Cổ ngữ có câu “trộm cướp cũng có đạo”, chính là nói rằng cho dù là cướp thì họ vẫn có những quy phạm hành hành vi ứng xử của riêng mình. Từ những ví dụ được ghi chép lại trong các sử sách đều có thể chứng minh được đạo lý này.
Từ cổ chí kim, các triều thiên tử cứ nối tiếp nhau đến rồi lại đi, hưng thịnh rồi lại suy vong. Khi xã hội trở nên rối loạn, trộm cướp cũng thuận thời mà xuất hiện khắp nơi, và hầu hết họ là vì muốn sinh tồn nên buộc phải đi theo con đường này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đạo đức của thời cổ đại vẫn được duy trì ở một mức nhất định, vậy nên cho dù là kẻ trộm cướp nhưng ít nhiều trong họ vẫn tồn giữ được những tư tưởng chính thống và vẫn luôn có sự tôn trọng, tôn kính đáng có đối với những người con hiếu thảo, người tuân thủ đạo nghĩa. Trong sử sách đều có ghi chép những câu chuyện như vậy.
Lòng hiếu thảo cảm động toán cướp
Cuối thời Tây Hán ở Bành Thành quận Sở có một người tên là Lưu Bình, thời vua Vương Mãng ông làm chủ của một quận. Lưu Bình rất có tài năng vậy nên những thế lực đối kháng với ông cũng có rất nhiều. Sau khi quân Lục Lâm bắt đầu kiến lập chính quyền, thiên hạ đại loạn, trộm cắp hoành hành tứ phương. Lưu Trọng, em trai của Lưu Bình cũng bị cường đạo giết chết.
Một ngày nọ, có một toán cướp tiến vào khu vực cai quản của Lưu Bình. Ông đã bế đứa con gái mới lên một tuổi của Lưu Trọng và dìu mẹ đẻ đi lánh nạn. Vì quá vội vàng lo sợ mà Lưu Bình đã để quên đứa con trai bé bỏng của mình ở nhà. Mẹ ông khi đó muốn đưa cả cháu trai cùng đi, tuy nhiên Lưu Bình lắc đầu và nói: “Nếu như đưa cả cháu nó đi lánh nạn, thì mọi người đều không thể sống sót, mà con lại không thể để Lưu Trọng không có người nối dõi“.
Lưu Bình cùng mẹ và cháu gái trốn vào rừng sâu, thời thiên hạ đại loạn nạn đói cũng hoành hành, một số nơi thậm chí còn xuất hiện tình trạng ăn thịt người. Trong khi đi tìm đồ ăn, Lưu Bình đã chạm trán phải một vài tên cướp, chúng bắt ông lại và chuẩn bị nướng ăn thịt. Lưu Bình rưng rưng đôi mắt dập đầu cúi lạy van xin: “Mẹ già tôi ở nhà vẫn đang đợi tôi mang đồ ăn về, đợi tôi để mẹ ăn no xong xuôi sẽ tự đến nộp mạng“.
Bọn cướp nghe xong cảm động trước lòng hiếu thảo của Lưu Bình nên đã thả ông ấy đi. Điều khiến toán cướp càng kinh ngạc hơn đó chính là sau khi Lưu Bình để mẹ ăn xong, ông ấy quả nhiên đã quay lại. Lưu Bình nói “chữ ‘nghĩa’ không thể không giữ vững”. Toán cướp lúc này ngơ ngác nhìn nhau rồi nói: “Chúng tôi thường nghe nói tới ‘liệt sĩ’, hôm nay quả thật đã gặp được. Ông mau đi đi, chúng tôi không nỡ làm hại ông”. Cuối cùng Lưu Bình cùng gia đình cũng đã được bảo toàn tính mạng.
Cuối thời nhà Hán cũng có một câu chuyện tương tự như vậy. Một vị nọ từng làm thái thú ở Đôn Hoàng tên là Triệu Tư, chính là vì lòng hiếu thảo mà ông được tiến cử thăng chức làm quan. Sau này vì lâm bệnh nặng nên Triệu Tư cáo lão hồi hương, chỉ dẫn con cháu làm ruộng cày cấy mưu sinh, nuôi dưỡng mẹ già.
Một đêm nọ có một toán cường đạo đột nhập vào nhà Triệu Tự cướp bóc. Ông lo rằng mẹ bị sợ hãi nên đã lấy hết dũng khí ra trước cửa để nghênh tiếp bọn cướp, đồng thời Triệu Tự còn lấy thức ăn ra và chiêu đãi họ, vừa bày soạn mâm cơm vừa nói: “Mẹ tôi năm nay đã gần 80 rồi, thân lại mắc trọng bệnh, lương thực tích trữ trong nhà cũng không còn bao nhiêu. Xin các vị có thể để lại cho tôi một chút lương thực và đồ đạc để phụng dưỡng mẹ già có được không?”.
Toán cướp nghe xong đều cảm thấy xấu hổ, ăn xong lặng lẽ bỏ đi, không lấy bất cứ một thứ gì. Triệu Tự thấy vậy lấy ra một ít đồ rồi đuổi theo nhưng toán cướp đã chạy rất xa rồi, cuối cùng vẫn không đuổi kịp. Từ đó về sau đức hiếu thuận của Triệu Tự được lan truyền càng ngày càng rộng.
Tình anh em làm cảm động giặc cướp
Những năm triều vua Vương Mãng đến những năm đầu thời Đông Hán, Bái Quốc (nay là lãnh thổ tỉnh An Huy) có một người tên là Triệu Hiếu, cha ông đã từng làm tướng quân trong thời kỳ vua Vương Mãng. Triệu Hiếu nổi tiếng là một người con hiếu thuận.
Thời kỳ loạn lạc đó cũng xuất hiện tình trạng ăn thịt người. Một hôm, em trai của Triệu Hiếu là Triệu Lễ bị một nhóm giặc đói bắt đi. Triệu Hiếu sau khi hay tin đã tự trói mình tiến thân nộp mạng chỗ toán cướp và nói: “Em trai tôi Triệu Lễ một thời gian dài đã không được ăn no nên gầy đi khá nhiều, chi bằng mọi người hãy ăn tôi đây vậy“.
Toán cướp nghe xong cảm thấy mười phần kinh ngạc, liền thả Triệu Hiếu cho đi tìm chút đồ ăn rồi quay lại để chuộc em trai mình. Nhưng ông không có cách nào tìm được đồ ăn nên bất đắc dĩ lại quay lại gặp cướp nguyện chết thay cho em trai mình, toán cướp ai nấy đều bị cảm động trước tình huynh đệ của họ vậy nên cuối cùng đã thả cho hai anh em nhà Triệu Hiếu rời đi. Triệu Hiếu còn vì lòng hiếu thảo của mình nên đã được thăng quan, được hoàng đế tán thưởng.
Tại thời kỳ đó cũng có một câu chuyện khác tương tự xảy ra. Nước Tề có hai anh em nọ tên là Lương Quận Xa và Thành Tử Uy, hai người họ đều bị quân Xích Mi bắt giữ. Trước khi họ bị giết, cả hai đều dập đầu cầu xin được chết thay cho nhau. Quân binh Xích Mi thấy vậy cảm động và thả họ rời đi.
Tuân Cự Bá vì nghĩa xả thân bảo vệ bạn bè
Cuối thời Đông Hán vua Hán Hoàn Đế cai trị có một người tên là Tuân Cự Bá đi từ phương xa đến thăm người bạn bị bệnh, đúng lúc gặp phải quân Hồ đang tấn công vào thành. Bạn của Tuân Cự Bá nói với ông rằng: “Tôi sắp chết rồi! Ông hãy mau rời khỏi nơi loạn lạc này đi!”, Tuân Cự Bá nói: “Tôi từ phương xa đến đây thăm ông, ông lại muốn tôi rời đi, chỉ vì bảo toàn tính mạng mà vứt bỏ chính nghĩa, đây là việc mà Tuân Cự Bá tôi sẽ làm sao?”. Nói rồi ông cương quyết ở lại chăm sóc cho người bạn của mình.
Sau khi quân Hồ tiến vào thành, họ đã nói với Tuân Cự Bá rằng: “Đại quân ta đi tới đâu là ở đó sẽ không còn một bóng người, ngươi là ai mà dám một mình đơn thân lưu lại nơi này?” Tuân Cự Bá nói: “Bạn tôi đang lâm bệnh, tôi không thể nhẫn tâm để ông ấy lại một mình, tôi tình nguyện lấy tính mạng mình đổi lấy tính mạng của bạn tôi“.
Quân Hồ khi đó bàn tán: “Chúng ta đây là những kẻ không hiểu đạo nghĩa, lại tiến vào chiếm thành của những người trọng đạo nghĩa các người!” Nói rồi quân đội liền giải tán. Cả thành trì đều được vẹn toàn.
Vì để cứu người mà tên trộm đã tự đầu thú
Vào những năm Đại Thuận niên hiệu Quang Khởi vua Đường Hy Tông, các vụ đào trộm mộ xảy ra ở huyện Bao Trung, quan phủ đã cho lệnh truy lùng một thời gian dài mà vẫn chưa bắt được hung thủ trong khi đó triều đình lại liên tục thúc ép khẩn trương phá án thật nhanh.
Một ngày nọ, quan phủ bắt được một người, nhưng đến cả năm trời anh ta vẫn không nhận tội. Cuối cùng trưởng ngục đã dùng khổ hình tra tấn anh ta, người này không chịu nổi đã nhận tội và bị kết án tử hình.
Tuy nhiên đúng lúc trước giờ hành hình, trong số những người đến xem xử án đột nhiên có một người đứng dậy và nói: “Vương pháp tại sao có thể xử oan người vô tội. Kẻ đào trộm mộ là tôi, người này có tội trạng gì mà lại lấy đầu anh ta? Mau chóng thả hắn đi“. Ông ta nói xong rồi rút ra những tang vật đã lấy được khi đào trộm mộ. Sau khi quan phủ kiểm nghiệm xong đã chứng thực được chính xác kẻ trộm mộ.
Phiên soái (hay Tiết độ sứ) đã tự thân đến thẩm vấn người mà trước đây đã từng nhận tội, người này nói: “Mặc dù tôi biết mình vô tội nhưng tôi không thể chịu được sự tra tấn tàn khốc của cai ngục, vậy nên đã bảo người nhà ngụy tạo tang vật, hy vọng được chết sớm“.
Phiên soái nghe xong vô cùng kinh hoàng, ông liền báo cáo lại sự việc lên triều đình. Kết quả phán xét cuối cùng là: đem quan cai ngục thẩm lý vụ án trói lại trị tội, người bị xử oan đã được thả và được đền bù, người tự ra đầu thú chịu phạt làm nha dịch, tuy nhiên cả hai người vẫn đều được thưởng.
Cổ ngữ có câu “trộm cướp cũng có đạo“, chính là nói rằng cho dù là cướp thì họ vẫn có những quy phạm hành hành vi ứng xử của riêng mình. Từ những ví dụ được ghi chép lại trong các sử sách đều có thể chứng minh được đạo lý này.
Anh Kỳ
Theo: Epochtimes
Tài liệu tham khảo:
- Hậu Hán Thư
- Thế Thuyết Tân Ngữ
- Thái Bình Quảng Ký trích từ Ngọc Đường Nhàn Thoại