Sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là cách thức quản lý tiền bạc.Người giàu biết quản lý tiền bạc, còn người nghèo thì không (hoặc trốn tránh mọi vấn đề về tiền bạc). Lý do của đa số mọi người là: họ không có nhiều tiền để quản lý, nó không tương xứng với thời gian để phải quản lý. Hoặc là bạn kiểm soát tiền, hoặc là tiền điều khiển bạn.

person using laptop computer holding card

Có 1 sự thật là quản lý tiền bạc không làm hạn chế tự do mà ngược lại nó cho phép bạn có thể tạo ra tự do tài chính để không cần phải làm việc nữa.

Bây giờ bạn chưa có nhiều tiền hay thậm chí mức thu nhập của bạn thấp. Bạn hãy học cách quản lý từ những đồng tiền nhỏ nhất, khi bạn biết quản lý nó, bạn sẽ có rất rất nhiều tiền. Để có được số tiền lớn bạn phải có thói quen, kỹ năng quản lý số tiền nhỏ. Thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.

1. Lập tài khoản tự do tài chính

Bạn là sinh viên hay người đã đi làm và có những thu nhập hàng tháng cho mình. Bạn đều có thể lập 1 tài khoản ngân hàng, và gọi đó là tài khoản  Tự do tài chính. Bỏ vào tài khoản đó 10% số tiền hàng tháng mà bạn nhận được. Ví dụ: Tôi là sinh viên  kiếm được 2 triệu/tháng. Tôi bỏ vào quỹ riêng (tài khoản tự do tài chính) 10% tức là 200 nghìn đồng/tháng.

Số tiền này chỉ dùng cho việc đầu tư, mua hay tạo ra các dòng tiền thụ động về tài khoản của bạn và không bao giờ sử dụng số tiền này.

Tài khoản này không được dùng để chi tiêu cá nhân mà chỉ dùng để đầu tư, có thể đến lúc về hưu bạn mới bắt đầu sử dụng thu nhập từ quỹ này, nhưng bạn không được sử dụng tới số vốn gốc. Làm như thế, bạn sẽ không sợ mình hết tiền và rơi vào cảnh túng thiếu.

Trong trường hợp bạn là sinh viên chưa làm ra nhiều tiền, bạn càng phải quản lý tiền như vậy. Và nhiều bạn phải vay tiền để sống thì hỏi tôi làm sao quản lý. Câu trả lời là bạn hãy vay thêm và quản lý số tiền đó.

Nhất định trong trường hợp nào bạn cũng phải quản lý tiền. Điều kỳ diệu sẽ đến với bạn.

Bạn hãy biến quản lý tiền bạc thành một thói quen. Với các bạn sinh viên, nếu các bạn nghĩ số tiền mình chưa đủ lớn để gửi vào tài khoản sinh lời, hãy tạo ra 1 cái “hũ” Tự do Tài chính trong nhà bạn và cho tiền vào đó hàng ngày. Số lượng không quan trọng, thói quen thì có. Đó có thể là 10k, 20k, hay những đồng tiền lẻ đi chợ. Nếu không làm được điều đó, thì bạn hãy luôn giữ đúng nguyên tắc giữ 10% số tiền bạn đang có cho vào quỹ nhé.

2. Cân bằng cuộc sống với tài khoản hưởng thụ

Mỗi chúng ta là một thể thống nhất, bạn không thể nào quanh năm ngày tháng kiếm ra tiền, nhưng chỉ tích lũy, dành dụm nó được. Thế nên bạn hãy tạo ra sự cân đối khi quản lý đồng tiền. Một mặt, bạn để dành càng nhiều tiền càng tốt nhằm đầu tư và kiếm ra nhiều tiền hơn. Mặt khác, bạn cần bỏ 10% số tiền khác từ thu nhập của bạn vào 1 “tài khoản hưởng thụ”.

Làm như thế, bạn sẽ khiến việc quản lý tiền trở nên thú vị và vui thích hơn. Tài khoản này dùng để nuông chiều chính bạn, làm những việc không hay làm. Nguyên tắc của tài khoản này, bạn phải giải ngân nó hàng tháng, theo đúng cách mà bạn cảm thấy tự do.

Tôi lấy lại ví dụ trên: Mỗi tháng bạn kiếm được 2 triệu đồng, bạn trích ra từ đó 10% (200 nghìn đồng) vào tài khoản hưởng thụ này. Bạn phải tiêu nó hàng tháng, bạn dùng để làm gì với nó: uống nước với bạn bè, mua món đồ mình thích, đi xem phim, đi ăn, mua quà cho bạn gái,…

Cùng với tài khoản hưởng thụ và tài khoản tự do về tài chính, bạn hãy tự cho số tiền của mình vào những tài khoản sau:

+ 55% cho tài khoản bắt buộc, nhu yếu phẩm (Tiền nhà, điện nước, gas, mắm muối,..)
+ 10% cho các tài khoản Tiết kiệm dài hạn để chi tiêu
+ 10% cho tài khoản tự giáo dục, học hành của bạn (Mua sách, vở, tài liệu,..)
+ 5% Tài khoản cho đi của bạn

4 quỹ trên là của T. Harv Eker dành cho các đối tượng đã đi làm và có thu nhập cho mình, còn tôi viết bài này dưới góc độ dành cho các bạn sinh viên, luôn đau đầu vì tiền bạc, khi cung không đủ cấp, vì thế các bạn có thể có thể thay đổi 1 số quỹ trên sao cho phù hợp với khả năng chi tiêu của mình, hay gộp hai quỹ vào làm một. Tuy nhiên, việc áp dụng được đúng theo nguyên tắc trên, sẽ đem lại cho các bạn những kết quả rất bất ngờ đấy.

3. Quản lý tiền bạc ngay từ bây giờ

Ngay từ lúc này đây, dù bạn đang sở hữu một gia tài lớn hay chưa có gì trong tay thì điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là bạn nên bắt đầu ngay lập tức việc quản lý số tiền mình đang có. Những điều kỳ diệu về tiền bạc sẽ đến khi bạn nghiêm túc thực hiện việc xử lý nguồn tài chính mình sở hữu.

Thói quen quản lý tiền bạc sẽ giúp cho “hũ tiền” đơn giản của bạn trở thành nam châm hút tiền và mang đến cơ hội tự do tài chính đến với cuộc đời của bạn.

Sẽ chỉ là lý thuyết xuông khi tôi viết ra những điều trên, tôi sẽ đưa ra những ví dụ từ những người thành công khi thực hiện đúng các quy tắc trên.

Khi tham gia khóa học Millionaire Mind Intensive, EMMA – một học viên của T.Harv Eker đang ở trong tình trạng sắp phá sản. Cũng như những học viên khác, cô được hướng dẫn phân chia tiền của mình vào nhiều tài khoản khác nhau. Emma quyết định chia 1 USD/tháng vào các tài khoản, trong đó tài khoản tự do tài chính được chia 10 xu.

Cô nghĩ thầm: “Làm sao tôi có thể trở nên tự do tài chính chủ dựa vào mười xu mỗi tháng?”. Thế là cô quyết tâm nâng gấp đôi số tiền đó vào mỗi tháng. Tháng thứ hai cô chia 2 USD ra, tháng thứ ba là 4 USD, rồi 8 USD, 16 USD, 32 USD, 64 USD. Số tiền ấy cứ thế tăng lên theo cấp số nhân.

Đến 2 năm sau, Emma đã thu được kết quả đáng ngạc nhiên từ sự nỗ lực và nghiêm túc thực hiện của mình. Cô đã có thể bỏ 10.000 USD vào tài khoản tự do tài chính. Giờ thì Emma đã không còn nợ nần gì và đang tiến đến con đường tự do về tài chính. Tất cả là nhờ cô đã ứng dụng đúng vào thực tế những gì đã học, cho dù chỉ với 1 USD/tháng.

Bạn đang là sinh viên, bạn phải thấy mình thật may mắn so với nhiều người đi làm mà vẫn chưa biết được nguyên tắc quản lý tiền bạc này. Bạn hoàn toàn có thể làm được như Emma nên hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, từ ngay thời điểm này. Hãy đem số tiền của mình ra, bắt đầu lên kế hoạch, phân chia chúng vào các “hũ tiền” đi nào. Làm ngay hoặc không bao giờ, hành động ngay bây giờ thành công sẽ đến với bạn.