Một trong những nguyên chân chính gây khó khăn cho người đọc sử trong việc tìm hiểu lịch sử nước nhà đó là tiếp cận được với tài liệu khả tín. Câu chuyện lịch sử cận đại về việc ông Bùi Viện (1839 – 1878), một nhân sĩ đời Tự Đức, sang Hoa Kỳ vận động ngoại giao là một thí dụ tiêu biểu.
Trong các tài liệu về lịch sử Việt Nam xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX cho đến những năm 40 của thế kỷ trước, không có bất kỳ một tài liệu nào, kể cả trong nước và ngoài nước ghi lại chuyến đi của ông Bùi Viện sang Mỹ để cầu viện. Có lẽ nhà văn Phan Trần Chúc (1907-1946) là tác giả đầu tiên và duy nhất viết về chuyến đi này trong tác phẩm Bùi Viện với chính phủ Mỹ: lịch sử ngoại giao triều Tự-Đức in lần đầu năm 1945, tái bản năm 1951. Gần đây, năm 1985 được NXB Đông Nam Á tại Paris in lại. Tác giả Phan Trần Chúc cũng là tác giả của cuốn Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức xuất bản năm 1942.
Trong tác phẩm Bùi Viện với chính phủ Mỹ, Phan Trần Chúc chép rằng ông Bùi Viện đã hai lần sang Mỹ. Lần đầu gặp Tổng thống Abraham Lincoln. Lần thứ hai sau thì Lincoln đã mất. Lần đầu sang Mỹ, ông Bùi Viện thất bại vì không có quốc thư. Ở đây tác giả gọi Tổng thống Mỹ là “thống lĩnh Lincoln” và San Francisco là “Tân-kim-Sơn. (1).
Từ đó về sau, rất nhiều bài viết trích dẫn từ tác phẩm của Phan Trần Chúc nói về hai chuyến đi trên. Cụ thể là trong Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế đã viết:
“Năm 1873, triều đình Huế cử ông (tức Bùi Viện – TTT chú) đi công cán ở Hương Cảng. Ở đây, ông có dịp tiếp xúc với viên lãnh sự Mỹ và được giới thiệu qua Mỹ để nhờ giúp nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp. Vì chưa có quốc thư của vua Việt Nam ủy quyền nên chưa thể ký kết, Bùi Viện gấp rút trở về nước báo cáo và được Tự Đức giao quốc thư ủy quyền tức tốc lên đường. Nhưng khi tới Mỹ thì tổng thống Hoa Kỳ Grant đã mất. Tổng thống mới lên thay từ chối không nhận giúp đỡ Việt Nam. Bùi Viện đành thất vọng trở về…”(2)
Tìm hiểu về sự kiện Bùi Viện hai lần đi Mỹ trong tác phẩm của Phan Trần Chúc và nội dung ghi trong tự điển nói trên, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều điều bất hợp lý, ở đây chúng tôi cũng thấy có rất nhiều vấn đề cần phải sáng tỏ.Trước tiên, chúng ta cần lưu ý mấy cột mốc sau :
– Thứ nhất, trong tác phẩm của mình, Phan Trần Chúc không ghi rõ thời điểm cụ thể hai chuyến đi Mỹ của ông Bùi Viện, mà chỉ ghi khoảng năm Qúy Dậu 1873.
– Thứ hai, ông Bùi Viện sinh năm 1837 (Ðinh Dậu), có tài liệu ghi ông sinh năm 1839 (Kỷ Hợi); mất năm 1878 (Mậu Dần). Ông đỗ Cử nhân năm 1868.
– Thứ ba, Abraham Lincoln làm Tổng thống Hoa Kỳ từ 4 tháng 3, 1861 đến 15 tháng 4, 1865.
Đối chiếu với những điều mà Phan Trần Chúc viết thì năm ông Bùi Viện đi Mỹ (1873), lúc đó, tổng thống Lincoln đã không còn nữa, vì ông đã bị ám sát năm 1865 !
Thấy được sự bất hợp lý đó, đến năm 1960, học giả Thái Văn Kiểm; lúc đó là Phó Giám đốc Văn Hóa Bộ Giáo dục Sài Gòn (1955-1962) đã viết một bài khá dài nói về chuyến đi của Bùi Viện in trong cuốn Đất Việt Trời Nam xuất bản cùng năm. Xin được trích những đoạn có liên quan:
“Chờ đợi mãi và cũng do sự vận động của người bạn Mỹ ở Hương Cảng, Bùi Viện đã được Tổng thống Ulysse Simpson Grant (1822-1885) thân tiếp một cách nồng hậu. Tổng thống Mỹ hứa sẽ giúp đỡ, vì nhận thấy tham vọng của người Âu châu ở Á đông quá rõ ràng, nhưng điều làm cho tổng thống ngần ngại là cuộc viếng thăm của Bùi Viện không chính thức vì không có quốc thư. Thủ tục ngoại giao này rất cần thiết vì tổng thống Grant căn cứ vào đâu để giúp đỡ một ngoại bang?
Thấy quốc thư là điều cần thiết, Bùi Viện cáo từ tổng thống Mỹ trở về nước và hứa sẽ qua lần nữa với quốc thư hẳn hòi: nhưng tiếc thay trên đường về cố quốc, Bùi Viện biết được chính tình của Hoa Kỳ hồi bấy giờ không cho phép Hoa Kỳ trực tiếp giúp đỡ nước Việt Nam được.
Hy vọng của Bùi Viện tan như mây khói, sự thất vọng tràn ngập trong tâm hồn Bùi Viện. Nếu chuyến đi lần này mà có quốc thư có lẽ cục diện nước Việt Nam thời đó đã thay đổi hẳn.
Lại về Hoành Tân, Bùi-Viện may mắn gặp người sứ-thần cũ, nhưng mặc dầu được bạn sốt sắng giúp đỡ, Bùi Viện cũng không làm gì được với vị Tổng-thống, nên đành đáp tàu về nước, mang theo một mối sầu vô-hạn…”(3).
Không thấy ông Thái Văn Kiểm viết gì về chuyến đi lần sau của ông Bùi Viện.
Sau bài viết đó, năm 1962, ông Thái Văn Kiểm lại viết một bài có nội dung tương tự bằng tiếng Pháp, đăng trong “Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, Nouvelle Série Tome XXXVII N°3, 3e trimestre 1962.” (Nội san của Hội Nghiên cứu Đông Dương). Ít lâu sau, một người Mỹ là Robert H. Miller dịch sang tiếng Anh để in trong cuốn The United States and Vietnam, 1787-1941, sách tái bản gần đây năm 1990. Trong cuốn sách nói trên, tác giả Robert Miller cho biết sở dĩ ông dùng tài liệu của tác giả Thái Văn Kiểm vì “Tôi đã không thể tìm thấy tài liệu nào về việc này từ các nguồn tư liệu nghiên cứu hay chính thức của Hoa Kỳ”. (4). Từ đó, kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, việc Bùi Viện đi cầu viện Mỹ càng lan tràn nhiều hơn ngay trên đất Mỹ!
Gần đây, nhiều tác giả đã viết rằng: ông Bùi Viện đã sang gặp Tổng thống Lincoln lần đầu qua Mỹ, và lần sau vì “Lincoln vừa bị ám sát, tướng Grant lên thay, bận cầm quân dẹp nội chiến” nên không gặp được. Thực ra, cuộc nội chiến Nam Bắc tại Hoa Kỳ kể như đã chấm dứt sau khi Nam quân của tướng Robert E. Lee đầu hàng tướng Ulysses Grant trong trận chiến sau cùng tại Appomattox vào ngày 9/ 4/1865. Năm ngày sau đó Tổng thống Lincoln bị ám sát. Tổng thống kế nhiệm Lincoln là Andrew Johnson (1865-1869). Ulysses Grant (1869-1877) là tổng thống Mỹ thứ 18, sau Andrew Johnson.
Trở lại bài viết của học giả Thái Văn Kiểm, tác giả đã đổi nội dung ghi chép của Phan Trần Chúc, từ việc Bùi Viện gặp Tổng thống Lincoln sang gặp Tổng Thống Simpson Grant ! Và nếu như thế thì cũng là điều vô lý, vì nếu Bùi Viện sang Mỹ lần 2 mà ông Grant mất thì không thể có. Tổng Thống Simpson Grant làm tổng thống đến năm 1877, và qua đời năm 1885, trong khi Bùi Viện mất từ năm 1878!
Mặt khác, trong tác phẩm Phan Trần Chúc, cũng như bài viết của Thái Văn Kiểm, đều có một số chi tiết là Bùi Viện đã gặp sứ thần (lãnh sự) ở Hương Cảng (Hong Kong) và Yokohama. Theo các sử gia của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì vào cuối thế kỷ XIX, trong những năm 1870, Mỹ có 3 tòa lãnh sự tại Scotland; 3 tại Wales và 6 lãnh sự quán tại England. Từ 1862 đến 1950, Hoa Kỳ lập lãnh sự quán tại Nhật theo thứ tự như sau: Kanagawa (1862); Nagasaki (1862); Hakodate (1865); Osaka (1868); Tokyo (1869); Yokohama (1897); Kobe (1902); Shimonoseki (1918); Yokkaichi (1918); Fukuoka (1950); Sapporo (1950). Như thế, Hoa Kỳ chỉ đặt lãnh sự quán ở Yokohama vào năm 1897 và chưa khi nào đặt tòa lãnh sự của mình tại Hồng Kông là thuộc địa của Anh Quốc. (5)
Do đó, việc ông Bùi Viện đã làm bạn với một sứ thần Mỹ ở Hương Cảng, hay đã gặp một viên lãnh sự Hoa Kỳ vào năm 1873 tại Yokohama là không đúng sự thật vì lúc đó, ở Nhật chưa có lãnh sự quán của Mỹ.
Tìm hiểu về tiểu sử của Bùi Viện trong sử sách là một việc khó khăn. Quốc Sử Quán triều Nguyễn khi biên soạn sách Đại Nam Liệt Truyện ghi chép khá rõ hành trạng của hầu hết các quan chức có vai trò quan trọng với triều Nguyễn, nhưng không có tên ông Bùi Viện. Trong sách Đại Nam Thực Lục chép việc xảy ra vào năm 1873, không thấy ghi chép gì về chuyến đi của ông Bùi Viện. Tên của ông được ghi trong hai năm, đó là năm 1877; năm ông được cử giữ chức Chánh quản đốc nha Tuần tải mà bấy giờ phẩm hàm chỉ là Bát phẩm, và năm sau (1878) ông bị cách chức:
“Tháng 8 năm Đinh Sửu 1877- Bắt đầu đặt nha Tuần tải (chánh, phó quản đốc mỗi chức 1 người, bát, cửu phẩm mỗi chức 1 người; thư lại 6 người, mộ dõng quyền quản 2 người, quyền suất 6 người, điển ty 1 người) lấy Biên tu lĩnh Trước tác là Bùi Viện (cử nhân ở Nam Định) sung chức Chánh quản đốc.” (6).
“Tháng chạp năm Mậu Dần (1878) – Bộ Hộ đề cử Nguyễn Hữu Thục làm Phó Ðề đốc Nam Ðịnh, thay Bùi Viện cai quản nha Tuần tải. “Bùi Viện để thiếu rất nhiều; em là Bùi Bổng phải nhận lĩnh chở thuê để khấu trừ.” Tuy nhiên, Hộ đốc Nam Ðịnh Nguyễn Trọng Hợp (1838-1902) không nhận Thục vì “chưa làm được việc gì đã lĩnh 10 vạn quan tiền công.” Vua đồng ý, cho Hợp tự lo liệu. Tổng đốc Hợp sửa lại 4 tàu thương hiệu, chọn phái các viên lãnh mộ, sử dụng tới hơn 130 người Thanh, cho thuyền và dõng binh ra biển tập luyện. Lại ủy cho bọn bang biện người Thanh đứng ra bảo nhận thuê các hiệu thuyền Thanh đi tải. Hợp cũng tố cáo ra vụ án tham ô tại Nam Ðịnh, khiến nhiều người bị phạt.”(7).
Trong tập Châu bản triều Tự Đức (1848-1883) trong năm 1870, có ghi 1 trường hợp liên quan về Bùi Viện, nhưng đó là việc ông xin cải chính năm sinh:
“Bộ Lễ trình bày việc Bùi Viện và Bùi Bổng xin cải chính năm sinh với lý do bị viên lý trưởng ghi nhầm. Hai ông đều mới đổ Cử nhân. Bộ Lễ đề nghị: Vì không cải chính khi tham dự thi cử nên phạt 6 tháng lương, chờ khi hai người được bổ nhiệm sẽ thi hành”. (8)
Trong tập tổng hợp châu bản này, không có 1 châu bản nào đề cập đến việc vua Tự Đức trao quốc thư cho Bùi Viện xuất ngoại hay tiếp xúc với người Mỹ.
Cần nói thêm, trước đó, năm 1866 sách Thực Lục chép là vua Tự Ðức cử một sứ đoàn qua Pháp do Giám mục J. D. Gauthier dẫn đầu; có Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ và Nguyễn Ðiều tháp tùng. Sau đó, nhà vua cử nhiều sứ đoàn Việt liên tục qua Hồng Kông, Ma Cao. Ngày 24/1/1874, Nguyễn Huy Hỗn báo cáo trong chuyến đi Hồng Kông và Ma Cao năm 1873. Ðiểm đáng ghi nhận là không thấy tên Bùi Viện xuất hiện trong báo cáo của các sứ đoàn này, hay bất cứ sứ đoàn nào đi Hong Kong trước đó như sứ đoàn Nguyễn Tăng Doãn, Nguyễn Hữu Lập…
Một số người cho rằng, sử không ghi chép không có nghĩa là không có. Giả sử như hai chuyến đi đó là có thật thì một loạt câu hỏi rất cần được sáng tỏ như thời điểm cụ thể Bùi Viện xuất dương là thời gian nào, ai là thông ngôn cho “sứ đoàn”. Đoàn sứ giả đó gồm bao nhiêu người? Kết quả chuyến đi có được Bùi Viện chép lại như Phạm Phú Thứ đã làm từ 10 năm trước, và quan trọng hơn là tại sao sử nhà Nguyễn và trong văn khố Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không hề có một văn bản nào lưu lại ?
Tóm lại, việc Bùi Viện qua Mỹ, được Tổng thống Mỹ tiếp kiến không được minh chứng bằng tư liệu rõ ràng từ văn khố Mỹ hay sử liệu tại Việt Nam. Kho tư liệu Pháp và các nhà truyền giáo cũng không thấy đề cập gì về chuyện đó Nội dung các thông tin được ghi chép sau này như đã dẫn ở trên là không đúng sự thực, hoặc sai lầm hay mâu thuẩn. Vậy câu hỏi rất cần được giới nghiên cứu sử học trả lời là: Có hay không hai chuyến đi Mỹ cầu viện của ông Bùi Viện ?
Tài liệu tham khảo:
– (1) Phan Trần Chúc, Bùi Viện với chính phủ Mỹ, Nxb Đông Nam Á (Paris), 1985, tr. 57-58.
– (2) Nguyễn Q. Thắng &Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, 1992, tr. 595.
– (3) Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, Nxb Nguồn Sống, 1960, tr.436-437.
– (4) Robert Hopkins Miller, United States and Vietnam 1787-1941. Diane Pub Co; 1st edition, May 1990.
– (5) Văn phòng Sử gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “A Guide to The United States’ History of Recognition, Diplomatic, and Consular Relations, By Country, Since 1776: Japan”. (http://history.state.gov/countries).
– (6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục T8, Nxb Giáo Dục, tr. 252.
– (7) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục T8, Nxb Giáo Dục, tr. 322.
– (8) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Châu bản triều Tự Đức, Nxb Văn Học, sđd, tr. 176.