Trong bức ảnh đính kèm theo đây là kiến trúc gì, toạ lạc tại đâu và được xây cất vào niên đại nào? Ba chữ Hán ở giữa phần trên của kiến trúc này được đọc ra sao?

Đó là Lăng Hùng Vương, nằm trong khu Đền Hùng trên núi Hy Cương (cũng gọi là Nghĩa Lĩnh hoặc Nghĩa Cương, Hùng Lĩnh hoặc Hùng Sơn), nay thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Núi Hy Cương nằm giữa một miền đồi núi lỗ nhô vốn là hình ảnh thực tế cho truyền thuyết về con voi bất nghĩa mà Nguyễn Khắc Xương đã ghi lại như sau:

“Vua Hùng mở nước Văn Lang, đóng đô ở thành Phong Châu, đặt cung ở núi Nghĩa Lĩnh, có một trăm con voi từ khắp các nơi trong nước cùng rủ nhau về châu mừng. Tất cả đàn voi đều phủ phục quanh núi Nghĩa Lĩnh, như đàn con nằm vây quanh mẹ, tỏ ý thần phục nhà vua. Vua Hùng rất đẹp lòng. Nhưng trong đàn voi ấy có một con bước ra khỏi bầy, quay đuôi lại vua, đầu ngoảnh về phương khác. Vua bèn đùng đùng nổi giận, gọi con gái là công chúa Bầu, trao cho kiếm báu hạ lệnh chém đầu con voi bất nghĩa. Công chúa Bầu nhận kiếm, cất tiếng kể tội trạng con voi bỏ đàn rồi giơ cao kiếm báu bổ xuống một nhát vỡ sọ voi, lại chém một nhát nữa đứt cổ voi. Từ đó tới nay con voi bất nghĩa vẫn đứng trơ trơ chịu tội với dòng máu nhớp nhơ rỉ ra từ cổ và cái sọ bị vỡ toang một góc” (1). Nguyễn Khắc Xương đã chú thích như sau: “Con voi bất nghĩa đó nay là một quả đồi thuộc địa phận xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Còn 99 con voi theo mẹ và vua Hùng là các quả đồi lớn nhỏ quanh Đền Hùng thuộc địa phận Lâm Thao, Việt Trì, Phù Ninh”(2)

Từ điển di tích văn hoá Việt Nam của Viện nghiên cứu Hán Nôm do Ngô Đức Thọ chủ biên (Nxb. Khoa học Xã hội, 1993) đã viết về Đền Hùng như sau:

“Miếu Hùng Vương thường gọi là Đền Hùng (…) Theo Đại Nam nhất thống chí, sau khi Hùng Vương mất, dân địa phương lập miếu thờ; theo thần tích và văn bia ở đền thì chính An Dương Vương Thục Phán cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi, nên sau khi Hùng Vương mất, đã đến núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ. Từ phía dưới đi lên, đầu tiên là Đền Hạ, tương truyền là nơi bà  u Cơ sinh bọc trăm trứng. Tiếp đến là đền Trung nơi vua Hùng thường họp bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên hết là đền Thượng, tương truyền là nơi Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời xin cho thiên tướng xuống giúp đánh giặc  n (sau đó là nơi thờ Thánh Gióng). Bên phải Đền Thượng còn có hai cột đá là di tích miếu cổ. Gần đó có lăng thờ vọng Hùng Vương (tức kiến trúc trong ảnh mà ông đã gởi đến – AC). Đền Giếng ở phía tây nam núi Nghĩa Lĩnh, có giếng đá tương truyền là nơi con gái Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18) là công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung thường đến múc nước gội đầu. Các đền hiện nay chủ yếu là di tích kiến trúc do Tổng đốc Tam Tuyên là Nguyễn Bá Nghi theo sắc chỉ tu tạo năm Tự Đức thứ 27 (1874). Năm Duy Tần thứ 6 (1912) trùng tu, xây sửa lại như kiểu thức hiện nay. Năm Khải Định thứ 7 (1922), tu sửa lăng thờ vọng”.

Lê Tượng, người đã tham gia khai quật thăm dò khu Đền Hùng, đã cho biết cụ thể thêm như sau: “Trên Núi Hùng, từ xưa vẫn có 4 đền và 1 chùa do ba làng trông coi và hương khói. Đền Thượng, Đền Giếng do dân làng Cổ Tích trông coi. Đền Trung do dân làng Triệu Phú (tức Làng Trẹo) và Đền Hạ do Làng Vi (…) Đền Trung được lập từ rất sớm, ít ra cũng vào thời Lý hoặc Trần (…) trước khi bị tàn phá đã lợp ngói và có quy mô khá lớn, ít nhất cũng vào khoảng 8 cột (3 gian). Trong đền còn có bệ thờ bằng đất nung trang trí cánh sen và hoa chanh nổi và những viên đất nung chạm khắc công phu. Làng Cổ Tích được thành lập sau chiến thắng quân Minh, năm 1427, và dần dần phát triển. Dân làng đã cùng nhau xây dựng Đền Thượng, chuyển Đền Hạ (cũ) sang vị trí ngày nay và xây chùa vào nền cũ (của Đền Hạ – AC). Chùa, Đền Thượng và Đền Hạ được xây dựng vào trước năm 1470 vì theo bản ngọc phả viết năm Hồng Đức thứ 1 (1470) đã nói đến Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ và chùa. Lăng và Đền Giếng lúc đó chưa có (…) Làng Cổ Tích lúc đầu dựng chùa ở Điếm Mánh (theo tộc phả họ Hoàng), sau khi vào ở sát chân Núi Hùng, mới đưa chùa lên núi và dựng trên nên Đền Hạ cũ (…) Lăng Hùng Vương, theo các bi ký thì xây năm 1874. Còn Đền Giếng xây dựng năm nào đến nay chưa rõ” (3).

Cứ như trên thì Lăng Hùng Vương, tức kiến trúc trong bức ảnh mà ông đã gởi đến, được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) rồi được trùng tu năm Khải Định thứ 7 (1922). Tuổi của nó mới tròn 120 năm.

Ba chữ Hán mà ông đã hỏi là ba chữ: 龍王淩, tức: Lạc vương lăng (đọc từ phải sang trái).

Chữ lạc 3 là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là chuy 隹 còn thanh phù là các (do nét thứ ba bị viết ngắn đi nên mới có tự hình là , vì vậy mà có người đã nhầm nó với chữ danh 名, chẳng hạn như Hoa Bằng trong Hùng Vương dựng nước, tập II, Hà Nội, 1972, tr. 287), khác hẳn với chữ hùng tuy cũng có nghĩa phù là chuy 隹 nhưng thanh phù lại là quăng  侊 (về sau bị viết sai thành chữ hữu 右 nên chữ hùng cũng viết thành ). Hai nét đầu tiên của chữ lạc là 了 còn hai nét đầu tiên của hùng lại là 七 . Trong ảnh mà ông đã gởi đến, hai nét đầu tiên của chữ đang xét là 了 chứ không phải là 七 nên phần bên trái của nó là chữ các chứ không phải là chữ hữu 右 . Vậy đó là chữ lạc .

Nhưng trên đây chỉ là trả lời theo cách nhìn riêng của cá nhân (thấy hai nét đầu tiên là 了 chứ không phải là 七 ) nên chúng tôi phải dè dặt nói kỹ thêm rằng trong “hiện trường”, có thể đó lại là chữ hùng nhưng do được tổ đắp từ lâu nên nét chữ không còn sắc sảo và rạch ròi, ảnh chụp lại mờ, làm cho người quan sát có thể thấy danh thành các. Phải đến tận nơi quan sát thật kỹ thì mới có thể khẳng định một cách thật dứt khoát.

  1. Truyền thuyết Hùng Vương, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản, 1972, tr. 34.
  2. Sdd, tr. 34, chth.1.
  3. Vết tích thời Lý-Trần và các thời khác quanh Đền Hùng, Khảo cổ học, số 17,1976, tr. 97.