Tại sao người ta hay nói “đầu Ngô mình Sở” mà không nói “đầu Yên mình Triệu” hoặc không dùng nước nào khác?

Sở dĩ nói đầu Ngô mình Sở mà không nói “đầu Yên mình Triệu” hoặc không dùng tên của nước nào khác là vì câu thành ngữ này của tiếng Việt bắt nguồn từ câu thành ngữ tiếng Hán: Ngô đầu Sở vĩ. Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức (quyển thượng, ph.II, tr. 112) cũng khẳng định xuất xứ của câu đó là như thế. Vì xuất xứ bằng tiếng Hán đã có sẵn tên nước Ngô và nước Sở nên câu tiếng Việt cũng nhắc lại tên hai nước đó chứ không đưa tên của nước nào khác vào. Còn trong nguyên văn tiếng Hán thì nhất định phải là Ngô và Sở chứ không thể là nước nào khác vì Ngô đầu Sở vĩ là một lối nói dùng để mô tả vị trí địa lý của đất Dự Chương, một miền đất nay thuộc tỉnh Giang Tây, giáp với miền thượng du của tỉnh Giang Tô, xưa là đất Ngô – nên mới nói “Ngô đầu” – và miền hạ du của tỉnh Hồ Bắc, xưa là đất Sở – nên mới nói “Sở vĩ. Theo Từ hải thì Chức phương thặng của Hồng Số có câu: “Dự Chương chi địa, vi Ngô đầu Sở vĩ” (Đất Dự Chương là (đất) ở đầu Ngô cuối Sở). Phương dư thắng lãm cũng có câu: “Dự Chương chi địa, vi Sở vĩ Ngô đầu” (Đất Dự Chương là (đất) cuối Sở đầu Ngô). Vị trí địa lý đã “trót” như thế rồi nên không thể đưa Yên đưa Triệu hoặc đưa nước nào khác vào mà thay thế cho Ngô và Sở ở đây được. Câu tiếng Việt, vì chỉ là “diễn Nôm” của câu tiếng Hán đang xét, cho nên tất nhiên phải nhắc lại tên nước Ngô và tên nước Sở cho đúng với “nguyên bản. Tuy nhiên, “bản dịch” cũng có “cải biên” về chi tiết thứ yếu mà nói mình Sở thay vì “đuôi Sở” (Sở vĩ).

Cuối cùng, xin lưu ý rằng trong tiếng Hán thì từ ngữ được hiểu như đã nói nhưng sang đến tiếng Việt thì “bản dịch” lại được dùng theo nghĩa khác hẳn. Lại xin lưu ý rằng Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức đã giảng câu đầu Ngô mình Sở như sau: “Cái đầu bên nước Ngô (đầu đội mão nước Ngô), cái mình bên nước Sở (ăn-vận quần áo nước Sở)”. Chúng tôi không biết là tác giả đã căn cứ vào tích nào, điển nào hay đó chỉ là suy diễn để giảng cho “hợp lý” mà thôi. Vậy xin nêu lên để thỉnh giáo các bậc thức giả.