Tự học là kĩ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Đây là một số kinh nghiệm mình đúc kết được sau 10 năm tự học đủ các thứ. Bài viết này sẽ được chia làm 2 phần chính:

1. Ba lý do tại sao chúng ta nên tự học

2. 3 bước mình sử dụng để tự học hiệu quả hơn.

Tại sao chúng ta nên tự học?

Self Taught Entrepreneurship. A Thing? - Humans In Beta - Medium

1. Tiền

Những kĩ năng mới nhất, tiên tiến nhất và có giá trị nhất trên thị trường chắc chắn sẽ không được dạy ở các trường đại học và sẽ có rất ít các khoá học dạy kĩ năng này. 5 năm trước, khi mình mới bắt đầu làm full stack developer, React là công nghệ (library) mới và cách duy nhất để học kĩ năng này là lên mạng tự đọc tài liệu (documentation) và tự học. Mặc dù mình không có bằng đại học về công nghệ thông tin, nhưng bởi vì mình có thể tự học được những công nghệ mới nhất, mình đã kiếm được việc làm lương trên 6 số một năm tại Mỹ,

2. Thời gian

Khi tự học, chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với học tại trường lớp. Thay vì bỏ ra 4 năm học bằng công nghệ thông tin tại trường đại học, nếu sẵn sàng tự học và tham gia một khoá coding bootcamp, bạn có thể kiếm được công việc của một junior developer sau 6 tháng.

Hiện tại, mình muốn học kĩ năng làm youtube video. Nếu mình muốn học kĩ năng này một cách ‘bài bản’, thì cách duy nhất có lẽ làm lên mang kiếm khoá học MC, khoá học quay phim, khoá học edit video … Tuy nhiên, mình sẽ phải phí thời gian học rất nhiều các kĩ năng mình không cần khi học theo các lớp này. Thay vì ỷ lại chờ đợi người khác mang kiến thức ‘dập khuôn’ đến, chúng ta có thể làm chủ việc học của mình.

3. Không có lựa chọn nào khác.

Brazilian Jiu-jitsu (BJJ)

Ngoài ra, cũng có những trường hợp khi tự học là sự lựa chọn duy nhất. Mình đã tập luyện môn võ Brazillian Jiu Jitsu trong 5 năm qua. Sau khi học được môn võ này 2 năm ở bên Mỹ, khi về Việt Nam, bộ môn này vẫn rất mới và tuy có một vài câu lạc bộ dạy Jiu Jitsu, ở Hà Nội không có đai cao nào để dạy cho mình. Vì vậy, mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự học qua các video hướng dẫn trên mạng.

Làm thế nào để tự học hiệu quả hơn?

Đây là một số kinh nghiệm mình rút ra được sau tất cả quá trình tự học của mình. Bất kì khi nào phải tiếp cận việc tự học bất kì môn nào, mình đều sử dụng 3 bước sau đây:

1. Chuẩn bị tâm lý

Bước đầu tiên này có vẻ thừa nhưng nó lại vô cùng quan trọng. Tự học đòi hỏi rất nhiều kỷ luật và nếu mình không thậtsự xác định rõ tại sao mình học môn này và chuẩn bị tinh thần để vượt qua mọi khó khăn trong quá trình tự học thì việc bỏ cuộc giữa chừng sẽ rất dễ xảy ra. Trước khi bắt đầu, mình luôn tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi sau:

a. Xác định cụ thế kĩ năng mình muốn học

Cũng như mọi thứ trong cuộc sống, nếu chúng ta càng biết rõ chúng ta muốn gì thì việc đạt được điều này sẽ càng trở nên dễ dàng. Muốn làm một lập trình viên không đủ cụ thể bằng việc muốn làm một full stack developer. Muốn trở thành một youtuber không đủ cụ thể bằng cách muốn làm một kênh trên youtube về phát triển bản thân với chất lượng sản xuất cao như Matt D’avella hay Thomas Frank. Xác định cụ thể kĩ năng mình muốn học sẽ giúp chúng ta học dễ dàng hơn.

b. Mình muốn đạt được điều gì

Bước tiếp theo là xác định mình muốn gì sau khi tự học. Khi mình muốn học Javascript để trở thành một fullstack developer thì số lượng thời gian, tâm huyết và công sức mình bỏ ra sẽ khác với khi mình chỉ học cho vui thôi.

Ngoài ra, mình luôn cố gắng đặt mục tiêu trong tầm ảnh hưởng. Khi học làm youtube, mình đặt mục tiêu để sản xuất video với một chất lượng nhất định thay vì đặt mục tiêu có một số lượng subscriber hay một số lượng view. Một phần bởi vì chất lượng video là thứ mình có thể kiểm soát 100%, lý do còn lại là bởi vì số lượng người xem sẽ là hệ quả của việc sản xuất video có chất lượng (và SEO). Nếu mình đặt mục tiêu là đạt được một mốc subscriber nhất định sau một thời gian và mình không đặt được mục tiêu này thì chắc chắn mình bị nản.

c. Mình sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu thời gian

Để học bất kì kĩ năng nào, có một khoảng thời gian tốt thiểu hàng ngày / hàng tuần chúng ta phải bỏ ra. Nếu chúng ta bỏ ra ít thời gian hơn mức tổi thiểu này thì việc học kĩ năng này sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Ví dụ, để một người không biết gì về lập trình học Javascript với mục địch làm một web developer thì học một tiếng mỗi ngày sẽ không đủ. Bạn sẽ phải bỏ ra tối 3-4 tiếng mỗi ngày.

Đối với bộ môn Brazillian Jiu Jitsu thì khoảng thời gian tối thiểu để tiến bộ là 3 buổi tập một tuần. Nếu cuộc sống hiện tại không cho phép mình bỏ ra mức thời gian tối thiểu để học kĩ năng này thì mình sẽ không học kĩ năng này nữa hoặc xác định là mình đang chỉ học cho vui.

2. Kĩ thuật đảo ngược (Reverse Engineering)

Sau khi chuẩn bị tâm lý, bước tiếp theo là sử dụng kĩ thuật đảo ngược để tìm các kiến thức mình cần học. Bất kì một kĩ năng phức tạp nào cũng sẽ được tạo nên bởi nhiều kĩ năng nhỏ hơn. Nếu mình muốn làm youtube thì mình sẽ cần kĩ năng nói tự tin trước camera, kĩ năng quay phim, kĩ năng edit video, làm SEO … Nếu mình muốn làm một web developer thì mình cần biết HTML, CSS, Javascript, React, responsive web design …

Nguyên lí Pareto (Pareto Principle) là gì? Áp dụng nguyên lí ...
Theo nguyên lí Pareto, 20% kiến thức sẽ mang lại 80% kết quả

Sau khi xác định được các kiến thức cần học thì mình sẽ sử dụng nguyên lí Pareto để lựa chọn các kiến thức hiệu quả nhất để học trước và loại bỏ những phần không hữu ích.

Trong lập trình, đối với công việc làm một front end developer chẳng hạn, lý do tại sao các khoá học coding bootcamp có thể huấn luyện cho học sinh sẵn sàng với công việc trong vòng 3 tháng bởi vì giáo trình chỉ lựa chọn ra các kĩ năng hữu ích nhất (và dạy cho học sinh kĩ năng tự học).

Cụ thể hơn, (đọc đoạn sau nếu bạn không quan tâm đến ví dụ lập trình) để làm một front end developer, bạn không thận sự cần biết nhiều về algorithm, data structure, các loại toán nâng cao mà được dạy ở trường đại học. Phần 20% kiến thức hữu ích nhất là Javascript, React (hoặc các framework trên JS), responsive web design ..

Một cách khác để giải thích ý này:  Nếu chúng ta cần học lái tên lửa, bình thường, khi đi học,  chúng ta sẽ bị bắt học đi xe đạp, đi xe máy, lái ô tô, lái tàu …. rồi cuối cùng mới được học lái tên lửa. Tuy ‘bài bản’, những khả năng lái các phương tiện kia đâu có thực sự giúp ích cho kĩ năng chúng ta cần.

3. Học qua các dự án nhỏ (mini project) phù hợp

Bước quan trọng nhất của bất kì chương trình học nào là phần thực hành. Nếu mình chỉ lên mạng và ngồi xem video, đọc các hướng dẫn thì việc tự học sẽ không hiệu quả một chút nào. Để tự học hiệu quả, chúng ta phải chọn lựa các mini project phù hợp với khả năng của bản thân.

Khi mình mới bắt đầu làm Youtube, vì mình không biết gì về quay phim và cũng không có kinh nghiệm gì về việc nói trước camera, video đầu tiên mình làm sẽ là kiểu video đơn giản nhất: bật điện thoại lên và bắt đầu quay. Sau khi mình bắt đầu quen hơn với việc nói trước camera thì mình mới có thể học các kĩ năng khác như sắp xếp studio, chỉnh màu, edit, SEO … Các bạn có thể xem sự thay đổi từ từ mình áp dụng trong các video ở channel của mình

Flow: The Psychology of Optimal Experience (Harper Perennial ...

Khi chúng ta tự học, chúng ta muốn tìm được cảm giác flow càng nhiều càng tốt. Trong cuốn sách Flow của Mihaly Csikszentmihalyi, flow là cảm giác ‘cuốn’, khi thời gian trôi rất nhanh khi chúng ta làm một việc gì đó. Yếu tố quan trọng nhất để đạt được flow trong công việc đó là lựa chọn công việc với độ khó phù hợp. Nếu việc quá khó thì chúng ta sẽ bị nản, còn nếu việc quá dễ thì chúng ta lại cảm thấy nhàm chán.

Việc khó nhất khi tự học là lựa chọn các project phù hợp với khả năng của mình hiện tại. Gần đây khi mình học youtube thì mình vẫn bị tham và cố làm video phức tạp như mình làm bây giờ khi mới bắt đầu. Kết quả là mình làm được 1/3 video thì đã bỏ cuộc và bị sợ làm video trong 3 tháng liền.