Thực phẩm đóng hộp là gì? Người bệnh tiểu đường có nên sử dụng thực phẩm đóng hộp không?… Và những tác dụng không mong muốn khi sử dụng quá nhiều thực phẩm đóng hộp đối với sức khỏe mà có thể bạn chưa biết sẽ được trình bày qua bài viết sau.

A . Thực phẩm đóng hộp là gì?

Một vài thông tin về thực phẩm đóng hộp cũng như ảnh hưởng của quá trình đóng hộp đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

1. Khái niệm thực phẩm đóng hộp

Thực phẩm đóng hộp hay còn được gọi là đồ hộp, là những thực phẩm đã qua chế biến và được bảo quản bằng cách đóng gói chúng trong những hộp kín (phần lớn được làm từ thiếc) nhằm kéo dài thời gian sử dụng. Thời gian lưu trữ tùy thuộc vào dạng thực phẩm, nhưng thông thường chúng có hạn sử dụng từ 1 – 5 năm.

Phương pháp đóng hộp nhằm bảo quản thực phẩm được phát triển vào cuối thế kỷ 18 và Pháp được cho là nơi bắt nguồn của dạng thực phẩm này. Đây cũng là thực phẩm rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Quá trình đóng hộp thực phẩm thường trải qua 3 giai đoạn, tuy nhiên, một số loại thực phẩm sẽ có quy trình phức tạp hơn.

2. Quá trình đóng hộp thường trải qua 3 giai đoạn

Bước 1: Chế biến – Thực phẩm sẽ được, làm sạch bụi bẩn, cắt nhỏ, thái lát hay băm nhỏ, nấu chín.

Bước 2: Đóng hộp – Thực phẩm sau khi đã chế biến sẽ được đưa vào hộp và đóng kín (có nhiều hình dáng hộp khác nhau như: Vuông, tròn, bầu dục, oval,…).

Bước 3: Làm nóng – Các hộp sẽ được làm nóng đến nhiệt độ nhất định tùy từng loại để tiệt khuẩn nhằm ngăn chặn các ảnh hưởng của vi khuẩn có hại đến thực phẩm.

3. Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đóng hộp

Thực phẩm đóng hộp thông thường gồm: Trái cây, rau, đậu, soup, các loại thịt, các dạng chế biến của thịt, hải sản,… Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng chúng không được khuyến cáo là sản phẩm nên dùng thường xuyên do giá trị dinh dưỡng không cao.

Đồ hộp thưởng được nhiều người cho rằng là ít chất dinh dưỡng so với thực phẩm tươi sống hay đông lạnh, nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, điều này không đúng với tất cả các sản phẩm đóng hộp. Thực tế cho thấy, đóng hộp bảo quản được hầu hết các chất dinh dưỡng của thực phẩm.

Protein, chất béo và carbohydrate là những chất không chịu ảnh hưởng bởi quá trình đóng hộp. Cùng với đó thì các khoáng chất và các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K cũng không bị mất đi. Tuy nhiên, vì quá trình đóng hộp thường được diễn ra ở nhiệt độ cao sẽ làm các vitamin tan trong nước như vitamin C và các vitamin nhóm B có thể bị mất đi.

Do đó, trong quá trình thực phẩm được đóng hộp hàm lượng các hoạt chất nhạy cảm với nhiệt độ, không khí sẽ bị giảm đi và một hàm lượng chất lành mạnh khác có thể tăng lên nhờ nhiệt.

B . Ưu điểm của thực phẩm đóng hộp

Dù không phải là dạng thực phẩm được khuyến cáo sử dụng thường xuyên, nhưng nó vẫn có một số ưu điểm như sau:

Giúp lưu trữ thực phẩm được lâu hơn ở những nơi mà loại thực phẩm đó không phổ biến và dễ tìm kiếm.

Tiện lợi, rẻ, nhỏ gọn phù hợp với hoàn cảnh mà môi trường sống của nhiều người. Tiết kiệm được thời gian sơ chế (giã đông) và chế biến mà vẫn có hương vị như sử dụng nguyên liệu tươi.

Thực phẩm đóng hộp vẫn giữ được một số chất dinh dưỡng sau quá trình chế biến như: Chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể và có thể được so sánh với thực phẩm tươi hay đông lạnh.

Lon đóng hộp được làm bằng thép rất bền, kín, tránh sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh hay các chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, lon thép cũng là loại bao bì có thể tái chế được, bảo vệ môi trường.

C . Mặt trái của thực phẩm đóng hộp đối với sức khỏe

Thực phẩm đóng hộp không những không mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn đem lại một số tác dụng không mong muốn.

1. Chứa chất BPA

BPA (bisphenol – A) là một hóa chất thường được sử dụng trong bao bì của thực phẩm đóng hộp. Các nghiên cứu về BPA đã chỉ ra rằng, BPA có thể di chuyển từ lớp lót của đồ hộp vào thực phẩm chứa trong đó làm người tiêu dùng có nồng độ BPA cao hơn so với người ít hay không sử dụng đồ hộp.

Trung tâm Sức khỏe Môi trường cho biết hơn 40% hàng hóa đóng hộp mà họ đã tiến hành kiểm tra đề có chứa BPA là một trong những chất hóa học có liên quan đến dị tật bẩm sinh, ung thư (ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt).

Thực phẩm đóng hộp thường chứa BPA không tốt cho sức khỏe

Ngoài ra, một số nghiên cứu trên người có nồng độ BPA cao có khả năng mắc các bệnh liên quan đến vấn đề khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh tim và các rối loạn chức năng tình dục của nam giới.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu trên thực nghiệm đã cho thấy, những con chuột tiếp xúc với BPA có xuất hiện những triệu chứng hành vi tương tự như ở trẻ tự kỷ và chứng tăng động cùng nhiều rối loạn hành vi khác liên quan đến sự thay đổi của các hormone oxytocin và vasopressin.

2. Chứa nhiều vi khuẩn có hại

Mặc dù hiếm gặp nhưng một số thực phẩm đóng hộp khi không được chế biến, bảo quản đúng cách có thể chứa các vi khuẩn nguy hiểm đặc biệt trong số đó là Clostridium botulinum.

Những vi khuẩn này tạo ra bào tử và phát triển ngay cả ở điều kiện môi trường không thuận lợi Khi sử dụng các sản phẩm có chứa các vi khuẩn này có thể xảy ra hiện tượng ngộ độc và nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây liệt và tử vong dù chỉ sử dụng một lượng nhỏ.

3. Chứa nhiều natri và chất bảo quản

Natri và chất bảo quản là những chất không thể thiết của thực phẩm đóng hộp nhằm làm tăng thời gian sử dụng cho sản phẩm nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Một chế độ ăn nhiều natri có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như: Huyết áp cao, bệnh tim mạch hay thậm chí là làm tăng nguy cơ đột quỵ. Không những vậy, chế độ ăn nhiều natri cũng có thể làm mất canxi trong cơ thể gây ra tình trạng loãng xương.

Ngoài ra, khi cơ thể có nồng độ natri cao cũng làm nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bệnh thận, sỏi thận, cơ tim to ra hay thậm chí là gây đau đầu nhiều hơn, so với những người có hàm lượng natri thấp. Việc có quá nhiều natri có thể ảnh hưởng đến quá trình giữ nước của cơ thể, gây sưng tấy ở một số bộ phận.

4. Không phù hợp với người bệnh tiểu đường

Thực phẩm đóng hộp đặc biệt là hoa quả. Trái cây đóng hộp được chế biến chủ yếu dưới dạng siro, chứa rất nhiều đường cùng với các chất bảo quản, do đó, nó là một trong những thực phẩm được các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế sử dụng cho người tiểu đường.

D . Lưu ý khi sử dụng thực phẩm đóng hộp

Nếu bạn muốn sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn thì đừng nên bỏ qua những lưu ý sau:

Nên chọn thực phẩm được đóng gói trong lọ thủy tinh, lọ thiếc hoặc tìm đồ hộp không chứa BPA.

Không chọn các hộp bị móp nặng, phồng lên, rỉ sét, có mùi hôi và nhãn mác bị mờ.

Chọn mua thực phẩm đóng hộp của các thương hiệu uy tín, đảm bảo tại các cửa hàng, siêu thị lớn. Không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.