Một số người đoán có lẽ đó là một vị Tổng thống nào đó của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (!)

Nhiều người Việt rất “mê” tờ 100 đô-la của Mỹ, nhưng chắc không mấy ai tò mò tự hỏi:

Chân dung trên tờ tiền 100 đô-la này là ai?

Một số người đoán có lẽ đó là một vị Tổng thống nào đó của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thực ra đó không phải chân dung của Tổng thống nào của Hoa Kỳ, mà là chân dung của một người đóng vai trò quan trọng trong Lịch sử Hoa Kỳ còn hơn hầu hết các Tổng thống.

Đó là một người khổng lồ của lịch sử nhân loại. Một người đa tài. Một nhà phát minh và sáng chế hàng đầu. Một nhà kinh doanh tài ba. Một nhà tư tưởng xuất sắc. Một chính khách lỗi lạc. Một trong những “Người Cha Lập Quốc” (Founding Fathers) (Không phải là loại “cha già dân tộc!?” thường nghe thấy!) và là một anh hùng dân tộc của Hoa Kỳ. Trong lịch sử nhân loại khó có ai có thể sánh được về tài năng và ảnh hưởng với con người này.

Ông là BENJAMIN FRANKLIN.

Ông Benjamin Franklin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại thành phố Milk, Boston. Cha Ông, Josiah Franklin, là người làm nến, xà phòng và bán hàng tạp hóa… Mẹ ông là vợ thứ hai của Josiah Franklin.  Benjamin Franklin là con thứ 15 trong 17 người con của ông Josiah Franklin.

Do việc làm ăn của người cha sa sút, năm lên 10, Benjamin (gọi tắt là Ben) buộc phải thôi hẳn việc học ở trường. Năm 12 tuổi, Ben bắt đầu làm công việc của một thợ in cho xưởng in của anh trai là James Franklin. Do ham học, cậu đọc ngấu nghiến mọi thứ sách báo cậu có được.

Năm 1721, James Franklin lập ra một tờ báo lấy tên là “New England Courant.” Đây được coi là tờ báo độc lập đầu tiên ở xứ sở này. Khi đó, Ben tỏ ý muốn làm một người viết bài cho báo nhưng bị từ chối. Cậu bèn gửi bài theo bưu điện với bút danh là Mrs Silence Dogood, giả danh như của một mệnh phụ. Và thật bất ngờ, những bài của cậu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nó nêu ra những vấn đề xã hội mà rất nhiều thành phần quan tâm. Tuy nhiên, James đã rất khó chịu khi phát hiện ra tác giả của những bài viết này chính là thằng oắt em trai mình!

17 tuổi, Benjamin Franklin bỏ nhà tới Philadelphia để tìm việc làm. Những năm sau đó, chàng trai phải vật lộn mưu sinh. Chứng kiến sự trì trệ của xã hội, năm 1727, Benjamin Franklin lập ra một hội lấy tên là “Junto,” gồm “những người thợ và thương nhân hy vọng hoàn thiện chính mình đồng thời hoàn thiện cộng đồng.”

Việc xuất hiện của Junto châm ngòi cho phong trào hình thành các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác nhau ở Philadelphia. Một trong những hoạt động quan trọng của Junto là đọc sách. Để có nhiều sách cho mọi người đọc, Benjamin Franklin đã lập ra “Library Company of Philadelphia” (“Công ty thư viện” Philadelphia). Tiền mua sách do các hội viên đóng góp và các độc giả trả phí khi mượn sách. Công ty này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một trong những thư viện vĩ đại nhất thế giới.

Năm 1730, Benjamin Franklin thành lập xưởng in của riêng mình, đồng thời lập ra tờ báo “The Pennsylvania Gazette.” Tờ báo này nhanh chóng trở thành diễn đàn bàn về việc cải cách xã hội. Với tư cách chủ bút và là người viết những bài quan trọng đề xuất những tư tưởng cách mạng, Benjamin Franklin nhanh chóng có được uy tín của một nhà cải cách thông thái.

Cùng năm, Benjamin Franklin nhận làm cha nuôi của một đứa bé tên là William và không cho biết mẹ nó là ai. Ông đã nuôi William cho đến khi người này trưởng thành và được chính Ông dàn xếp để làm thống đốc New Jersey rồi trở thành nhân vật hoàn toàn bất đồng chính kiến với Ông: William là người bảo hoàng, trong khi Benjamin Franklin là nhà cải cách.

Tháng 9 năm đó, Benjamin Franklin kết hôn (không hôn lễ) với bà Deborah Read, người đã từng có 2 đời chồng. Sau này, họ có với nhau 2 người con. Năm 1731, Benjamin Franklin trở thành một trong những nhà lãnh đạo của “Hội Tam Điểm” ở Mỹ. Ông bắt đầu viết sách về tôn chỉ và hoạt động của hội này.

Năm 1743, Ông sáng lập Hội Triết Học Mỹ. Trong những năm tháng đó, vốn kiến thức mà ông tích lũy được về khoa học và kỹ thuật đã đưa Ông lên tầm một nhà khoa học thực thụ.

Ông phát hiện ra là có 2 loại điện và gọi chúng là điện âm và điện dương. Ông nêu ra nguyên lý bảo toàn điện tích. Ông phân loại được các chất thành chất dẫn điện và chất cách điện, nhờ đó đã không gặp nguy hiểm về tính mạng khi thu điện từ các đám mây. Ông là người đầu tiên phát hiện ra sự khác nhau giữa hướng gió trong cơn bão và hướng di chuyển của cơn bão, một điều rất quan trọng đối với dự báo bão. Ông tìm ra nguyên lý làm lạnh bằng hiện tượng bay hơi và đã tạo ra được nhiệt độ “– 14 độ C” trong môi trường mùa hè bằng cách cho “ether” bay hơi.

Ông có những sáng chế đi vào lịch sử khoa học kỹ thuật. Trong số đó có:

– Cột thu lôi,

– Kính 2 tròng,

– Ống thông tiểu mềm,

Năm 1753, Benjamin Franklin được trao tặng Huy Chương Copley của Hội Hoàng Gia Anh giống như Viện Hàn lâm Khoa học…

Năm 1762, Ông được Đại học Oxford trao bằng tiến sĩ danh dự.

Trong đời sống xã hội, Benjamin Franklin cũng có những đóng góp lớn lao. Ông đã:

– Lập ra Sở Cứu hỏa  đầu tiên tại Mỹ;

– Thành lập Viện Hàn Lâm Philadelphia (Thực chất là trường đại học đầu tiên) ở Mỹ;

– Cùng với Tiến sĩ Thomas Bond thành lập Bệnh Viện Pennsylvania (Bệnh viện đầu tiên) ở Mỹ.

Cuối thập niên 1740, Benjamin Franklin bắt đầu các hoạt động với tư cách quan chức chính quyền. Ngoài các chức vụ trong chính quyền thành phố và vùng Pennsylvania. Khi đó chưa phải là một tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vì lúc đó chưa có chính quyền liên bang. Ông còn đảm nhiệm công tác ngoại giao với Anh Quốc và Pháp…

Năm 1751, Ông được bầu vào quốc hội Pennsylvania.

Năm 1754, Benjamin Franklin lãnh đạo phái đoàn Pennsylvania tham gia Đại hội Albany. Tại đó, Ông đưa ra một tuyên ngôn về Liên Minh Thuộc Địa. Mặc dù tuyên ngôn không được thông qua, nhưng nó là nền tảng về tư tưởng cho “Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc” sau này…

Từ 1757 đến 1762, Benjamin Franklin sống ở Anh để dành tâm lực cho cuộc đấu tranh chống lại các đặc quyền đặc lợi của một số nhân vật Hoàng Gia Anh tại Mỹ và đòi quyền lợi kinh tế và chính trị cho các thuộc địa của Anh trên đất Mỹ.

Năm 1763, Benjamin Franklin thay mặt chính quyền Pennsylvania đứng ra dẹp một cuộc nổi loạn. Những người tham gia cuộc nổi loạn này khi đó đang tiến hành một cuộc trả thù tàn bạo đối với những người “Indian” Mỹ – người “Da Đỏ.” Như vậy, Benjamin Franklin đã giúp người “Da Đỏ” Mỹ tránh được một cuộc thảm sát. Sau vụ đó, Benjamin Franklin lớn tiếng lên án những quan điểm phân biệt chủng tộc hiện đang khá phổ biến trong dân chúng gốc Âu.

Trong các năm từ 1764 đến 1774, Benjamin Franklin liên tục có mặt ở châu Âu để vận động cho công cuộc giải phóng thuộc địa Mỹ khỏi sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Đến năm 1775 thì Ông trở thành phần tử nguy hiểm nhất trong mắt Hoàng Gia Anh. Tháng 3 năm đó, Ông rời Anh Quốc trở về Mỹ.

Ngày 5 tháng 5 năm 1775, chiến tranh cách mạng Mỹ bắt đầu. Trong cuộc chiến này, một số vùng mà sau này là các tiểu bang đã liên kết với nhau chống lại sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Benjamin Franklin được chọn làm đại diện của Pennsylvania tham gia “Đại Hội Thuộc Địa” lần 2.

Năm 1776, Benjamin Franklin tham gia một ban gồm 5 người soạn thảo “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” trên cơ sở bản của Thomas Jefferson. Tháng 12 năm 1776, Benjamin Franklin tới Pháp với tư cách công sứ Hoa Kỳ và làm việc tại đó mãi tới 1785. Trong thời gian đó, Ông đã thuyết phục chính quyền cộng hòa Pháp tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Uy tín của Ông ở Pháp lớn đến mức việc treo chân dung của Ông trong nhà trở thành “mốt.” Một người là le Ray Chaumont đã thuê họa sĩ Duplessis vẽ chân dung ông. Đến nay, nguyên bản của bức chân dung này vẫn còn được treo trong Phòng Tranh Chân Dung Quốc Gia ở Washington DC, và đó chính là bản gốc của chân dung Ông trên tờ tiền 100 đô-la Mỹ.

Năm 1785, khi trở về Mỹ, Benjamin Franklin đã trở thành người có ảnh hưởng thứ hai ở đất nước này, chỉ sau George Washington.

Những năm tháng cuối đời, Ông dành hết tâm sức cho công cuộc giải phóng nô lệ, chủ yếu là người da đen gốc Phi Châu (Mỹ da đen)

Ghi Chú thêm:

Benjamin Franklin là người Hoa kỳ duy nhất đã để lại chữ ký trong cả 4 Văn Kiện Lập Quốc của Hoa Kỳ, trong đó có Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp.

Benjamin Franklin cũng có năng khiếu và tham gia hoạt động nghệ thuật. Ông từng chơi mấy loại nhạc cụ khác nhau và cũng có sáng tác nhạc. Ông là hội viên Hội Nghệ Thuật Hoàng Gia Anh nhiều năm. 200 năm sau, vào năm 1956, hội này đã lập ra “Huy Chương Benjamin Franklin” để trao tặng cho những tài năng nghệ thuật xuất sắc.

Về quan điểm Tôn giáo, Benjamin Franklin tin vào Chúa Jesus.

Về đức hạnh, cả đời Ông luôn giữ vững 13 đức tính: ôn hòa, kín tiếng, ngăn nắp, quyết đoán, tiết kiệm, siêng năng, chân thành, công bằng, điều độ, sạch sẽ, tĩnh tại, giản dị, khiêm tốn (temperance, silence, order, resolution, frugality, industry, sincerity, justice, moderation, cleanliness, tranquility, chastity, humility).

Benjamin Franklin mất ngày 14 tháng 4 năm 1790 tại Philadelphia.