Ngày 9 tháng Hai theo lịch An Nam, ký giả nhận ủy thác vào kinh đô Huế kính xem đại lễ tế Giao cùng chủ bút Phạm [Quỳnh] nên đã đến kinh đô.  Lúc đó Giao đàn bài trí còn chưa xong mà người bốn phương đến xem dần dần đã xếp hàng, tụ tập kéo đến1. Ký giả tìm chỗ trú ngụ để tạm nghỉ ngơi. Đến chiều ngày 11 bèn đến xem khắp giao đàn thì thấy từ ngoài cửa đông nam, qua cầu Thành Thái, ven đường, men theo về phía nam, qua cầu Nam Giao, thẳng đến ngoài cửa bắc đàn Nam Giao, là đường xe ngự đi qua và đường ngự giá đi từ Trai cung đến các thành của đàn Nam giao đều có treo các hạng cờ. Tựu trung thì giao đàn từ thành thứ nhất đến Phương đàn và đường ngự giá đi từ Trai cung đều dựng các cột để treo đèn lớn, ngày đêm thường có các viên lính đeo cung canh giữ, cực kỳ nghiêm trang. Các xã thôn gần kinh đô, bên đường xe ngự giá đi qua đã bố trí các hương án và người ngồi quỳ nghênh đón, phàm có đến hơn trăm hương án. Ký giả thừa lúc ấy tuy Giao đàn bài trí các nơi đã xong nhưng chưa thực hiện giới nghiêm bèn lên Giao đàn. Nhất nhất những gì quan sát được ở trên đàn xin thuật lại như dưới đây.

Giữa thành thứ nhất của Giao đàn đặt hai án chính vị. Bên tả thờ Thiên Hoàng2, bên hữu thờ Địa Kỳ3, đều quay về hướng nam. Bên tả đặt ba cái án phối vị, bên hữu cũng đặt 3 cái án phối vị, đông tây hướng vào nhau. Án thứ nhất bên tả thờ Thái tổ Gia Dụ hoàng đế 4, án thứ hai bên tả thờ Thánh tổ Nhân hoàng đế 5. Án thứ hai bên hữu thờ Hiến tổ Chương hoàng đế 6, án thứ ba bên tả thờ Dực Tôn Anh hoàng đế 7, án thứ ba bên hữu thờ Cảnh Tôn Thuần hoàng đế 8 (Cảnh Tôn Thuần hoàng đế mới được thăng phối vào đại điển. Hoàng thượng ta trước đây đã cử hành lễ kính cáo với thần đất ở Giao Miếu vào ngày mồng 1 tháng Hai rồi).

Trước mỗi án đã kể ở trên đều đặt năm cái bàn độc để bày đồ thờ và các vật phẩm dâng cúng 9. Ở chính giữa trước án chính vị có bày một nội hương án. Trước nội hương án là chỗ Hoàng thượng đứng làm lễ. Ấy trong thành thứ nhất Viên đàn (Thanh ốc), đại khái được bài trí như thế.

Ở chính giữa thành thứ hai (Hoàng ốc) 10, đặt một cái ngoại hương án, trước án đặt chỗ ngự bái để Hoàng thượng đứng tế. Hai bên tả, hữu của thành thứ hai đặt 8 cái án (gọi là Tùng đàn), đông tây đối nhau. Việc thờ thần như thế này đã từng thấy trong sách Giao chi nghiên cứu. Trên đàn có bắc rạp căng vải, mỗi án đặt ba cái bàn độc bày đồ thờ và các vật phẩm dâng cúng. Trước án đặt chỗ để các quan phân hiến đứng tế.

Thành thứ ba, ở góc đông nam thì đặt nơi Liệu sở, đã trữ sẵn củi bằng gỗ tùng11; góc tây bắc là nơi Ế sở 12, trước mỗi sở có đặt một cái bàn độc và ghế. Phía nam của thành thứ ba, chếch một chút sang đông, đặt nhà Đại Thử, có đầy đủ màn che bụi, để làm chỗ Hoàng thượng rửa tay thanh tẩy trước khi làm lễ. Phía nam của thành thứ ba, trên bậc thềm bố trí ban nhạc, hai bên tả hữu xếp đặt thành nhiều hàng nhạc khí. Lại đặt bộ trống, bộ thổi theo thứ tự ban nhạc, đều đông tây hướng vào nhau, lại bố trí các ca công, nhạc sinh đứng ở hai bên tả hữu của ban nhạc. Thành thứ hai thứ ba này bố trí đại khái như vậy.

Tiếp đến đi xem Trai cung. Cung ở bên phải phía ngoài Giao đàn, bên ngoài có tường thành bao quanh. Trai cung được chế tác hai mặt, mặt trước có sân rộng là nơi Hoàng thượng ngự để nhận lời chúc mừng và là nơi bách quan triều yết; mặt sau có buồng che màn, có ghế và giường nằm đều rất lớn, là nơi Hoàng thượng nghỉ ngơi. Sau cung có hai bên tả lang hữu lang, thị vệ túc trực ở đó. Bốn xung quanh Trai cung đều trồng tùng, um tùm rậm rạp, xen vào khoảng trời. Những cây gần cung phần nhiều là của các liệt thánh đời trước ngự trồng, hiện có khắc bài minh do nhà vua viết treo trên cây. Những cây trồng cách xa cung một chút là cây do các hoàng thân vương công trồng; xa nhất lại là các cây do các quan đại thần trồng; tên và hàm được vua ban 13 của người trồng cùng năm tháng, đều có bảng khắc treo trên cây. Đại để ngày nay những cây to đến một ôm, cao đến tận mây đều là những cây trồng trong khoảng thời gian từ đời Gia [Long], Minh [Mệnh], Thiệu [Trị] đến Tự [Đức] vậy. Khoảng đất ở sau cung là những cây tùng mới trồng, cao mới đầy một thước, cứ nhìn biển thì thấy đều là những cây trồng của các quan ngày nay từ tứ phẩm trở lên vậy.

Ngày 12 là ngày Hoàng thượng ngự giá đến Trai cung. Tám giờ sáng đã nghe nổi lên chín tiếng súng. Ngự giá từ cửa Đông Nam trong thành tiến ra, tiền hô hậu ủng, nghi vệ rất thịnh; đội quân cầm nghi trượng, mặc đồ binh khí, áo giáp 14 và nhạc công, ước chừng hơn một nghìn người. Đoàn đi dài đến gần 1 km 15. Trong lúc đang đi trên đường chỉ điểm tiếng trống, ngoài ra đội quân nhạc gồm các loại nhạc cụ lớn, nhỏ, đều chỉ phô diễn mà không đánh nhạc. Ven đường bên cạnh các hương án đều có các kỳ lão 16 ngồi quỳ sẵn để đón xa giá, tất cả người xem ai nấy đều xếp lượt ngồi quỳ, đợi khi ngự giá đi qua thì rập đầu lạy. Lúc ngự giá đến Trai cung, các hoàng thân vương công cùng các quan văn từ ngũ phẩm, các quan võ từ tứ phẩm trở lên đều mặc triều phục quỳ đón ở trước sân Trai cung. Các quan văn từ lục phẩm, các quan võ từ ngũ phẩm trở xuống thì quỳ đón ở ngoài cửa bắc Giao đàn. Hầu Hoàng thượng ngự giá vào Trai cung nghỉ ngơi rồi bá quan mới lui về.

Chiều hôm đó quan khâm mệnh đại thần vâng sắc chỉ dẫn theo viên quan bồi tế đến tế thử 17  tại Giao đàn. Nghi tiết cũng giống như lễ tế buổi sáng sớm [hôm sau], chỉ khác không đốt hương đèn, không đọc chúc văn, vì đó là tế thử vậy. Sáng hôm đó bất luận là quan Tây, bà đầm và người Nam, những người đã được giấy của bộ đồng ý đều được vào Giao đàn kính xem, ký giả cũng được theo vào. Nhưng sáng đó quang cảnh không chân thực sinh động lắm, vậy nên thong thả để dưới sẽ thuật lại.

Đêm đó trên Giao đàn lửa đèn rực rỡ chiếu sáng suốt đêm. Mặt trăng đã lặn, ánh đèn đuốc càng sáng. Trong quang cảnh rực rỡ ấy, hàm chứa vẻ nghiêm trang tĩnh lặng. Xa trông ngỡ như một cõi thiên quốc cách con người không xa vậy. Buổi sáng ngày 13 là ngày cử hành lễ tế Giao theo đại điển. 2 giờ 40 phút, hầu Hoàng thượng mặc áo cổn đội mũ miện, ngự giá từ Trai cung đến Giao đàn, từ cửa bên phải vào cửa giữa, Hoàng thượng xuống xe tiến đến nhà Đại thử. Hầu Hoàng thượng lên ngồi trong nhà Đại thử rửa tay 18. Quan Cung đạo [1] cung kính rước Hoàng thượng đến vị trí đứng của ngài ở Hoàng ốc. Tiếng chuông trống nổi lên, Hoàng thượng đến đứng vào vị trí hành lễ trước ngoại hương án. [Bấy giờ nghe xướng] Phần sài, ế mao huyết [2], Hoàng thượng đều ở đó cử hành lễ tế. Hoàng thượng hành lễ bốn lạy để Nghênh thần. [Lúc đó] nghe phường nhạc tấu lên khúc An thành. Hết khúc nhạc, Hoàng thượng lên đàn, làm lễ Điện ngọc bạch [3], lại tấu khúc Triệu thành. Tiếp đến làm lễ Tiến trở [4], lại tấu khúc Tiến thành. Rước Hoàng thượng lên trước chỗ Chính hiến, làm lễ Sơ hiến [5], lại tấu khúc Mỹ thành; phường Bát dật múa bằng cái mộc, cái búa, nhạc dừng, đội múa võ lui ra. Rước Hoàng thượng quỳ, quan tư chúc tuyên đọc chúc văn. Đọc xong, Hoàng thượng trở lại chỗ đứng lạy. Bấy giờ các quan phân hiến mới từ phía đông phía tây bước lên bậc thềm, đến đứng trước tám cái án ở hai bên phải trái của Tùng đàn, quỳ làm lễ Hiến bạch, hiến tước [6]. Lại rước hoàng thượng đến trước chỗ chính hiến, làm lễ Á hiến [7], tấu khúc Thụy thành. Phường Bát dật múa bằng cái vũ, cái thược. Tiếp đó làm lễ Chung hiến [8], tấu khúc Vĩnh thành. Nhạc dừng, đội múa văn lui ra. Rước Hoàng thượng đến chỗ Ẩm phúc, làm lễ Ẩm phúc, thụ tộ [9]. Thế là lễ tế đã thành, đến lúc Triệt soạn [10], nhạc tấu khúc Nguyên thành. Rước Hoàng thượng xuống đàn, đến đứng ở chỗ bái lạy trước ngoại hương án ở thành thứ hai, hành lễ 4 lạy để Tống thần, nhạc tấu khúc Hy thành. Rước Hoàng thượng đến chỗ Vọng liệu để xem đốt tờ chúc văn cùng các đồ bạch soạn, nhạc lại tấu khúc Hựu thành. Rước Hoàng thượng trở lại chỗ đứng lạy. Lễ hoàn tất, quan Cung đạo cung kính rước Hoàng thượng từ cửa nam thành thứ hai đi ra cửa bên trái, rồi mời Hoàng thượng lên xe loan về Trai cung. Xa giá đến cửa tây đàn, nhạc tấu khúc Khánh thành. Rước xa giá trở lại Trai cung. Lúc đó ước chừng 4 giờ rưỡi sáng. Thế là từ lúc khai tế đến lúc hoàn tất, cả thảy hết 2 giờ đồng hồ. Đó là nói đại khái như thế. Còn như lễ vật nhiều ít, quan phục uy nghi và các nghi thức khi lên khi xuống của các quan bồi tế, nhã nhạc dừng hay tấu, rất nhiều việc tỉ mỉ phức tạp, không thể biết hết được, mà cũng không thể thuật hết được.

Bình minh lên, Hoàng thượng thay ngự y màu vàng, đội khăn vàng, rủ áo, ngự trên ngai vàng. Văn võ bá quan thay triều phục, xếp hàng trước sân Trai cung. Bách quan cung kính làm lễ chúc mừng đã làm xong lễ Nam giao. Lễ xong, quan Quản vệ bầy loan giá rước Hoàng thượng lên xe trở về cung, nghi vệ cũng giống như lúc đi. Khi đi trên đường, chuông trống đều đánh, nhã nhạc đều cử, bên đường các kỳ lão đều ở cạnh hương án quỳ tiễn Hoàng thượng. Xa giá trở về cũng từ cửa đông nam vào thành. Năm nay lễ tế giao có quan Toàn quyền đại hiến, Bắc Kỳ Thống sứ đại hiến đến kinh kính xem. Xem như thế có thể thấy nhà nước Bảo hộ chưa từng không coi trọng điển lễ nước ta. Lúc tế chỉ có quan Toàn quyền đại hiến và các đại nhân Khâm sứ, Bắc Kỳ Thống sứ đang trú ở kinh được lên tham quan thành thứ nhất. Ngoài 4 quan ấy, tất cả ở ngoài đàn. Cho nên nhân sĩ ở kinh bàn luận rằng lễ tế Giao năm nay, nghi vệ vừa nghiêm vừa đẹp, hành lễ nghiêm trang, cho rằng vài chục năm nay chưa từng có vậy.(a)

Nguồn:

  • Nguyên văn chữ Hán: 南 郊 大 祀 之 紀 實 /Nam Giao đại tự chi kỷ thực/, 南 風 Nam phong, 汉文 chữ Hán, Hà Nội, s.10 (tháng 4.1918), tr.199-201.
  • Bản dịch chữ Việt (2018): PHẠM NGỌC LAN

Chú thích:

(a) Các chú thích ghi số Arab đặt ở chân trang đều là của người dịch.

1 Nguyên văn: 集麕 至  lân tập quần chí.

2 Thiên hoàng: chỉ Trời.

3 Địa Kỳ: chỉ Đất.

4 Thái tổ Gia Dụ hoàng đế: tức Nguyễn Hoàng (1525-1613), Thái tổ triều Nguyễn.

5 Thánh tổ Nhân hoàng đế: vua Minh Mệnh (ở ngôi vua: 1820-1840).

6 Hiến tổ Chương hoàng đế: vua Thiệu Trị (ở ngôi vua: 1841-1847)

7 Dực Tôn Anh hoàng đế: vua Tự Đức (ở ngôi vua: 1848-1883)

8 Cảnh Tôn Thuần hoàng đế: vua Đồng Khánh (ở ngôi vua: 1886-1888)

9 Nguyên văn: 品 Tự khí tế phẩm.   

10 Hoàng ốc: tức thành thứ hai, là Phương đàn (cũng gọi là Tùng đàn), xây hình vuông, tượng trưng cho Đất, được căng rạp che bằng vải vàng.

11 Liệu sở: nơi trữ sẵn gỗ tùng để khi tế đốt lửa làm đình liệu.

12 Ế sở: tức nơi chôn máu huyết, da lông các con vật sống đem dâng tế.

13 Nguyên văn: 名 ngự danh.

14 Lỗ bạ 鹵簿: nghi vệ hầu hạ thiên tử.

15 Nguyên văn chữ Hán: 米 nhất cát la mễ.

16 Kỳ lão: các cụ cao tuổi.

17 Nguyên văn: 儀 diễn nghi.

18 Nguyên văn: 洗 quán tẩy: rửa tay

[1] Quan Cung đạo : quan Lễ bộ.

[2] Nguyên văn: 毛Phần sài ế mao huyết, nghĩa là đốt lửa thui trâu, chôn lông máu.

[3] Điện ngọc bạch: Dâng ngọc lụa.

[4] Tiến trở: làm lễ dâng mâm con trâu thui.

[5] Sơ hiến: Dâng rượu lần thứ nhất.

[6] Hiến bạch, hiến tước: Dâng lụa, dâng rượu.

[7] Á hiến: Dâng rượu lần hai.

[8]Chung hiến: Dâng rượu lần sau cùng.

[9] Ẩm phúc, thụ tộ: uống rượu cúng, nhận phần thịt tế được chia.

[10] Triệt soạn: cất đồ cúng xuống.