Vì sao lại là “Anh Hai” chứ không là “Anh Cả”? Như thế nào mới là “người Sài Gòn”? Liệu “anh Hai Sài Gòn” và “anh Hai Nam bộ” có điểm gì khác biệt?
“Anh Hai Sài Gòn” là cách gọi vui, thân mật, nhưng cũng thể hiện tính cách phóng khoáng, dám làm dám chịu của dân Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung.
Đến năm 1698, Phủ Gia Định được thành lập, Sài Gòn – Gia Định hình thành từ đó. Chỉ hơn 300 năm nhưng người Sài Gòn đã kịp định hình một bản sắc riêng dễ nhận biết giữa những người của vùng miền khác. Điều này hình thành từ nguồn gốc lưu dân và hoàn cảnh lịch sử xã hội của Nam bộ/Sài Gòn.
Lưu dân người Việt vào Nam bộ trước hết và đông nhất là những người “tha phương cầu thực” vì không có đất đai, không có phương kế sinh sống ở quê hương. Thành phần thứ hai là những người chống đối triều đình, quan lại địa phương bị truy bức nên phải tìm đường trốn tránh. Thứ ba là những tội đồ bị buộc phải ly hương (một hình phạt nặng của thời phong kiến). Ngoài ra, còn có số ít người tương đối giàu có, muốn mở rộng và phát triển việc làm ăn trên vùng đất mới nên nhập vào hàng ngũ lưu dân tới Nam bộ…
Khi Sài Gòn được hình thành như một trung tâm của vùng đất phía Nam thời chúa Nguyễn, một đô thị lớn thời thuộc Pháp thì nơi đây cũng là nơi dân tứ xứ tiếp tục đổ về. Người nhập cư là thành phần hữu cơ của bất cứ đô thị nào, Sài Gòn vốn hình thành từ những lớp “người nhập cư” rồi trở thành “người Sài Gòn”, rồi lại tiếp tục thu nhận và chia sẻ cho những lớp người nhập cư mới.
Chỉ hơn 300 năm thôi, khó có thể nói ai là người Sài Gòn “gốc” bởi nơi đây người ta đến rồi đi, nhiều người ở lại nhưng hàng năm vẫn luôn trở về quê nhà. Một thành phố cởi mở, dung dị, hòa hợp và tôn trọng những cộng đồng khác nhau.
Sống trong những điều kiện lịch sử luôn biến động, người dân Nam bộ/Sài Gòn đã tạo dựng một nếp sống tinh thần ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa, nghĩa khí làm trọng. Người Sài Gòn/Nam bộ sống chung với các dân tộc: Người Khmer hiền hậu, tính cộng đồng thôn xóm cao; Người Hoa chịu khó, giỏi tổ chức sản xuất, buôn bán và tương trợ giúp đỡ trong làm ăn; Người Chăm cần cù, khéo léo…
Sự ảnh hưởng qua lại của văn hóa, lối sống càng làm cho cá tính người Sài Gòn/Nam bộ cởi mở phóng khoáng hơn trong giao lưu, nhạy bén với cái mới, thấm nhuần một tinh thần bình đẳng, nhân nghĩa, bao dung, đồng thời rạch ròi, quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu…
Người Sài Gòn không phân biệt “quê”, “tỉnh”, “đồng hương” hay không, vì vậy nói đến tính cách người Sài Gòn có thể được coi là sự khái quát tính cách người Nam bộ.
Có thể nói, tính cách người Sài Gòn bắt nguồn từ yếu tố, điều kiện thực tế nhất ở Sài Gòn là “LÀM”: “Làm ăn”, “Làm chơi ăn thiệt”, “Làm đại”, “Dám làm dám chịu”… được thể hiện một cách giản dị, thiết thực, “liều lĩnh” nhưng cũng đầy trách nhiệm.
Phác họa đức tính người Sài Gòn
Ở Sài Gòn/Nam bộ, “dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những cái khác, cái mới. Người Nam bộ khá dân chủ trong các mối quan hệ xã hội và cả trong gia đình, từ cách xưng hô (người Nam bộ thường xưng “tui”) đến việc cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng.
Gần đây, một số tờ báo có những bài viết về chủ đề “Thế nào là người Sài Gòn?”, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, người Sài Gòn không chỉ là người “ba đời” sống ở Sài Gòn, càng không phải là người có “hộ khẩu thành phố”, mà là bất cứ ai dù quê ở đâu, sống ít hay nhiều năm tại Sài Gòn. Đó là những con người:
– Năng động nhưng không bon chen.
– Sôi nổi nhưng không ồn ào.- Bình thản nhưng nghĩa hiệp, trượng nghĩa.- Tôn trọng cá nhân nhưng hay làm từ thiện, thích giúp người.
– Chứng kiến điều xấu, là nạn nhân của cái ác nhưng luôn tử tế, vẫn tin người.
– Ăn xài thoải mái, biết tính toán nhưng không tính đếm so đo.
– Sống và chơi nhiệt tình, hết mình với bạn bè.
– Về thăm quê, rồi vào lại Sài Gòn mà cảm giác như về nhà.
– Không chê bai những gì khác mình, thích thì chơi không thích thì thôi, nhẹ nhàng.
– Không định kiến, dễ chấp nhận cái mới.
– Và cuối cùng là không lưu manh, ghét lưu manh.
Chỉ vậy thôi, bất kể người tỉnh nào vùng miền nào, miễn là sống ở Sài Gòn, rồi có tính cách như vậy, thì đó là Người Sài Gòn…Có thể nói đây là những tính cách khá “dương tính”, “hướng ngoại”, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phân tích. Có lẽ vì vậy mà người ta thường gọi người Sài Gòn một cách trìu mến là “Anh Hai Sài Gòn”.
Ở miền Bắc con trai trưởng trong nhà gọi là Anh Cả nhưng miền Nam lại gọi Anh Hai. Vì sao là Anh Hai mà không phải là Anh Cả? Có thể từ vài giả thuyết sau: Chúa Nguyễn Hoàng là người con trai thứ hai của Nguyễn Kim, mở đường vào Nam khai phá nên để tôn trọng ông, người dân gọi người con lớn của mình, trai hay gái, cũng chỉ là (thứ) Hai.
Hoặc, có ý kiến cho rằng, khi có phong trào lưu dân vào Nam khai khẩn, trong gia đình thường để con trai thứ ra đi vì người con trai trưởng có vai trò ở lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Cũng có người cho rằng, trong làng quê Nam bộ xưa có ông Cả (Hương Cả) là người đứng đầu, vì vậy trong các gia đình chỉ có người thứ Hai…