Trong gần hai thế kỷ, hai bài thơ kỳ lạ của vua Thiệu Trị được khảm ở điện Long An đã làm “lao tâm khổ tứ” biết bao nhiêu người yêu thích chữ nghĩa.
Tọa lạc tại số 3 Lê Trực, TP Huế, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Kinh thành Huế xưa. Một trong những nét đặc sắc của cung điện này là nội thất được trang trí bằng những bài thơ chữ Hán của vua Thiệu Trị.
Nổi tiếng nhất trong số những bài thơ này là hai bài thơ “Vũ trung sơn thủy” (Non nước trong mưa) và “Phước viên văn hội hương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở phước Viên) được khảm xà cừ trên hai bức vách gỗ của cung điện.
Cả hai bài thơ không viết theo lối thường mà trình bày theo kiểu “hồi văn kiêm liên hoàn” với năm vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, nhìn giống trận đồ bát quái. Mỗi bài thơ tổng cộng có 56 chữ, bằng số chữ một bài thơ thất ngôn bát cú.
Hai bài thơ được đọc theo cách lấy câu, hay chữ ở một vị trí nào đó làm đầu câu, đầu chữ đều có thể tiếp nối liên tục thành một bài thơ theo cách thức mới.
Bản thân vua Thiệu Trị không đưa ra lời giải cho hai bài thơ mà chỉ gợi ý về cách đọc và thách các quan đại thần tìm ra 64 cách đọc trong mỗi bài thơ đó.
Trong gần hai thế kỷ, hai bài thơ “lạ” của vua Thiệu Trị đã làm “lao tâm khổ tứ” biết bao nhiêu người yêu thích chữ nghĩa.
Năm 1972, trên tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương, Pierre Daudin, một học giả phương Tây, đã giải ra 12 bài thất ngôn bát cú. Năm 1995 nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tân Phong tìm ra đúng 64 cách.
Năm 1998, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tìm thêm 64 cách nữa, tức là tới 128 bài trên một bài thơ.
Về cách giải, các học giả đã dày công nghiên cứu, vạch ra những đường nét chính để mọi người theo đó suy ra, đọc tiếp, ví dụ như là đọc ngược lại, bớt đi hai chữ đầu hoặc hai chữ cuối…
Theo thống kê, trong 128 bài thơ con thì có 64 bài thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu) và 64 bài bao gồm các thể thất ngôn tứ tuyệt (bảy chữ bốn câu), ngũ ngôn tứ tuyệt (năm chữ bốn câu), ngũ ngôn bát cú (năm chữ tám câu)…
Sau đây là một ví dụ về cách giải thơ mà cách mà các nhà nghiên cứu Hán Nôm đã chỉ ra từ bài “Vũ trung sơn thủy”.
Phiên âm chữ Hán của một cách đọc:
Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn
Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh
Sơn tỏa ám văn thôi trận trận
Lãng sinh khiêu ngọc địch thanh thanh
Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận
Dụng dụng ba chân liễu mậu vinh
Nhàn diếu nhất chu ngư dật tấu
Hướng lâm song tiễn yến phí khinh.
Dịch thơ tiếng Việt:
Dồn mưa nước cuộn triều dâng ngập
Lộng gió sông dào bến biếc xanh
Non phủ kín mây tuôn tới tấp
Sóng khêu thưa giọt gõ lanh canh
Lan man suối trải rêu tươi mập
Sóng sánh cồn vươn cỏ tốt xanh
Nhàn thoáng một câu, thuyền nhẹ tắp
Dóng rừng dăng kéo én bay nhanh.
Chuyển thành thơ 5 chữ bằng cách bó hai chữ đầu mỗi câu:
Nước cuộn triều dâng ngập
Sông dào bến biếc xanh
Kín mây tuôn tới tấp
Thưa giọt gõ lanh canh
Suối trải rêu tươi mập
Cồn vươn cỏ tốt xanh
Một câu, thuyền nhẹ tắp
Dăng kéo én bay nhanh.
Từ bản dịch đầu đọc ngược lại và đảo vế:
Xanh bến biếc dào sông gió lộng
Ngập triều dâng cuộn nước mưa dồn
Canh lanh gõ giọt thưa khêu sóng
Tấp tới tuôn mây kín phủ non
Xanh tốt cỏ vươn cồn sánh sóng
Mập tươi rêu trải suối man lan
Nhanh bay én khó dăng rừng dáng
Tắp nhẹ thuyền câu một thoáng nhàn.
Dù cách giải hai bài thơ “bí ẩn” còn nhiều tranh cãi, nhưng có thể khẳng định vua Thiệu Trị là một vị vua có tài sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời.
Trong sự nghiệp của mình, vua Thiệu Trị nổi tiếng là một vị vua thi sĩ, có để lại rất nhiều bài thơ. Hai bài thơ nổi tiếng nhất của ông chính là hai bài Vũ Trung Sơn Thủy và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm được khắc ở điện Long An.
Các nhà nghiên cứu hiện đại đánh giá, đây là hai kiệt tác trong hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, đã được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới vào năm 2016. (Hình ảnh trong bài được thực hiện với sự đồng ý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).