Văn minh, theo tự điển dạy, là cái tia của đạo đức, phát hiện hoặc nơi chánh trị, nơi pháp luật, nơi học thuật, hay điển chương, v.v. gọi là văn minh (Đào Duy Anh). Phản đối với văn minh là dã man. Ai nói mình đã man, thì giận, xét lại là chưa khai hoá, thì giận chỗ nào? Ngày nay, xáo trộn, không nên ham nói chữ, không khéo sanh vạ. Người Pháp viết “la rangon de la civisation”, Đào Duy Anh dịch: “đại giá của văn minh”, cũng như “la rangon du progès”, tưởng cũng nên dịch: đại giá của sự tiến bộ, hoặc cái quả báo của sự tiến hành, nhưng cũng đừng dịch cao kỳ như vậy khó hiểu, và cứ nói nôm na: muốn tấn bộ phải trả giá cao.

– Cô gái quê muốn hưởng chút văn minh của thị thành, phải kỳ mài cho bớt lớp bùn, và bỏ tật sức dầu dừa, chưa chắc thấy văn minh, chỉ vừa sạch sạch nước “cản”, mà chưa chi tấm trinh đã rách!

iDesign | Hình ảnh Việt Nam xưa qua chất phim cổ điển

1. Văn minh, đeo đồng hồ mắc tiền, giục lòng tham thằng bợm, biết đeo mà có biết truy nguyên, khi nói chữ, vướng hai chữ “khắc lậu” nghe như tục tĩu, chẳng qua: khắc lậu là cái đồ ngày xưa dùng để ghi thì giờ, tức lấy một cái bình đựng nước có xoi lỗ nhỏ để cho nước giọt dần dần, và xem chừng độ nước thì biết giờ. Khắc lậu canh tàn, khắc từng độ, lậu là giọt nước rĩ ra. (Dùng cát thay nước là sa lậu: sablier).

Sách thường nói văn minh phát nguyên khi tìm ra hơi nước làm sức mạnh, chuyển động được máy móc, làm cho tàu chạy, xe đi.

Một sách khác dạy rằng nguồn gốc văn minh, xưa hơn tìm ra hơi nước là sức mạnh, và phải kể lúc tìm ra đồng hồ để đo thì giờ, đo giờ chi vấy, để biết giờ tụng kinh thì kinh mới linh thính, linh thiêng, và người tìm ra cách đo giờ trước tiên, vốn là một người tu hành, đã từng xét và kinh nghiệm: xưa hơn nữa, lấy gà gáy làm báo tin, nhưng vẫn gà gáy sai, vì ngày có nhật thực hay nguyệt thực thì gà đi ngủ sớm! Cũng không tin được ánh sáng mặt trời, vì khi trời vân vũ chuyển mưa thì lấy đâu có ánh sáng mà tin với cậy!

2. Văn minh, khi máy hát nhập cảng vào Sài gòn lối 1910, tôi đã từng thấy máy hát xưa lúc đó có cái ống toà loa thật lớn thật choán chỗ, để làm cho tiếng kêu thêm lớn, có máy như máy đồng hồ, khi muốn hát, phải vặn dây thiều, rồi đặt trên mặt cái máy, ban sơ là một ống (như ống chỉ máy may) sau đối cái ống ấy thay bằng “đĩa”, người xứ ta mấy chục năm về trước đã có làm, sơ khởi là “đĩa hát của thầy Năm Tú ở Mỹ tho”, hát tuồng hát bội, tuồng giễu thuật chuyện trớ trêu chọc cười (tích thằng Lãnh bán heo, chuyện hai thằng hề lên cao lầu ăn mì “thổ thần”) đĩa hát Tây có hiệu “Pathé phono” (có trước thầy Năm Tú), xuống đến thâu vào đĩa tuồng Kim Vân Kiều, tuồng Trang tử cổ hồn (Trang Tử thử vợ) cũng của thầy Năm Tú, kế đến đĩa hiệu Asia. Máy hát cũng tân thời là hiệu Columbia, có hai dây thiều và hát được lâu và rõ tiếng hơn. Lúc ban đầu, nhà nào có máy hát là tối đại văn minh, mỗi lần cho máy hát, trong xóm bu lại nghe đứng chật cửa nhà, và người dân quê vẫn tin có con ma trong máy nên tiếng người nghe rõ rệt. Chẳng bao lâu, lối đầu chiến tranh binh Nhật đổ bộ Nam kỳ, tiếp theo có cuộc đảo chánh năm 1945 của Nhật, rồi tới chạy nạn tản cư, nhà cửa đều tiêu tan, máy và đĩa chẳng những không còn mà đã bị thay thế bằng máy transistor và bằng máy télévision, như nay đã biết, nói nữa là thừa.

3. Một triệu chứng của văn minh tôi được biết là cái tủ sắt tức là cái tủ đựng bạc làm toàn bằng sắt, hiệu tốt và bền chắc, đốt không cháy, ăn cướp phá không nôi (hay phá một cách rất khó) là tủ hiệu “Bavehel”, hiệu “Fichet”, hiệu “Le Gavlois”, những tủ này thay thế từ chiếc vò, cái hũ chôn tiền qua cái rương xe, hòm giường, rương sắt, nay thảy đều mới lạ đối với thanh niên tân thời, từng đọc sách vở cũ mà chưa có in hình như cuốn Petit Larousse của Pháp, (không kể trước đây ông Trương Vĩnh Ký có in một cuốn Pháp Việt Tự điển, và được in lại các hình vật y như trong Larousse đã kể, như sách nầy nay cũng ít nhà còn lưu trữ).
Tủ sắt giữ của một thời gian cho các nhà giàu đất Nam, nhưng giữ mà không biết làm cho tiền sanh đẻ ra tiền lãi, tiền lời, và theo luật đào thải, tủ sắt bị thay thế bằng ngân hàng, (tủ lui về nằm ở ngân hàng). Tiền gởi nhà băng, sanh lợi, khiến cho vào thời gần đây, đời Diệm đến đời Thiệu, tiền ký ngân hàng, sanh lợi đến 20 (hai chục phần trăm), có vài triệu phú gởi băng đến 100 triệu (100.000.000$), mỗi năm rút tiền lãi đến 20 triệu (20.000.000$), tưởng rằng vô tận, ngô đâu ngày 30-4-1975, của Tàu trả lại âm ty sạch sành sanh cả đám.

Tóm lại: chiếc đồng hồ, cái máy hát và cái kết bạc, ba món ấy vẫn là của nợ, nợ văn minh, tục luỵ cũng là đây, và “muốn cho sạch nợ, còn gì là duyên” (Kiều) hỡi Trời?

Văn minh có ích là chiếc xe đạp, thánh Gandhi còn khen, và chiếc xe đạp ngày nay có ích và quí hơn chiếc ô tô, nhưng phải coi chừng, xe đạp bị bợm dòm hành, xe xấu, chạy nghe cút kít, khổ xác khổ thân, nhưng bợm cũng không chừa, khổ ơi là khổ! Người Nam kỳ chơn lấm tay bùn, khi thấy chiếc bicyclette, có hai bánh, tự chạy ro ro, khoái trong lòng, tên là “cái xe máy”, máy đâu không thấy, chỉ thấy ngồi đạp êm ru, tưởng gọi xe u mê cũng tạm cho là được. Đến khi xe đạp có gắn máy tự động, gọi motocyclette, người Nam dịch là “xe máy dầu” nghe ẹ quá, và người Bắc gọi “xe mô tô” hay mô-tô, thì cũng ẹ như nhau. Bây giờ, gọi theo hiệu, xe Honda, nọ nọ, và xe ba bánh của Ý bày, gọi Lambretta, qua nước Nam, còn lại xe lam, vừa gọn, vừa không kén mặt, vừa làm giàu cho tiếng nước nhà: xe lam, xe buýt.

Văn minh còn nhiều nữa: cây viết máy, trên kia gọi bút máy, gọi stylo phứt cho rồi.

Có câu cũ rít: “có công mài sắt chầy ngày nên kim”, kim đây theo tôi hiểu, dùng máy bố tời, chớ kim nhỏ chột, hè hụi mà biết bao giờ thành công, chí có nước nhờ ngoại quốc chế tạo sẵn cho dùng, từ kim khâu, kim máy may cho hiệu Singer, và kim của bác sĩ, may ít mũi, lấy tiền bộn bộn. (còn nữa nhưng phải tiết kiệm giấy) (viết 18-10-83).