Thoạt nhìn, khi thấy hai tiếng đều có cùng phụ âm đầu m, ta dễ hiểu lầm “mai một” là từ láy. Thực tế không phải như vậy, vì cả “mai” và “một” đều là những từ có nghĩa.
“Mai” vốn là một từ gốc Hán viết bằng chữ 埋 có nghĩa là “chôn, vùi, che lấp”. Đây cũng là “mai” trong “mai táng” (埋葬), tức “chôn cất người chết”. Như vậy, đáng lý ra “mai táng” chỉ dùng để nói về việc chôn cất người mất, nhưng sau này nghĩa của nó đã mở rộng ra, bao gồm mọi phương thức xử lý xác chết, kể cả “hoả táng” (火葬 – thiêu xác), “thuỷ táng” (水葬 – thả xác trôi sông), “thiên táng” (天葬 – để xác ở một vùng cao giữa trời)… Còn hình thức “chôn cất dưới đất” trở thành “thổ táng” (土葬) hay “địa táng” (地葬). Ngoài ra, “mai” ở đây còn xuất hiện trong “mai phục” (埋伏) với “phục” (伏) là “nằm ép mình xuống”; hay “mai danh ẩn tích” (埋名隱跡 – chôn tên, giấu vết)…
Còn “một” ở đây thì sao? Đây cũng là từ gốc Hán viết bằng chữ 沒 có nghĩa là “chìm đắm, bị ngập nước”. Từ này đôi khi được sử dụng với nghĩa là “mất, chết”, và cũng xuất hiện trong vài từ ít dùng như “một hứng” (mất hứng), “một ẩm” (uống rượu nhiều quá giống như chìm trong rượu), “một tự bi” (tấm bia không chữ, chỉ người ngu dốt, ít học)… Tất nhiên từ này không liên quan gì đến “một” trong “số một”, càng không có quan hệ gì với “mọt” trong “con mọt” cả.
Tóm lại “mai một” là từ Hán Việt viết bằng hai chữ 埋沒, với “mai” là “chôn vùi”, “một” là “chìm đắm”. Trên cơ sở này ta mới có nghĩa chuyển là “mất dần hoặc mất hẳn, không còn ai biết đến, do không được phát huy, sử dụng (nói về vốn quý tinh thần)” (từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên).
(Tham khảo Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ)