Nếu so sánh nền văn học của một quốc gia như là phần trí tuệ và tình cảm của một con người thì việc in sách, phát hành sách, việc mua bán sách lại có thể ví như chuyện ăn uống, tiêu hóa, dinh dưỡng cho cơ thể của con người đó. Ít ra cái này cũng là điều kiện sinh tồn cho cái kia. Sách viết ra mà không có nhà xuất bản coi sóc in ấn, không có nhà phát hành phân phối để tới tay người dân mua về đọc và thưởng thức, thì coi như cuốn sách đó chưa hiện hữu trong đời sống của một quốc gia, của một cộng đồng.

Thưa quý vị, chắc chắn rằng nghiên cứu về chính nền văn học của thời 1954 đến 1975 của miền Nam thì có phần dễ hơn là tìm hiểu một phần nào về việc in, xuất bản và phát hành sách của thời đó. Lý do là sách vở báo chí của thời Việt Nam Cộng Hòa miền Nam dù sao cũng còn có thể tìm lại dễ dàng, còn chuyện làm sao một bản thảo biến thành một cuốn sách, làm sao cuốn sách ấy tới tay người đọc thì chẳng có một tài liệu chính thức nào cả. Những điều chúng tôi sắp trình bày là một bức hình ghép từ nhiều mảnh ký ức, trước hết từ một số người đã làm công việc xuất bản thời trước 1975 như ông Võ Thắng Tiết (tức thầy Từ Mẫn), nguyên giám đốc nhà xuất bản Lá Bối, như ông Trí Đăng nguyên giám đốc nhà xuất bản Trí Đăng, và bà Võ Phiến là người trực tiếp điều hành nhà xuất bản Thời Mới. Một số người không làm công việc xuất bản nhưng rất gần gũi với thế giới sách vở, như chị Phạm Lệ Hương thời đó trông coi thư viện của Đại Học Vạn Hạnh và là thành viên của Hội Thư Viện Việt Nam; như nhà thơ Thành Tôn người có rất nhiều kinh nghiệm về việc phát hành sách ở miền Trung, đồng thời cũng là nhà sưu tầm hiện lưu giữ khá nhiều tài liệu liên quan đến sách vở miền Nam thời 1954-75, trong đó có việc xuất bản và phát hành. Tôi xin chân thành cám ơn những thân hữu vừa kể, vì không có họ, tôi khó có thể ngồi mà “sáng tác” ra một bài thuyết trình với những con số, những sự kiện cụ thể của một thời cách đây trên dưới nửa thế kỷ.

Điều cần nói trước tiên, ngành xuất bản của miền Nam thời trước 1975 là một hoạt động gần như là hoàn toàn tư nhân. Trừ một vài việc xuất bản do chính quyền làm như Trung Tâm Học Liệu thuộc bộ Giáo Dục hay một số sách vở tài liệu do bộ Thông Tin ấn hành, còn lại cả một khối lượng sách và báo khổng lồ đáp ứng cho việc học hành, nghiên cứu, giải trí cho gần 20 triệu dân từ bờ nam sông Bến Hải cho đến mũi Cà Mau đều do tư nhân soạn thảo, biên khảo, sáng tác, in ấn, xuất bản, phát hành. So với tình hình xuất bản trong nước Việt Nam từ 1975 đến nay tất cả đều do chính quyền nắm giữ, chúng ta thấy tình hình xuất bản như thế của Miền Nam trước 1975 là điều rất lạ, nhưng thật ra trên khắp thế giới, trừ những quốc gia độc tài toàn trị, cung cách sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm tinh thần đều như vậy cả. Đó là sinh hoạt tự nhiên của một xã hội tự do.

Nhưng miền Nam của chúng ta vào thời gian 1954 tới 1975 ở trong một tình thế căng thẳng giữa hai phe quốc gia và cộng sản nên sự tự do về xuất bản cũng có phần bị hạn chế. Thời gian từ 1954 cho đến 1975 sách xuất bản phải được kiểm duyệt. Thời Đệ nhất Cộng hòa bản thảo sách phải nộp cho bộ Công Dân Vụ, thời Đệ nhị Cộng hòa nộp cho bộ Thông Tin, nơi đây có nhân viên xem xét kỹ, gạch bỏ những câu chữ không thích hợp, và mỗi trang được thông qua đều có chữ ký của nhân viên kiểm duyệt và con dấu của bộ liên hệ. Nên lưu ý: sở dĩ phải có kiểm duyệt là vì đang có cuộc chiến tranh lạnh (và dần dần nóng lên) giữa hai miền Nam Bắc. Chủ yếu sự kiểm duyệt là nhằm ngăn ngừa tuyên truyền của phía đối phương (cộng sản), chứ hoàn toàn không nhằm hạn chế sự phát triển tự do của trí tuệ con người. Và một khi bản thảo được kiểm duyệt xong, tác giả lãnh bản thảo về, có thể bắt đầu công việc xuất bản. Từ phần này trở đi thì hoàn toàn là tư nhân, theo các quy luật của thị trường.

Hình ảnh một tập bản thảo được kiểm duyệt thời Đệ nhất Cộng hòa: tập thơ Giòng Mắt Em Xanh của Tạ Ký, 1961:

Bìa tập thơ Giòng Mắt Em Xanh của Tạ Ký đã được kiểm duyệt:
có chữ ký của nhân viên kiểm duyệt và con dấu của bộ công Dân Vụ.
Chữ “Trả” có nghĩa là giao lại cho tác giả (sau khi đã kiểm duyệt xong).

Mỗi bài thơ được thông qua đều có chữ ký và con dấu kiểm duyệt.

 

Hình ảnh một đoạn thơ bị kiểm duyệt bỏ: các câu thơ bị gạch xóa
bằng bút chì đỏ với chữ ký của nhân viên kiểm duyệt đè lên trên.

Sau đây tôi xin tóm lược một tài liệu khá đặc biệt về nghề xuất bản sách tại Việt Nam Cộng Hòa, vì nó được soạn ra một cách chuyên nghiệp vào cuối năm 1974 bởi ông Lê Bá Kông, Chủ tịch Hội Các nhà in và Xuất bản Việt Nam. Đây là bài nói chuyện bằng tiếng Anh do tác giả trình bày trong cuộc hội thảo quốc tế về “Vấn đề kinh tế của việc sản xuất, ấn loát và phát hành sách” được tổ chức ở Manila (Philippines) từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 11 năm 1974. Nguyên văn Anh ngữ của bài này đã được đăng trên báo Saigon Post ngày 9-10 tháng 12 năm 1974, và sau đó được chị Phạm Lệ Hương dịch sang tiếng Việt để đăng trên Thư Viện Tập San, một nội san của Hội Thư Viện Việt Nam trước 1975.

Theo ông Lê Bá Kông, vào thời điểm cuối năm 1974 VNCH có khoảng 180 nhà xuất bản lớn nhỏ, tất cả được thành lập không cần xin phép chính quyền, trong đó chỉ có một số ít hoạt động chuyên về ngành xuất bản một cách có phương pháp và thường xuyên. Nếu chúng ta nhớ lại thì có thể kể ra một số nhà xuất bản thuộc loại này: Khai Trí, Giao Điểm, Lá Bối, Trường Thi, Trí Đăng, Sống Mới, Nam Cường. Ngoài ra rất nhiều nhà xuất bản là do một nhóm hoặc cá nhân các nhà văn nhà giáo tự đứng ra làm với số vốn đầu tư khá khiêm nhường, nhưng có ưu điểm là ấn hành được những quyển sách mà mình mơ ước hay yêu thích, và cũng đáp ứng cho một thành phần độc giả tương ứng trong xã hội. Thời đó người ta gọi đây là những nhà xuất bản “cò con”. Ví dụ nhà Thời Mới của ông bà Võ Phiến đã cho ra đời Những Hạt Cát của Thế Uyên, Mù Sương của Nguyễn Xuân Hoàng, Đêm Tóc Rối của Dương Nghiễm Mậu, Mèo Đêm của Thụy Vũ, Thở Dài của Túy Hồng, Triết Học Hiện Sinh của Trần Thái Đỉnh, Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, Hình Như Là Tình Yêu của Hoàng Ngọc Tuấn, Thơ Trắng của Đỗ Tấn và dĩ nhiên các tác phẩm của Võ Phiến như Thư Nhà, Lại Thư Nhà, Đất Nước Quê Hương, Một Mình, Văn Học Nga Xô hiện đại v.v… Cũng có nhà xuất bản chuyên in sách của một số tác giả gần như nhất định, ví dụ An Tiêm in tất cả tác phẩm của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn v.v… Trường hợp Trí Đăng thì khởi nghiệp bằng một nhà in rồi sau mới thành nhà xuất bản, thoạt đầu in sách văn học như Phi Lạc Sang Tàu của Hồ Hữu Tường, Nhốt Gió của Bình Nguyên Lộc, Chiếc Cầu Trên sông Drina do Nguyễn Hiến Lê dịch, Thương Hoài Ngàn Năm của Võ Phiến… và đặc biệt các tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Mộng Giác. Ông giám đốc của nhà Trí Đăng hiện cư ngụ tại San Jose nhớ lại là ông không thành công lắm với việc xuất bản sách văn học, nên chuyển sang kinh doanh sách giáo khoa với sự hợp tác của một nhóm giáo sư của trung học Petrus Ký thì công việc làm ăn rất khả quan. Năm 1974 khi có tin thi Tú tài sẽ theo lối trắc nghiệm, Trí Đăng đã xuất bản bài thi mẫu theo lối mới này và đã đạt được thành công lớn.

Trong cái nhìn tổng quát của ông Lê Bá Kông thì làm xuất bản cò con nếu có thành công thì cũng trong mức độ nhỏ, vì phần lớn người điều hành còn thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp và vận động thị trường, về quảng cáo.

Trong bài thuyết trình của mình ông Lê Bá Kông cho biết tại VNCH có khoảng 700 nhà in, trong đó chỉ có độ 20 nhà có khả năng sản xuất được một triệu cuốn sách trong một năm. Ba phần tư trong tổng số nhà in này tọa lạc tại vùng Sài Gòn. Hầu như tất cả vật phẩm dùng cho việc ấn loát đều được nhập cảng từ nước ngoài, thống kê cho thấy năm 1973 giấy sản xuất trong nội địa được 2236 tấn, và phải nhập cảng thêm 40,751 tấn mới đủ cho nhu cầu in ấn. Riêng về mực in thì có ba nhà sản xuất nội địa cho sản phẩm đúng tiêu chuẩn, cung cấp đủ cho ngành ấn loát trong nước. Về kỹ thuật ấn loát thì phần lớn cũ kỹ, trừ một số nhà in tân tiến mới được nhập cảng vào khoảng cuối thập niên 1960 có khả năng in sách đẹp không kém sách của Nhật, Singapore hay Hong Kong.

Về phát hành ông Lê Bá Kông cho rằng còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Mỗi một sơ sở xuất bản có một đường lối phát hành và phương tiện chuyên chở bằng xe đò hay máy bay tùy khoảng cách xa gần của các tỉnh mà họ phân phối sách. Ông cho biết theo điều tra năm 1971-72 VNCH có khoảng 2,500 nhà sách lớn nhỏ trên toàn quốc, trung bình mỗi tỉnh có  từ 15 đến 20 nhà, số còn lại tập trung tại Sài Gòn Gia Định. Hàng ngày trung bình một hiệu sách lớn tại trung tâm Sài Gòn có khoảng 5000 khách hàng đến viếng, và có khoảng 3000 cuốn sách các loại được bán ra.

Về thư viện thì trên nguyên tắc mỗi tỉnh hay mỗi quận đều có một thư viện công cộng với đầy đủ sách báo cho độc giả sử dụng. Trong thực tế các thư viện này thường than phiền họ không được cung cấp đủ tài chánh để mua sách báo cho độc giả. Bên cạnh đó có một mạng lưới “thư viện” dân giã suốt từ Sài Gòn đến các địa phương xa xôi nhất, hoạt động rất tích cực và hữu hiệu, đó là các tiệm cho thuê sách. Thống kê cho biết trên toàn quốc có khoảng 3000 nhà cho thuê sách, giá thuê cho một lần đọc chỉ bằng 10% giá cuốn sách. Ông Lê Bá Kông gọi đây là một tệ trạng, nhưng theo ý chúng tôi thì không hẳn như vậy. Trước hết, nhà cho thuê sách muốn có sách cho thuê thì phải mua, và cứ đổ đồng mỗi nhà chỉ mua một cuốn sách mới xuất bản thôi, thì mỗi đầu sách vừa phát hành ít nhất cũng bán được trên dưới 3000 cuốn cho các nhà cho thuê sách rồi. Đây là con số gần như chắc chắn, đó là chưa kể ít có nhà cho thuê sách nào chỉ mua một cuốn mới xuất bản, nhất là các cuốn đang được quần chúng mong đợi. Theo chúng tôi, cho thuê sách trong tình trạng xã hội miền Nam trước kia không những không làm hại gì cho việc xuất bản, mà trái lại đã giúp cho việc tiêu thụ sách một số lượng chắc chắn, và từ đó đã đem sách vở đến với dân chúng trong vùng một cách thường xuyên, nhất là lớp người rất đông đảo không đủ tiền để mua sách, nhưng ham đọc sách; họ có thể có sách đủ loại để đọc với giá đi thuê rất rẻ. Quý vị đừng tưởng các nhà cho thuê sách chỉ mua những cuốn có giá trị xoàng xoàng thích hợp với sự giải trí của độc giả bình dân. Không phải vậy, những nhà cho thuê sách lâu năm trong nghề biết rất rõ khách hàng của họ cần sách rất đa dạng, và họ mua đủ mọi loại, từ các cuốn kiên khảo văn học, triết học, lịch sử khô khan đến những tiểu thuyết diễm tình hay kiếm hiệp gay cấn. Thậm chí nhiều học sinh gia đình không được khá giả còn có thể thuê sách giáo khoa, sách luyện thi, thậm chí tự điển nữa, để dùng cho việc học.

Bài thuyết trình của ông Lê Bá Kông còn đề cập nhiều vấn đề như sách nhập cảng, sự quan tâm chưa đúng mức của nhà cầm quyền về xuất bản và phát hành sách thời đó v.v… nhưng chúng tôi xin lướt qua, chỉ xin ghi thêm hai vấn đề:

Thứ nhất, về “đạo tặc sách” (book piracy): tức sự vi phạm quyền tác giả. Cho tới năm 1972, các tòa án tại Việt Nam còn áp dụng các luật lệ từ thời Pháp thuộc, với vài bộ luật từ năm 1880, rất lỏng lẻo với tình trạng vi phạm quyền tác giả. Năm 1970 ông Lê Bá Kông có dịp đi thăm Nhật Bản và được biết về Luật Bản Quyền Tác Giả của Nhật. Khi về nước ông gửi bản sao của luật này đến các nhà làm luật cùng những cơ quan liên hệ của chính quyền, với thỉnh nguyện xin ra một tu chính luật về bản quyền tác giả cho Việt Nam. Kết quả là năm 1972 một vài kẻ đạo tặc sách đã bị Tòa án kết tội phải bồi thường tới hàng triệu đồng và bị phạt tù nhiều tháng.

Thứ hai, một bản thống kê với biểu đồ về tình hình xuất bản tại Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 tới 1972, như sau:

Thưa quý vị, thời gian từ 1954 cho đến 1975 còn một cách viết sách, xuất bản và phát hành rất đặc biệt nữa, mà tôi nghĩ sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới. Đó là các tiểu thuyết feuilleton trên báo hàng ngày. Chúng ta biết báo chí Việt Nam bắt đầu xuất bản ở trong Nam trước, từ năm 1865 tờ Gia Định báo đã ra đời, trong khi tại đất Bắc tờ Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh mãi đến năm 1913 mới ra mắt bạn đọc. Và từ đầu thế kỷ 20, báo chí Nam Kỳ đã bắt chước kiểu đăng tiểu thuyết feuilleton của người Pháp, tức tiểu thuyết đăng từng kỳ trên báo. Truyền thống này còn giữ mãi trong báo chí miền Nam, ngày càng phong phú, đa dạng cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ 1954 các cây bút như Phú Đức, Ngọc Sơn, An Khê, Bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên… viết truyện đăng báo từng kỳ theo truyền thống của miền Nam vẫn tiếp tục trên báo chí. Một số tác giả miền Bắc vào Nam cũng viết feuilleton, như Hoàng Hải Thủy với rất nhiều truyện phóng tác, Nguyễn Thụy Long với Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen v.v… Phần nhiều họ viết mỗi ngày, vừa đủ để làm đầy chừng một phần tư hoặc một phần ba trang báo, và nếu có khả năng, một tác giả có thể viết nhiều tiểu thuyết trong một lúc cho nhiều tờ báo khác nhau. Truyện dịch Kim Dung thì báo nào cũng tranh nhau để có sớm nhất, người ta canh giờ máy bay từ Hồng Kong đến Sài Gòn để nhận báo bên ấy gửi về, đem dịch và đăng ngay, vì biết bao nhiêu là độc giả đang chờ đợi. Với tiểu thuyết feuilleton, khi báo phát hành thì một phần cuốn tiểu thuyết (sẽ hoàn thành) của các tác giả cũng coi như được “xuất bản” và phát hành đi khắp nước. Sau khi báo đã đăng hết truyện thì một thời gian sau tác giả sẽ in thành sách để xuất bản, như thế một tác giả khi viết truyện đăng báo thì đã ăn lương của tòa báo, khi in thành sách thì lại có tiền bán sách.

Miền Nam có nhiều nhà xuất bản và làm ăn theo kinh tế thị trường nhưng tình trạng cạnh tranh gay gắt thì hầu như không có, vì mỗi nhà chuyên một loại sách riêng, và mỗi nhà đều giữ cái cung cách trí thức và văn nghệ trong việc “làm ăn” của mình. Nếu gọi là cạnh tranh, đó chỉ là cố gắng nâng cao phẩm chất về nội dung và hình thức sách của mình, về cách tiếp thị và phải coi trọng việc phát hành (độc giả mỗi vùng đa số thích một loại sách khác nhau: chẳng hạn, vùng Lục Tỉnh thường ưa loại tiểu thuyết xã hội của bà Tùng Long, Lê Xuyên…; vùng miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên thích sách dịch và các tác giả mới v.v…).

Có những sách bán chạy vì lý do thời thượng. Có thời cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện được tiêu thụ rất mạnh, chàng sinh viên nào cũng hay mang theo mình một cuốn như là một trang bị làm chứng cho trình độ trí thức của mình. Có thời cuốn Tâm Tình Hiến Dâng do Đỗ Khánh Hoan dịch thơ Tagore bán rất chạy, chỉ vì cái nhan đề Tâm Tình Hiến Dâng rất thích hợp cho những người nam nữ trẻ tuổi mua để tặng nhau…

Tiếp theo đây là một số ghi nhận khác về tình hình xuất bản và phát hành tại miền Nam trước 1975.

Nhà văn Võ Phiến, trong bài viết “Nhìn lại 15 năm văn nghệ Miền Nam” đăng trên báo Bách Khoa số 361 – 362 ngày 15-1 và 1-2-1972 đã viết: “Thời 1954-63 (…) đã có một loạt tên tuổi xuất hiện vào những năm ấy: Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyên Sa, Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Thế Uyên v.v. và những tên tuổi ấy vẫn chưa được thay thế, từ 63 đến nay [danh sách này tác giả đã quên liệt kê một tên tuổi đáng kể, là Võ Phiến – PPM]. Nhà văn Võ Phiến nhận định tiếp:

“Giới trẻ từ ấy đến nay -trong nước cũng như trên thế giới-  đã gây nhiều xáo động sâu xa về mặt xã hội và chính trị; nhưng giới trẻ ở ta chưa nắm được thế chủ động trong sinh hoạt văn học. Không phải lớp sau này có gì thua sút: thiết tưởng đem từng người ra so sánh thì làm thơ mà phóng khoáng như Nguyễn Đức Sơn, viết truyện mà tài hoa đến như Hoàng Ngọc Tuấn, mà chín chắn như Nguyễn Mộng Giác v.v… ở thời nào cũng hiếm. Vậy mà họ không gây được phong trào, không quấy động được dư luận, họ không được chú ý như các người viết trước mươi lăm năm, trong những nhóm Sáng Tạo, Quan Điểm.” (Hết trích)

Ông Phạm Việt Tuyền, trong bài thuyết trình trong khóa hội thảo về Sách tổ chức tại Thư viện Quốc gia (Sài Gòn) trong ba ngày 6, 7, 8 tháng 9 năm 1972, sau khi đưa một cái nhìn khá sâu sát về tình hình sách vở trong 18 năm, từ 1954 đến 1972, đã có những lời nhắn gửi đến:

1. Những nhà cầm bút: “… chúng ta cần phải viết ‘sách cho mọi người’ như UNESCO đã hô hào, trước tiên và nhiều nhất là cho những đám đông nhi đồng, những đám đông thanh niên thiếu nữ, những khối đồng bào nông dân ngư dân, những khối đồng bào thợ thuyền, lao động, những khối đồng bào quân nhân, cán bộ… Muốn được như vậy, chúng ta phải thoát ly những hòn đảo lẻ loi như phòng trà, quán rượu để dấn thân vào những môi trường sinh hoạt rộng lớn náo nhiệt như đồng ruộng, như chiến trường, như bến tàu, bến xe, xưởng máy, lều chợ v.v…” Ông Phạm Việt Tuyền cũng nêu cao vai trò của nhà phê bình, là những người nêu cao ngọn đuốc ý thức về các tác phẩm, và phần nào cũng ảnh hưởng tới giới xuất bản và phát hành sách, cũng như với nhà cầm quyền và độc giả nói chung.

2. (Lời ông Phạm Việt Tuyền nhắn với) Các nhà xuất bản và các nhà in sách: “… mong rằng các nhà xuất bản và nhà in nên quan tâm nhiều hơn để trả tác quyền cho xứng đáng và gọn gàng mau mắn, ấn loát sớm các bản thảo đã nhận in và trông coi sửa bản vỗ cho thực đúng.” Ông cũng kêu gọi tránh những cạnh tranh gây tai hại chung.

3. (Vẫn lời ông Phạm Việt Tuyền nhắn với) Các nhà phát hành và các nhà bán sách: “Sách có tới tay bạn đọc hay không là do các nhà phát hành và các nhà bán sách.” Ông thông cảm với các khó khăn của ngành phát hành và bán sách, đồng thời lên án những lối cạnh tranh bất chánh của bọn đầu cơ các sản phẩm văn hóa và nạn cho thuê sách mà ông cho là có hàng ngàn tiệm ở khắp nơi.

Ngoài ra trong phần nhắn gửi chính quyền, điểm quan trọng nhất ông nhấn mạnh là “bãi bỏ chế độ kiểm duyệt sách để gây tinh thần hào hứng cho giới cầm bút, cho giới xuất bản và cho các giới độc giả.”

Thưa quý vị, nhìn suốt thời gian 20 năm của chế độ quốc gia ở miền Nam, chúng ta đều có thể đồng ý là biến cố đảo chánh lật đổ nền đệ nhất cộng hòa là một dấu mốc quan trọng trong nhiều sinh hoạt của quốc gia. Từ năm 1954 sau khi cuộc kháng Pháp 9 năm chấm dứt, miền Nam đã trở thành một quốc gia với nền Cộng Hòa mới, và mang cái náo nức của công cuộc xây dựng một đời sống vật chất và tinh thần mới, với đồng bào từ Bắc di cư, với miền Trung vừa thoát sự kiểm soát của cộng sản cả một vùng liên khu tư và liên khu 5. Một loạt tác giả mới xuất hiện, với quan niệm phải đổi mới văn học, phải tránh đi trên vết mòn của thời tiền chiến. Thật là một thời khởi sắc trong khuôn khổ một quốc gia nề nếp và nghiêm chỉnh.

Sau năm 1963, riêng đời sống của báo chí và văn học có phần rộn rịp hẳn, và mang nhiều sắc thái mới. Nếu thời đệ nhất cộng hòa đậm nét ảnh hưởng của văn nghệ tây phương thì đệ nhị cộng hòa khuynh hướng đông phương có vẻ trỗi dậy, về mặt sáng tác cũng như khảo cứu, trong đó Phật giáo có vai trò rõ hơn so với thời kỳ trước. Nhật báo, tạp chí ra nhiều hơn, các nhà xuất bản cũng thế. Nhưng cũng trong thập niên 1960 nhịp độ chiến tranh ngày một nặng nề, ảnh hưởng rõ rệt đến thái độ của người cầm bút, và bom đạn cũng lấy đi mạng sống của nhiều tác giả trẻ đang cầm súng ở chiến trường.

Xuất bản và Phát hành sách vở của một xứ sở là phần nổi của sinh hoạt trí thức nói chung, và riêng đối với văn học nó cũng phản ảnh tình hình sáng tác của giới cầm bút và việc đọc sách của dân chúng. Với một cái nhìn tổng quát, nhờ một nền giáo dục dân tộc và khai phóng –tôn trọng quá khứ, cởi mở trong hiện tại và khuyến khích đi tìm những chân trời mới– tình hình viết và đọc của miền Nam của chúng ta không tệ, nhiều lúc có thể nói rất náo nhiệt đầy sức sống, mặc dù chiến tranh ngày càng nặng nề.
Đến đây tôi xin nhường lời để các diễn giả khác đào sâu về chính nội dung nền văn học của miền Nam, vì đó mới thực sự là điều chúng ta cần tìm hiểu trong cuộc hội thảo này.