Lại nói tiếp về câu chuyện: “Ông già làm gì cũng đúng”, mọi người nghĩ xem, ông già nọ đổi bò lấy cừu, rồi lại đổi cừu lấy gà… Thực ra ông ấy có ngốc đến mức độ như thế không? Ông ấy không biết giá tiền của con bò và con dê sao? Ông ấy ngốc đến cỡ đó sao?…
Tại sao vợ chồng hòa hợp thì hạnh phúc
Câu chuyện “Ông già làm gì cũng đúng” còn có một phương diện khác nữa. Các bạn có biết tại sao ông già làm gì cũng đúng không? Có phải chỉ là để nói với phụ nữ chúng ta hay không? Bạn có thấy bị thiệt thòi, oan ức không? Bởi vì đàn ông, hay chồng cũng thế, chồng không biết thì việc gì vợ phải tin tưởng chồng làm gì cũng đúng? Bà vợ tín nhiệm ông như thế, vậy ông già rốt cuộc có làm đúng không? Khi đổi con bò lấy con cừu ông già ấy nghĩ gì? Mọi người nghĩ xem, ông ấy có ngốc như thế không? Ông ấy không biết giá tiền của con bò và con cừu sao? Ông ấy ngốc đến trình độ đó sao?
Thực ra khi trông thấy con cừu, ông ấy nhớ ra hôm đó bà vợ ông có nói: “Chúng ta có một con cừu thì tốt biết mấy, vừa có thể đan áo len, vừa có thể được uống sữa cừu”. Do đó khi trông thấy con cừu, điều ông nghĩ đến là cái gì? Là nghĩ đến nhu cầu của vợ. Trông thấy cừu, ông không hề nghĩ đến giá trị tiền, mà đứng từ góc độ nhu cầu của vợ để nghĩ vấn đề: “Ái chà, vợ mình rất thích cái này”. Cũng có nghĩa là cách nghĩ của ông chính là cách nghĩ của vợ. Khi trông thấy cừu, ông chỉ nghĩ vợ sẽ vui mừng. Người nào có được người chồng như thế này thì có hạnh phúc không? Khi ông chỉ nghĩ đến nhu cầu của vợ thì cái gì cũng không quan trọng, chỉ mong làm vợ hài lòng.
Các cô gái hiện đại sẽ cho rằng ông già đó quá ngốc nghếch, không biết kiếm tiền. Mọi người nghĩ xem, nếu ông già đó trong đầu chỉ nghĩ đến tiền thì ông ấy có tính toán với vợ không? Tuy rằng ông già không biết kiếm tiền nhưng ông chỉ quan tâm đến vợ. Do đó một người chồng như thế này thì mới có thể là “ông già làm gì cũng đúng”.
Khi ông trông thấy con gà, điều ông nghĩ không phải là con nào giá trị hơn, con nào không đáng giá mà nghĩ là vợ sẽ vui thích. Trông thấy táo cũng như thế, chỉ nghĩ đến nhu cầu của vợ. Mọi người nghĩ xem, ai tìm được người chồng như ông già này thì hạnh phúc quá rồi! Ông già hễ trông thấy cái gì liền nghĩ ngay đến vợ. Là một người vợ, nếu như có người chồng trong lòng luôn nghĩ về bạn thì bạn có hạnh phúc không?
Vậy lựa chọn người chồng như thế nào? Cần chọn người đặt mình ở vị trí cao trong lòng họ. Nhưng nếu bản thân bạn không được chồng mình đặt ở vị trí cao như mong muốn, bạn cũng nên nghĩ cho anh ấy nhiều hơn. Một trường hợp như thế này, ví dụ chồng bạn được thưởng 5 triệu, vui mừng lắm, lương tháng cũng chưa nổi 5 triệu, thế là hai vợ chồng cùng đi mua tủ lạnh. Một lát sau trở về, tủ lạnh cũng không có. Bên này rầm một tiếng sập cửa, bên kia rầm một tiếng. Kết quả người ở phòng này, người ở phòng kia, không ai để ý đến ai, một tuần cũng không ai lý gì đến ai!…
Mọi người có biết tại sao không? Có phải được thưởng tiền hai vợ chồng không vui mừng sao? Vậy thì đi mua cái tủ lạnh. Người chồng nói: “Mình phải mua cái tủ lớn mới được”.
Người vợ nói: “Mua cái lớn làm gì? Có mấy người dùng nào? Lại còn tốn điện”.
Thông thường phụ nữ thích cái nhỏ nhắn xinh xắn. Người chồng nói đến Tết rất nhiều đồ không có chỗ để, anh thích cái lớn. Hoặc là anh chồng thích thế này, cô vợ thích thế kia, thế nào cũng không thống nhất được, cuối cùng đánh cãi nhau. Bạn nói xem, được thưởng 5 triệu là việc tốt đúng không? Kết quả dẫn đến hai người đánh nhau. Nếu như giống câu chuyện trên, “ông già làm gì cũng đúng” thì sẽ có mâu thuẫn như thế này không?
Như thế thì anh chồng sẽ nghĩ: “Vợ mình thích cái nhỏ, tuy mình thích cái lớn, nhưng vợ thích cái nhỏ thì mua cái nhỏ vậy”. Chẳng phải nghĩ như thế thì sẽ không xảy ra chuyện phải không?
Còn người vợ, cô nghĩ thế này: “Mình rất thích kiểu dáng này, nhưng chồng nhất định là thích kiểu kia, vậy thì mua cái kia, anh ấy vui là được rồi”.
Bạn xem, vợ chồng đứng trên góc độ người kia mà nghĩ vấn đề, bất kể là thế nào đi nữa thì họ cũng đều hạnh phúc, mua hay không mua thì không quan trọng, chỉ cần nghĩ cho nhau thì dù thế nào đi nữa cũng đều hạnh phúc, sẽ không đến nỗi được thưởng tiền mà còn đánh nhau. Do đó đối đãi theo kiểu “ông già làm gì cũng đúng” là điều vô cùng cần thiết.
Kết duyên tơ hồng
Thực ra vừa rồi chúng ta nói “ông già làm gì cũng đúng” còn có nội hàm thâm sâu hơn nữa, còn có đạo lý rất sâu. Người xưa kính Trời. Văn hóa truyền thống có cụm từ “Kính Trời biết mệnh” (kính Thiên tri mệnh). Ngày nay nhiều người đua tranh với chồng, không phục tùng lãnh đạo, đôi co với cha mẹ, tại sao? Nó có nguồn gốc từ tư tưởng: “đấu với Trời đấu với Đất”. Loại cuồng vọng này đối với người xưa mà nói thì không thể nào hiểu nổi! Trời Đất sinh dưỡng vạn vật, bao gồm cả con người, cảm ân còn không hết, sao dám tranh đấu? Không muốn sống nữa à? “Ông già làm gì cũng đúng”, nó có nội hàm vợ tín nhiệm chồng, trẻ tôn kính già, người đời sau sùng kính tổ tiên, nó có nghĩa mở rộng là con người cảm ân Thần Phật, sùng kính Trời Đất.
Khi kết hôn mọi người thường nói “Ông Trời tác hợp” hoặc “Trời ban mối lương duyên“, đó là nói hôn nhân hai người là do Trời định. Vậy bạn cảm thấy rằng Trời sắp đặt sai chăng? Không sai. Trời ở độ cao như vậy mà, do đó sắp đặt là tốt nhất, tuy lúc đó bạn không lý giải được. Mọi người đều biết, theo quan niệm truyền thống xưa vợ chồng tác hợp là nhờ có “Ông Tơ” buộc dây tơ hồng. Truyền thuyết có kể lại như sau: Vào những năm Trinh Quán đời Đường – Trinh Quán là niên hiệu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, là thời thái bình thịnh trị, gọi là ‘Trinh Quán chi trị’. Thời đó có một thanh niên tên là Vi Cố. Cha mẹ anh mất sớm. Anh luôn mong muốn có gia đình, có sự ấm áp của gia đình, do đó anh muốn tìm một người vợ tốt để thành gia lập thất, nhưng đã gặp rất nhiều người mà anh chưa chọn được người nào. Khi Vi Cố cư trú ở Tống Thành thì có người giới thiệu cho anh một tiểu thư nhà quan, hẹn hôm sau sẽ gặp mặt.
Từ rất sớm anh đã đi rồi. Trời còn chưa sáng, trên cao vẫn còn trăng. Anh đi đến bìa rừng thì gặp một ông lão đang ngồi trên tảng đá, bên thân có một cái túi. Ông lão đang xem sách. Anh bèn đến hỏi:
“Chào cụ, cụ đang xem sách gì ạ?”
Ông lão đáp: “Ta đang xem sổ se duyên”.
Anh hỏi tiếp: “Cháu biết nhiều loại văn tự, ngay cả chữ Phạn của Ấn Độ cháu cũng biết. Chữ trong sách của cụ sao cháu không biết nhỉ?”
Ông lão nói: “Chữ này đương nhiên cậu không biết. Đây là sách Trời, người phàm sao mà biết được”.
Vi Cố hỏi: “Vậy cụ đến đây làm gì?”
Ông lão nói: “Bởi vì ta quản việc nhân gian nên đương nhiên ta đến. Không phải là ta đến không đúng lúc mà là cậu đến quá sớm, do đó nên mới gặp”.
Vi Cố cảm thấy tò mò hỏi: “Cụ quản việc gì?”
Ông lão nói: “Ta quản hôn nhân”.
Vi Cố hỏi: “Trong túi của cụ là thứ gì?”
Ông lão nói: “Trong túi này là đựng sợi tơ hồng. Bất kể là già trẻ, bất kể giàu nghèo sang hèn khác biệt thế nào, xa cách bao nhiêu, hay là 2 nhà là kẻ thù địch, chỉ cần lấy sợi dây này buộc vào chân 2 người thì hôn nhân của họ sẽ không thể chạy đâu được”.
Vi Cố nghe vậy liền hỏi: “Vậy cụ xem cháu và tiểu thư hôm nay đi gặp mặt có thành không?”
Cụ già nói: “Không thành, dây buộc của cậu đã buộc xong rồi”.
Vi Cố hỏi: “Vậy cụ nói vợ cháu ở đâu?”
Ông lão nói: “Vợ cháu bây giờ mới 3 tuổi”.
Vi Cố lại hỏi: “Thế thì cụ có thể cho cháu trông thấy cô ấy được không?”
Cụ già nói: “Cậu cứ muốn xem thì lát nữa chợ phiên có bà Trần bán rau, đứa trẻ bà bế chính là cô ấy”.
Trời còn chưa sáng, anh bèn đi cùng ông lão. Vi Cố đến chợ xem thì quả thực có người bán rau. Bà bán rau này mù một mắt, toàn thân bẩn thỉu, ẵm một đứa bé. Đứa bé này trông xấu xí, cũng rất bẩn thỉu. Cụ già nói đó chính là vợ anh, dây tơ hồng đã buộc rồi. Anh nhìn, trong lòng rất khó chịu. Trở về nhà, anh rất tức giận, bẩn thỉu như thế, lại xấu như thế này. Anh bèn mài dao, sau đó nói với thuộc hạ rằng: “Ngươi đi giết đứa bé đó cho ta”.
Hôm sau người đó lên đường, muốn giết đứa bé này. Bởi vì chợ rất đông, người đó trong lòng hoảng sợ, đâm không chính xác, kết quả trúng giữa 2 lông mày. Mọi người thấy có người muốn sát nhân nên chạy lại. Anh ta sợ quá vội vàng bỏ chạy. Về nhà nói giết không thành, đâm trúng giữa hai lông mày. Ra tay không được, Vi Cố cũng không còn biện pháp nào.
Sau này Vi Cố làm quan xa. Thượng cấp của anh rất coi trọng anh, nên giới thiệu khuê nữ của ông cho anh. Cô khuê nữ này rất xinh đẹp. Cuộc hôn nhân cũng rất hạnh phúc. Hơn một năm sau anh phát hiện giữa hai lông mày vợ có dán bông hoa mai, hơn năm rồi mà không bỏ xuống bao giờ. Anh bèn hỏi: “Sao nàng lúc nào cũng dán cái này, ngay cả rửa mặt cũng không gỡ xuống à?”
Người vợ nói: “Cha hiện nay của thiếp không phải là cha đẻ. Cha đẻ thiếp khi làm quan ở Tống Thành không may bệnh qua đời. Mẹ và anh trai thiếp cũng không may qua đời. Thiếp được bà Trần nuôi. Khi đó bà có vài chục mẫu rau, bà dẫn thiếp trồng trọt. Do bà có tình cảm sâu sắc với thiếp nên đi bán rau cũng đem theo”.
Nghe đến đây, Vi Cố liền nói: “Có phải bà lão mù một mắt không?”
Người vợ hỏi: “Sao chàng biết?”
Vi Cố nói: “Chỗ giữa hai lông mày đó chính là do anh sai người đi đâm. Thì ra đây chính là người vợ mà mệnh Trời chú định”…
Vi Cố lấy làm hối hận lắm, từ đó lại càng chiều chuộng thương yêu vợ. Đương nhiên hai người sau này sống rất hạnh phúc.
Xưa nói Trời tác hợp, Ông Trời sắp đặt là tốt đẹp nhất, do đó người xưa đều coi trọng “Kính Trời biết mệnh”. Con người ngày nay coi trọng tiền bạc, đâu có tiền thì đến… chứ không nghĩ đến một công việc bình thường, một công việc có thể khiến mình có thể giúp được người khác, hoặc có cống hiến là tốt lắm rồi. Còn về thầy cô giáo thì sao? Thực ra thầy cô giáo là có trách nhiệm. Bạn lựa chọn làm thầy và lựa chọn nghề khác là khác nhau, bởi vì người thầy là phải làm mẫu mực cho người khác.
Giống như các cháu bé thường nói: “Cô giáo con nói thế”. Trẻ đã có “thượng phương bảo kiếm” này, cha mẹ nói thế nào cũng không nghe. Khi trẻ nói “cô giáo con nói thế”, các bạn có biết câu đó có hàm nghĩa gì không? Nó tương đương với ‘ông già làm gì cũng đúng’. Ý nghĩa chính là thầy cô giáo là đúng nhất, cha mẹ nói không đúng, cô giáo con không dạy như thế. Khi trẻ nói “cô giáo con nói thế”, giọng có rắn rỏi không? Nói rất chính trực và rắn rỏi. Đương nhiên có khả năng trẻ nghe nhầm, thầy cô giáo nói không phải là ý đó, nhưng trẻ cho rằng chính là như thế. Nhưng các thầy cô giáo nói thì hàm nghĩa khác với nhân viên bán hàng nói, vì thầy cô giáo là người làm gương.
Thanh Hà (biên dịch)
Theo Đổng Hân – zhengjian.org.