Chúng ta ai cũng biết câu “nước sông không phạm nước giếng”, dùng để chỉ việc mỗi cá nhân, tổ chức tự lo phận sự của mình, không chen vào việc của cá nhân, tổ chức khác. Tuy được phổ biến rộng rãi nhưng không phải ai cũng hiểu rõ xuất xứ của thành ngữ này.

Ranh giới' nào cho mẹ chồng, nàng dâu | Xã hội | PLO

Thực tế, “nước sông không phạm nước giếng” được cho là bắt nguồn từ câu “tỉnh thuỷ bất phạm hà thuỷ” (井水不犯河水) của Trung Hoa. Theo trang Bách khoa từ điển Baidu thì “nước sông” (hà thuỷ) và nước giếng (tỉnh thuỷ) ở đây không phải là nước sông và nước giếng trên mặt đất, mà là từ dùng để chỉ các chòm sao.

“Nước giếng” chính là chòm sao Tỉnh (hay còn có các tên khác là Tỉnh Tú, Đông Tỉnh, với “Tỉnh” (井) là “cái giếng”), một trong Nhị Thập Bát Tú, tức hai mươi tám chòm sao trên bầu trời theo cách chia của người Trung Hoa cổ. Chòm sao này tương ứng với chòm sao Song Tử của Tây Phương và nằm gần dải Ngân Hà. Còn “nước sông” chính là dải Ngân Hà.

Về phía bắc và phía nam của Tỉnh Tú có hai chòm sao nổi tiếng là Bắc Hà và Nam Hà. Tương truyền đây là hai chòm sao bảo vệ dải Ngân Hà, nếu chúng hoặc dải Ngân Hà có chuyện gì thì thế giới sẽ gặp biến cố. Người xưa đã dựa trên sự chuyển động hài hoà giữa Tỉnh Tú, Bắc Hà và Nam Hà để đặt ra câu “nước sông không phạm nước giếng”, với nghĩa bóng là mỗi cá nhân, tổ chức tự lo thân mình, không xen vào chuyện của nhau.

Tóm lại, câu nói này  vốn phát xuất từ cách người xưa dự đoán điềm lành dữ dựa vào thuật chiêm tinh.