Người ta hay chửi nhau:

“Mày là thằng đểu cáng”.
“Cái thằng đó đểu cáng lắm!”.

Ấy thế mà “đểu cáng” nghĩa là gì, nguồn gốc của nó ra sao, thì không mấy ai để tâm.

Ngày xưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là người ta phải thuê người cáng đi – nhất là người có tuổi, người ốm. Còn đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Người cáng thuê, người ta gọi là CÁNG, còn người gánh thuê, người ta gọi là ĐỂU. Mỗi lần gọi người đưa đi như thế, thường người ta ra đầu đường – nơi tập trung những người làm nghề đó, gọi “Cho một ĐỂU, hai CÁNG nhé!” và thế là sẽ có ba người te tái chạy vào, hai người vác theo một cái cáng, còn một người mang theo đòn gánh quang gánh.

Hầu hết Đểu và Cáng là những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thường không đều, hoặc không vừa ý với nhau, dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền là việc xảy ra như cơm bữa. Cứ như thế mà dân gian mới có câu “Đối xử với nhau như cái bọn ĐỂU CÁNG!”.

Như vậy, có thể nói đểu cáng là 2 từ độc lập được ghép lại với nhau. Tuy nhiên, nếu xét theo nguồn gốc xuất phát của hai từ này như ở trên thì nghĩa của chúng được hiểu theo hiện nay có vẻ không phù hợp lắm, nhất là từ đểu. Bởi lẽ, “đểu cáng” được hiểu là gian manh, lừa lọc thì làm sao lại gắn với việc đánh nhau, chửi nhau của những người làm nghề đểu và càng ngày trước? Như vậy, ta xét kỹ hơn ở từ “đểu” vì từ này quyết định cho ý nghĩa của đểu cáng(1) 

Theo đó, đểu ngoài nghĩa là người gánh thuê hoặc nghề gánh thuê thì đây còn là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 刁 mà âm Hán Việt hiện đại là “điêu”, có nghĩa là “gian xảo”, “dối trá”. Trong tiếng Việt, nói như nhà nghiên cứu An Chi thì thỉnh thoảng vẫn xảy ra những sự cố ngôn ngữ (accidents linguistiques), thể hiện ở sự đan xen hình thức (croisement de formes) và kéo theo nó là sự lây nghĩa (contamination de sens) do từ nguyên dân gian gây ra mà thôi. Với từ nguyên dân gian, người sử dụng ngôn ngữ thường thay từ mà mình không hiểu được bằng từ mà mình đã biết nghĩa để hiểu nghĩa của cả cụm từ hữu quan. Đểu cáng là một trường hợp như thế.

Do từ “đểu” theo nghĩa là người gánh thuê hoặc nghề gánh thuê là từ cổ, người ta không còn biết được cái nghĩa cổ xưa của nó nên đưa từ đểu nghĩa là gian manh vào luôn từ ghép đểu cáng, biến ý nghĩa của hai từ này thay đổi theo như cách hiểu hiện nay.


Chú thích

(1) Ngoài đểu cáng, ta còn có thể sử dụng đểu giả hoặc chỉ dùng mỗi từ đểu cũng đã thể hiện được nghĩa gian manh, lừa lọc. Điều đó cho thấy cáng thực chất chỉ là từ ký sinh