Có nên học Cao đẳng Cộng đồng? | VNIS Education®

George R. Boggs

Hai năm học cao đẳng đem đến cho sinh viên cơ hội được học đại học ở một môi trường nhỏ, dựa vào cộng đồng, và chi phí thường thấp hơn so với học đại học bốn năm. George R. Boggs, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Các trường cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ, phác ra những đặc trưng khiến cao đẳng cộng đồng trở thành một lựa chọn thay thế đầy hấp dẫn.

Ở Hoa Kỳ, cao đẳng cộng đồng là cánh cửa vào đại học đối với nhiều sinh viên. Các trường này tạo cơ hội cho sinh viên đạt được những tín chỉ cho hai năm đầu của chương trình học cử nhân bốn năm ở các trường chất lượng cao, đã được kiểm định. Nhờ học phí thấp, cao đẳng cộng đồng mở ra cho sinh viên con đường tiết kiệm tiền bạc khi học ở một môi trường nhiều hỗ trợ. Họ cũng cho phép sinh viên được đào tạo những nghề chỉ cần bằng cấp liên kết hoặc không cần bằng cấp, đưa ra các chương trình học nâng cao và các khóa học phát triển cá nhân cho nhiều đối tượng là người lớn tuổi.

Cao đẳng cộng đồng là bộ phận phát triển lớn nhất và nhanh nhất trong giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Hiện nay có gần 1.200 cao đẳng cộng đồng địa phương đã được kiểm định có mặt trên khắp cả nước, phục vụ hơn 11 triệu sinh viên (khoảng 46% tổng số sinh viên đại học ở Hoa Kỳ).

Cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ đem đến cho sinh viên quốc tế nhiều lợi ích, bao gồm các cơ hội nâng cao tiếng Anh và sự hiểu biết về văn hóa Mỹ trong cộng đồng Hoa Kỳ.

Các điểm thuận lợi của cao đẳng cộng đồng gồm có:

Chi phí thấp. Học phí thấp hơn nhiều so với trường đại học bốn năm (khoảng 5.000 đô-la một năm so với 12.000-20.000 đô-la hoặc hơn ở các trường đại học bốn năm).

Dễ dàng chuyển tiếp lên đại học. Hệ thống 2+2 ở Hoa Kỳ là một hệ thống “nối tiếp” đầy hiệu quả giữa trường cao đẳng hai năm và trường đại học bốn năm. Hầu hết các trường cao đẳng cộng đồng đều có bản cam kết chuyển tiếp với các trường đại học bốn năm, bảo đảm rằng các tín chỉ ở đại học cao đẳng vẫn được tính trong chương trình cử nhân bốn năm.

Các trường được kiểm định. Cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ, đại học bốn năm và các trường đại học lớn đều do cùng một cơ quan kiểm định. Đó là lý do vì sao các trường đại học vẫn chấp nhận tín chỉ của cao đẳng.

Chương trình đa dạng. Cao đẳng cộng đồng có hàng trăm chuyên ngành để chọn, từ các ngành phổ biến như quản trị kinh doanh, tin học, kỹ sư, và các chương trình khoa học y tế.

Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL). Hầu hết các trường cao đẳng cộng đồng đều có các khóa tiếng Anh ở nhiều trình độ khác nhau và một mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ để bảo đảm rằng sinh viên với ở trình độ ngôn ngữ nào cũng thành công.

Môi trường học tập đầy hỗ trợ. Cao đẳng cộng đồng có nhiều cỡ lớp nhỏ, trung bình dưới 30 sinh viên một lớp, cho phép giảng viên quan tâm chú ý và giúp đỡ từng sinh viên. Mục tiêu của các trường là thành công của từng sinh viên trong một môi trường được thiết kế nhằm hỗ trợ mọi phương pháp và nhu cầu học tập của sinh viên. Các dịch vụ hỗ trợ sinh viên bao gồm dạy kèm, tư vấn, trung tâm luyện viết, câu lạc bộ sinh viên quốc tế, và các trung tâm dịch vụ cho sinh viên quốc tế.

Tính đa dạng. Sinh viên cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ đến từ các nền văn hóa và chủng tộc khác nhau. Trường cao đẳng có nhiều loại hình câu lạc bộ và hoạt động để cổ vũ và hỗ trợ tính đa dạng làm nên đặc tính của xã hội Hoa Kỳ.

Tiếp cận văn hóa Hoa Kỳ. Vì cao đẳng cộng đồng phản ánh và đáp lại đặc điểm của cộng đồng của mình, nên các trường này thường có những ràng buộc rất chặt chẽ với địa phương. Mối quan hệ này giúp sinh viên quốc tế có thêm nhiều cơ hội giao tiếp với người Mỹ và trải nghiệm nền văn hóa Mỹ.

Nhiều địa điểm và không gian học xá. Giống như các cơ sở giáo dục khác ở Mỹ, cao đẳng cộng đồng cũng rất khác nhau. Một số trường rộng lớn, có nhiều khu học xá tọa lạc ở những thành phố lớn, còn các trường khác nhỏ hơn tọa lạc ở vùng nông thôn phục vụ số ít sinh viên. Có những trường cao đẳng cộng đồng tọa lạc ở những địa điểm rất thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của 90% dân số Hoa Kỳ.

Các cựu sinh viên đặc biệt. Các cựu sinh viên cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ gồm có Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger và cựu Thống đốc bang Maryland Parris Glendening, chỉ huy tàu con thoi NASA Eileen Collins, nhà sản xuất/đạo diễn loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) George Lucas, diễn viên Tom Hanks và Clint Eastwood, nhà thiết kế thời trang Calvin Klein, nhà khoa học chuyên nghiên cứu gene người Craig Venter, và phẫu thuật gia hàng đầu Hoa Kỳ Richard Carmona.