Ban nhạc La Cigale hợp xướng bản Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân của Việt Nam một cách xuất sắc. Cả hội trường vỗ tay theo nhịp điệu của bài ca. Bên ngoài trời nóng bức nhưng các đại biểu không cảm thấy nóng. Họ vừa vỗ tay vừa ca theo với ban hợp xướng La Cigale. Ban nhạc La Cigale quả thật không hỗ danh là ban nhạc côn trùng khét tiếng trong cộng đồng động vật. Đại biểu bất cứ động vật nào hiện diện đều xác nhận như thế. Nam Thiền tộc là những ca sĩ thiên phú, giọng rất trong và vang rền như các ca sĩ Phương Tây.

Bài Hè Về vừa dứt thì có tiếng la Bis! Bis từ dưới hội trường vọng lên. Ban tổ chức cáo lỗi thay cho bạn nhạc La Cigale vì đã đến giờ đại diện Thiền tộc thế giới đọc tham luận.

thientoc 1

Đại diện Thiền tộc lên diễn đàn. Đó là một lão Ve sắp đến hạn rời khỏi địa cầu vì chu kỳ sống sắp hết. Trông lão không có vẻ gì lo lắng, sợ sệt cả. Lão mang cặp mắt kiếng xanh, mặc chiếc áo khoác giống áo đuôi tôm mỏng, màu trắng có nhiều sọc đen, đỏ trông diêm dúa nhưng cũng đẹp mắt và gọn gàng. Lão là Thiền tộc Đông Nam Á mang tên khoa học Megapomponia imperatoria, gia đình Cicadidae. Người Anh gọi chi tộc này bằng một tên gọi đầy nữ tính: Thiền Nữ Hoàng (Empress cicada).

****

Chúng tôi là côn trùng, có cánh, bay và nhảy được. Khác với Ruồi, Ong, Kiến và Dế, Thiền tộc chúng tôi hiền hòa. Chúng tôi to lớn hơn Ong, Kiến và Ruồi. Nhưng chúng tôi không cắn người như Kiến, không chích người như Ong và không mang vi trùng gây bịnh tật như Ruồi.

Tôi xin được nói qua về cách gọi tên chúng tôi dưới cái nhìn của loài người.

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam Ve; Thiền (Hán- Việt)
Anh Cicada
Pháp Cigale
Tây Ban Nha Cigarra
Ấn Độ Sikada
Trung Hoa Chan (Thiền); Chan tui (Thiền thoái)
Mã Lai Kiang poker anam (Ve 06 giờ- vì bắt đầu kêu vào 06 giờ chiều)

Thiền tộc chúng tôi có hai gia đình lớn:

1. Đa số Thiền tộc thuộc gia đình Cicadidae.

2. Một chi Thiền tộc khác thuộc gia đình Tettigarctidae.

Dòng họ chúng tôi sống khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Chúng tôi có lối 3,000 chi tộc khác nhau. Vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới là vùng cư trú lý tưởng của chúng tôi. Nói một cách tổng quát nơi chúng tôi sống đông đảo là Nam Á, Đông Nam Á, Phi Châu, Bắc Úc Đại Lợi, Âu Châu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Là côn trùng có cánh, chiều dài Thiền tộc chúng tôi xê dịch từ 3- 5 cm. Ve to lớn nhất là Ve Megapomponia imperatoria thuộc gia đình Cicadidae. Tộc này gốc ở Đông Nam Á nhất là ở Mã Lai và Indonesia. Nếu xòe cánh, chiều dài hai cánh xòe đo được 20 cm!

Thân hình chúng tôi gồm có:

a. cái đầu màu đen, láng và cứng. Phía dưới có một cái vòi nhọn như kim để hút nhựa cây.

b. cặp mắt to màu đen, xanh hay đỏ. Thiền Nữ Hoàng (Empress cicada) Megapomponia imperatorial có cặp mắt to trông tựa như thủy tinh. Ngoài ra trên đầu còn có ba con mắt đơn nhỏ (0celi)

c. hai ăn- ten ngắn trên đầu.

d. 03 cặp chân có gai. Cặp chân sau dài hơn hai cặp chân còn lại. Cặp chân trước ngắn nhưng mập và mạnh.

e. cặp cánh mỏng màu trắng có sọc đen, đỏ hay vàng. Cánh có hai lớp: lớp cánh ngắn bên trong và lớp cánh dài bên ngoài. Ve trưởng thành và có cánh đầy đủ sau khi rời khỏi hang dưới đất, bò lên cây và lột xác (exuviae).

f. phần bụng chiếm 60% chiều dài của Ve (đầu và ngực: 40%). Bụng có nhiều sọc rằn. Trong bụng có một bộ phận âm thanh như cái trống âm thanh. Chỉ có nam Thiền kêu sau khi đập cánh và co giãn các sớ thịt để tạo âm thanh. Một anh Ve kêu thì các anh Ve khác cũng kêu lên ầm ỉ. Khúc nhạc Thiền tộc lúc hoàng hôn là tiếng gọi ái tình tập thể của các nam Thiền. Các nữ Thiền đáp lại lời kêu gọi ái tình lãng mạn của các nam Thiền, bày tỏ sự ưng thuận của họ bằng cách máy động cánh để tạo ra những âm thanh nho nhỏ.

g. màu quần áo mà Thiền tộc thường mặc là màu đen, vàng nhạt, vàng – hung đỏ – đen. Chu kỳ sống của Thiền tộc chúng tôi rất đặc biệt. Như các côn trùng khác Thiền tộc đẻ trứng sau khi nam và nữ Thiền ái ân. Nữ Thiền đục trên một nhành cây tạo một rãnh dài để các chị đẻ trứng trong đó. Nhành cây ấy vừa là nơi các chị đẻ trứng (thường thường vài trăm trứng mỗi lần đẻ) vừa là nơi các ấu trùng hút nhựa cây để sống. Trứng Thiền tộc màu trắng và có kích thước của một hột gạo trắng. Trứng ấp từ 50 ngày đến 125 ngày và nở ra ấu trùng màu trắng như sữa. Ấu trùng hút nhựa cây để sống. Vì vậy nhành cây bị các nữ Thiền tạo rãnh để giữ trứng thường bị chết khô vì mất nhựa.

Từ trên cây ấu trùng rớt xuống đất, đào lỗ sâu từ 20- 30 cm sống ẩn mình ở đó bằng nhựa các rễ cây. Thời gian sống dưới đất tối đen như âm phủ kéo dài 04- 05 năm tùy theo tộc Thiền. Có tộc sống dưới đất như vậy từ 13- 17 năm như trường hợp Thiền tộc mang tên khoa học Magicicada cassini hay Magicicada septencassini, một tộc Ve lùn (dwarf cicada) ở Hoa Kỳ. Sau một thời gian dài sống dưới đất tăm tối, Ve bắt đầu có cánh ngắn và đục đất bò lên mặt đất. Họ tìm cây gần đó để trèo lên và lột xác trên cây. Xác cũ của Ve nằm trên cây gọi là Thiền Thoái. Ve đổi lốt mới, thân hình trắng trẻo, cánh mỏng và trắng trong. Vài giờ sau Ve lột xác cứng cáp và bắt đầu vỗ cánh kêu gọi tình yêu với các nữ Thiền. Sau khi ái ân lối 02- 06 tuần sau thì Ve chết! Cuộc đời của Ve đen tối và ngắn ngủi như thế đó. Bọn Ong, Kiến, Chim, Bọ Ngựa (Ngựa Trời), loài Gặm Nhấm là kẻ thù của chúng tôi. Loài người là kẻ thù đáng sợ nhất. Họ truy lùng Ve Non mà họ gọi là Ve Sữa vừa bò ra khỏi miệng hang để trèo lên cây để ăn và khen là Ve có thịt mềm và có nhiều chất dinh dưỡng. Trẻ nít của loài người dùng mủ mít để bắt chúng tôi, lột cánh, chặt chân để vui chơi.

Chi tộc Thiền tộc của chúng tôi mang tên khoa học Megapomponia imperatoria. Người Anh gọi chi tộc chúng tôi là Empress cicada (Thiền Nữ Hoàng hay nôm na là Ve Chúa) vì chúng tôi to lớn. Chiều dài khoảng 07- 08 cm. Hai cánh dài xòe ra khoảng 20 cm. Trên đầu có cặp mắt to. Ngoài ra còn có 03 con mắt đen (oceli). Đó là đặc điểm của Thiền Nữ Hoàng vì có 05 mắt! Các nhà côn trùng học cho rằng chúng tôi gốc ở các nước Đông Nam Á hay nói rõ hơn là Mã Lai. Chúng tôi sống đông đảo trong rừng Mã Lai và Indonesia. Cứ mỗi chiều mùa hè các nam Thiền đồng trỗi bản Ve Sầu buồn da diết. Khúc nhạc tình trở thành bản nhạc buồn đối với loài người. Đó cũng là khúc nhạc tình buồn của Thiền tộc vì sau sự yêu đương ấy các nam Thiền rời bỏ cõi đời. Trên lục địa Mỹ Châu chúng tôi có những bà con khổng lồ mang tên khoa học Quesada gigas, gia đình Cicadidae (gigas: to lớn, khổng lồ – Hy Lạp ngữ). Thiền tộc này được gọi là Chicara grande hay Coyoyo. Họ sống rải rác từ Texas, Hoa Kỳ xuống tận Argentina ở Nam Mỹ. Họ ăn mặc quần áo đen, xanh hay hung đỏ. Cặp mắt màu hung đỏ. Giọng ca hát của các nam Chicara grande rất to khả dĩ làm bể lá nhĩ của người nghe! Các anh chị Chicara grande này sống dưới mặt đất 04 năm.

Hai chi tộc Thiền sống lâu năm dưới mặt đất là chi tộc Magicicada cassini và Magicicada tredecassidi, gia đình Cicadidae. Những thân thuộc của họ ở Bắc Mỹ này được người Hoa Kỳ gọi là dwarf cicada (Ve Lùn) vì các anh chị ấy chỉ dài từ 02- 03 cm mà thôi; cánh dài lối 08 cm. Các anh chị dòng Magicicada mặc quần áo đen; mắt màu đen, hung đỏ hay xanh. Trên đầu có cặp mắt lớn và 03 con mắt đơn nhỏ (oceli). Chi tộc Magicicada tredecassini sống dưới đất tăm tối 13 năm mới lên khỏi mặt đất, lột xác thành Ve trưởng thành. Chi tộc Magicicada cassini sống dưới hang trong lòng đất 17 năm trước khi bò ra khỏi miệng hang, trèo lên cây, lột xác để trở thành Ve!

Một thân thuộc khác của Thiền tộc chúng tôi ở Hoa Kỳ và Canada là chi tộc Neotibicen linnei. Người Hoa Kỳ gọi là dog- day cicada (Ve mùa hè- dog-day: nóng bức ám chỉ mùa hè). Các anh chị nầy mặc áo quần màu đen. Trên đầu có vài vệt hình vòng cung màu xanh lá cây. Các anh thường hòa nhạc vào những buổi chiều oi ả mùa hè.

Ở Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan có chi tộc Cyclochila australasiae thường mặc áo quần màu xanh lá cây. Cũng có anh chị Ve trong chi tộc nầy mặc quần áo vàng hay màu xanh dương. Chi tộc Cyclochila sống dưới đất suốt 07 năm mới chui lên mặt đất để trèo lên cây lột xác để trở thành Ve trưởng thành. Tùy theo màu sắc của áo quần mà các anh chị mặc mà người ta gọi các anh chị dưới tên gọi khác nhau.

Màu Quần Áo Tên gọi (Anh)
Xanh lá cây Green grocer
Vàng Yellow monday
Xanh dương Blue moon

Thiền tộc dòng Cyclochila được xem là có giọng hát vang rền to nhất trong cộng đồng côn trùng.

Âu Châu và một phần của Á Châu là địa bàn của Thiền tộc Melampsalta montana hay Cicadetta montana. Anh và Phần Lan là nơi sinh sống của chi tộc Cicadetta. Thiền tộc dòng Cidadetta mặc quần áo đen, ba cặp chân màu vàng, mình có nhiều sọc màu vàng.

Như chúng tôi đã trình bày Thiền tộc có hai gia đình lớn: gia đình Cicadidae và gia đình Tettigarctidae (Tettiy: con Ve – Hy Lạp ngữ). Gia đình Thiền tộc Tettigarctidae là gia đình của các bậc tiền bối của Thiền tộc. Các anh chị Ve thuộc gia đình Tettigarctidae hiện còn sống sót trên đảo Tasmania ở miền Nam Úc Đại Lợi. Một số ít sống ẩn dật ở Tân Tây Lan. Đó là chi tộc Tettigareta tomentosa và Tettigareta crinita. Người Úc gọi là Tasmanian hairy cicada (Ve Lông Tasmania- Mao Thiền Tasmania Đảo). Thiền tộc dòng này mặc quần áo màu đen xám mốc. Trên thân có nhiều lông. Các nam Thiền của dòng này không có khả năng trỗi những điệu nhạc cao vút như mấy anh Ve Chuông ở Việt Nam. Họ ăn mặc quần áo đen xám mốc trông lam lũ lắm. Đầu và mình đầy lông lá. Mao Thiền Tasmania Đảo còn giữ những nét thô thiền của Thiền tộc thuở vũ trụ mới tạo hình.

****

Người Việt Nam không cần biết Ve thuộc chi tộc hay gia đình côn trùng gì cả. Họ gọi chúng tôi là Ve Sầu chỉ vì tiếng hát của chúng rất buồn, sầu thảm. Anh chị Ve to lớn có vẻ là bậc chỉ huy họ gọi là Ve Bầu. Ngày chúng tôi bỏ đất chun lên, bò lên cây một cách chậm chạp và yếu ớt và bò lên cây được 01 cm, họ xem chúng tôi là Ve Non, loại Ve mà họ xem là thơm thịt theo khẩu vị của họ. Họ chê thịt Ve Già. Ve Già là Ve gì? – Đó là Ve rời hang động tăm tối lên mặt đất và trèo lên cây lối 01 m! Mấy tay nhậu Việt Nam chê Ve Già có thịt dai, không ngon. Ve có tiếng hát to và thanh được gọi là Ve Chuông. Ve lột xác sau khi rời khỏi hang và leo lên cây. Xác cũ và khô của Ve gọi là Thiền Thoái. Đó là một vị thuốc trong Đông Y.

Trong Thánh Kinh Do Thái có nói đến nhiều côn trùng như Cào Cào, Châu Chấu, Dế, Kiến, Ong nhưng không thấy nói về Thiền tộc (Ve) của chúng tôi. Có phải chăng người ta đồng hoá Thiền tộc chúng tôi với Cào Cào? Giọt Sành? Ngựa Trời? Cào Cào không biết hát. Giọt Sành tức Chó Ma hát điệu nhạc đinh tai điếc óc. Mấy thằng Ngựa Trời (Mantis) tức Bọ Ngựa mang tên khoa học Mantis religiosa, gia đình: Mantidae, hay chắp tay ra vẻ hiền lương đạo đức lúc nào cũng chắp tay cầu nguyện nên mấy thằng cha Anh gọi bọn chúng là Praying mantis (Bọ Ngựa Cầu Nguyện). Đám Mantis nầy hung hăng lắm. Chúng nó ăn Thiền tộc chúng tôi dữ lắm. Chúng cắn đứt đầu Thiền tộc và ăn tươi Thiền tộc không một chút tình động vật. Thiền tộc chúng tôi vốn sống lâu dưới âm phủ nên quen biết nhiều công an âm phủ. Một thành viên Thiền tộc đem chuyện này nói với người chỉ huy Công An Âm Phủ. Ông ta thản nhiên cười và nói: “Chuyện có vậy mà cũng thưa gởi. Hội Đồng Âm Phủ có nhiều việc phải làm chớ không phải để các anh thưa kiện cá nhân như vậy.”

Dưới hội trường Bọ Ngựa lẩm bẩm nói: “Con cái nhà Mật Phong (Ong), Mã Nghi (Kiến), nhà họ Điêu (Chim), họ Thử (Chuột) đều có ăn thịt tụi bây sao tụi bây chỉ nói Bọ Ngựa chúng tao mà thôi?” Đại biểu Chích Chòe nói: “Tại mày có cái mặt khó ưa. Gặp mặt mày thì tao muốn mổ liền!”. Vì không có gương Bọ Ngựa không biết tại sao người ta nói anh chị ấy có bộ mặt gây hấn khó ưa. Các chị Bọ Ngựa là những ác phụ, giết các anh Bọ Ngựa và nhai xác các anh ấy sau khi ái ân xong!!

Sự giao tiếp giữa Thiền tộc và loài người không có gì thân thiện cả. Loài người nhìn chúng tôi bằng cặp mắt khinh khi. Họ xem chúng tôi như những nhạc sĩ nghèo nàn, áo quần xốc xếch, đầu cổ chờm bờm như các bậc tiền bối của chúng tôi trên đảo Tasmania ở cực Nam nước Úc vậy.

Người Hy Lạp cổ và người Trung Hoa xem Thiền tộc chúng tôi là biểu tượng của sự hồi sinh, sự bất tử. Người Hy Lạp cổ xem chúng tôi là những nam thi sĩ đến trước các Nàng Thơ (MUSE). Theo huyền thoại Hy Lạp có chín (09) Nàng Thơ. Tất cả đều là ái nữ của Thần Zeus, Thần của các Thần trong huyền thoại Hy Lạp. Chín Nàng Thơ đó là:

Nàng Thơ Bộ Môn Đặc Trách
Enterpe Nhạc, thơ, bài ca
Erato Thơ tình yêu
Clio Lịch sử
Calliope Anh hùng ca
Melpomene Bi kịch
Polyhymnia Thánh ca
Terpsichore Khiêu Vũ
Thaila Hài kịch
Urania Tinh tú học

Nhà triết học Plato thán phục giọng hát trong trẻo và vang dội của các nam Thiền tộc. Trái lại nhà hiền triết Aristotle thích ăn thịt Thiền tộc.

Vào buổi bình mình lịch sử người Trung Hoa dùng hình ảnh Thiền tộc để trang trí trong triều đình dưới thời nhà Thương (Shang 1600- 1046 tr. Tây Lịch).

Ca dao Việt Nam về Thiền tộc có câu:

Tới đây những suối cùng khe,
Chân sim, bóng núi tiếng ve gợi sầu.
*
Ve ngâm, vượn hót véo von,
Ù ù gió thổi sóng cồn mây bay.

Cộng đồng Thiền tộc thế giới bất mãn lão La Fontaine với bài ngụ ngôn La Cigale et La Fourmi. Theo ý lão, bọn Ve chúng tôi là bọn lười biếng. Suốt mùa hè chỉ lo ca hát. Đến mùa đông phải chạy qua nhà bọn Kiến để mượn chút lương thực ăn cho đỡ đói. Gia đình bọn Kiến hẹp hòi không cho chúng tôi mượn thức ăn mà còn chế nhạo chúng tôi bằng cách bảo chúng tôi rằng: Bây giờ mày nhảy múa đi!”.

Chuyện nầy hoàn toàn bịa đặt và xa sự thật. Làm gì có chuyện chúng tôi đi vay mượn thức ăn của bọn Kiến hung hăng, lúc nào cũng nhe càng đòi cắn giết kẻ khác? Những kẻ hung tợn làm gì có lòng nhân đạo mà chúng tôi phải mất thì giờ van xin. Vả lại thức ăn của chúng tôi tinh khiết và thanh cao. Tụi Kiến ăn đường, côn trùng chết, xác thú chết, các loại hột khó tiêu hóa v.v. Hai thức ăn nói lên hai trình độ tiến hoá. Lão La Fontaine bắt chước Thánh Kinh khen bọn Kiến siêng năng, chê đám Ve chúng tôi lười biếng, chỉ biết ca hát nhảy múa, ái ân với nữ phái rồi chết. Hãy nhìn bản thân lão. Lão có cử nhân luật sao không làm việc gì cả mà đi theo hết con Sư Tử, Cọp, Chim, Cò, Chồn Cáo, Chuột đến Ve, Kiến nhỏ bé để châm chọc. Vậy mà lão viết: “Lao động là một kho tàng” (Que le travail est un trésor). Chuyện thù hằn giữa Thiền tộc và lão La Fontaine kéo dài đến nay 04 thế kỷ vẫn không nguôi. Nhóm Thiền tộc trẻ có đầu óc cấp tiến đòi đưa lão ra Toà Án Quốc Tế Hòa Lan. Nhóm Bảo Thủ đưa ra hàng loạt khó khăn, phức tạp. Nào là khó khăn pháp lý (thưa kiện ở đâu? tòa án nào? có phải Toà Án Quốc Tế La Hague không?). Nào là khó khăn tài chánh (tiền thuê luật sư; ai đứng đơn thưa? ai trả tiền? v.v.). Nào là khó khăn trong việc lưu thông chuyển vận. Nào là khó khăn ngôn ngữ và muôn ngàn khó khăn chồng chất cao hơn núi. Cuối cùng mấy ông già Thiền Bảo Thủ thắng nhờ triết lý học được từ mấy thằng cha Việt Nam về:

Một câu nhịn chín câu lành.

Con Kiến mà kiện củ khoai.

Bịnh nào rồi cũng quen đi.

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

****

Thưa quí vị, Thiền tộc chúng tôi hiền hòa, sống cõi âm nhiều hơn cõi dương. Thức ăn đơn giản là sương và nhựa cây cỏ. Chúng tôi không gây thiệt hại nhiều cho loài người như mấy anh chị Cào Cào, Châu Chấu, Dế, Sâu Bọ v.v. Vậy mà loài người biếm nhẽ chúng tôi không ít. Họ khinh chúng tôi là những nhạc sĩ nghèo nàn. Họ ăn Ve Non và khen bổ béo. Người Âu – Mỹ ra vẻ kỹ lưỡng, không ăn côn trùng. Thực tế hoàn toàn đúng như vậy không? Tại sao có người xem Thiền nhục như tôm, tôm càng trên đất? Có người nói Thiền nhục không có protein? Đúng như vậy không? Quí vị tin như vậy không? Có người cho rằng thịt chúng tôi có ‘phong’ ăn vào bị dị ứng tựa như có người dị ứng vì ăn hải sản vậy. Trong các loại nhựa cây mà chúng tôi ăn trong thời gian sống dưới âm giới có thể có chất độc. Ăn chúng tôi tức là đưa chất độc vào người! Suy luận nầy dựa vào mật Ong độc nếu các chị Ong hút mật hoa từ các loại hoa độc. Dù nói qua nói lại họ vẫn chiên, xào, um thân xác Ve Non trong nồi chảo nóng bức của họ sau khi chặt đầu, chặt 06 chân gai góc và ngắt cánh.

Loài người chê chúng tôi lười biếng. Vậy mà trong thuốc Đông Y của Trung Hoa có vị Thiền Thoái (Quan Thoại: chan tui) tức là phần xác khô của Thiền tộc để lại trên cây sau khi lột xác (molting). Thiền Thoái gồm: đầu, hai mắt, ngực, bụng và 03 cặp chân khô. Thiền thoái có chitin (C8 H13 O5)n, protein, amino acids, organic acids v.v. Thiền Thoái lợi cho phổi (phế) và gan (can). Trong Đông Y người ta dùng Thiền Thoái để trị ho, hạ nhiệt, mắt viêm (conjunctivitis), thị giác kém, đau cuống họng, phong đòn gánh, kinh phong trẻ nít. Ở Việt Nam vào thập niên 1940, 1950 và 1960 có thuốc ho hiệu Con Ve. Năm 2003 Trung Quốc bị dịch cúm SARS (SARS- Coronavirus: Severe Acute Respiratory Syndrome). Năm 2013 người ta kết hợp xác tằm với Thiền Thoái để trị chứng bịnh chết người này.

Trước khi chấm dứt bài tham luận về Thiền tộc chúng tôi xin nhắc nhở với loài người vài điều chính yếu như sau:

1. Hỡi loài người trên Địa Cầu! Thiền tộc chúng tôi ăn hại của các người chuyện gì mà các người ăn thịt chúng tôi lại còn nói xấu chúng tôi?

2. Chúng tôi chỉ hòa nhạc vào các buổi chiều mùa hè mà thôi. Quí vị nghe hòa tấu nhạc không trả tiền còn oán ghét toàn ban nhạc chúng tôi nữa. Quí vị có thấy mình vô lý không? Hèn gì báo chí chế diễu quí vị hay xem hát cọp.

3. Quí vị có liên lạc với chúng tôi khi lấy nhãn hiệu Con Ve làm nhãn hiệu thuốc ho của quí vị không?

4. Khi lột xác không vị nào trong Thiền tộc hứa cho xác lột của mình để làm thuốc cả. Quí vị dùng Thiền Thoái làm thuốc trị đủ thứ bịnh. Không thấy vị nào cảm ơn Thiền tộc cả. Đây là loại lịch sự gì kỳ lạ vậy?

5. Dù muốn dù không Thiền tộc chúng tôi cũng gắn liền với mùa hè. Ở Việt Nam mùa hè là mùa bãi trường, mùa thi cử và là mùa mưa. Mùa hè hoa phượng vĩ nở rộ trên sân trường học. Hoa phượng vĩ, mùa hè, mùa mưa và tiếng Ve gắn liền nhau chặt chẽ. Tiếng Ve thanh thoát vào những buổi chiều hè nóng bức, hoa phượng nở đỏ trên cây như báo tin mừng cho người thi đỗ đạt. Trái lại tiếng Ve sầu rền rỉ và tắt liệm vì cơn mưa rào dai dẳng như là lời chia buồn của sĩ tử bất toại công danh.

Trân trọng cảm ơn toàn thể quí vị đã lắng nghe bài tham luận của Thiền tộc. Chúng tôi cũng cảm ơn nhạc sĩ Hùng Lân và Canh Thân mang cho chúng tôi mùa Hè vui tươi. Vừa rồi quí vị đã thưởng thức bản Hè Về của Hùng Lân. Bây giờ mời quí vị thưởng thức bản Khúc Ca Mùa Hè của Canh Thân.

Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn
Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn…

Bạch Hạc nói với Khổng Tước: “Đám nhà Thiền nầy trông yếu đuối nhưng có tư tưởng cứng rắn lắm.”

Đại diện Thiền Tộc Thế Giới Trưởng Lão Thiền tộc Mã Lai Malaysian Empress Cicada.