Mươi năm trước có dịp đi qua chốn cũ thì vật đổi sao dời (Hương Lộ 14 nay là đường Lũy Bán Bích), không còn thấy nhà máy đâu nữa. Diện tích khu đất khá lớn, ngay mặt tiền là miếng mồi hấp dẫn nhiều con cá mập nuốt chửng lâu rồi. Đã bốn mươi mốt năm, nhưng những kỷ niệm vui vẫn còn nguyên đó, nhóm năm người chúng tôi mỗi người một ngã.

Đúng 8 giờ một ngày tháng 5 năm 1980, nhóm chúng tôi theo danh sách đã được khoa bố trí đi thực tập cuối năm thứ ba, gồm các bạn: Lưu Chí Đức, Nguyễn Di Thái, Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Kim Thuận và Nguyễn Đắc Thịnh.

Cả đám đi xe đạp với túi xách (có gà men cơm và nước uống) đến trường, tập trung đứng ngồi trên bồn bông nói chuyện phiếm dưới bóng cây xoài trước khoa Cơ Khí dãy nhà B11, chờ giảng viên hướng dẫn là cô Mận (vợ thầy Huỳnh Văn Hoàng, hiệu phó trường đại học Bách Khoa tp.HCM).

Giờ xin kể sơ về nhóm năm người hiền trong một lớp toàn người hiền:

tháng 8/1981

  • Bạn Đức, đeo kính cận, chắc cha mẹ khai sinh nhỏ tuổi chứ nhìn mặt trông cứng lắm. Thân hình lực lưỡng, rắn chắc như võ sĩ, dân học võ mà không biết đạt đai nâu hay đen. Nói chuyện cũng tếu táo, hiền lành lắm luôn. Bạn Đức và Thịnh có duyên là bạn lâu năm, học chung suốt từ lớp 7 tại trường Trung học đô thị Tân Định đến nay.
  • Bạn Thái, quê Trà Ôn, người chắc khỏe lắm, không biết ở quê có cày ruộng hay làm vườn không, ăn nói nhỏ nhẹ, cười cũng nhẹ nhàng, tính cẩn thận, hiền lành, khi viết tay bạn cứ run run. Bạn Thái vậy chứ lại có vợ sớm nhất trong đám.
  • Bạn Thủy, trước là nữ sinh Gia Long (Nguyễn Thị Minh Khai), người Sài Gòn, mảnh khảnh, tính nhẹ nhàng, hiền lành, nói chuyện vui vẻ, hoa khôi của nhóm.
  • Bạn Thuận, cũng là dân ở Tân Định, học tiểu học ở trường con trai Tân Định và học trung học ở trường Võ Trường Toản, hiền lành nhưng rất cá tính, tóc vừa dài lại quăn, cái nón đội cũng khác người, hay đệm khăn tay (mouchoir) dưới cổ áo, đi xe đạp yên cao và không có yên sau. Riêng tiết mục nói thì hài khỏi chê và đểu đểu sao đó nên anh Kiến Quốc đặt biệt danh là “Đại đểu”, chết danh luôn. Lớp Pháp văn đều gọi bạn Thuận theo biệt danh này.
  • Bạn Thịnh, mặt non choẹt so với tuổi (có lần đi bộ qua cổng Lý Thường Kiệt với anh Tết, anh Quốc, bị cái vóc khổng lồ của mấy ảnh che, bác bảo vệ ngoắc lại tưởng nhóc con đu theo mấy anh vô trường quậy phá, phải trình thẻ sinh viên cho bác, năm 1986 tình cờ gặp bác ở Cục Thuế trên đường Hàm Nghi, bác vẫn nhớ), ít nói, nhỏ bé nên anh Tết hay gọi giỡn là “epsilon / hai” (epsilon là bạn Trần Hoàng Nguyên, quê Sa Đéc).

Vậy tình cờ hay do Trời sắp đặt nên trong nhóm có ba người sống ở Tân Định. Duy tâm chút nha các bạn.

Cô Mận đến, lên khoa nhận giấy giới thiệu, danh sách, điểm danh nhóm rồi lái honda dame dẫn nhóm chúng tôi trực chỉ đến Nhà máy Nông Cụ 1 trên Hương Lộ 14.

Lúc này Hương Lộ 14 còn hoang sơ, hai bên đa phần là ruộng lúa hoặc những bãi đất cỏ dại mọc đầy. Hai bên hông nhà máy Nông cụ 1 cũng là ruộng lúa.

Nhà máy Nông Cụ 1 nằm trên khu đất ngang 40m, dài 100m, hai cánh cổng sắt ngoài cao và cũ kỹ. Bác bảo vệ mở cổng, chúng tôi lần lượt vào trong sân. Từ cổng ngoài đến cổng xưởng cách nhau khoảng 20m, bên phải là nhà để xe, bên trái là xưởng phụ có mái che bằng tôn, phía dưới là nền đất nện.

Xưởng chính có mái tôn cao, phía dưới là các thứ máy móc và la liệt nguyên vật liệu, thành phẩm. Tận cùng xưởng là dãy nhà bê tông một tầng gồm các phòng giám đốc, phó giám đốc, hành chánh, kế toán.

Chúng tôi đưa xe vô nhà xe rồi theo cô Mận bước vào xưởng, đi lên phòng giám đốc để cô Mận trình giấy giới thiệu và bàn giao nhóm chúng tôi cho xưởng, thời gian thực hành là ba tuần.

Cô Mận về rồi, chúng tôi được bác phó giám đốc dẫn đi quanh một vòng toàn nhà máy, rồi gửi chúng tôi cho một đội sản xuất.

Nghe tên nhà máy là đã biết ở đây chỉ sản xuất rặt các thứ nông cụ: cuốc, xẻng, len, dao, rựa, bừa cào, xe cút kít, …

Công cụ phục vụ sản xuất cũng đơn giản là máy tiện, máy hàn, máy búa, máy cắt sắt, máy đột dập, máy cưa sắt và một số dụng cụ mà một xưởng cơ khí cần phải có.

Tất cả các máy cắt, dập, máy búa ở đây đều do các bác các chú tự thiết kế, tự chế tạo một cách rất sáng tạo. Nó góp phần đắc lực vào việc sản xuất cuốc len dao rựa cho cả miền Nam và các vùng kinh tế mới trong thời kỳ bao cấp khó khăn. Những sáng tạo rất đáng trân trọng.

Vì là ngày đầu tiên nên chưa thể bố trí công việc nên chúng tôi chỉ loanh quanh làm quen với các bác, các anh công nhân. Trưa đến, lại tụ nhau lấy cơm cùng ăn. Mãi 17 giờ có chuông báo mới rời xưởng.

Chiều, mỗi bạn tỏa ra tìm hiểu các máy tự tạo của xưởng, chăm chú ghi lại những sáng kiến một cách thích thú. Mãi mê xem bác thợ tiện gia công sản phẩm, bạn Thái vô tình quẹt chân vào điếu cày của bác thợ, nước điếu đổ lênh láng, bạn rối rít xin lỗi mà không biết làm sao sửa lỗi, bác ấy tiếc ngẩn tiếc ngơ như mất người yêu (thuốc lào còn được gọi là tương tư thảo – cỏ nhớ thương mà).

Hôm sau đúng 7 giờ là đã có mặt tại xưởng, đội giao cho một số công việc lặt vặt, bạn thì phụ máy cắt sắt, bạn thì phụ máy cưa, máy đột, máy hàn. Nói chung là lấm lem dầu mỡ, tay chân đen xì. Mục đích đến xưởng là để học thực hành nên chúng tôi háo hức, được cho vọc máy nào cũng đều thích.

Buổi sáng ngoài nộp tiền ăn, mỗi bạn phải mang theo một phần gạo để góp vào bếp ăn tập thể của xưởng để ăn trưa. Chúng tôi nghỉ trưa, đọc sách ở văn phòng ban kỹ thuật hoặc tìm một chỗ vắng của xưởng để chuyện phiếm.

Vài hôm sau, xưởng nhận được hợp đồng gia công cuốc xẻng, đội trưởng phân công cho chúng tôi gia công tai cuốc. Đội giao cho nhóm một xe cút kít đầy những mảnh sắt dẹp cắt sẳn kích thước (60x200x3)mm và một sản phẩm mẫu hình chữ U. Công việc của nhóm là uốn mảnh sắt phẳng thành hình U giống như mẫu với đáy tròn bán kính 30mm.

Ở trường bọn mình được học những môn học đỉnh cao của ngành chế tạo máy như: Sức bền vật liệu (thầy Lê Phước Non); Chi tiết máy (thầy Đặng Toàn Thắng); Máy công cụ (thầy Đặng Cự); Dao cắt (thầy Trần Hồng Quân – hiệu trưởng, TS; thầy Bùi Song Cầu – TS; thầy Lê Minh Ngọc – TS); Kim loại học nhiệt luyện (thầy Lê Ngọc Quý, TS); Máy nâng chuyển (thầy Huỳnh Văn Hoàng, hiệu phó, PTS); Thủy lực (thầy Nguyễn Thiện Tống, TS); … mà giờ phải thực hiện công việc rất đơn giản vậy mà làm không xong thì mặt mũi nào mà nhìn thầy cô, bạn bè đây.

Cũng có thể giám đốc xưởng định thử tài mấy anh chị kỹ sư tương lai xử lý tình huống với phương thức sản xuất thô sơ, thủ công, không cần máy móc thiết bị chăng?

Xưởng chỉ giao cho nhóm: búa, đe, kềm và dành riêng một góc trong xưởng có một bàn gỗ bự trên có bàn kẹp (ê tô – éteau) và không kèm hướng dẫn nào hết.

Kiểu này cỡ xừ Đức, xừ Thái mới quai búa làm được chứ mấy trự kia le lưỡi lắc đầu, mà đánh búa từng cái vậy biết khi nào mới xong hết đống sắt kia. Thấy mà ngán.

Bối rối lắm. Cả nhóm đều biết làm không ra thành phẩm đội lại báo ban giám đốc phê vào báo cáo thực tập thì mệt đa.

Hội ý thôi, bạn Thịnh nói: “Để sản xuất chi tiết đơn giản này thực ra chỉ cần làm một khuôn lòng mo làm cối có đường kính 60mm cộng thêm hai lần bề dày mảnh thép (2x3mm), và một đoạn sắt tròn đặc đường kính 60mm làm chày rồi dùng máy ép có động cơ, thậm chí máy ép tay là xong, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Nguyên tắc là vậy nhưng giờ cả nhóm phải thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, bằng những bàn tay mềm mại trước nay chỉ viết, vẽ, kéo thước tính và … viết thư tình.

Không lẽ vô kế khả thi. Bạn Thịnh lại lóe lên giải pháp và trình bày với cả nhóm là chia nhóm thành hai chuyền như sau:

– Chuyền một: bạn Thuận, bạn Thủy có nhiệm vụ vạch lấy dấu theo chiều dài chia miếng thép làm hai.

– Chuyền hai: bạn Thịnh mở miệng bàn kẹp khoảng 70mm, bạn Đức dùng kềm cộng lực giữ miếng sắt sao cho dấu vạch giữa trùng với khoảng giữa miệng bàn kẹp, bạn Thịnh  cầm đoạn sắt tròn đặc fi 60mm để ngay lên vạch dấu của miếng sắt và bạn Thái cứ thế mà nện búa, khi miếng sắt uốn thành hình V thì dừng búa, mở bàn kẹp rộng cho miếng sắt lọt xuống, từ từ xiết bàn kẹp lại tạo được hình U. May mắn là bàn kẹp này cỡ đại tướng mới chịu nổi những cú búa và ép sắt, chứ không là tiêu rồi.

Cả nhóm thống nhất phương án sản xuất, hí hửng lắm và sản phẩm đầu tiên giống y chang mẫu, nếu không đánh dấu không biết mẫu là em nào.

Thành công rồi, cả nhóm cứ thế thẳng tiến, bạn nào mệt thì đổi chuyền, nàng Thủy luôn được ưu ái nhất, không phải đánh búa.

Cũng không nhớ rõ nhóm phải làm bao ngày mới xong, chỉ biết khi xong thì lòng bàn tay của các bạn nam đều phồng giộp do cầm búa. Cái thời sao vừa khó, vừa dại, bao tay bảo vệ cũng không có. Chịu thôi chứ biết làm sao !!!

Sau khi hoàn thành đống sản phẩm, nhóm được cho rèn dao rựa, đục với máy búa. Máy búa tự thiết kế chế tạo (nên ở trường không làm sao có) thay cho đánh búa bằng tay. Mấy bạn nam người nào cũng thích thử vì có cảm giác mạnh, rất đã, mỗi khi chân đè lên cần đạp là búa nện liên hồi, bỏ chân khỏi cần đạp là búa dừng. Chẳng nhớ nàng Thủy có thử máy búa không nữa.

Những lúc giải lao, cả nhóm cũng tám chuyện với các anh, các chú công nhân, bao nhiêu là chuyện, vui lắm. Bạn Đức thường nói chuyện với một bác thợ trước là lính Cộng Hòa, bác biết bạn Đức học nhạc thì hay hỏi có biết bài nọ bài kia không.

Thấm thoát cũng hết ba tuần.

Ngày cuối, nhóm mua bánh, trái cây tổ chức chia tay với nhà máy tại phòng giám đốc, cô Mận cũng đến dự. Thật nhiều lời cảm ơn, rất chân tình, bịn rịn.

Vài hôm trước, bạn Đức cẩn thận lắm, sáng tác bài hát ca ngợi “Nhà máy Nông cụ 1” và bữa nay vừa đàn guitar vừa hát, nhiều lúc bạn hát chữ cụ thiếu dấu nặng, bọn tôi mắc cười quá mà phải nín. Chẳng biết sau này bài “Nông cụ 1” có thành bài hát truyền thống của nhà máy không.

Thật tiếc là nhóm không có tấm hình nào lưu giữ những ngày vui này.

Mươi năm trước có dịp đi qua chốn cũ thì vật đổi sao dời (Hương Lộ 14 nay là đường Lũy Bán Bích), không còn thấy nhà máy đâu nữa. Diện tích khu đất khá lớn, ngay mặt tiền là miếng mồi hấp dẫn nhiều con cá mập nuốt chửng lâu rồi.

Đã bốn mươi mốt năm, nhưng những kỷ niệm vui vẫn còn nguyên đó, nhóm năm người chúng tôi mỗi người một ngã. Mừng vì tất cả đều thành đạt, hạnh phúc và còn vui sống tại Sài Gòn, Cần Thơ. Mong lắm một ngày cả nhóm gặp lại nhau để chụp tấm hình kỷ niệm.

Hợp rồi tan là lẽ thường của tạo hóa, nhưng nhóm chúng tôi lại có cho mình hơn năm mươi bạn của lớp, đều đã có tuổi nhưng tâm không già, mỗi người bạn là một câu chuyện vui, thú vị. Lớp chúng tôi tan nhưng vẫn hợp vì thường xuyên gặp gỡ trên mạng, vẫn vui vẻ, đùa giỡn như khi xưa còn trẻ, những điều đó giúp nuôi dưỡng tinh thần và khiến cuộc sống tuổi sáu mươi của chúng tôi phong phú, nhiều sắc màu hơn.

Thân thương lắm lớp Cơ khí Chế tạo máy CK77 – trường đại học Bách Khoa của chúng tôi.

Ký ức xưa vẫn còn lưu dấu mãi,

Gửi Bạn hiền những kỷ niệm thân thương.

(Nhóm thực tập Nhà máy Nông Cụ 1)