văn hoá thông tin Thừa Thiên – Huế, 1991) như sau: “Năm 1918, một nhà báo hữu danh ngoài Bắc, nhân một dịp dạo thuyền trên sông Hương lúc đêm khuya đã cao hứng viết hai câu:
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Không ngờ hai câu này đã gây nên nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi, vì chùa Thiên Mụ ở Huế, mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội. Có lẽ nhà báo này đã nhớ đến mấy câu của một nhà thơ ngoài Bắc (cụ Dương Khuê):
Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
là hai cảnh đều ở Hà Nội. Nhưng trong “Đại Nam Nhất Thống Chỉ có ghi rằng gò Long Thọ dưới thời Gia Long cũng có tên là Thọ Xương, đến đời vua Minh Mạng, đổi là Long Thọ Cương. Bởi vậy mà có người muốn đổi câu hát thành Thọ Cương. Nhưng dân Huế vẫn quen hát là Thọ Xương (Chúng tôi nhấn mạnh – AC), chứ không nghe ai hát là Thọ Cương cả”.(1) Còn “Thọ Khương” thì Ưng Luận hoàn toàn không nhắc đến.
Từ những điều trên đây suy ra, việc PTS. Võ Xuân Trang gắn liền câu ca dao đang xét với “vạn Thọ Khương” là một việc làm không có căn cứ. Việc ông khẳng định ở cuối bài viết của mình rằng phải ghi “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Khương” mới đúng cũng là một việc làm võ đoán. Đặc biệt, việc ông phủ nhận địa danh Thọ Xương ở Huế là một việc làm phản thực tế.