Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

Theo các chuyên gia, Ca trù dưới hình thức ngày nay đã bắt đầu có từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ (hay Đinh Dự theo một số Giáo phường) sáng chế ra. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã ngày càng thâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống quá khứ và khẳng định tư cách độc lập và độc đáo của nó trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc.

Trong nghệ thuật Ca trù, thanh nhạc và khí nhạc luôn đi song song với nhau và mỗi loại đều có nét đặc thù. Về thanh nhạc, ngoài hát tuồng có những kỹ thuật phong phú và độc đáo, còn các bộ môn ca nhạc cổ truyền khác đều không có kỹ thuật thanh nhạc phức tạp, tinh vi như ca trù. Thể hiện rõ nhất là khi đào nương cất tiếng hát, kỹ thuật hát rất điêu luyện, không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Hát trong cửa đình không cần ngân nga. Hát chơi có cách đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người.

Về khí nhạc, ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt, đó là: Đàn đáy, phách và trống chầu. Ba nhạc cụ cơ bản này gắn liền với ba nhân vật quan trọng trong một cuộc hát, đó là: Kép (nam giới) – nhạc công chuyên chơi đàn đáy; đào nương – ả đào (nữ giới) – hát và gõ phách và quan viên cầm chầu là người đánh trống.

Nghệ thuật Ca trù diễn ra trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các hình thức hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư, hát chơi, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước trong khuôn khổ của việc đón tiếp ngoại giao. Quá trình này gắn liền với hoạt động của tổ chức giáo phường (sinh hoạt và tổ chức giáo phường), cũng như các nét đẹp trong sinh hoạt và quan hệ trong các giáo phường Ca trù.

Một số tác phẩm nổi tiếngBài bản ca trù có nhiều loại. Phổ thông nhất là hát nói, một thể văn vần có tính cách văn học cao. Những bài hát nói nổi tiếng phải kể đến: Cao Bá Quát với “Tự tình”, “Hơn nhau một chữ thì”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Nhân sinh thấm thoắt”…; Nguyễn Công Trứ với “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Trần ai ai dễ biết ai”…; Dương Khuê với “Hồng hồng, tuyết tuyết” tức “Gặp đào Hồng đào Tuyết”; Chu Mạnh Trinh với “Hương Sơn phong cảnh ca”; Tản Đà với “Gặp xuân”,“Xuân tình”, “Chưa say”; Nguyễn Khuyến với “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ”; Nguyễn Thượng Hiền với “Chơi chùa Thày”; Trần Tế Xương với “Hát cô đầu”… Ngoài ra còn có những làn điệu cổ điển khác như “Tỳ bà hành” (bản diễn Nôm của Phan Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị); những điệu huê tình, gửi thư, bắc phản, hát giai… cũng thuộc thể ca trù.

Về ca từ: Lời lẽ, ca từ trong nghệ thuật Ca trù mang tính uyên bác, ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Ca trù có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi anh hùng, triết lý giáo huấn… đã thu hút sự tham gia sáng tác, thể nghiệm tài năng của nhiều văn sĩ và trí thức. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách… mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Về thể cách: Trong nghệ thuật Ca trù, sự độc đáo không chỉ thể hiện ở việc sử dụng khí nhạc, mà nó còn thể hiện trong các thể cách – các làn điệu hát, hình thức diễn xướng múa, diễn, nghi lễ…. Tư liệu Hán Nôm đã ghi nhận 99 thể cách với 66 điệu thuần túy hát/nói/ngâm và 33 điệu có kèm diễn xuất tổng hợp trong nghi lễ hát múa diễn. Có thể kể ra đây một số thể cách ca trù phổ biến, còn lưu lại đến ngày nay: hát nói, đọc phú, giáo trống, giáo hương, thét nhạc, ngâm thơ, hát truyện, bắc phản, Tỳ bà hành, hát giai, hát ru, non mai, hồng hạnh, hát mưỡu, chừ khi, đại thạch, hồi loan, gửi thư… Sự phong phú của các thể cách Ca trù có thể được giải thích bởi sự đa dạng trong lối hát và hình thức biểu diễn của nghệ thuật này.

Trong nghệ thuật hát Ca trù, đào nương chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bởi chính họ là người truyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp Ca trù tồn tại cho đến ngày nay.

Ngày 01/10/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 02/10/2009), Ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố.Việc Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đòi hỏi chúng ta không ngừng gìn giữ, bảo tồn và phát huy để loại hình nghệ thuật này có cơ hội toả sáng hơn nữa.

.